ĐẦU THỐNG – CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

 

Đầu thống là một dạng bệnh lý phổ biến với triệu chứng đặc trưng là đau đầu, tùy vào nguyên nhân mà tính chất đau, vị trí đau sẽ khác nhau. Vậy cách nhận biết, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị bệnh đầu thống ra sao hãy cùng Đông y Tuệ Y ĐườngBác sĩ CKI Nguyễn Nhật Minh tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Đầu thống xảy ra khi kinh mạch thiếu hụt đột ngột hoặc không được nuôi dưỡng đầy đủ làm tinh khiếu không thông lợi
Đầu thống xảy ra khi kinh mạch thiếu hụt đột ngột hoặc không được nuôi dưỡng đầy đủ làm tinh khiếu không thông lợi

I. Đại Cương

1. Khái niệm

Đầu thống là chứng bệnh có biểu hiện đặc trưng là đau đầu, nguyên nhân do kinh mạch thiếu hụt đột ngột hoặc không được nuôi dưỡng đầy đủ làm tinh khiếu không thông lợi gây nên.

2. Đôi nét về “Đầu thống”

– Chứng bệnh này lần đầu thấy mô tả trong “Nội kinh”, gọi là đầu thống, nguyên nhân được xác định do ngoại cảm và nội thương gây nên

–  Trong “Tố vấn – Kỳ bệnh luận” có nêu: Khi đại hàn xâm phạm, xâm nhập vào cốt tủy, tủy lấy não là chủ, não nghịch lên gây chứng đầu thống.

– Trong “ Tố Vấn – Phong luận” có nêu: Phong khí tuần hành từ phong phủ đi lên thành chứng não phong, mới gội đầu mà bị trúng phong thì thành chứng đầu phong.

– Trong “Tố vấn – Cử thông luận” có nêu: Hàn khí nhập kinh mà ứ trệ không hành, trú ở mạch làm khí không thông gây đau đột ngột. Lý luận này trong “Nội kinh” đã đặt cơ sở lý luận cho chứng đầu thống.

–  Trương Trọng Cảnh trong “Thương hàn luận” đã bàn về bệnh đau đầu do thái dương, dương minh, thiếu dương, quyết âm, đồng thời đã đưa ra pháp điều trị và bài thuốc tương ứng.

–  Đời Kim – Nguyên, Lý Cảo trước tiên phân nguyên nhân gây đầu thống thành ngoại cảm đầu thống và nội thương đầu thống, bổ sung thêm thái âm đầu thống và thiếu âm đầu thống; đã đặt cơ sở cho việc phân kinh và sử dụng thuốc sau này. 

– Trong “Lan thất bí tàng – Đầu thống môn” có nêu: 

+ Thái dương kinh gây đau đầu, sợ gió, mạch phù khẩn thì dùng xuyên khung, khương hoạt, độc hoạt, ma hoàng.

+ Thiếu dương kinh gây đau đầu, mạch huyền tế, hàn nhiệt vãng lai thì dùng sài hồ…

+ Dương minh kinh gây đau đầu, tự ra mồ hôi sốt, sợ lạnh, mạch phù hoãn thực thì dùng thăng ma, cát căn, thạch cao, bạch chỉ; thái âm kinh gây đau đầu là do đàm, nên dùng thương truật, bán hạ, nam tinh… 

+ Thiếu âm kinh gây đau đầu, kinh tam âm và tam dương không sơ hành mà thấy chân lạnh, khí nghịch là do hàn quyết, mạch trầm tế thì dùng bài Ma hoàng phụ tử tế tân thang… 

+ Quyết âm gây đau đầu và cổ gáy, hoặc thấy nôn ra đờm bọt, người lạnh, mạch phù hoãn thì dùng bài Ngô thù du thang. 

– Chu Chấn Hưởng (đời Kim – Nguyên) trên cơ sở luận thuyết của Lý Cảo đã nhấn mạnh vai trò của đàm – hỏa trong quá trình gây nên đau đầu. 

– Trong “Đan Khê tâm pháp – Đầu thống” có nêu: Đau đầu chủ yếu là do đàm, đau nhiều do hỏa nặng.

–  Đời Minh, Trưởng Cảnh Nhạc, Lý Trung Tử đã có nhiều đóng góp trong biện chứng luận trị chứng đau đầu. 

– Đời Thanh, Diệp Thiên Sĩ đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong luận trị đau đầu.

–  Trong “Lâm chứng chỉ nam y án – Đầu thống” có nêu:

+ Nếu dương hư trọc tà trệ tắc, khí huyết ứ tắc gây đau đầu thì dùng kiến đen để khai thông huyết lạc, tuyên thông dương khí

+ Nếu hỏa phong biến động, kết hợp với phong thử thượng uất gây đau đầu thì dùng hà diệp tươi, mạn kinh tử, chi tử để tân tán khinh thanh

+ Nếu âm hư dương vượt gây đau đầu thì dùng phục mạch thang, cam mạch đại táo thang gia a giao, bạch thược, mẫu lệ để trấn nhiếp ích hư, hòa dương tức phong

+ Nếu quyết âm phong mộc đưa lên, kèm theo nội phong gây đau đầu thì dùng hà thủ ô, bá tử nhân, cúc hoa, bạch thược, kỷ tử để tức can phong, tư thận thủy

– Các triệu chứng mô tả đầu thống đối chiếu với y học hiện đại là thuộc các bệnh nhiễm khuẩn phát sốt, đau đầu trong tăng huyết áp, đau đầu trong tăng nhãn áp Glocom, đau đầu căn nguyên mạch, đau đầu do căng thẳng thần kinh,…

Mời bạn đọc tham khảo thêm bài viết: Châm cứu trong đau đầu

II. Nguyên Nhân Và Cơ Chế Bệnh Sinh

Có nhiều nguyên nhân gây nên hội chứng đầu thống
Có nhiều nguyên nhân gây nên hội chứng đầu thống

Đầu là nơi hội tụ các kinh dương, phủ của thanh dương, tinh huyết của ngũ tạng và thanh khí của lục phủ đều đưa lên não. Nếu tà khí lục dâm xâm nhập, hoặc tiếp phạm thanh dương, hoặc theo kinh đưa lên làm kinh mạch thiếu hụt đột ngột; hoặc do các bệnh nội thương làm chính khí hao hư, âm dương thất điều, mạch não không được nuôi dưỡng… đều có thể phát sinh chứng đau đầu. Nguyên nhân bệnh gồm hai loại lớn là do ngoại cảm và nội thương gây nên.

– Ngoại cảm lục dâm: Sinh hoạt không cẩn thận làm tà khí phong, hàn, thấp, nhiệt xâm nhập làm cho kinh mạch vùng đầu thiếu hụt đột ngột gây đau đầu. 

+ Đầu là nơi cao nhất nên thường gặp đau đầu do phong tà gây nên. Phong tà trong lục dâm là hay gặp nhất, ngoài ra phong còn kết hợp với các tà khí khác gây nên bách bệnh.

+  Nếu phong kết hợp với hàn, hàn thuộc âm tà dễ gây tổn thương dương khí, thanh dương bị cản trở, hàn ngưng huyết sáp làm kinh mạch không thông, thiếu hụt cấp gây đau đầu. 

+ Nếu phong kết hợp nhiệt, nhiệt thuộc dương tà, phong nhiệt đưa lên phạm thanh khiếu, ủng trệ không thông gây đau đầu.

+  Nếu phong kết hợp với thấp, thấp thuộc âm tà, phong thấp bưng bít thanh khiếu gây đau đầu.

– Nội thương bất túc: Não là bể của tủy, dựa vào tinh huyết của ngũ tạng, thanh khí của lục phủ để nhu dưỡng. Do đó, đau đầu do nội thương gây nên có mối quan hệ mật thiết đến can, tỳ, thận. 

+ Nếu do tuổi già, sinh hoạt tình dục quá độ làm thận âm hao hư, thủy không hàm mộc làm can dương thiên cang, đưa lên nhiễu loạn thanh khiếu gây đau đầu. Rối loạn tình chí, cân không sơ tiết làm khí uất hóa hỏa, đưa lên nhiễu loạn thanh khiếu gây đau đầu.

+  Ăn uống không điều độ, mệt nhọc quá sức làm tỳ mất kiện vận, đàm trọc nội sinh, đàm trọc ứ trở bên trong làm thanh dương không thăng, trọc âm không giáng, bưng bít thanh khiếu gây đau đầu; hoặc nguồn hóa sinh bất túc, khí huyết hao hư, mạch não không được nuôi dưỡng gây đau đầu. 

+ Nếu tuổi cao sức yếu, sinh hoạt tình dục quá độ làm tổn thương thận, thận không thể sinh tủy làm tủy hải trống rỗng, não không được nuôi dưỡng gây đau đầu.

+ Ngoài ra bệnh lâu ngày nhập lạc, chấn thương não làm khí huyết ứ trệ, mạch não không thông cũng có thể gây đau đầu.

Tóm lại nguyên nhân gây đau đầu là do ngoại cảm và nội thương gây nên

–  Nếu do ngoại cảm thì nguyên nhân bệnh sinh do tà ủng trệ ở kinh mạch, khí huyết không lưu thông, kinh mạch bị thiếu hụt đột ngột.

– Nếu do nội thương, vị trí bệnh tuy ở não nhưng liên quan mật thiết đến can, tỳ, thận.

+ Nếu do can thì thường là can khí uất kết hóa hỏa, đưa lên nhiễu loạn thanh khiếu

+ Nếu do tỳ thì hoặc là đàm trọc nội sinh làm đàm trọc bưng bít thanh khiếu hoặc nguồn gốc hóa sinh bất túc làm khí huyết hao hư, mạch não không được nuôi dưỡng

+ Nếu thận hư hoặc là do thận hư không sinh tủy làm tủy hải trống rỗng; hoặc thận thủy hao hư làm thủy không hàm mộc, can dương thiên cang, đưa lên nhiễu loạn thanh khiếu

– Ngoài ra, các yếu tố như chấn thương, bệnh lâu ngày làm cho huyết ứ gây bệnh.

????? Bạn đọc có bất kì thắc mắc về vấn đề cơ xương khớp cũng như các bệnh lý khác vui lòng liên hệ hotline: 0789501555 để được tư vấn trực tiếp

III. Chẩn Đoán

– Triệu chứng chủ yếu là đau đầu, hoặc thấy đau đầu toàn bộ, hoặc cục bộ, tính chất đau âm ỉ, căng đau, đau dữ dội, đau di chuyển,…

– Đau đầu do ngoại cảm thường kèm theo chứng của ngoại cảm, khởi bệnh cấp, diễn biến bệnh ngắn. Đau đầu do nội thương thường kèm theo triệu chứng của nội thương, diễn biến bệnh từ từ, bệnh thỉnh thoảng tái phát

– Kiểm tra huyết học, xét nghiệm dịch não tủy, đo huyết áp, chụp CT và MRI giúp cho chẩn đoán

IV. Biện Chứng Luận Trị

1. Căn cứ biện chứng

– Biện luận về ngoại cảm và nội thương:

+ Đầu thống do ngoại cảm thấy khởi bệnh cấp, diễn biến ngắn, đau đầu tương đối kịch liệt, thường kèm theo biểu hiện của chứng ngoại tà phạm phế vệ, cần phân biệt do phong, hàn, thấp hay nhiệt gây nên

+  Đầu thống do nội thương thấy khởi phát bệnh từ từ, diễn biến kéo dài, hay tái phát, bệnh lúc nhẹ lúc nặng, cần phân biệt do khí hư, huyết hư, thận hư, can hư, đàm trọc hay huyết ứ gây nên

– Biện luận vị trí đau đầu: Đầu là nơi hội tụ các kinh dương, kinh dương của chân và tay đều tuần hành lên đầu mặt, kinh quyết âm cũng hội ở trên đỉnh đầu. Do cảm thụ tà khí của kinh lạc tạng phủ là không giống nhau nên vị trí đau đầu cũng khác nhau

+  Đầu thống thuộc kinh thái dương thường thấy đau ở phía sau đầu lan xuống cổ gáy

+  Đầu thống thuộc kinh dương minh  thường thấy đau trước trán lan đến góc lông mày

+  Đầu thống thuộc kinh thiếu dương thường thấy đau 2 bên thái dương lan xuống tai

+  Đầu thống thuộc kinh quyết âm thường thấy đau vùng đỉnh đầu hoặc liên quan đến mắt

– Biện luận theo tính chất đau: 

+ Đau do phong hàn thường đau dữ dội, lan ra cổ gáy và lưng

+ Đau do phong nhiệt thấy đầu căng chướng, đau như muốn vỡ bụng

+ Đau do phong thấp thấy đầu đau như bó thít

+ Đau do đàm thấp thấy căng nặng

+ Đau do can hỏa thấy đau như búa bổ 

+ Đau do can dương thấy đầu đau mà căng chướng

+ Đau do huyết ứ thấy đầu đau dữ dội, đau cố định

+ Đau do hư chứng thấy đau đầu âm ỉ, triền miên hoặc cảm thấy đầu óc trống rỗng

2. Nguyên tắc điều trị

– Đầu thống do ngoại cảm thường thuộc thực chứng, pháp điều trị: Tán phong khứ tà. Tuy nhiên nên phối hợp với hàn, thấp, nhiệt để đưa ra pháp cụ thể: Nếu kèm hàn thì tán hàn, kèm thấp thì hóa thấp, kèm theo nhiệt thì thanh nhiệt.

– Đầu thống do nội thương gồm cả hư và thực, pháp điều trị phải phù chính rồi khứ tà, hoặc khứ tà rồi mới phù chính

– Tuy vậy, cần phân biệt rõ tình trạng bất túc hay hữu dư của khí, huyết, âm, dương với ngũ tạng để lựa chọn các pháp điều trị khác nhau: 

+ Nếu can dương thiên cang thì nên dùng pháp tức phong tiềm dương; nếu can hỏa thịnh thì nên dùng pháp thanh can tả hỏa

+ Nếu khí hư thì nên dùng pháp ích khí thăng thanh

+ Nếu huyết hư thì nên dùng pháp tư âm bổ huyết

+ Nếu thận hư thì nên dùng pháp ích thận trấn tỉnh

+ Nếu đàm trọc thì nên dùng pháp hóa đàm giáng trọc

+ Nếu huyết ứ thì nên dùng pháp hoạt huyết thông lạc.

– Ngoài ra, căn cứ vào vị trí đau khác nhau, đối chiếu với vị trí tuần hành của kinh mạch để chọn thuốc dẫn về kinh nhằm nâng cao hiệu quả điều trị. 

Bác sĩ thăm khám trực tiếp tại Tuệ Y Đường
Bác sĩ thăm khám trực tiếp tại Tuệ Y Đường

IV Các thể lâm sàng

1. Đầu thống do ngoại cảm

1.1 Đầu thống thể phong hàn

– Chứng trạng: Đau toàn bộ đầu, đau tương đối dữ dội, đau lan xuống cổ gáy, kèm theo sợ gió, sợ lạnh, nhạt miệng, không khát, chất lưỡi hồng nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù khẩn.

– Pháp: Sơ phong tán hàn

– Phương dược: Xuyên khung trà điều tán

Xuyên khung 15g

Khương hoạt 10g

Phòng phong 10g

Kinh giới 12g

Cam thảo 10g

Bạc hà 10g

Bạch chỉ 10g

Tế tân 03g

1.2 Đầu thống thể Phong nhiệt thượng nhiễu

– Chứng trạng: Đầu căng đau, nếu nặng thì thấy như bó thít lấy đầu, kèm theo sốt, sợ gió, sắc mặt đỏ, khát nước, thích uống, đại tiện phân táo, nước tiểu vàng, chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch phù sác.

– Pháp: Khứ phong thanh nhiệt

– Phương dược: Khung chỉ thạch cao thang

Xuyên khung 12g

Cúc hoa 10g

Kim ngân hoa 15g

Bạc hà 12g

Bạch chỉ 10g

Liên kiều 12g

Thạch cao 20g

Khương hoạt 10g

Hoàng cầm 10g

Cảo bản 10g

1.3 Đầu thống thể phong thấp

– Chứng trạng: Đau đầu như bó thít, kèm theo chân tay nặng nề, người nóng hâm hấp, tức ngực, chán ăn, đại tiện phân lỏng, tiểu tiện không thoải mái, chất lưỡi hồng nhợt, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch nhu hoặc hoạt

– Pháp: Khứ phong thắng thấp

– Phương dược: Khương hoạt thắng thấp thang

Khương hoạt 10g

Xuyên khung 12g

Cam thảo 10g

Độc hoạt 10g

Mạn kinh tử 10g

Cảo bản 10g

Phòng phong 10g

 

2. Đầu thống do nội thương

2.1 Đầu thống thể can dương

– Chứng trạng:

+  Đầu căng đau, hoặc vuốt tóc cũng đau,thường đau 2 bên đầu kèm theo chóng mặt, hoa mắt, bứt rứt, dễ cáu giận,mặt đỏ, mắt đỏ, đắng miệng, đau hai bên mạng sườn, mất ngủ, hay mê

+  Chất lưỡi hồng, rêu lưỡi vàng mỏng hoặc ít rêu, mạch huyền hoặc huyền tế sác

– Pháp: Bình can tiềm dương

– Phương dược: Thiên ma câu đằng ẩm

Thiên ma 12g

Chi tử 12g

Đỗ trọng 10g

Dạ giao đằng 12g

Câu đằng 15g

Hoàng cầm 12g

Ích mẫu thảo 12g

Phục thần 10g

Thạch quyết minh 20g

Ngưu tất 15g

Tang ký sinh 12g

 

2.2 Đầu thống thể khí hư

– Chứng trạng:

+ Đau đầu âm ỉ, lúc đau lức ngừng, lao động quá sức thấy đau tăng, kèm chóng mặt, mệt mỏi, hụt hơi, ngại nói, tự ra mồ hôi, sắc mặt trắng bệch

+ Chất lưỡi hồng nhợt hoặc nhợt bệu, rìa lưỡi có hằn răng, rêu lưỡi trắng mỏng, mặc tế nhược hoặc mạch đại vô lực

– Pháp: Ích khí thăng thanh

– Phương dược: Thuận khí hòa trung thang

Nhân sâm 06g

Bạch thược 12g

Cam thảo 10g

Mạn kinh tử 12g

Hoàng kỳ 15g

Đương quy 12g

Sài hồ 12g

Xuyên khung 12g

Bạch truật 12g

Trần bì 10g

Thăng ma 12g

Tế tân 03g

2.3 Đầu thống thể huyết hư

– Chứng trạng: Đau đầu âm ỉ, đau triền miên, kèm theo sắc mặt không tươi nhuận, chóng mặt, hồi hộp, mất ngủ, ngủ hay mê, chất lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng, mạch tế hoặc tế nhược

– Pháp: Tư âm dưỡng huyết

– Phương dược: Tứ vật thang gia vị

Xuyên khung 12g

Bạch thược 12g

Cúc hoa 10g

Đương quy 12g

Mạn kinh tử 10g

Cam thảo 10g

Thục địa 12g

Hoàng cầm 10g

Có thể bạn quan tâm: Bài thuốc tứ vật thang

2.4 Đầu thống thể thận hư

– Chứng trạng:

+ Đau đầu, cảm giác đầu trống rỗng, kèm theo đau lưng, mỏi gối, chóng mặt, ù tai, mệt mỏi, nam giới thấy di tinh, nữ giới thấy đới hạ

+ Nếu thiên thận dương hư thấy sợ lạnh, chân tay lạnh, nếu thiên về âm hư thấy bốc hỏa từng cơn, lòng bàn tay bàn chân nóng, ra mồ hôi trộm, chất lưỡi bệu nhợt hoặc chất lưỡi hồng, rêu lưỡi trắng hoặc ít rêu, mạch trầm tế vô lực hoặc tế sác

– Pháp: Bổ thận trấn tinh

– Phương dược: Đại bổ nguyên tiễn

Nhân sâm 06g

Đương quy 12g

Kỷ tử 10g

Hoài sơn 12g

Sơn thù 10g

Cam thảo 10g

Thục địa 12g

Đỗ trọng 12g

Hình ảnh bốc thuốc thang tại Tuệ Y Đường
Hình ảnh bốc thuốc thang tại Tuệ Y Đường

2.5 Đầu thống thể đàm trọc 

– Chứng trạng: Đau đầu nặng trĩu, âm u, kèm bụng đầy tức, chán ăn, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, chất lưỡi hồng nhợt, rêu lưỡi trắng nhớp, mạch hoạt hoặc huyền hoạt

– Pháp: Táo thấp hóa đàm, giáng nghịch chỉ thống

– Phương dược: Bán hạ bạch truật thiên ma thang

Trần bì 10g

Cam thảo 10g

Sinh khương 12g

Bán hạ 10g

Bạch truật 12g

Xuyên khung 12g

Bạch linh 10g

Thiên ma 12g

Mạn kinh tử 10g

 

2.6 Đầu thống thể ứ huyết

– Lâm sàng:

+ Chứng trạng đau đầu dữ dội, hoặc đau như châm chích, kéo dài không khỏi, vị trí đau cố định, kèm đau nhiều về đêm, ban ngày đỡ đau hơn, có thể có tiền sử chấn thương vùng đầu hoặc tình trạng đau đầu đã diễn biến từ lâu,

+ Chất lưỡi hồng, rìa lưỡi có điểm ứ huyết hoặc tĩnh mạch dưới lưỡi căng phồng, rêu lưỡi trắng mỏng

– Pháp: Hoạt huyết hóa ứ, hành khí chỉ thống

– Phương dược: Thông khiếu hoạt huyết thang

Xích thược 12g

Hồng hoa 10g

Đại táo 12g

Xuyên khung 12g

Thông bạch 12g

Xạ hương 01g

Đào nhân 10g 

Sinh khương 12g

Hoàng tửu 01 cốc

Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc xin phép được gửi về:

Facebook: Tuệ Y Đường

BS CKI: Nguyễn Nhật Minh

⚕️  Bác sĩ: Đoàn Dung

Địa chỉ: 166 Nguyễn Xiển – Hạ Đình – Thanh Xuân – Hà Nội

Hotline: 0789.502.555 – 0789.503.555 – 0789501555

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *