Androgen – hoocmon sinh dục

Hormone Androgen là gì?

Androgen là một nhóm các hormone quan trọng cho việc biểu hiện kiểu hình nam giới. Chúng giúp phát triển cơ thể, khởi phát dậy thì và có vai trò trọng trong sức khỏe sinh sản. Hormone androgen thường được coi là nội tiết tố nam. Nhưng cơ thể phụ nữ tự nhiên cũng sản xuất ra một lượng nhỏ androgen – trung bình khoảng 1/10 đến 1/5 lượng do cơ thể nam giới sản xuất.

Ngày hôm nay chúng ta cùng Bác Sĩ Thạc sĩ Nguyễn Nhật Minh – Giám đốc chuyên môn, trưởng khoa nam học tại Phòng Khám Tuệ Y Đường giải đáp những thắc mắc xung quanh chủ đề này nhé

Androgen - hoocmon sinh dục
Androgen – hoocmon sinh dục

1. Thành phần

Testosterone là androgen phổ biến nhất và hoạt động mạnh nhất, được sản xuất bởi tinh hoàn của nam giới. Các nội tiết tố androgen khác, được sản xuất chủ yếu bởi vỏ thượng thận – phần ngoài cùng của tuyến thượng thận (tuyến nội tiết nằm phía trên thận) chỉ với số lượng tương đối nhỏ.

Ở nữ giới, buồng trứng, tuyến thượng thận, tế bào mỡ và tế bào da là nơi cung cấp nội tiết tố androgen.

2. Phân loại

Ở nam giới và phụ nữ, nội tiết tố androgen nội sinh bao gồm:

  • Testosterone.
  • Dihydrotestosterone (DHT).
  • Androstenedione (A).
  • Dehydroepiandrosterone (DHEA).
  • Dehydroepiandrosterone sulfate (DHEAS).

Testosterone và chất chuyển hóa có hoạt tính sinh học của nó là dihydrotestosterone (DHT), là những androgen duy nhất có hoạt tính androgen trực tiếp. DHEAS, DHEA và androstenedione đều là tiền chất của testosterone.

3. Quá trình tổng hợp androgen

Đối với nam giới

Ở nam giới, các tế bào kẽ của tế bào leydig, nằm trong mô liên kết bao quanh các ống sản xuất tinh trùng của tinh hoàn; chịu trách nhiệm sản xuất và bài tiết testosterone. Sự bài tiết thực sự của androgen bởi các tế bào này được kiểm soát bởi hormone luteinizing (LH) từ tuyến yên.

Ngoài ra, các androgen của tuyến thượng thận – androstenedione, DHEA và DHEA sulfate – có thể được chuyển đổi thành testosterone trong các mô khác ngoài tinh hoàn. Tuy nhiên, vai trò của các androgen tuyến thượng thận đối với việc hình thành testosterone ở nam giới không đáng kể.

Tổng hợp androgen ở nữ giới

Buồng trứng sản xuất 25% testosterone trong máu. Lượng testosterone này cũng phụ thuộc vào hormone LH. Tại buồng trứng, việc sản xuất testosterone tăng trong giai đoạn nang trứng, và đạt được mức tối đa khi rụng trứng và giai đoạn hoàng thể.

Buồng trứng cũng tiết ra 50% androstenedione và 20% DHEA. Testosterone được sử dụng như một dấu hiệu của quá trình tiết androgen của buồng trứng. Tuy nhiên, tuyến thượng thận cũng góp phần sản xuất testosterone, thông qua việc chuyển đổi của androstenedione thành testosterone ở ngoại vi. Ngoài ra, sự chuyển đổi testosterone thành DHT thông qua trung gian men 5α-reductase.

Các tuyến thượng thận sản xuất tất cả DHEAS và 80% DHEA. Tuyến thượng thận cũng tiết ra 50% androstenedione và 25% testosterone lưu hành. DHEAS và androstenedione không được buồng trứng tiết ra. Do đó, được sử dụng làm chất đánh dấu sự tiết androgen của tuyến thượng thận. Sự bài tiết androgen của tuyến thượng thận phụ thuộc vào hormone vỏ thượng thận (ACTH) do thùy trước tuyến yên tiết ra.

Da, mỡ, gan và hệ thống tiết niệu sinh dục là những vị trí ngoại vi quan trọng của quá trình sản xuất androgen. Androstenedione, và DHEA ở một mức độ nào đó, được chuyển đổi thành testosterone trong da.

4. Vai trò của androgen

Ở cả nam và nữ, nội tiết tố androgen giúp:

  • Tăng mật độ xương.
  • Phát triển cơ bắp.
  • Thúc đẩy dậy thì.
  • Sản xuất hồng cầu.
  • Hình thành ham muốn và chức năng tình dục.
Hoccmon adrogen thúc đẩy quá trình dậy thì ở nữ giới
Hoccmon adrogen thúc đẩy quá trình dậy thì ở nữ giới

Vai trò của nội tiết tố androgen ở nam giới?

Androgen gây nam hóa và chịu trách nhiệm hình thành cơ quan sinh dục ngoài của nam giới trong giai đoạn thai nhi. Sự vắng mặt của chúng hoặc không có các thụ thể androgen, dẫn đến một kiểu hình bên ngoài là nữ, mặc dù có công thức nhiễm sắc thể là 46 XY (ví dụ hội chứng không nhạy cảm với androgen).

Androgen cũng chịu trách nhiệm cho sự phát triển của các cơ quan sinh dục thứ cấp và ống dẫn tinh, túi tinh và tuyến tiền liệt. Androgen cũng cần thiết cho sự hình thành tinh trùng, duy trì sở thích và ham muốn tình dục.

Ngoài ra, sự phát triển của lông mu, lông mặt, lông nách và lông ngực, hay chứng hói đầu đều bị ảnh hưởng bởi androgen.

Ở tuổi vị thành niên, nội tiết tố androgen làm dài và dày dây thanh quản của nam giới, khiến giọng nói trở nên trầm hơn. Chúng cũng giúp tăng cường sự phát triển của xương và tăng số lượng và độ dày của các sợi cơ trong cơ thể nam giới. Bên cạnh đó, androgen còn làm tăng trọng lượng và kích thước thận, sản xuất các tế bào hồng cầu, tăng sắc tố da, và gia tăng hoạt động của các tuyến mồ hôi và bã nhờn.

Vai trò của androgen ở phụ nữ?

Androgen là tiền chất thiết yếu của estrogen. Vì vậy, không có estrogen nào có thể được tạo ra nếu không có chúng.

Androgen đóng vai trò trực tiếp và quan trọng trong việc điều chỉnh chức năng sinh sản của nữ giới. Đặc biệt, chúng rất cần thiết để điều phối chức năng buồng trứng và khả năng sinh sản, kích thích tế bào hạt và tế bào noãn, tạo điều kiện cho sự phát triển của nang trứng, và điều hòa tất cả các giai đoạn trưởng thành của nang trứng.

Ngoài ra, những hormone này đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa mất xương, tăng khối lượng cơ, cũng như ham muốn ở nữ giới và thỏa mãn tình dục.

5. Các vấn đề sức khỏe phổ biến liên quan đến androgen

Cường androgen

Đới với nữ giới

Lượng nội tiết tố androgen dư thừa có thể dẫn đến các triệu chứng ở nữ giới như:

  • Mụn trứng cá, tiết nhiều bã nhờn.
  • Rậm lông (lông phát triển quá mức) xảy ra trên khắp cơ thể. Nhưng thường thấy trên khuôn mặt (cằm, ria mép..).
  • Kinh nguyệt không đều.
  • Vô sinh.
  • Giọng nói trầm.
  • Phì đại âm vật (kích thước âm vật lớn hơn 35 mm²).
  • Hói đầu kiểu nam.

Các nguyên nhân gây cường androgen ở nữ thường gặp như:

Nguyên nhân phổ biến nhất gây cường androgen ở nữ giới là hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Đây là rối loạn nội tiết phổ biến nhất ảnh hưởng đến phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Các đặc điểm chính của PCOS bao gồm rối loạn kinh nguyệt, rối loạn rụng trứng và các dấu hiệu của cường androgen. Các dấu hiệu và triệu chứng của PCOS có thể bao gồm: buồng trứng có thể lớn, có nhiều nang trứng nhưng không phóng noãn; rậm lông; dấu gai đen.

PCOS có thể dẫn đến một số biến chứng, bao gồm:

  • Trầm cảm.
  • Tăng huyết áp.
  • Vô sinh.
  • Sẩy thai.
  • Béo phì.
  • Ngưng thở khi ngủ.
  • Đái tháo đường tuýp 2.
  • Tăng sản thượng thận bẩm sinh (CAH)

Đây là một nhóm các rối loạn di truyền liên quan đến việc thiếu các men hình thành các hormon cortisol và aldosterone – có vai trò quản lý sự trao đổi chất và huyết áp, của tuyến thượng thận.

Trong những rối loạn này, sự tắc nghẽn trong quá trình sinh tổng hợp cortisol dẫn đến mất khả năng ức chế tuyến yên, tăng tiết ACTH và sản xuất androgen tuyến thượng thận quá mức sau đó.

Bạn đọc có vấn đề về Nam khoa và các vấn đề khác có thể liên hệ trực tiếp qua Hotline – 0789.501.555 để được hỗ trợ!

CAH có thể nhẹ (CAH không điển hình) hoặc nặng (CAH điển hình). Nguyên nhân phổ biến nhất của tăng sản thượng thận bẩm sinh là do thiếu hụt men 21-hydroxylase, chiếm 90 – 95% bệnh nhân. Còn lại do thiếu men 11-β-hydroxylase hoặc thiếu 3-β-hydroxysteroid.

Triệu chứng của CAH tương tự như đã được đề cập ở trên. Ngoài ra, CAH có thể gây ra mụn trứng cá nặng, chiều cao tăng nhanh lúc nhỏ nhưng thấp khi trưởng thành, không có kinh nguyệt.

Mặc dù không có cách chữa trị CAH, hầu hết những người mắc chứng bệnh này có thể được điều trị để giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống .

  • Hội chứng Cushing

Hội chứng Cushing là một nguyên nhân hiếm gặp nhưng quan trọng của cường androgen. Hội chứng Cushing chủ yếu là hậu quả của việc tăng nồng độ cortisol trong máu, hoặc do sử dụng thuốc có chứa glucocorticoid.

Liệu pháp glucocorticoid hiện là nguyên nhân phổ biến nhất của hội chứng Cushing. Nhưng ít có khả năng liên quan đến các dấu hiệu tăng nội tiết tố androgen. Ngược lại, hội chứng Cushing nội sinh thường liên quan đến chứng rậm lông. Hội chứng Cushing có thể là thứ phát sau một khối u tuyến yên tiết ACTH, được gọi là bệnh Cushing.

Các trường hợp khác của hội chứng Cushing có liên quan đến sự bài tiết cortisol tự chủ của tuyến thượng thận. Khối u tuyến thượng thận có liên quan đến sự khởi phát nhanh chóng của các triệu chứng hội chứng Cushing, thường là chứng rậm lông. Hiếm khi hội chứng Cushing là do tiết ACTH bởi các loại khối u khác như ung thư phổi tế bào nhỏ

Hội chứng này có thể xuất hiện một cách ngấm ngầm với một loạt các triệu chứng cổ điển bao gồm: tăng cân nhanh chóng, rạn da bụng; dấu hiệu của chứng tăng androgen bao gồm rậm lông, mụn trứng cá và hói đầu.

Khối u tiết androgen

Các khối u tiết androgen của buồng trứng hoặc tuyến thượng thận là những nguyên nhân hiếm gặp của cường androgen. Phụ nữ có những khối u này có xu hướng khởi phát các triệu chứng đột ngột, tiến triển nhanh chóng của các triệu chứng cường androgen và dấu hiệu nam hóa (giọng trầm, phì đại âm vật, hói đầu kiểu nam).

Các khối u buồng trứng phổ biến nhất là u tế bào sertoli leydig và chiếm 0,5% tổng số các khối u buồng trứng. Tuy nhiên, bất kỳ loại khối u buồng trứng nào cũng có thể xuất hiện với các dấu hiệu của bệnh cường androgen.

Các khối u tuyến thượng thận tiết androgen ít phổ biến hơn khối u buồng trứng. Bệnh nhân có những khối u này thường có hình ảnh hỗn hợp của hội chứng Cushing và nam hóa.

  • Tăng prolactin máu

Nồng độ prolactin tăng cao được tìm thấy ở một số phụ nữ bị rậm lông. Tuy nhiên, mối quan hệ chính xác giữa nồng độ prolactin cao và tăng tiết androgen vẫn chưa rõ ràng. Mức prolactin tăng cao có thể trực tiếp kích thích vỏ thượng thận.

>>>>> Có thể bạn quan tâm: Chứng tý theo y học cổ truyền

  • Sử dụng nội tiết tố androgen ngoại sinh

Dùng phải nội tiết tố androgen hoặc các tác nhân có hoạt tính giống androgen có thể dẫn đến rậm lông, mụn trứng cá và nam hóa. Các loại thuốc như steroid đồng hóa, đôi khi bị lạm dụng bởi các vận động viên và người tập thể hình để cải thiện hiệu suất thể thao và xây dựng khối cơ. Những loại thuốc này cũng được sử dụng cho mục đích thẩm mỹ và phụ nữ để tăng ham muốn tình dục

Đối với nam giới

Cường androgen ở nam giới có các triệu chứng sau:

  • Mụn trứng cá. Mụn có thể là dấu hiệu của cường androgen khi không có bất kỳ nguyên nhân rõ ràng nào khác; chẳng hạn như đổ mồ hôi quá nhiều do tập thể dục.
  • Rối loạn cương dương.
  • Ham muốn tình dục cao.
  • Số lượng tinh trùng thấp.
  • Rậm lông quá mức.
  • Hói đầu sớm.
  • Thay đổi tâm trạng như cáu kỉnh, lo lắng hoặc trầm cảm ở nam giới.
  • Mất ngủ.
  • Huyết áp cao (tăng huyết áp).
  • Phì đại tuyến tiền liệt.
  • Ngưng thở khi ngủ.
  • Tăng cân.
  • Phù chân.
Lượng nội tiết tố androgen dư thừa có thể dẫn đến hói đầu ở nam giới
Lượng nội tiết tố androgen dư thừa có thể dẫn đến hói đầu ở nam giới

Các nguyên nhân gây tăng androgen ở nam giới:

  • Việc tăng cao androgen (điển hình là testosterone) ở nam giới xảy ra một cách tự nhiên là điều hiếm gặp. Thông thường, mức testosterone cao bất thường ở nam giới là do sử dụng các steroid đồng hóa. Việc bổ sung testosterone, cho dù được kê đơn hoặc tự ý sử dụng, cũng có thể làm tăng testosterone.
  • Các nguyên nhân khác gây ra tăng androgen ở nam giới bao gồm khối u ở tuyến thượng thận hoặc tinh hoàn. Các khối u tuyến thượng thận hiếm khi sản xuất androgen đơn thuần, cứ 1 triệu người thì có 2 người. Chúng có thể lành tính hoặc ác tính.

Giảm androgen

Ở nữ giới

Một số triệu chứng của sự thiếu hụt androgen ở phụ nữ có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi, mất năng lượng.
  • Mất ngủ.
  • Trầm cảm.
  • Yếu cơ.
  • Giảm ham muốn tình dục.
  • Giảm khoái cảm.
  • Khô âm đạo.
  • Rụng lông mu.
  • Giảm mật độ xương.
Giảm androgen ở nữ dẫn đến mệt mỏi, mất năng lượng
Giảm androgen ở nữ dẫn đến mệt mỏi, mất năng lượng

Một số nguyên nhân có thể gây ra tình trạng thiếu androgen ở phụ nữ bao gồm:

  • Tuổi tác. Nồng độ androgen trong máu giảm dần theo tuổi. Các hormone khác, chẳng hạn như estrogen, cũng giảm theo thời gian. Đặc biệt là khi phụ nữ đến tuổi mãn kinh. Ở phụ nữ trưởng thành, tổng mức testosterone ở phụ nữ 65 – 74 tuổi xấp xỉ 1/3 so với mức quan sát được ở những người 20 tuổi. Mức testosterone tự do giảm 90% theo tuổi, trong khi mức DHEAS và A đều giảm khoảng một phần ba.2
  • Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng.
  • Suy buồng trứng do thuốc, hóa trị hoặc xạ trị.
  • Liệu pháp estrogen đường uống (dạng viên) – viên uống tránh thai kết hợp hoặc viên nén estrogen để kiểm soát các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh. Viên uống tránh thai kết hợp ngăn chặn quá trình sản xuất nội tiết tố androgen của buồng trứng.
  • Vô kinh do nguyên nhân vùng dưới đồi. Mất kinh ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, có thể do nhiều yếu tố khác nhau như căng thẳng, giảm cân hoặc tập thể dục quá sức gây ra.
  • Suy buồng trứng sớm: mãn kinh sớm (trước 40 tuổi), do nhiều nguyên nhân.
  • Suy thượng thận: nguyên phát hoặc thứ phát.
  • Suy tuyến yên: do bẩm sinh hay mắc phải.

Ở nam giới

Một số triệu chứng phổ biến của sự thiếu hụt androgen ở nam giới bao gồm:

  • Đổ mồ hôi.
  • Nóng bừng.
  • Trầm cảm.
  • Loãng xương.
  • Mất lông cơ thể: râu, lông mu, lông nách.
  • Vú to.
  • Thờ ơ và mệt mỏi.
  • Giảm ham muốn tình dục.
  • Giảm xuất tinh.
  • Rối loạn cương dương.
  • Teo cơ và yếu cơ.
  • Béo bụng.
Bệnh vú to ở nam giới triệu chứng phổ biến của sự thiếu hụt androgen
Bệnh vú to ở nam giới triệu chứng phổ biến của sự thiếu hụt androgen

Vì phần lớn androgen (đặc biệt là testosterone) ở nam giới được tổng hợp tại tinh hoàn. Nên nguyên nhân gây giảm androgen ở nam cũng được coi là nguyên nhân gây suy sinh dục nam – nguyên nhân giảm testosterone. Có hai loại suy sinh dục cơ bản: nguyên phát và thứ phát.

  • Suy sinh dục nguyên phát

Tình trạng này còn được gọi là suy tinh hoàn nguyên phát – bắt nguồn từ một vấn đề ở tinh hoàn. Nguyên nhân phổ biến của suy sinh dục nguyên phát bao gồm:

  • Hội chứng Klinefelter.
  • Tinh hoàn ẩn.
  • Viêm tinh hoàn do quai bị.
  • Ứ sắt. Quá nhiều sắt trong máu có thể gây suy tinh hoàn hoặc rối loạn chức năng tuyến yên. Từ đó gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất testosterone.
  • Chấn thương tinh hoàn.
  • Điều trị ung thư. Hóa trị hay xạ trị ung thư có thể cản trở việc sản xuất testosterone và tinh trùng. Dù nhiều nam giới có thể lấy lại khả năng sinh sản trong vòng vài tháng sau điều trị. Nhưng việc bảo tồn tinh trùng trước khi bắt đầu điều trị ung thư là một lựa chọn nên cân nhắc cho nam giới.
  • Suy sinh dục thứ phát

Mời các bạn đón đọc: PHÒNG NGỪA BỆNH DA LIỄU MÙA HÈ

Trong suy sinh dục thứ phát, tinh hoàn vẫn bình thường nhưng không hoạt động. Do có bất thường tuyến yên hoặc vùng dưới đồi – những bộ phận của não ra tín hiệu cho tinh hoàn sản xuất testosterone.

Vùng dưới đồi sản xuất hormone giải phóng gonadotropin, nó báo hiệu cho tuyến yên tạo ra hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone tạo hoàng thể (LH). Sau đó, hormone LH báo hiệu tinh hoàn sản xuất testosteron. Một số tình trạng có thể gây suy sinh dục thứ phát, bao gồm:

  • Hội chứng Kallmann. Đây là một sự phát triển bất thường của khu vực não kiểm soát việc tiết hormone tuyến yên (vùng dưới đồi). Sự bất thường này có thể ảnh hưởng đến khả năng ngửi (anosmia) và gây mù màu xanh đỏ.
  • Suy tuyến yên. Nguyên nhân có thể bẩm sinh do đột biến gen, hoặc mắc phải do nhiễm trùng, khối u, chấn thương, phẫu thuật hay xạ trị…
  • Béo phì.
  • Sự lão hóa.

6. Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Trong khi một số người xem nội tiết tố androgen chủ yếu là hormone sinh dục nam. Thì những hormone này lại giúp cả nam và nữ bước vào tuổi dậy thì và phát triển về thể chất cũng như tình dục. Khi nồng độ androgen quá thấp hoặc quá cao, nó có thể ảnh hưởng đến năng lượng và ham muốn tình dục. Nồng độ androgen cao bất thường cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề như đái tháo đường.

Khi nhận thấy có những bất thường như đã đề cập ở trên, người bệnh hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám và xét nghiệm máu để đo nồng độ androgen. Tùy vào nguyên nhân mà sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Chúng ta không nên tự ý sử dụng thuốc để điều trị các rối loạn liên quan đến androgen. Vì có thể làm cho tình trạng bệnh nặng thêm và không được điều trị thích hợp.

BS Nguyễn Nhật Minh thăm khám cho BN tại phòng khám Tuệ Y Đường
BS Nguyễn Nhật Minh thăm khám cho BN tại phòng khám Tuệ Y Đường

Nếu các bạn có bất kì câu hỏi gì về phụ khoa, nam khoa, da liễu hay cơ xương khớp, các bạn hãy comment xuống bên dưới hoặc liên hệ trực tiếp tới Tuệ Y Đường theo các cách dưới đây:

📮 Facebook: Tuệ Y Đường

⚕️Bs CKI: Nguyễn Nhật Minh

👩⚕️ Ths.Bs Trần Thị Thu Huyền

👩⚕️  Bác sĩ Đoàn Dung

💒Địa chỉ: 166 Nguyễn Xiển – Hạ Đình – Thanh Xuân – Hà Nội

📞Hotline: 0789.502.555 – 0789.503.555

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi: Bs CKI Nguyễn Nhật Minh

Người viết: Bs Nguyễn Dương

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *