Đau cổ vai gáy là bệnh lý rất hay gặp trong cuộc sống hiện tại. Bệnh cảnh trên lâm sàng rất đa dạng khá dễ để chúng ta chẩn đoán nhưng để hiểu được nguyên nhân gây bệnh là gì và cách phòng bệnh hiệu quả thì mời bạn đọc cùng các bác sĩ tại phòng khám Tuệ Y Đường tìm hiểu kĩ hơn về bệnh lý đau cổ vai gáy nhé!
Bài viết được tham vấn bởi Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Nhật Minh – Giám đốc chuyên môn phòng khám Tuệ Y Đường.
A. Đau cổ vai gáy theo y học hiện đại
1. Đại cương
1.1 Khái niệm đau cổ vai gáy
Đau cổ vai gáy là một nhóm các triệu chứng lâm sàng liên quan đến bệnh lý cột sống cổ kèm theo các rối loạn chức năng rễ, dây thần kinh và cột sống cổ hoặc tủy cổ. Biểu hiện lâm sàng thường gặp đau vùng cổ vai vai cánh tay một bên hoặc hai bên kèm theo các rối loạn cảm giác hoặc vận động của rễ thần kinh cột sống cổ bị tổn thương. Hiện nay còn gọi là hội chứng cổ vai cánh tay.
1.2 Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
Nguyên nhân đau cổ vai gáy thường gặp là do thoái hóa cột sống cổ chiếm 70-80%, thoái hóa các khớp liên đốt và liên mỏm bên làm hẹp lỗ tiếp hợp gây hậu quả chèn ép rễ thần kinh cột sống thoát ra từ các lỗ tiếp hợp
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ chiếm 20-25% nguyên nhân gây đau cổ gáy kết hợp với thoái hóa cột sống cổ
Một số nguyên nhân ít gặp hơn: Khối u, nhiễm trùng, loãng xương, bệnh lý viêm cột sống, bệnh lý phần mềm cạnh cột sống,…
2. Lâm sàng đau cổ vai gáy
2.1 Hội chứng cột sống cổ
– Đau vùng cổ gáy gồm 3 triệu chứng:
- Đau cổ vai gáy cấp tính: Hay vẹo cổ cấp xuất hiện sau chấn thương, sau vận động quá mức, sau một đêm ngủ dậy gối đầu lệch, bị lạnh, đau vùng gáy lan lên vùng chẩm. Bệnh nhân hạn chế vận động vì đau. Bệnh khỏi sau vài ngày và dễ tái phát.
- Đau cổ vai gáy mạn tính: Đau âm ỉ khi tăng khi giảm, khó vận động một số động tác vì đau, đôi khi có dấu lạo xạo
- Điểm đau cạnh cột sống cổ: Ấn vào các gai sau đau dọc cột sống, cơ cạnh sống co cứng ấn đau.
– Hạn chế vận động cột sống cổ: đau làm đầu vẹo sang một bên không quay về bên kia được do cơ bên đau bị co cứng phản xạ lại.
2.2 Hội chứng rễ thần kinh
– Do thoát vị đĩa đệm chèn ép rễ thần kinh thuộc đám rối thần kinh cánh tay. Đau vùng gáy lan lên chẩm hoặc xuống vai, cánh tay, bàn tay biểu hiện trên lâm sàng gội chứng cổ vai – cánh tay. Đau có tính chất cơ học, đau tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi.
– Rối loạn vận động cảm giác kiểu rễ: Rối loạn vận động dạng khép xoay trong xoay ngoài kèm theo hiện tượng giật bó cơ khi bị teo cơ rõ. Tê một vùng ở cánh tay, cẳng tay, bàn ngón tay. Làm nghiệm pháp căng dây thần kinh thì đau và tê tay
– Rối loạn phản xạ kiểu rễ cổ: Giảm hoặc mất phản xạ gân xương do rễ thần kinh chi phối và chèn ép
– Tổn thương rễ thần kinh cổ
– Một số nghiệm pháp đánh giá tổn thương rễ thần kinh cổ:
- Dấu bấm chuông: Ấn điểm cạnh sống tương ứng đau xuất hiện từ cổ lan xuống vai và cánh tay.
- Nghiệm pháp Spurling (ép rễ thần kinh cổ): Bệnh nhân ngồi hoặc nghiêng nhiều về phía bên đau, thầy thuốc ép đầu bệnh nhân sẽ xuất hiện đau kiểu rễ.
- Nghiệm pháp căng rễ thần kinh cổ
- Nghiệm pháp trung rễ thần kinh cổ
- Nghiệm pháp kéo giãn cột sống cổ
>>> Tham khảo bài viết dưới đây: VIÊM QUANH KHỚP VAI VÀ CÁCH NHẬN BIẾT
2.3 Hội chứng động mạch sống – nền
- Đau đầu vùng chẩm, chóng mặt , ù tai, mờ mắt, đôi khi giảm thị lực thoáng qua
- Người luôn có cảm giác mệt mỏi
- Rung giật nhãn cầu, hội chứng tiểu não, hội chứng giao bên,…
2.4 Hội chứng tủy cổ
Do lồi hoặc thoát vị đĩa đệm chèn ép tủy hoặc rễ thần kinh: biểu hiện sớm bởi dấu hiệu tê bì khó cử động hai tay, teo cơ hai tay,… Biểu hiện muộn có thể gây liệt trung ương tứ chi, liệt ngoại vi hai tay- liệt trung ương hai chân, rối loạn tiểu tiện
3. Cận lâm sàng
3.1 X quang
-Hình ảnh X quang của bệnh nhân đau cổ vai gáy trên phim nghiêng thấy gai xương, mỏ ở thân xương, mấu bán nguyệt, đây là lý do quan trọng trực tiếp làm hẹp lỗ tiếp hợp.
-Hình ảnh X quang ở tư thế thẳng cho mờ đậm của mấu bán nguyệt, so sánh khe khớp bên tổn thưng và bên lành
-Trên phim chếch ¾ thấy lỗ ghép méo mó hoặc hẹp lại
-Khi có thoát vị xảy ra thấy hình ảnh mất đường cong sinh lý, hình ảnh trượt đốt sống, hẹp ống sống,…
3.2 Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Đối với bệnh nhân đau cổ vai gáy, trên phim MRI thì đĩa đệm có ranh giới rõ, đĩa đệm thoái hóa nước,… đây là cận lâm sàng chẩn đoán nguyên nhân đau cổ vai gáy do thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.
B. Đau cổ vai gáy theo y học cổ truyền
Vai cổ gáy là nơi cốt yếu của sự vận động chi trên và vùng đầu mặt cổ. Vùng này có 6 đường kinh đi qua. Đau cổ vai gáy là loại bệnh có chủ chứng vùng vai, cổ gáy cứng đau thường đau một bên có khi đau cả hai bên kèm theo quay đầu quay cổ vận động khó khăn
Bệnh danh trong đông y của đau cổ vai gáy nếu đau vùng cổ gáy nhiều là lạc chẩm thống, nếu đau nhiều vùng vai là kiên tý thống.
1. Nguyên nhân
1.1 Phong hàn thấp thừa cơ xâm phạm
Ở môi trường sống ẩm thấp, thời tiết khí hậu nóng lạnh đột ngột làm cho phong hàn thấp nhân lúc cơ thể suy yếu chính khí kém xâm phạm vào cơ thể dẫn đến kinh lạc tắc trở, khí huyết vận hành không thông mà gây bệnh
1.2 Khí trệ huyết ứ
Bệnh nhân bị chấn thương (bị đánh, bị ngã, mang vác vật nặng quá mức) chơi các môn thể thao quá tầm dẫn đến tổn hại khí huyết kinh mạch trở trệ không thông mà đau nhức
1.3 Can thận bất túc
Người bẩm tổ tiên thiên không đủ, người có tuổi thiên quý suy hoặc phòng dục quá độ làm cho thận tinh suy tổn; thận hư không tu dưỡng được can mộc, can thận hư không nuôi dưỡng được cân cốt mà sinh bệnh,
3. Biện chứng luận trị
Bệnh đau cổ vai gáy nguyên nhân gây bệnh có cả ngoại cảm nội thương, khi biện chứng cần phân biệt biểu lý hư thực. Nếu bị ngoại cảm phong hàn thấp, khí trệ huyết ứ thì bệnh phát sinh gấp thì bệnh thuộc biểu thuộc thực, điều trị nên tán tà hay hóa ứ thông lạc. Nếu do can thận hư kết hợp phong hàn thấp thường mắc bệnh ở người có tuổi, bệnh phát tái đi tái lại nhiều lần thì cần phù chính khu tà cần bố can thận khu phong trừ hàn trừ thấp thông kinh hoạt lạc.
Trường hợp chính khí hư bị ngoại cảm phong hàn thấp hoặc khí trệ huyết ứ tức là hư trung hiệp thực thì khi chữa cần xem xét tiêu bản hoãn cấp mà điều trị cả ngọn lẫn gốc; cách chữa là hoạt huyết hành ứ, lý khí thông lạc hoặc khu phong tán hàn trừ thấp ích khí dưỡng huyết.
4. Các thể bệnh trên lâm sàng
4.1. Lạc chẩm thống do phong hàn
Chủ chứng: Đau âm ỉ thường có cảm giác căng cứng ở cổ và lưng hoặc chi trên. Vùng vai có cảm giác lạnh, chườm nóng hoặc xoa bóp thì giảm nhẹ. Bệnh nhân sợ gió, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng, mạch phù khẩn.
Biện chứng: Đau vai do phong hàn là chứng đau vai nhẹ, bệnh ở vai gáy và đầu bệnh thuộc biểu chứng: sợ gió, rêu lưỡi trắng, mạch phù khẩn. Bệnh đau khi trời lạnh, chườm ấm dễ chịu bệnh thuộc hàn. Bệnh mới mắc thuộc thực chứng.
Pháp điều trị: Khu phong tán hàn thông kinh lạc
Phương điều trị:
- Bài 1: Bài thuốc kinh nghiệm
Thổ phục linh | 16g | Quế chi | 8g |
Ké đầu ngựa | 16g | Bạch chỉ | 8g |
Hy thiêm | 16g | Tỳ giải | 12g |
Uy linh tiên | 12g | Cam thảo nam | 12g |
Rễ vòi voi | 16g | Ý dĩ | 12g |
Cách dùng: sắc uống ngày 1 thang
- Bài 2: Cát căn thang: Đây là bài Quế chi thang thêm Cát căn và Ma hoàng
Cát căn | 12g | Quế chi | 8g |
Ma hoàng | 8g | Thược dược | 12g |
Cam thảo | 6g | Sinh khương | 4g |
Đại táo | 12g |
Cách dùng: sắc uống ngày 1 thang
Phương huyệt châm cứu: cứu hoặc ôn châm Phong trì, Kiên tỉnh, Thiên tông, Kiên ngung, Cự cốt, Đại trữ, Phế du. Ngoài ra còn có thể châm tả một huyệt Tuyệt cốt, vừa châm vừa bảo bệnh nhân vận động cổ.
Nên kết hợp xoa bóp bấm huyệt
4.2. Đau vai gáy do hàn thấp
Chứng trạng: Do nằm lâu nơi ẩm lạnh hoặc khi ra nhiều mồ hôi lại bị ngấm nước lạnh, xuất hiện vùng vai gáy và cơ bắp cục bộ đau kịch liệt, cảm giác lạnh, sợ lạnh, chườm nóng cảm giác đau tạm thời giảm nhẹ nhưng chốc lát trở lại như cũ. Bệnh tình kéo dài thường kiêm chứng khí hư tự ra mồ hôi, đoản hơi, dễ cảm mạo, chất lưỡi nhợt rêu trắng, mạch nhược hoặc huyền tế.
Pháp điều trị: Tán hàn trừ thấp ôn thông kinh lạc
Phương điều trị:
- Bài 1: Thuốc kinh nghiệm:
Quế chi | 8g | Kê huyết đằng | 12g |
Tang chi | 12g | Ý dĩ | 12g |
Gừng | 4g | Uất kim | 8g |
Bạch chỉ | 8g | Thiên niên kiện | 8g |
Cách dùng: sắc uống ngày 1 thang
- Bài 2: Ô đầu thang gia giảm
Phụ tử chế | 8g | Phục linh | 8g |
Ma hoàng | 8g | Cam thảo | 6g |
Bạch thược | 8g | Thương truật | 8g |
Hoàng kỳ | 8g | Bạch truật | 8g |
Cách dùng: sắc uống ngày 1 thang
Phương huyệt châm cứu:
- Tại chỗ: Ôn châm các huyệt tại chỗ đau: Kiên ngung, Kiên tỉnh, Kiên trinh, Đại trữ, Cao hoang
- Toàn thân: Cứu Quan nguyên, Khí hải, Phong trì, Túc tam lý.
- Xoa bóp bấm huyệt, tác động cột sống (lưu ý: nhẹ nhàng nhưng thấm sâu để giải cơ)
4.3. Đau vai gáy do huyết ứ
Chứng trạng: Sau mang vác quá sức hoặc bị đánh, ngã vai gáy đau, vận động cổ khó, cơ vùng cổ co cứng, chất lưỡi có ban tím, mạch sáp
Biện chứng: Chất lưỡi có ánh tím mạch sáp là dấu hiệu của huyết ứ ở trong. Đau như dùi đâm là khí huyết không được lưu thông ở bên trong tạng phủ
Pháp điều trị: Hoạt huyết, hành khí, thông kinh lạc
Phương dược điều trị:
- Bài: Thân thống trục ứ thang gia giảm:
Đương qui | 12g | Hồng hoa | 8g |
Đào nhân | 8g | Xuyên khung | 8g |
Ngưu tất | 12g | Hương phụ | 12g |
Một dược | 8g | Ngũ linh chi | 4g |
Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang
Phương huyệt châm cứu: Châm các huyệt như trên; thêm Cách du
Bạn đọc có nhu cầu thăm khám các bệnh phụ khoa, nam khoa, da liễu, cơ xương khớp xin liên hệ hotline-0789503555 để được tư vấn nhé!
4.4. Đau vai gáy do can thận hư
Chứng trạng: Vai gáy thường đau mỏi, thích xoa chườm, khi lao động mệt nhọc thì đau tăng, nghỉ ngơi đỡ đau, thường phát đi phát lại, kèm đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ tâm phiền, chất lưỡi đỏ ít rêu, mạch huyền tế sác.
Pháp điều trị: Bổ can thận, khu phong trừ thấp, tán hàn, thư cân hoạt lạc.
Phương dược điều trị
- Bài: Quyên tý thang gia giảm
Khương hoạt | 10g | Phòng phong | 8g |
Xích thược | 8g | Khương hoàng | 10g |
Tần giao | 10g | Mộc qua | 12g |
Hoàng kỳ | 12g | Đương qui | 12g |
Cam thảo | 4g | Đại táo | 12g |
Tang chi | 12g | Xuyên khung | 8g |
Cách dùng: sắc uống ngày 1 thang
Phương huyệt châm cứu: Châm A thị huyệt và vùng đau lân cận kèm thêm xoa bóp bấm huyệt và tác động cột sống (lưu ý: Nhẹ nhàng nhưng thấm sâu để giải cơ).
Tham khảo bài viết dưới đây của các bác sĩ tại phòng khám Tuệ Y Đường: ĐIỀU TRỊ ĐAU CỔ VAI GÁY CẤP TẠI TUỆ Y ĐƯỜNG