Đau đầu theo y học cổ truyền (đầu thống)

Cuộc sống hiện đại đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, việc đối mặt với những căng thẳng là điều không thể tránh khỏi, số lượng người bị đau đầu đang ngày càng tăng lên.

Đau đầu chỉ là triệu chứng, nguyên nhân của nó không nhất thiết là ở đầu, đôi khi các bất thường ở các bộ phận khác của cơ thể cũng có thể gây ra đau đầu. Vì các nguyên nhân và triệu chứng của đau đầu có thể rất khác nhau, do đó đau đầu cần được chẩn đoán và điều trị theo các trường hợp cụ thể, đặc biệt với các thể đau đầu mãn tính và tái phát như chứng đau nửa đầu, đau đầu do chấn thương hoặc do nguồn gốc từ thần kinh mạch máu. Còn y học cổ truyền quan điểm thế nào về đau đầu, hãy cùng  Tuệ Y Đường  đi tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

1.ĐẠI CƯƠNG ĐAU ĐẦU

Đau đầu do nhiều nguyên nhân gây ra
Đầu là nơi hội tụ của dương khí, khí huyết không đủ hoặc trở trệ gây đau

Đầu thống (đau đầu) là chứng trạng thường gặp của nhiều bệnh, từ ngoại cảm đến nội thương, hay sang chấn huyết ứ đều dẫn đến đau đầu. Ở đây chỉ nói về đau đầu do ngoại cảm và đau đầu do nội thương; không nói về đau đầu của lục kinh thương hàn của vệ khí dinh huyết trong Ôn bệnh.

Đầu ở vị trí cao nhất của cơ thể và là “nơi hội của các kinh dương” (Đầu mục chư dương chi sở hội). Ba kinh dương và mạch Đốc chủ phần dương toàn thân đều đi lên đầu. Khí thanh dương của các phủ cũng như huyết tinh hoa của các tạng đều hội tụ ở đây nên khi khí huyết không lên được đầu hoặc bị trở trệ, nghịch loạn đều có thể gây đau đầu. Ngoài ra, trên lâm sàng, dựa vào vị trí đau đầu ta có thể quy chiếu với kinh lạc, tạng phủ có liên quan.

Đau đầu do ngoại cảm thì thế bệnh đến cấp, đau nhiều, đau dữ dội, đau liên tục, thường là chứng thực, phép điều trị phải lấy khu tà làm chính. Đau đầu do nội thương thì thế bệnh đến hoãn, phát triển từ từ, đau không nhiều, đau âm ỉ, liên miên, hoặc lúc đau, lúc không, thường là hư chứng, phép điều trị phải lấy bổ hư làm chính.

Ngoài ra, còn có đau đầu do khí trệ, huyết ứ, đờm trọc thường là chứng trong hư có thực, bản hư tiêu thực, phải trị cả tiêu lẫn bản.

Ngoại cảm đa số là thực chứng, nội thương có hư và có thực. Trong nội thương đầu thống thì chứng Hư đa số kiêm hoa mắt, chóng mặt, chứng Thực phần nhiều kiêm trướng, đầy. Trong chứng Hư thì thấy đau đầu thể Can dương thường gặp hơn, trong chứng Thực thấy đau đầu thể Can hỏa thường gặp hơn, nói lên Can bệnh có liên quan chặt chẽ với đầu thống. Ngoại cảm đầu thống đa số dùng thuốc sơ tán, nội thương đầu thống có nhiều phép chữa như có bổ, có ôn, có hóa, có tiềm trấn và có thanh giáng…

Về mặt Tây y, chứng đầu thống thường gặp trong các bệnh sốt nhiễm trùng, tăng huyết áp, thiểu năng tuần hoàn não, bệnh do rối loạn thần kinh chức năng…

 

2. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH

2.1. Nguyên nhân

Theo Theo BS.CKII.Trần Thu Huyền, đau đầu có các nguyên nhân: ngoại nhân, nội nhân và bất nội ngoại nhân

Ngoại nhân: Do ngoại tà phong hàn thấp nhiệt xâm phạm vào kinh lạc tuần hành ở đầu làm kinh lạc bế tắc không thông, khí huyết ứ trệ dẫn đến đau đầu.

Nội nhân: Do tình chí không thư thái làm công năng tạng phủ thất điều, hoặc bệnh lâu ngày tổn thương tạng phủ, khí huyết suy hao, thanh dương không thăng, trọc âm không giáng làm não không được nuôi dưỡng đầy đủ mà dẫn đến đau đầu. Thường liên quan đến ba tạng Tỳ, Can, Thận.

Bất nội ngoại nhân: Do té ngã, chấn thương, hoặc khí trệ, huyết ứ, đàm ẩm…

2.2. Cơ chế bệnh sinh

Đau đầu có thể do ngoại cảm hoặc nội thương
Đau đầu có thể do ngoại cảm hoặc nội thương

Ngoại cảm đau đầu. Đầu là nơi hội tụ của các kinh dương, khí thanh dương của các phủ cũng như huyết tinh hoa của các tạng đều hội tụ ở đây nên khi bị ngoại tà lục dâm xâm phạm làm bế tắc sự vận hành của khí huyết thì gây nên đau đầu. Trong lục tà thì Phong tà giữ vai trò chủ đạo và kết hợp với các tà khí khác như Hàn, Thấp, Nhiệt. Hàn làm tắc kinh mạch, Nhiệt làm náo loạn thanh không (khí huyết nghịch loạn), Thấp che lấp thanh khiếu, thanh dương không thăng lên đầu được gây nên bệnh.

Nội thương đau đầu. Thường do khí hư, huyết hư, khí trệ, huyết ứ làm mạch lạc không được nuôi dưỡng hoặc do Thận thủy bất túc, Can dương thượng thăng, tình chí bất hòa, khí uất hóa hỏa làm thanh khiếu bị nhiễu loạn hoặc đờm ẩm thực tích.

Nói chung, cơ chế bệnh sinh của đau đầu dù là ngoại cảm hay nội thương là đều làm cho mạch lạc mất điều hòa, khí huyết bị trở ngoại mà gây nên bệnh.

3.THỂ LÂM SÀNG

3.1. Đau đầu do ngoại cảm

3.1.1. Phong hàn đầu thống

Đầu thống do ngoại cảm phong hàn là do tà khí phong hàn gây bệnh nên thường khởi phát sau khi bị gió, nhiễm lạnh.

Chứng trạng: Đau đầu, nhức đầu với đặc điểm căng tức, bó chặt, gặp lạnh đau tăng, gặp ấm thì dễ chịu. Đau thường lan xuống cổ gáy và lưng. Có thể có sợ gió, sợ lạnh, nghẹt mũi, chảy mũi; không khát. Rêu lưỡi trắng mỏng. Mạch Phù Khẩn.

Pháp trị: Sơ phong tán hàn, thông lạc chỉ thống.

Phương dược: Xuyên khung trà điều tán (Hòa tễ cục phương) (Xuyên khung 8g, Khương hoạt 8g, Bạch chỉ 8g, Tế tân 4g, Bạc hà 32g, Kinh giới 16g, Phòng phong 8g, Cam thảo 4g).

Bài thuốc đông y trị đau đầu theo thể bệnh
Bài thuốc đông y trị đau đầu theo thể bệnh

3.1.2. Phong nhiệt đầu thống

Có thể do ngoại cảm phong hàn nhưng không khỏi mà bị uất kết nên hóa nhiệt hoặc là phong tà kiêm nhiệt tà trúng vào dương lạc.

Chứng trạng: Đau đầu với cảm giác căng trướng (đầu trướng, não trướng), nặng thì đau như búa bổ, gặp nóng đau tăng. Sốt hoặc phát sốt kiêm sợ gió, mặt đỏ, mắt đỏ, họng đau, miệng khô, khát nước. Đầu lưỡi hoặc rìa lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng. Mạch Phù Sác.

Pháp trị: Khu phong thanh nhiệt, thông lạc chỉ thống.

Phương dược: Khung chỉ thạch cao thang (Thương hàn luận) gia giảm (Xuyên khung 18g, Bạch chỉ 16g, Thạch cao 20g, Cúc hoa 24g, Cam thảo 6g, Đại táo 12g, gia Bạc hà 32g, Chi tử 12g, Hoàng Cầm 12g; bỏ Khương hoạt và Cao bản vì 2 vị này tính cay ôn)

Trà Kỷ tử hoa Cúc – Người thưởng trà không thể bỏ qua

3.1.3. Phong thấp đầu thống

Là do phong tà kiêm thấp tà xâm phạm ở trên, thanh khiếu bị thấp tà che lấp cho nên đầu nặng và đau.

Chứng trạng: Đau đầu với cảm giác nặng đầu (đầu trọng), đầu như bị “bó chặt”; thời tiết âm u, mưa, ẩm ướt thì đau tăng. Chân tay nặng nề, ngực bụng đầy trướng khó chịu, miệng nhạt, ăn không ngon miệng hoặc chán ăn. Tiểu tiện ít, đại tiện nhão. Rêu lưỡi trắng, nhớt (nhờn). Mạch Phù Hoãn hoặc Nhu Hoãn hoặc Hoạt.

Pháp trị: Khu phong thắng thấp, thông lạc chỉ thống.

Phương dược: Khương Hoạt Thắng Thấp Thang (Nội Ngoại Thương Biện Hoặc Luận, Lý Đông Viên) (Khương hoạt 8g, Độc hoạt 8g, Phòng phong 8g, Cảo bản 8g, Mạn kinh tử 12g, Xuyên khung 4g, Cam thảo 4g).

 

3.2. Đau đầu do nội thương

3.2.1. Can hỏa thượng viêm

Đầu thống do Can hỏa thượng viêm thuộc loại đầu thống nội thương do Can khí uất kết hóa hỏa, hoặc Can nhiệt thịnhtích nhiệt hóa hỏa, hỏa khí nghịch lên quấy rối phủ thanh không, huyết và khí bị nghịch loạn gây nên gây bệnh. Loại đầu thống này đơn thuần là Thực chứng, Nhiệt chứng (Thực Nhiệt, Thực Hỏa).

Chứng trạng:

Đau đầu với cảm giác căng trướng, căng tức mức độ dữ dội, đau như búa bổ, có thể đau từng cơn hoặc đau liên tục kéo dài. Vị trí đau thường là vùng đỉnh hoặc hai bên đầu.

Đau thường kèm theo hoa mắt, chóng mặt, ù tai, cảm giác như có sóng trào; mắt đỏ, mặt đỏ, sờ tay vào có cảm giác nóng.

Phiền táo, dễ giận, ưa tĩnh, tuy nhiên động đến là tức giận ngay cho dù ở nơi yên tĩnh cũng khó yên; Ngoài ra có thể có chứng ngực sườn trướng đau, thổ huyết, nục huyết, ợ hơi ợ chua, nấc hoặc khó ngủ, hay mơ, dễ bị kinh sợ…

Tiểu tiện sẫm ngắn, đại tiện táo kết. Miệng đắng, họng khô, khát nước, thích uống. Lưỡi đỏ khô, ven lưỡi và đầu lưỡi đều đỏ, nổi gai; rêu vàng dày mà khô. Mạch Huyền hoặc Huyền Hoạt, phần nhiều kiêm Sác kiêm Đại.

Pháp trị: Thanh Can tả hỏa hoặc Bình Can giáng hỏa.

Phương dược: Long đởm tả can thang (Y tông kim giám) (Long đởm thảo 12g, Hoàng cầm 8g, Chi tử 12g, Trạch tả 8g, Xa tiền tử 6g, Mộc thông 8g, Đương quy 8g, Sinh địa 8g, Sài hồ 8g, Cam thảo 2g)

3.2.2. Can dương thượng cang (can dương xung)

Đầu thống do Can dương thượng cang thuộc loại đầu thống nội thương, do Can âm bất túc, âm không liễm dương, Can dương không tiềm tàng hoặc Can khí thăng phát thái quá, dương khí nổi lên quấy động ở trên gây nên bệnh. Chứng này phần nhiều do phòng thất nhọc mệt, thất tình nội thương và ăn uống không điều hòa là những nguyên nhân cộng đồng gây nên. Loại đầu thống này là dưới hư trên thực (hạ hư thượng thực hay bản hư tiêu thực).

Chứng trạng: Đau đầu với cảm giác hơi căng trướng tức nhẹ; đau từng cơn, đau kiểu mạch đập. Vị trí đau thường là vùng đỉnh hoặc hai bên đầu.

Đau thường kèm hoa mắt, chóng mặt; đầu nặng chân nhẹ; ù tai, cảm giác như tiếng ve kêu, ban ngày không rõ, ban đêm rõ hơn, lúc phát lúc ngừng; mặt đỏ, nhưng lúc đỏ lúc không, sờ tay vào không có cảm giác nóng.

Phiền táo, dễ giận, ưa tĩnh, tuy nhiên tự thân không nổi giận. Ngoài ra có thể kiêm chứng ngực sườn trướng đau, tay chân tê ngứa, máy giật cơ; phụ nữ thì hành kinh lượng ít hoặc bế kinh, mồ hôi trộm, có từng cơn nóng bụng, khó ngủ, hay mơ.

Tiểu tiện sẫm ngắn, đại tiện táo kết. Miệng khô, họng khô, nhưng không ưa uống nước. Lưỡi đỏ khô, ven lưỡi và đầu lưỡi đều đỏ, tuy nhiên không nổi gai; rêu vàng mỏng. Mạch Huyền Sác, phần nhiều kiêm Tế mà không Đại.

Pháp trị: Bình Can tiềm dương

Phương dược: Thiên ma câu đằng ẩm (Tạp Bệnh Chứng Trị Tân Nghĩa) (Câu đằng 12g, Dạ giao đằng 10g, Đỗ trọng 10g, Hoàng cầm 10g, Ích mẫu 12g, Ngưu tất 12g, Phục thần 12g, Sơn chi 12g, Tang ký sinh 12g, Thạch quyết minh 20g, Thiên ma 8g)

3.2.4. Khí hư

Thường gặp sau mắc bệnh kéo dài hoặc quá mệt nhọc hao khí khiến cho trung khí bất túc, khí hư thì thanh dương không thăng, trọc âm không giáng dẫn đến đầu thống.

Chứng trạng:

Đau đầu âm ỉ, hoặc chóng mặt, nặng đầu, cảm giác lâng lâng trống rỗng, làm việc quá sức thì đau tăng. Thường đau nhiều về buổi sáng hoặc khi mới ngủ dậy, buổi chiều nhẹ dần. Người mệt mỏi, tay chân vô lực, đoản hơi, thiểu khí, biếng nói, ăn kém, đại tiện nhão. Lưỡi nhợt, có dấu răng, rêu lưỡi trắng mỏng. Mạch Hư Tế vô lực.

Pháp trị: Bổ trung ích khí

Phương dược:

  • Thuận khí hoà trung thang (Vệ Sinh Bảo Giám) (Nhân sâm 4g Hoàng kỳ 6g, Bạch truật 2g Chích thảo 4g Bạch thược 2g, Đương quy 2g, Xuyên khung 0,8g, Trần bì 2g, Sài hồ 0,8g Thăng ma 0,8g, Tế tân 0,8g, Mạn kinh tử 0,8g, Sinh khương 3 lát, Đại táo 2 trái).
  • Bổ trung ích khí thang (Tỳ Vị luận) (Đẳng sâm 16g, Hoàng kỳ 20g, Bạch truật 12g, Chích thảo 4g, Đương quy 12g, Sài hồ 10g, Thăng ma 6g, Trần Bì 6g, Sinh khương 0,5g, Đại táo 2g).

3.2.5. Huyết hư

Đau đầu do huyết hư cần bồi bổ lại khí huyết
Đau đầu do huyết hư cần bồi bổ lại khí huyết

Thường gặp sau ốm nặng, trong thai kỳ, hoặc sau khi sinh, hoặc bị băng lậu mất huyết nhiều dẫn đến đầu thống.

Chứng trạng: Đau đầu âm ỉ, đau tăng về chiều. Đau thường kèm hoa mắt, chóng mặt, nhìn mờ, hồi hộp, mất ngủ, tay chân tê bì. Sắc mặt nhợt, môi nhợt. Chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng. Mạch Trầm Tế vô lực, hoặc Huyền Tế (Can huyết hư), hoặc Tế Nhược (Khí huyết lưỡng hư).

Pháp trị: Bổ huyết, dưỡng huyết.

Phương dược: Bổ Can thang (Kim Quỹ Dực) (Thục địa 12g Bạch thược 6g, Đương quy 4g, Xuyên khung  2,8g, Cam thảo 2g, Trần bì 4g).

Tuy nhiên trên lâm sàng thường thấy xuất hiện cả khí hư lẫn huyết hư nên pháp điều trị cần bổ cả khí lẫn huyết, dùng bài Bát trân thang (Chính thể loại yếu) gia giảm hoặc Quy tỳ thang (Phụ nhân lương phương) gia vị.

3.2.6. Huyết ứ

Chứng đau đầu do huyết ứ thuộc Thực chứng, phần nhiều do đau lâu ngày tà khí phạm vào kinh lạc làm huyết ứ trệ không thông hoặc do ngoại thương sang chấn như tiền sử có chấn thương, đụng dập ở đầu.

Chứng trạng: Đau đầu kéo dài không đỡ, đau âm ỉ, liên miên, có điểm đau cố định, đau kiểu châm chích. Lưỡi có ban hoặc điểm ứ huyết. Mạch Sáp (Sắc), Tế Sáp hoặc Trầm Sáp.

Pháp trị: Hoạt huyết hóa ứ, thông lạc chỉ thống.

Phương dược: Thông khiếu hoạt huyết thang (Y lâm cải thác) (Đào nhân 12g, Hồng hoa 12g, Xích thược 8g, Xuyên khung 8g, Sinh khương 12g, Xạ hương (Xung phục) 12g, Củ hành già (cắt vụn) 3 củ).                

3.2.7. Đờm thịnh (đờm trọc)

Chứng đau đầu do đờm thịnh thuộc Thực chứng, nguyên nhân do ăn uống không điều độ, Tỳ Vị hư yếu, khí cơ không lợi, đờm thấp không hóa mà tích tụ lại bên trong, gây nghẽn lấp, lấn át, cản trở hướng đi lên của thanh dương mà gây bệnh. Loại đầu thống này khác với đầu thống phong thấp ở chỗ đầu thống phong thấp là bệnh ở biểu mà ố phong, còn đầu thống đờm trọc là đờm thấp ngăn trở ở trong nên không có biểu chứng.

Chứng trạng: Cảm giác nặng đầu, sây sẩm mặt mày hoặc đau đầu kèm hoa mắt, chóng mặt. Lợm giọng, buồn nôn hoặc nôn đờm dãi. Ngực bụng trướng tức đầy. Mệt mỏi, miệng nhạt, chán ăn, ăn không ngon. Lưỡi nhợt, to bệu có dấu tăng. Rêu lưỡi trắng nhớt (nhờn), nếu rêu trắng chuyển sang vàng là thấp đờm hóa nhiệt. Mạch Hoạt hoặc Nhu Hoãn hoặc Huyền Hoạt (do phong đờm).

Pháp trị: Kiện tỳ táo thấp, hóa đờm giáng nghịch, thông lạc chỉ thống.

Phương dược: Bán Hạ Bạch Truật Thiên Ma Thang (Tỳ Vị Luận) (Bán hạ 8g, Bạch truật 12g, Thiên ma 8g, Trần bì 8g, Phục linh 12g, Cam thảo 4g, Sinh khương 3 lát, Đại táo 3 quả).

Phòng Khám Đông y Tuệ Y Đường – Chúc quý bệnh nhân mau lành bênh !

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *