TẠNG – PHỦ: MỐI QUAN HỆ GIỮA LỤC PHỦ NGŨ TẠNG

Tạng phủ là mối quan hệ rất phức tạp, thông thường thì một tạng với nhiều phủ hay một phủ với nhiều tạng đều có mối liên hệ sinh lý hay ảnh hưởng bệnh lý. Nhưng mối quan hệ chủ yếu vẫn là phối hợp biểu lý, âm dương của tạng phủ. Tạng thuộc âm, âm chủ lý; phủ thuộc dương, dương chủ biểu.

Mối quan hệ này phối hợp với nhau hình thành nên các cặp quan hệ biểu lý: Tâm – tiểu trường, phế – đại trường..Dưới đây là phần trình bày nội dung về quan hệ ngũ tạng – lục phủ. Kính mời bạn đọc cùng Phòng khám Tuệ Y Đường tìm hiểu về vấn đề này nhé!

Hình ảnh lục phủ - ngũ tạng
Hình ảnh lục phủ – ngũ tạng

1. TÌM HIỂU CHUNG

Quan hệ phối hợp biểu lý của một tạng và một phủ chủ yếu dựa vào:

– Kinh mạch lạc thuộc: Kinh mạch thuộc tạng thì lạc với phủ tương ứng, kinh mạch thuộc phủ thì lạc với tạng tương ứng.

– Khí hóa tương thông: Chức năng chuyển hóa thủy cốc của lục phủ phải được phối hợp với khí của ngũ tạng mới hoàn thành.

  • Ví dụ: Vị muốn thu nạp và làm nhừ thức ăn thì phải nhờ sự thúc đẩy vận hóa của tỳ khí; bàng quang trữ niệu và bài tiết phải nhờ tác dụng ôn chiếu khí hóa của thận dương. Ngũ tạng muốn tàng tinh khí cũng dựa trên cơ sở phối hợp của lục phủ về truyền hóa thủy cốc, phân bố chất tinh vi.

– Bệnh lý tương quan: Phế nhiệt ủng thịnh, rối loạn túc giáng làm rối loạn chức năng truyền đạo của đại trường gây bí đại tiện.

2. TÂM – TIỂU TRƯỜNG

– Kinh thủ thiếu âm tâm liên lạc với kinh thủ thái dương tiểu trường và ngược lại. Tâm và tiểu trường có quan hệ biểu – lý.

– Tâm dương có tác dụng ôn chiếu, tâm huyết có tác dụng nhu dưỡng làm chức năng của tiểu trường được bình thường. Tiểu trường chủ về hóa vật, phân biệt thanh trọc, hấp thu chất thanh, tỳ khí thăng thanh lên tâm phế để dưỡng tâm.

– Nếu tâm hỏa thịnh sẽ đưa nhiệt xuống tiểu trường gây nên chứng tiểu tiện ít, tiểu nóng, màu nước tiểu đỏ sẫm, tiểu đau buốt; ngược lại tiểu trường bị nhiệt thịnh thì nhiệt sẽ bốc lên trên (thượng viêm) mà ảnh hưởng đến tâm và sinh ra chứng bứt rứt, chất lưỡi đỏ, mọc mụn trong miệng lưỡi.

– Trong điều trị thường dùng pháp lợi tiểu tiện để thanh tâm hỏa.

Hình ảnh tiểu trường đối chiếu qua y học hiện đại
Hình ảnh tiểu trường đối chiếu qua y học hiện đại

>>>> CÙNG TÌM HIỂU CHỨC NĂNG VỀ TIỂU TRƯỜNG

3. PHẾ – ĐẠI TRƯỜNG

– Kinh thủ thái âm phế liên lạc với kinh thủ dương minh đại trường và ngược lại. Phế và đại trường có quan hệ biểu lý. Quan hệ sinh lý của phế và đại trường chủ yếu biểu hiện ở phế khí túc giáng sẽ phát huy chức năng chuyển đạo của đại trường và ngược lại.

– Phế khí thanh túc hạ giáng làm khí cơ thông thoát, phân bố tân dịch để thúc đẩy truyền đạo và bài xuất của đại trường. Đại trường truyền đạo bình thường, chất trọc đưa xuống dưới thì cũng giúp cho phế khí túc giáng.

Nếu phế khí ủng trệ, rối loạn túc giáng làm tân dịch không đưa xuống dưới được thì làm phủ khí không thông, đại trường sẽ bị khô táo bí kết. Nếu phế khí hư, thúc đẩy vô lực làm cho đại tiện sáp mà không hành, gọi là “khí hư tiện bí”. Nếu đại trường thực nhiệt, truyền đạo không thông, phủ khí ứ trệ sẽ ảnh hưởng đến chức năng túc giáng của phế gây chứng tức ngực, ho, khó thở.

Hình ảnh đại trường qua góc nhìn y học hiện đại
Hình ảnh đại trường qua góc nhìn y học hiện đại

4. TỲ – VỊ

Kinh túc thái âm tỳ liên lạc với kinh túc dương minh vị và ngược lại. Tỳ và vị có quan hệ biểu lý. Tỳ và vị đều là nguồn để hóa sinh khí huyết, là gốc của hậu thiên. Tác dụng chủ yếu của tỳ vị là thu nạp, tiêu hóa thủy cốc, hấp thu và phân bố thủy cốc tinh vi. Quan hệ của tỳ và vị biểu hiện chủ yếu ở nạp vận thủy cốc, thăng giáng khí cơ, tính thích táo thấp.

– Nạp vận thủy cốc:

  • Vị chủ thu nạp và làm nhừ thức ăn, làm tiền đề cho tỳ chủ vận hóa. Tỳ chủ vận hóa, tiêu hóa thức ăn, phân bố chất tinh vi cũng là điều kiện để vị tiếp tục nhiếp nạp thức ăn. Tỳ vị phối hợp mới duy trì được chức năng tiêu hóa thức ăn, phân bố chất tinh vi để cung cấp dinh dưỡng nuôi cơ thể.
  • Rối loạn chức năng kiện vận của tỳ làm vị không nạp vận được thủy cốc, vị không hòa giáng cũng làm tỳ mất kiện vận, cuối cùng sẽ gây chứng tỳ vị nạp vận thất điều gây ăn kém, bụng đầy tức, đại tiện phân lỏng…
Tỳ là tạng chủ về vận hóa trong cơ thể
Tỳ là tạng chủ về vận hóa trong cơ thể

– Thăng giáng khí cơ:

  • Tỳ khí chủ thăng, vị khí chủ giáng nên tỳ vị là trung khu để khí cơ thăng và giáng. Tỳ khí chủ thăng làm chất dinh dưỡng của thủy cốc tinh vi sau khi được vận hóa hấp thu được phân bố lên trên, vận hóa thăng thanh không ngưng trệ sẽ giúp vị khí nạp giáng điều hòa.
  • Vị khí chủ giáng làm cho thu nạp thủy cốc thông giáng và đưa xuống dưới, không bị đình lưu hay tích tụ gây bệnh. Thu nạp giáng trọc bình thường giúp cho tỳ khí thăng vận bình thường. Tỳ vị thăng giáng phối hợp nhịp nhàng thúc đẩy chức năng nạp vận ẩm thực bình thường, đồng thời duy trì vị trí các tạng phủ ổn định.
  • Nếu tỳ hư khí hãm làm vị mất hòa giáng mà thượng nghịch và lại ảnh hưởng ngược đến chức năng thăng vận của tỳ gây chứng tỳ vị thăng giáng thất thường biểu hiện là: Bụng trướng đầy, đau đầu, hoa mắt, đại tiện phân lỏng, nấc, nôn, sa nội tạng…

 

– Âm dương táo thấp tương tế:

  • Tỳ thuộc âm tạng, dùng dương khí để thực hiện chức năng. Tỳ dương bình thường thì vận hóa thăng thanh bình thường nên tính thích ôn táo mà sợ ẩm thấp. Vị thuộc dương phủ, dựa vào âm dịch tư nhuận, vị âm đầy đủ thì thu nạp và làm nhừ thức ăn bình thường nên tính thích nhu nhuận mà sợ cương táo. Âm dương táo thấp của tỳ vị tương tế là điều kiện tất yếu để đảm bảo chức năng nạp vận, thăng giáng hiệp điều.
  • Tỳ thấp thái quá hoặc vị táo thương âm đều gây rối loạn chức năng nạp vận của tỳ vị. Nếu thấp gây khốn tỳ sẽ làm rối loạn vận hóa, thanh khí không thăng được sẽ ảnh hưởng đến chức năng thu nạp và hòa giáng của vị, gây chứng ăn ít, buồn nôn, nôn, bụng căng trướng đầy.
  • Nếu ăn uống không điều độ làm thực trệ tại vị quản, vị mất hòa giáng làm ảnh hưởng đến chức năng thăng thanh và vận hóa của tỳ mà gây nên chứng bụng đầy, đại tiện phân lỏng…

5. CAN – ĐỞM

Kinh túc quyết âm can liên lạc với kinh túc  thiếu dương đởm và ngược lại. Can và đởm quan hệ biểu lý. Quan hệ can đởm biểu hiện chủ yếu là cùng chủ sơ tiết, chủ dũng cảm và khiếp sợ.

– Chủ sơ tiết:

  • Can chủ sơ tiết, hình thành dịch mật, đởm tàng và tiết dịch mật. Can và đởm phối hợp hiệp điều làm cho dịch mật thông lợi xuống đường tiêu hóa, giúp cho tỳ vị tiêu hóa thức ăn. Can sơ tiết bình thường thì dịch mật bài tiết không bị ứ trệ và lại làm phát huy chức năng can sơ tiết bình thường.
  • Nếu can khí uất trệ, ảnh hưởng đến dịch mật lưu thông hoặc đởm phủ thấp nhiệt làm ảnh hưởng can khí sơ tiết gây chứng can đởm khí trệ, can đởm thấp nhiệt hoặc can đởm hỏa vượng.
Hình ảnh tạng can đối chiếu qua tây y
Hình ảnh tạng can đối chiếu qua tây y

– Chủ dũng cảm, khiếp sợ:

  • Can là tướng quân, chủ mưu lự, đởm chủ quyết đoán. Đởm chủ quyết đoán có quan hệ mật thiết đến hoạt động tình chí của con người là dũng cảm và khiếp sợ; có mưu lự rồi thì mới quyết đoán, quyết đoán lại đến từ mưu lự.
  • Can và đởm phối hợp với nhau làm cho hoạt động tình chí của con người bình thường, khi gặp sự việc mới đưa ra được quyết đoán. Can và đởm cùng chủ dũng cảm và khiếp sợ là dựa trên cơ sở sinh lý cùng chủ sơ tiết.
  • Nếu can đởm khí trệ hoặc đởm uất đàm nhiễu đều có thể gây nên chứng tình chí ức uất, kinh hoảng đởm khiếp.
Hình ảnh về Đởm đối chiếu qua y học hiện đại
Hình ảnh về Đởm đối chiếu qua y học hiện đại

>>>> CÙNG TÌM HIỂU VỀ CHỨC NĂNG PHỦ ĐỞM

6. THẬN – BÀNG QUANG

Thận là thủy tạng, bàng quang là thủy phủ. Kinh túc thiếu âm thận liên lạc với kinh túc thái dương bàng quang và ngược lại. Thận và bàng quang quan hệ biểu lý. Quan hệ của thận và bàng quang biểu hiện chủ yếu là cùng chủ thủy. 

  • Thận chủ đóng mở, khai khiếu ở nhị âm. Bàng quang trữ tồn và bài tiết nước tiểu. Chức năng khí hóa bàng quang phụ thuộc vào sự sung thịnh của thận khí. Thận khí sung túc, cố nhiếp bình thường thì hình thành nước tiểu bình thường rồi đưa xuống trữ tồn ở bàng quang và đóng mở phù hợp.
  • Bàng quang đóng mở phù hợp lại giúp ích cho chức năng khí hóa chủ thủy của thận. Vì vậy, thận và bàng quang tương hỗ tồn tại, tương hỗ hợp tác để hoàn thành việc hình thành, trữ tồn và bài tiết nước tiểu.
  • Nếu thận khí bất túc, khí hóa thất thường hoặc mất khả năng cố nhiếp đều ảnh hưởng đến bàng quang đóng mở vô độ. Bàng quang thấp nhiệt hoặc bàng quang mất chế ước cũng ảnh hưởng đến thận gây chứng rối loạn màu sắc nước tiểu hoặc rối loạn bài xuất nước tiểu.
Hình ảnh bàng quang qua góc nhìn y học hiện đại
Hình ảnh bàng quang qua góc nhìn y học hiện đại

7. KẾT LUẬN

  • Tạng tượng là chỉ các biểu hiện ra bên ngoài của cơ thể khi tạng phủ hoạt động. Học thuyết Tạng tượng là một học thuyết nghiên cứu về hình thái kết cấu, quy luật hoạt động sinh lý và các mối quan hệ tương hỗ của chúng. Nội dung nghiên cứu chủ yếu của Học thuyết Tạng tượng là tạng phủ.
  • Khái niệm về tạng phủ không phải đơn thuần chỉ có ý nghĩa về giải phẫu mà còn là mô hình các nhóm chức năng của cơ thể người. Căn cứ vào đặc điểm chức năng sinh lý, kết hợp với đặc điểm hình thái kết cấu mà phân tạng phủ thành ba loại lớn là ngũ tạng, lục phủ và phủ kỳ hằng
  • Ngũ tạng bao gồm tâm, can, tỳ, phế và thận. Chức năng sinh lý của ngũ tạng là tàng tinh khí, tức là hóa sinh và trữ tàng các vật chất tinh vi như tinh, khí, huyết và tân dịch để duy trì hoạt động sống phức tạp của cơ thể. Đặc điểm chung của ngũ tạng là tàng mà không tả, mãn mà không thực.
  • Ngũ tạng có quan hệ mật thiết với mặt, lông, môi, móng và tóc; trong đó thì tâm vinh nhuận ra mặt, phế vinh nhuận ra lông, tỳ vinh nhuận ra môi, can vinh nhuận ra móng, thận vinh nhuận ra tóc.
  • Cho nên thông qua việc đánh giá màu sắc tươi nhuận của mặt, môi, lông, móng và tóc thì sẽ đánh giá được sự thịnh suy của khí huyết trong ngũ tạng.
  • Lục phủ bao gồm đởm, vị, tiểu trường, đại trường, bàng quang và tam tiêu. Chức năng sinh lý của lục phủ đều là thu nạp và chuyển hóa thức ăn. Đặc điểm chung của lục phủ là tả mà không tàng, thực mà không mãn.
  • Lục phủ trong quá trình chuyển hóa thức ăn tất nhiên phải duy trì được trạng thái thông thoát mới tiến hành chức năng chuyển hóa thức ăn bình thường được, cho nên mới gọi là “lục phủ dĩ thông vi dụng, dĩ giáng vi hòa”.
  • Phủ kỳ hằng bao gồm não, tủy, cốt, mạch, đởm và tử cung. Phủ kỳ hằng về hình thái rỗng giống như phủ, nhưng chức năng lại chủ về tàng âm tinh giống như tạng và có quan hệ mật thiết với bát mạch kỳ kinh.
Hình ảnh BS CK II Trần Thị Thu Huyền và BS Đoàn Dung thăm khám cho bệnh nhân tại Phòng khám Tuệ Y Đường
Hình ảnh BS CK II Trần Thị Thu Huyền và BS Đoàn Dung thăm khám cho bệnh nhân tại Phòng khám Tuệ Y Đường

Bạn đọc có băn khoăn hay thắc mắc gì thì có thể liên hệ trực tiếp qua Hotline – 0789.502.555 để được hỗ trợ nhé!

Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc xin phép được gửi về:

Facebook: Tuệ Y Đường

?Ths.Bs Trần Thị Thu Huyền

?‍ Bác sĩ Đoàn Dung

?Địa chỉ:166 Nguyễn Xiển – Hạ Đình – Thanh Xuân – Hà Nội

?Hotline: 0789.501.5550789.502.5550789.503.555

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *