CHỨC NĂNG TẠNG CAN

Tạng can trong ngũ hành thuộc Mộc. Trong âm dương ngũ tạng thì can thuộc tạng dương trong âm. Hệ thống của can gồm can, đởm, mắt, cân, móng…Chức năng chủ yếu của can là tàng huyết, chủ sơ tiết, thích điểu đạt, sợ uất ức.

Tạng Can quan hệ biểu lý với đởm. Trong bốn mùa thì can tương ứng với mùa Xuân. Can nằm trong ổ bụng, phía dưới cơ hoành, phía dưới hạ sườn phải mà hơi lệch về bên trái. Dưới đây là những nội dung về tạng Can. Kính mời quý bạn đọc cùng Phòng khám Tuệ Y Đường cùng tìm hiểu về nội dung này!

Hình ảnh tạng can đối chiếu qua tây y
Hình ảnh tạng can đối chiếu qua tây y

1. CHỨC NĂNG SINH LÝ

1.1. Can chủ sơ tiết

– Khái niệm về sơ tiết: Sơ tức là sơ thông, tiết tức là phát tiết và thăng phát. Tạng Can chủ sơ tiết tức là can có tác dụng làm cho khí cơ toàn thân sơ thông, thăng phát một cách điều đạt; như vậy thì khí cơ toàn thân được thông mà không trệ, được tán mà không uất. Chức năng chủ sơ tiết phản ánh đặc điểm sinh lý chủ thăng, chủ động và chủ tán của can.

– Khí cơ là chỉ vận động về thăng, giáng, xuất và nhập của khí. Cơ thể luôn có sự phát sinh không ngừng về vận động thăng, giáng, xuất, nhập của khí. Vận động thăng giáng xuất nhập của khí là hình thức cơ bản của hoạt động sống. 

– Tạng phủ kinh lạc, hình thể quan khiếu, khí huyết tân dịch, doanh vệ âm dương đều phải dựa vào thăng giáng xuất nhập của khí để duy trì chức năng sinh lý bình thường và mối liên hệ giữa chúng. 

– Quá trình vận động thăng giáng xuất nhập của khí được thực hiện thông qua hoạt động chức năng của tổ chức cơ quan trong cơ thể. 

– Can là tạng thuộc phong mộc, thích điều đạt mà sợ ức uất. Can chủ sơ tiết có quan hệ đến sự thông thoát khí cơ toàn thân, là điều kiện trọng yếu để phát huy được rất nhiều chức năng sinh lý của cơ thể. Trong tình huống sinh lý bình thường, can khí thăng phát, nhu hòa, điều đạt, thư thái, không ức uất, không cang thịnh sẽ duy trì được sự thăng giáng xuất nhập của khí cơ toàn thân bình hằng, thúc đẩy tích cực cho tác dụng điều tiết. 

– Vì vậy, chức năng sơ tiết của tạng can bình thường thì khí cơ thông thoát, kinh mạch thông lợi, khí huyết điều hòa, tổ chức tạng phủ hoạt động bình thường.

– Khái quát tác dụng sinh lý về can chủ sơ tiết

+ Điều tiết tinh thần, tình chí: Tình chí là tư tưởng, tình cảm, ý chí, lý tưởng. 

  • Trong tâm lý học, tình chí là những phản ứng khác nhau về tinh thần và ý thức của con người đối với các kích thích bên trong cơ thể và hoàn cảnh bên ngoài (bao gồm hoạt động tinh thần, ý chí và tình cảm). 
  • Tình chí thuộc nghĩa hẹp trong phạm trù của thần. Tình chí bao gồm bảy loại (thất tình), đó là: hỉ, nộ, ưu, tư, bi, khủng và kinh. Hoạt động tình chí của con người do tâm chỉ đạo nhưng cũng có quan hệ mật thiết đến chức năng chủ sơ tiết của can, vì thế mà nói “can chủ mưu lự”.
  • Mưu lự chính là mưu kế và tư lự (lo toan, suy nghĩ); tức là can giúp cho tâm tiến hành các hoạt động tinh thần về tư duy và tình cảm. Hoạt động tình chí bình thường lại dựa vào sự thông thoát của khí cơ. 
  • Can chủ sơ tiết, giúp khí cơ vận hành thông thoát nên can có thể điều tiết được hoạt động tình chí. Can sơ tiết bình thường, can khí điều đạt thư thái thì khí cơ vận hành thông thoát, khí huyết điều hòa, tâm tình cởi mở, tinh thần thư thái, tư duy trong sáng. Nếu can bị mất sơ tiết sẽ làm cho khí cơ không được thông, gây ra những bất thường về hoạt động tình chí. 

Ví dụ: Can khí thăng phát bất túc, sơ tiết bất cập, khí cơ không thông gây uất ức, buồn bã, hay cảm động; ngược lại, can khí thăng phát hoặc sơ tiết thái quá sẽ gây nên tình trạng can khí thượng nghịch, biểu hiện là các triệu chứng như bứt rứt, dễ cáu, mặt đỏ, mắt đỏ, đầu căng đau. Can mất sơ tiết làm tình chí thất thường gọi là vì uất mà gây nên bệnh; ngược lại, tình chí không bình thường cũng ảnh hưởng đến sơ tiết của can gọi là vì bệnh mà gây nên uất, trong đó ảnh hưởng lớn nhất đến sơ tiết của can là cáu giận (nộ). Khi bệnh nhân xuất hiện chứng can khí thượng nghịch thường dẫn đến can phong nội động (bạo nộ) hoặc xuất hiện can khí uất kết sẽ dẫn đến can khí phạm vị (uất nộ).

+ Thúc đẩy quá trình tiêu hóa hấp thu: Tỳ vị là cơ quan tiêu hóa trọng yếu của cơ thể. Can sơ tiết điều đạt có tác dụng thúc đẩy tỳ vị tiêu hóa, hấp thu. Chức năng này được thực hiện nhờ sự phối hợp thăng giáng khí cơ của tỳ vị và khả năng bài tiết dịch mật:

+ Phối hợp khí cơ tỳ vị thăng giáng: Vị chủ thu nạp, vị khí chủ giáng; tỳ chủ vận hóa, tỳ khí lại chủ thăng. Khi khí cơ của tỳ và vị thông lợi, thăng và giáng phối hợp nhịp nhàng thì mới duy trì việc tiêu hóa bình thường. Can thuộc mộc, tỳ vị thuộc thổ; mộc khắc thổ, thổ lại nhờ mộc mà bình hằng. Can sơ tiết điều đạt sẽ làm cho khí cơ toàn thân thông lợi, giúp sức cho tỳ vận hóa và khí thanh dương được thăng phát, chất tinh vi của thủy cốc được quy về phế; đồng thời, giúp cho vị khí hòa giáng thì vị mới thu nạp được thức ăn và làm cho khí trọc âm được đưa xuống dưới. Nếu can mất sơ tiết mà phạm tỳ, khắc vị thì sẽ gây rối loạn sự thăng giáng khí cơ của tỳ vị. Trên lâm sàng, ngoài việc thấy bệnh nhân có chứng can khí uất kết ra, còn thấy chứng can vị bất hòa do vị khí không giáng (ợ hơi, bụng đầy, buồn nôn, ăn không tiêu) và thấy chứng can tỳ bất điều do tỳ khí không thăng (trướng bụng, đại tiện lỏng…).

+ Khả năng bài tiết dịch mật: Dịch mật có nguồn gốc từ can, do khí dư của can tích tụ ở đởm tạo thành. Dịch mật thông qua đường mật bài tiết vào tiểu trường để giúp cho tiêu hóa hấp thu chất béo. Sự phân tiết, tàng trữ và bài tiết dịch mật đều dựa vào can chủ sơ tiết. Nếu can khí uất kết, khí cơ thất điều sẽ ảnh hưởng đến phân tiết và bài tiết dịch mật gây rối loạn tiêu hóa hấp thu của tỷ, lúc này sẽ xuất hiện chứng đau mạng sườn, đắng miệng, ăn nhưng không tiêu, thậm chí vàng da.

+ Duy trì vận hành của khí huyết: Chức năng sơ tiết của can trực tiếp ảnh hưởng đến điều tiết khí cơ. Khí cơ vận hành thông thoát mới phát huy được tác dụng tâm chủ huyết mạch, phế giúp tâm hành huyết, tỷ thống nhiếp huyết dịch, can tàng huyết và điều tiết số lượng huyết. Nhờ đó mới duy trì được vận hành khí huyết trong cơ thể được bình thường. Vì thế, chức năng can sơ tiết bình thường, can khí điều đạt (không bị ức uất, không cang thịnh) thì khí cơ vận hành thông thoát, khí huyết điều hòa, khí hành thì huyết hành nên sẽ duy trì được khí huyết vận hành bình thường. Khi can mất chức năng sơ tiết sẽ làm cho khí cơ uất trệ thì ảnh hưởng đến vận hành của khí huyết. Ví dụ: khí cơ uất trệ làm cho huyết ứ, gây nên đau tức ngực, khối tích tụ (gan, lách to), đau bụng kinh, bế kinh; hoặc khí cơ nghịch loạn, khí nghịch lên trên kéo huyết nghịch lên theo, hay khí hãm xuống dưới kéo huyết hãm xuống theo. Các nguyên nhân này đều làm cho huyết không tuần hoàn trong mạch đạo mà thành chứng xuất huyết.

+ Điều tiết trao đổi thủy dịch: Việc điều tiết trao đổi thủy dịch chủ yếu dựa vào chức năng của phế, tỳ, thận và tam tiêu nhưng có quan hệ mật thiết đến can. Vì can chủ sơ tiết để điều tiết khí cơ tam tiêu, thúc đẩy chức năng của phế tỳ thận điều tiết thủy dịch; tức là thông qua tỳ vận hóa thủy thấp, phế phân bố thủy dịch, thận chưng hóa thủy dịch để điều tiết trao đổi thủy dịch. Tam tiêu chủ “quyết độc” (A), là đường vận hành thủy dịch. Chức năng này của tam tiêu trên thực tế là sự tổng hợp điều tiết thủy dịch của phế, tỳ và thận. Nếu can sơ tiết điều đạt sẽ giúp cho khí cơ của tam tiêu, phế, tỳ, thận hoạt động bình thường. Nếu chức năng sơ tiết của can rối loạn, làm cho khí cơ tam tiêu bị trở trệ, khí trệ thì thủy đình tụ; từ đó sẽ gây nên chứng đàm ẩm, thủy thũng hoặc cổ trướng.

+ Điều tiết chức năng sinh dục của cơ thể: Can sơ tiết điều đạt thì điều tiết được hai mạch xung – nhâm và tinh thất làm hoạt động sinh dục của cơ thể bình thường.

+ Điều lý xung nhâm: Hoạt động sinh lý đặc thù của phụ nữ là kinh, đới, thai, sản; chúng có quan hệ đến nhiều tạng phủ, trong đó trọng yếu là tạng can. Vì thế, có thuyết nói “nữ tử dĩ can vi tiên thiên”. Mạch xung là bể của huyết (huyết hải), mạch nhâm chủ bào thai. Hai mạch xung – nhâm có quan hệ mật thiết với chức năng sinh lý của nữ. Mạch xung – nhâm liên thông với kinh quyết âm can và phụ thuộc vào can. Vì thế, can chủ sơ tiết, điều tiết khí cơ và có tác dụng điều tiết hoạt động sinh lý hai mạch xung – nhâm. Chức năng can sơ tiết bình thường, khí của kinh quyết âm can thông thoát thì mạch nhâm thông lợi, mạch xung thịnh làm kinh nguyệt đúng kỳ, đới hạ phân tiết bình thường, thai sản thuận lợi; nếu can sơ tiết thất thường làm mạch xung – nhâm thất điều, khí huyết bất hòa gây nên bệnh tật về kinh nguyệt, đới hạ, thai sản, lãnh cảm hoặc vô sinh…

+ Điều tiết tinh thất: Tinh thất là nơi tàng trữ tinh trùng của nam giới. Nam giới thuận theo thận khí thịnh mà thiên quý đến (thúc đẩy sự trưởng thành và duy trì vật chất chức năng sinh dục). Tinh khí tràn trề thì năng lực sinh dục mạnh mẽ. Tác dụng sơ tiết của can và tàng tinh của thận mà phối hợp nhịp nhàng thì tinh thất đóng mở đúng lúc và tinh dịch bài tiết đúng độ, có như vậy mới duy trì được khả năng sinh dục của nam giới. Nếu chức năng sơ tiết của can thất thường sẽ làm cho tinh dịch tàng tiết vô độ thì có thể xuất hiện chứng giảm khả năng sinh dục, liệt dương, xuất tinh ít, không thụ được thai; nếu can sơ tiết thái quá sẽ xuất hiện chứng tăng ham muốn tình dục, cường dương hoặc di tinh…

Bạn đọc có băn khoăn hay thắc mắc gì thì có thể liên hệ trực tiếp qua Hotline – 0789.502.555 để được hỗ trợ nhé!

Hình ảnh bác sĩ khám bệnh tại Phòng khám Tuệ Y Đường
Hình ảnh bác sĩ khám bệnh tại Phòng khám Tuệ Y Đường

1.2. Can tàng huyết

– Chức năng của tạng can tàng huyết là can có tác dụng tàng trữ huyết dịch, điều tiết lượng huyết và phòng ngừa xuất huyết. Tạng can là cơ quan chủ yếu để tàng trữ huyết dịch. Trong tình huống bình thường thì đại bộ phận huyết dịch trong cơ thể tuần hành không ngừng, nhưng có một lượng huyết dịch nhất định tàng trữ ở can.

+ Đối với bản thân tạng can: Can tàng trữ huyết dịch để nhu dưỡng cho bản thân tạng can, chế ước dương khí của can để phòng ngừa dương khí quá cang thịnh, từ đó mới duy trì bình hằng âm – dương của can và làm cho chức năng can sơ tiết được bình thường.

+ Đối với toàn thân: Can tàng huyết để phòng ngừa và cầm xuất huyết, vừa để điều tiết lượng huyết. Tác dụng phòng ngừa xuất huyết của can giúp huyết vận hành bình thường trong lòng mạch, ngăn chặn huyết thoát ra ngoài mạch gây xuất huyết. Tác dụng này thuộc khả năng cố nhiếp huyết dịch tuần hoàn bình thường.

+ Điều tiết lượng huyết: Can tàng huyết trên cơ sở hoạt động của các tổ chức cơ quan để điều tiết lượng huyết tuần hoàn, duy trì được nhu cầu hoạt động sinh lý bình thường. Bình thường thì lượng huyết ở tổ chức cơ quan là tương đối hằng định. Nhưng do tác động về thay đổi mức hoạt động của cơ thể, kích thích tinh thần, biến đổi thời tiết… thì lượng huyết ở tổ chức cơ quan cũng thay đổi theo.

Ví dụ: cơ thể hoạt động nặng, kích thích tinh thần sẽ làm cho nhu cầu về huyết tăng lên, huyết tàng trữ ở can được phân bố đưa đi để đáp ứng nhu cầu hoạt động của cơ thể. Khi cơ thể yên tĩnh, nghỉ ngơi, ngủ thì nhu cầu về huyết giảm, một phần huyết lại được quy tụ về can. Do can có tác dụng tàng trữ một lượng huyết nên gọi là “can chủ huyết hải”.

+ Ngoài ra, chức năng tàng huyết và điều tiết huyết dịch của can còn có tác dụng quan trọng đối với hoạt động sinh dục của phụ nữ, nhất là thời kỳ hành kinh và mang thai… Vì rằng, phụ nữ lấy huyết là bản, hai mạch xung và nhâm đều thuộc về can; mạch xung là huyết hải và chủ về kinh nguyệt, còn mạch nhâm chủ về thai sản. Can điều tiết và tàng trữ huyết dịch giúp cho lượng huyết ở mạch xung, mạch nhâm được điều tiết bình thường, từ đó mà duy trì được hoạt động sinh dục bình thường của phụ nữ.

Hình ảnh bốc thuốc thang tại Phòng khám Tuệ Y Đường
Hình ảnh bốc thuốc thang tại Phòng khám Tuệ Y Đường

– Chức năng tàng huyết thất thường sẽ xuất hiện các chứng bệnh can huyết bất túc hoặc xuất huyết:

+ Tàng huyết bất túc (can huyết bất túc): Do huyết dịch hao hư làm can không điều tiết được lượng huyết nên không đáp ứng được nhu cầu thiết yếu bình thường của cơ thể, gây chứng huyết hư không nuôi dưỡng cơ quan tạng phủ. Khi bản thân tạng can không được nuôi dưỡng thì tính nhu hòa của can cũng bị giảm, âm không chế được dương làm can dương thượng cang gây bứt rứt, dễ cáu giận, chóng mặt, ù tai; mắt không được nuôi dưỡng gây mắt khô sáp, hoa mắt hoặc quáng gà; cân mất sự nuôi dưỡng nên thấy cân mạch co rút, chân tay tê buốt, co duỗi khớp khó khăn; đối với nữ giới, huyết của mạch xung và mạch nhâm cũng không sung túc gây kinh nguyệt số lượng ít, có khi bế kinh, khó thụ thai…

+ Khi can mất chức năng tàng huyết sẽ xuất hiện chứng chảy máu như là nôn ra máu, chảy máu cam, phụ nữ băng kinh hoặc lậu kinh…

>>>>> Cùng tìm hiểu về cương lĩnh Biểu lí để biết bệnh lí của tạng Can

2. ĐẶC TÍNH SINH LÝ

2.1. Can thích điều đạt mà sợ ức uất

  • Hàm ý của điều đạt là chỉ sự thông thoát, thoải mái; ức uất là chỉ sự ức chế, ngăn cản, uất trệ.
  • Can là tạng thuộc phong mộc; khí của can thăng phát, thích điều đạt mà sợ ức uất. Can khí nên giữ được đặc tính nhu hòa thông thoát, thăng phát điều đạt thì mới duy trì được chức năng sinh lý bình thường. Can chủ thăng phát là chỉ tính thăng phát sinh trưởng, sinh cơ không ngừng và có tác dụng khơi gợi tạng khác sinh trưởng phát dục. Can thuộc hành mộc, khí của can liên quan đến mùa Xuân, lấy tính thăng phát của Xuân mộc mà quy loại vào cho can nên gọi là can chủ thăng phát.
  • Điều đạt là bản tính của mộc, thuộc phong mộc trong tự nhiên. Xu thế sinh trưởng của mộc là thích thoải mái, thông thoát; không ưa đè nén, không ưa uất trệ, phát triển tự do. Can thuộc mộc, tính thích điều đạt mà sợ ức uất nên khí cơ của can tính cũng thích điều đạt, thông thoát mà sợ ức uất.
  • Trong sinh lý bình thường thì can khí thăng phát, nhu hòa, thoải mái; tức là không ức uất, không hưng phấn và lấy nhu hòa điều đạt làm thuận. Nếu can khí thăng phát bất cập, uất kết lại, không thư thái… sẽ xuất hiện chứng đầy tức ngực, đau tức mạng sườn, tinh thần uất ức không thoải mái. Nếu can khí thăng phát thái quá sẽ xuất hiện dễ cáu giận, đau đầu, căng nặng đầu, chóng mặt.
  • Vì vậy, đặc tính sinh lý can chủ thăng phát, thích điều đạt, có quan hệ mật thiết với chức năng can chủ sơ tiết.

2.2. Can là tạng cương

  • Cương ý là cương cường, nóng nảy. Tạng Can vốn có tính cương cường, khí của can chủ thăng, chủ động, dễ cang thịnh, dễ hoành nghịch nên gọi là “tướng quân chi quan”
  • Tạng Can chủ tàng huyết, huyết thuộc về âm, thể của can thuộc âm nhu. Tạng Can chủ sơ tiết, chủ thăng, chủ động, dụng của can thuộc về dương cương. Cương với nhu phối hợp, âm dương điều hòa làm cho chức năng của tạng can bình thường.
  • Bình thường, thể âm của can phải được âm tinh của thận nuôi dưỡng mới có thể sung thịnh nên thể âm của can thường bất túc, dụng dương thường cang thịnh. Đặc điểm bệnh lý của can khí, can dương thường hữu dư, phản ánh đặc tính cương cường táo cấp vốn có của bản thân tạng can.
  • Trên lâm sàng thường gặp do can khí hoành nghịch gây nên các chứng như can thừa tỳ, can phạm vị; can xung tâm, vũ phế và cập thận…

Bạn đọc có băn khoăn hay thắc mắc gì thì có thể liên hệ trực tiếp qua Hotline – 0789.502.555 để được hỗ trợ nhé!

2.3. Can thể âm mà dụng dương

– Thể là chỉ bản thể của can, dụng llà chỉ đặc tính chức năng của can. Tạng Can là tạng cương, lấy huyết là thể, lấy khí là dụng. Tạng Can là tạng tàng huyết, huyết thuộc âm nên thể của can là âm; can chủ sơ tiết, tính thích điều đạt, chứa tướng hỏa, chủ thăng, chủ động, nên dụng can thuộc dương.

– Hàm nghĩa “thể âm” của can bao gồm:

  • Tạng Can ở phía dưới cơ hoành, thuộc tạng âm.
  • Tạng Can tàng huyết, huyết thuộc âm.
  • Tạng Can là tạng cương, không được nhu nhuận thì sẽ bất hòa. Can phải dựa vào âm huyết tư dưỡng mới có thể phát huy được chức năng sinh lý bình thường.

– Hàm nghĩa của “dụng dương” gồm có:

  • Trên phương diện chức năng sinh lý: Can chủ sơ tiết, can khí chủ thăng và chủ động, thích điều đạt, chứa tướng hỏa, tính thuộc dương.
  • Trên phương diện bệnh lý: Can dương dễ cang thịnh, can phong dễ động. Bệnh lý của can thường gặp là can dương thượng cang và can phong nội động. Biểu hiện lâm sàng là chóng mặt, tê buốt chân tay, run hoặc co quắp chân tay…
  • Khí là dương, huyết là âm; dương chủ động, âm chủ tĩnh. Vì thế nên mới gọi can là “thể âm dụng dương”. Thể âm dụng dương của can trên thực tế là khái quát mối quan hệ về hình thái kết cấu với chức năng sinh lý; cho thấy đặc trưng chủ yếu về chức năng sinh lý với biến hóa bệnh lý của can.
  • Vì vậy, trong quá trình điều trị bệnh lý của can, thầy thuốc thường dùng pháp tư dưỡng âm huyết để dưỡng can hoặc tả can để ức chế can dương và can khí thăng động thái quá.

Bạn đọc có băn khoăn hay thắc mắc gì thì có thể liên hệ trực tiếp qua Hotline – 0789.502.555 để được hỗ trợ nhé!

2.4. Can khí liên quan với xuân khí

Tạng Can chủ sơ tiết; can khí chủ thăng, chủ động. Trong tự nhiên, tiết mùa Xuân là khởi đầu của một năm. Lúc này, dương khí bắt đầu sinh, vạn vật vinh nhuận, khí hậu ôn ấm và nhiều gió. Can khí liên quan với xuân khí tức là nói can khí trong tiết thời mùa Xuân là thịnh vượng nhất và phản ứng mạnh nhất. Mùa Xuân có ba tháng và là thời của can mộc.

Can chủ sơ tiết, điều tiết hoạt động tinh thần nên có quan hệ mật thiết với hoạt động tình chí của con người; do đó, bệnh thần kinh tâm thần thường gặp ở mùa Xuân.

Ngoài ra, can cũng có quan hệ nhất định với phương Đông, phong, màu xanh và vị chua. Khi điều trị bệnh can, thầy thuốc thường dùng vị thuốc có vị chua như bạch thược, ngũ vị tử… để bổ can và nhu can.

Tạng can chủ về mùa xuân
Tạng can chủ về mùa xuân

3. QUAN HỆ CỦA TẠNG CAN VỚI HÌNH, KHIẾU, CHÍ, DỊCH

  • Tạng Can biểu hiện ra móng (kỳ hoa tại trảo): Móng gồm có móng chân và móng tay. Móng chân, móng tay và cân đều cùng nguồn nuôi dưỡng, nên còn gọi móng là phần dư của cân. Nuôi dưỡng móng là do can huyết. Can huyết sung thịnh sẽ ảnh hưởng đến vinh nhuận của móng (móng tươi sáng, bóng, hồng nhuận). Nếu can huyết bất túc thì móng mềm, mỏng, khô, sắc nhợt, biến dạng. Trên lâm sàng, thầy thuốc quan sát sự thay đổi hình thái của móng để phán đoán tình trạng sinh lý, bệnh lý của can cũng có giá trị tham khảo nhất định.
  • Tạng Can khai khiếu ra mắt.
  • Tạng Can quan hệ với tình chí là nộ.
  • Tạng Can liên quan với dịch là nước mắt. Nếu âm huyết của can bất túc sẽ thấy hai mắt khô sáp; nếu can kinh phong nhiệt sẽ thấy mắt nhiều dử, nước mắt tiết nhiều.
Dịch của can là nước mắt
Dịch của can là nước mắt

Bạn đọc có băn khoăn hay thắc mắc gì thì có thể liên hệ trực tiếp qua Hotline – 0789.502.555 để được hỗ trợ nhé!

? Facebook: Tuệ Y Đường

?‍Ths.Bs Trần Thị Thu Huyền

?‍⚕️  Bác sĩ Đoàn Dung

?Địa chỉ: 166 Nguyễn Xiển – Hạ Đình – Thanh Xuân – Hà Nội

?Hotline: 0789.502.555 – 0789.503.555 –  0789501555

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *