Hội chứng cổ vai cánh tay với triệu chứng lâm sàng thường gặp là đau vùng cổ, vai và có thể lan xuống tay, kèm theo một số rối loạn cảm giác và/hoặc vận động tại vùng chi phối của rễ dây thần kinh cột sống cổ bị ảnh hưởng.
Hội chứng cổ vai cánh tay thường gặp những người làm việc có tính chất phải giữ một tư thế quá lâu như nhân viên văn phòng, lái xe,….Và ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện nay. Y học cổ truyền là một biện hiệu quả để điều trị hội chứng cổ vai cánh tay
Dưới đây là chia sẻ về 1 ca bệnh hội chứng cổ vai cánh tay đã điều trị hiệu quả tại Phòng khám Tuệ Y Đường. Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây nhé!
I. Chia sẻ về ca bệnh hội chứng cổ vai cánh tay điều trị tại Phòng khám Tuệ Y Đường
1. Bác sĩ CKI Nguyễn Nhật Minh thăm khám cho bệnh nhân
1.1 Bệnh sử
Bệnh nhân tên là Nguyễn Thị Nga 56 tuổi, nội trợ. Theo lời bệnh nhân kể, bệnh nhân thấy đau vùng cổ vai gáy 2 bên, đau âm ỉ cả ngày, có đi khám và chụp X-quang tại bệnh viện đa khoa Hà Đông, được chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ C3-C4. Bệnh nhân về nhà dùng dầu gió xoa bóp vùng cổ vai gáy, vài ngày sau tự thấy đỡ.
Khoảng 1 tuần trước khi đến khám tại Tuệ Y Đường, bệnh nhân thấy đau nhiều vùng cổ vai gáy, đau lan ra hai vai xuống mặt sau cánh tay, kèm theo tê mỏi cánh tay, có khi đau lan lên đỉnh đầu, đau tăng khi cử động, đau nhiều về đêm và khi mới ngủ dậy. Thỉnh thoảng bệnh nhân thấy chóng mặt, ngủ kém hơn, ăn uống bình thường. Bệnh nhân đến khám và điều trị tại Tuệ Y Đường.
1.2 Tiền sử
Thoái hóa cột sống cổ C3-C4 phát hiện cách đây 2 tháng, chưa phát hiện bệnh lý nội – ngoại khoa khác, không có tiền sử dị ứng
Bạn đọc có bất kỳ thắc mắc về vấn đề cơ xương khớp cũng như các bệnh lý khác vui lòng liên hệ hotline: 0789.501.555 để được tư vấn trực tiếp nhé!
1.3 Thăm khám
– Bộ phận bị bệnh
+ Hội chứng cột sống cổ (+):
- Cột sống cổ giảm đường cong sinh lý
- Co cứng cơ cạnh sống cổ, co cứng cơ thang hai bên
- Điểm đau cột sống C4, C5
+ Hội chứng chèn ép rễ thần kinh cổ (+):
- Điểm đau cạnh sống tại C3-C4, C4-C5, C5-C6 hai bên
- Dấu hiệu bấm chuông (+)
- Nghiệm pháp spurling (+)
- Nghiệm pháp kéo dãn cổ (+)
+ Hội chứng động mạch sống nền (+): Đau đầu vùng chẩm, chóng mặt nhẹ
+ Hội chứng tủy cổ (-)
– Các bộ phận khác: Chưa phát hiện bất thường
>>> Chẩn đoán: Hội chứng cổ vai cánh tay
2. Điều trị
2.1 Châm cứu
Bác sĩ CKI Nguyễn Nhật Minh châm cứu cho bệnh nhân hội chứng cổ vai cánh tay theo phác đồ huyệt như sau:
Phong trì
Thiên trụ
Cự cốt
Phế du
Kiên trung – Nhu du
Khúc trì
Trung phủ
Hậu khê – Uyển cốt
Châm bình bổ bình tả – điện châm 20 phút kèm cứu ngải
Xoa bóp bấm huyệt giải tỏa khối co cơ vùng cổ (cơ thang, cơ bám gai đầu, cơ dựng sống vùng cổ). Vùng cơ bám xung quanh khớp và cơ vùng cánh tay.
Kết hợp đắp cao thuốc của phòng khám cho bệnh nhân.
Mời bạn đọc tham khảo thêm bài viết: Hiệu quả chữa đau cổ vai gáy bằng châm cứu
2.2. Dùng thuốc: Quyên tý thang
Khương hoạt 9g Khương hoàng 10g Phòng phong 6g Đương quy 12g Xích thược 10g Chích cam thảo 3g Phụ tử 4g |
Xuyên khung 10g Tục đoạn 15g Đỗ trọng 12g Uy linh tiên 8g Cốt toái bổ 15g Táo nhân 10g Quế chi 8g |
Sau 5 buổi điều trị: Khối cơ đã mềm, đỡ đau vùng cổ vai gáy, bấm điểm cạnh sống không còn đau lan, đỡ tê tay, đỡ đau đầu chóng mặt.
II. Một số điều cần biết về hội chứng cổ vai cánh tay
1. Hội chứng cổ vai cánh tay là gì
Theo Y học hiện đại, hội chứng cổ vai cánh tay, còn gọi là hội chứng vai cánh tay hay bệnh lý rễ tủy cổ, là một nhóm các triệu chứng lâm sàng liên quan đến các bệnh lý cột sống cổ có kèm theo các rối loạn chức năng rễ, dây thần kinh cột sống cổ và/hoặc tủy cổ, không liên quan tới bệnh lý viêm.
2. Nguyên nhân gây hội chứng cổ vai cánh tay
– Nguyên nhân gây hội chứng cổ vai cánh tay thường gặp nhất là do thoái hóa cột sống cổ, thoái hóa các khớp liên đốt và liên mỏm bên làm hẹp lỗ tiếp hợp, hậu quả là gây chèn ép rễ/dây thần kinh cột sống cổ tại các lỗ tiếp hợp.
– Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, đơn thuần hoặc phối hợp với thoái hóa cột sống cổ cũng có thể gây hội chứng cổ vai cánh tay
– Các nguyên nhân ít gặp khác gây hội chứng cổ vai cánh tay gồm chấn thương, khối u, nhiễm trùng, loãng xương, bệnh lý viêm cột sống, bệnh lý phần mềm cạnh cột sống
– Trong một số trường hợp hội chứng cổ vai cánh tay là do bản thân bệnh lý của cột sống cổ gây đau cổ và lan ra vai hoặc tay, mà không có bệnh lý rễ dây thần kinh cổ
3. Triệu chứng lâm sàng của hội chứng cổ vai cánh tay
– Hội chứng cột sống cổ
+ Đau vùng cổ gáy, có thể khởi phát cấp tính sau chấn thương, sau động tác vận động cổ quá mức, hoặc tự nhiên như sau khi ngủ dậy. Đau cũng có thể xuất hiện từ từ, âm ỉ, mạn tính.
+ Hạn chế vận động cột sống cổ, có thể kèm theo dấu hiệu vẹo cổ, hay gặp trong đau cột sống cổ cấp tính
+ Điểm đau cột sống cổ khi ấn vào các gai sau, cạnh cột sống cổ tương ứng các rễ thần kinh.
– Hội chứng rễ thần kinh
+ Đau vùng gáy lan lên vùng chẩm và xuống vai hoặc cánh tay, bàn tay. Đau thường tăng lên khi xoay đầu hoặc gập cổ về phía bên đau.
+ Rối loạn vận động, cảm giác kiểu rễ: Yếu cơ và rối loạn cảm giác như rát bỏng, kiến bò, tê bì ở vùng vai, cánh tay, hoặc ở bàn tay và các ngón tay.
+ Một số nghiệm pháp đánh giá tổn thương rễ thần kinh cổ:
Dấu hiệu chuông bấm: Ấn điểm cạnh sống tương ứng với lỗ tiếp hợp thấy đau xuất hiện từ cổ lan xuống vai và cánh tay.
Nghiệm pháp Spurling: Bệnh nhân ngồi hoặc nằm nghiêng đầu về bên đau, thầy thuốc dùng tay ép lên đỉnh đầu bệnh nhân, làm cho đau tăng lên.
Nghiệm pháp dạng vai: Bệnh nhân ngồi, cánh tay bên đau đưa lên trên đầu và ra sau, các triệu chứng rễ giảm hoặc mất.
Nghiệm pháp kéo giãn cổ: Bệnh nhân nằm ngửa, thầy thuốc dùng tay giữ chẩm và cằm và kéo từ từ theo trục dọc, làm giảm triệu chứng.
– Hội chứng tủy cổ
+ Do lồi hoặc thoát vị đĩa đệm gây chèn ép tuỷ cổ tiến triển trong một thời gian dài.
+ Biểu hiện sớm là dấu hiệu tê bì và mất khéo léo hai bàn tay, teo cơ hai tay, đi lại khó khăn, nhanh mỏi. Giai đoạn muộn tùy vị trí tổn thương có thể thấy liệt trung ương tứ chi; liệt ngoại vi hai tay và liệt trung ương hai chân; rối loạn phản xạ đại tiểu tiện.
– Các triệu chứng khác
+ Hội chứng động mạch sống nền: Đau đầu vùng chẩm, chóng mặt, ù tai, mờ mắt, đôi khi có giảm thị lực thoáng qua, mất thăng bằng, mệt mỏi.
+ Có thể có các rối loạn thần kinh thực vật: Đau kèm theo ù tai, rối loạn thị lực, rối loạn vận mạch vùng chẩm vai hoặc tay.
+ Khi có các triệu chứng toàn thân như sốt, rét run, vã mồ hôi vào ban đêm, sụt cân,… cần phải đặc biệt lưu ý loại trừ bệnh lý ác tính, nhiễm trùng.
Có thể bạn quan tâm: Chữa khỏi ca đau lưng cấp tại Tuệ Y Đường
4. Điều trị hội chứng cổ vai cánh tay
Bác sĩ sẽ tùy theo mức độ của bệnh lý hội chứng cổ vai cánh tay để tìm ra các phương pháp điều trị phù hợp. Nếu không được điều trị sớm, đến khi hội chứng cổ vai cánh tay nặng hơn thì mọi sinh hoạt, vận động liên quan đến vùng cổ, vai, gáy dù nhẹ cũng đều gây đau đớn và làm hạn chế mọi sinh hoạt của bệnh nhân.
4.1 Nguyên tắc điều trị hội chứng cổ vai cánh tay
– Điều trị nguyên nhân kết hợp với điều trị triệu chứng bệnh.
– Bên cạnh đó kết hợp thuốc điều trị, không dùng thuốc và các biện pháp phục hồi chức năng.
– Vật lý trị liệu, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt vùng cổ cánh tay tác dụng để giảm đau và chống phù nề, tăng cường tuần hoàn dinh dưỡng. Kết hợp bấm nắn đốt sống bằng cách day và ấn trực tiếp lên gai sau đốt sống theo hướng ra trước, sang phải và sang trái.
– Tập vận động cổ, bả vai, khớp vai, cánh tay
– Đeo nẹp cổ để có tác dụng nâng đỡ và hỗ trợ cho cột sống cổ trong trường hợp đau cấp, đau vừa và nặng, sau kéo giãn cột sống cổ.
– Kéo giãn cột sống cổ làm giãn cơ tích cực cắt đứt vòng xoáy bệnh lý đau; làm mở rộng các khe khớp và lỗ ghép từ đó giảm chèn ép các rễ thần kinh; giảm sự di lệch khớp.
– Chế độ làm việc, nghỉ ngơi, sinh hoạt khoa học, hợp lý. Phải giữ ấm vùng cổ vai khi trời lạnh, khi đi xe máy, khi ngủ. Không nên để quạt, điều hoà xối trực tiếp vào vùng gáy. Tập luyện các môn thể thao nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe.
4.2 Điều trị cụ thể hội chứng cổ vai cánh tay
4.2.1 Điều trị không dùng thuốc
– Thay đổi thói quen sinh hoạt, công việc (tư thế ngồi làm việc, sử dụng máy tính, …).
– Trong giai đoạn cấp khi có đau nhiều hoặc sau chấn thương có thể bất động cột sống cổ tương đối bằng đai cổ mềm
– Tập vận động cột sống cổ, vai, cánh tay với các bài tập thích hợp
– Vật lý trị liệu: Liệu pháp nhiệt, kích thích điện, siêu âm liệu pháp, xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, kéo giãn cột sống (tại các cơ sở điều trị vật lý và phục hồi chức năng).
4.2.2 Điều trị dùng thuốc
– Thuốc giảm đau: tùy mức độ đau, có thể dùng đơn thuần hoặc phối hợp các nhóm thuốc sau:
+ Thuốc giảm đau thông thường: Paracetamol viên 0,5-0,65g x 2-4 viên/24h (không dùng quá 3g paracetamol/24h).
+ Thuốc giảm đau dạng phối hợp: Paracetamol kết hợp với một opiad nhẹ như codein hoặc tramadol: 2-4 viên/24h.
+ Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Lựa chọn một thuốc thích hợp tùy cơ địa bệnh nhân và các nguy cơ tác dụng phụ. Liều thường dùng: Diclofenac 75-150 mg/ngày; piroxicam 20 mg/ngày; meloxicam 7,5-15 mg/ngày; celecoxib 100-200 mg/ngày; hoặc etoricoxib 30-60 mg/ngày. Nếu bệnh nhân có nguy cơ tiêu hóa nên dùng nhóm ức chế chọn lọc COX-2 hoặc phối hợp với một thuốc ức chế bơm proton.
– Thuốc giãn cơ
+ Thường dùng trong đợt đau cấp, đặc biệt khi có tình trạng co cứng cơ
+ Các thuốc thường dùng: Epirisone 50 mg x 2-3 lần/ngày, hoặc tolperisone 50-150 mg x 2-3 lần/ngày), hoặc mephenesine 250 mg x 2-4 lần/ngày, hoặc diazepam.
– Các thuốc khác
+ Thuốc giảm đau thần kinh: Có thể chỉ định khi có bệnh lý rễ thần kinh nặng hoặc dai dẳng, nên bắt đầu bằng liều thấp, sau đó tăng liều dần tùy theo đáp ứng điều trị: Gabapentin 600-1200 mg/ngày, hoặc pregabalin 150-300 mg/ngày.
+ Thuốc chống trầm cảm ba vòng (liều thấp): Amitriptyline hoặc nortriptyline (10-25 mg/ngày) khi có biểu hiện đau thần kinh mạn tính hoặc khi có kèm rối loạn giấc ngủ.
+ Vitamin nhóm B: Viên 3B (B1, B6, B12) hoặc dẫn chất B12 mecobalamin (1000 -1500 mcg/ngày).
+ Corticosteroid: Trong một số trường hợp có biểu hiện chèn ép rễ nặng và có tính chất cấp tính mà các thuốc khác ít hiệu quả, có thể xem xét dùng một đợt ngắn hạn corticosteroid đường uống (prednisolone, methylprednisolone) trong 1-2 tuần.
4.2.3 Điều trị ngoại khoa
– Một số chỉ định: Đau nhiều song điều trị nội khoa ít có kết quả, có tổn thương thần kinh nặng và tiến triển, có chèn ép tủy cổ đáng kể.
– Một số phương pháp phẫu thuật chủ yếu: Chỉnh sửa cột sống để giải phóng chèn ép thần kinh tại các lỗ tiếp hợp bị hẹp, lấy nhân nhày đĩa đệm thoát vị, làm dính và vững cột sống.
4.2.4 Các phương pháp khác
– Tiêm corticosteroid ngoài màng cứng hoặc tiêm khớp liên mỏm sau (facet) cạnh cột sống cổ: Có thể được chỉ định và thực hiện tại các cơ sở chuyên khoa.
– Các thủ thuật giảm đau can thiệp: Phong bế rễ thần kinh chọn lọc; điều trị đốt thần kinh cạnh hạch giao cảm cổ bằng sóng cao tần (radio frequency ablation, RFA).
III. Cách phòng ngừa hội chứng cổ vai cánh tay
Sau đây là một số điều bạn nên lưu ý để có thể phòng tránh được hội chứng đau cổ vai cánh tay:
- Mỗi người cần có một lối sống khoa học, nên xây dựng những bài tập thể dụng cho vùng cổ và cánh tay đồng thời luyện tập thể thao thường xuyên với những bài tập cụ thể.
- Bạn nên làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, nên thư giãn vùng cổ nếu ngồi làm việc trong một khoảng thời gian dài
- Tập cho bản thân tư thế ngồi hợp lý, tránh cúi gập cổ trong thời gian dài cũng như hạn chế ngồi sai tư thế
- Xoa bóp, matxa vùng cổ sau một thời gian dài sau khi đọc sách, sử dụng máy tính.. giúp máu lưu thông tốt hơn và các cơ vùng cổ được thư giãn nhiều hơn giúp hạn chế triệu chứng đau trong hội chứng cổ vai cánh tay
- Ăn uống đủ dinh dưỡng, tránh những thực phẩm có hại cho cơ thể, nên bổ sung nhiều canxi, vitamin D, Kali…
Đối với bệnh nhân có tiền sử mắc hội chứng cổ vai cánh tay sau khi điều trị thành công thì nên đi khám sức khỏe định kỳ để tránh tình trạng tái phát bệnh.
Một số bài tập giúp phòng tránh hội chứng cổ vai cánh tay
Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc xin phép được gửi về:
Facebook: Tuệ Y Đường
Bác sỹ CKI: Nguyễn Nhật Minh
Bác sĩ: Đoàn Dung
Địa chỉ: 166 Nguyễn Xiển – Hạ Đình – Thanh Xuân – Hà Nội
Hotline: 0789.502.555 – 0789.503.555 – 0789.501.555