BẠCH THƯỢC – Bổ âm dưỡng huyết

Hôm nay Phòng khám Tuệ Y Đường mời quý bạn đọc cùng tìm hiểu về Bạch thược, vị thuốc cực kỳ quan trọng trong những phương thuốc y học cổ truyền chữa các chứng liên quan đến phần âm huyết trong cơ thể nhé!

I. Giới thiệu chung về Bạch thược

Theo BS CKII Trần Thị Thu Huyền chia sẻ, bạch thược có nhiều tên gọi, trong đó tên gọi quen thuộc trong dân gian thường là dư dung, ngưu đình hay kỳ tích… Tuy nhiên, tên thường dùng nhất của loại thực vật này vẫn là bạch thược. Về khoa học, tên chính thức của cây bạch thược là Paeonia lactiflora pall, thuộc họ Mao Lương.

Bạch thược phân bố rất nhiều ở các vùng có độ ẩm và có ánh sáng, đặc biệt là các vùng có khí hậu ôn đới, vùng cao, nhiệt độ quanh năm nên dao động từ 15 độ C đến 30 độ C. Thời gian thu hoạch của cây bạch thược kéo dài, thường một cây trưởng thành cần đến 4 đến 5 năm mới thu hoạch được.

Bạch thược
Hình dáng hoa của cây Thược dược

Về đặc điểm nhận diện, bạch thược là một loại cây có thân thẳng và không có lông trên thân. Loại cây này là giống thực vật mọc thấp, chiều cao trung bình của cây dao động từ 50cm đến 80cm, tuy nhiên lại có phần lá dài, thậm chí có lá bạch thược dài đến 30cm. Đường kính của mỗi lá dao động từ 1cm – 3cm.

Mẹo nhận biết loại cây này là quan sát ở phần mép lá nguyên của lá bạch thược, lá cũng có màu xanh nhạt hoặc màu xanh sẫm. Một cây bạch thược trưởng thành sẽ bắt đầu ra hoa với kích thước lớn. Hoa bạch thược mọc đơn lẻ và có màu trắng hoặc màu hồng nhạt.

Mùa hoa của cây bạch thược thường đến vào tháng 5 đến tháng 7 hàng năm, mỗi hoa thường chứa từ 20 đến 30 hạt bạch thược, hình dáng hơi lép.

Đại đa số bộ phận của cây bạch thược đều được sử dụng làm dược liệu. Bộ phận được ứng dụng rộng rãi nhất trong Đông Y là phần rễ cây với hình dạng củ, kích thước lớn, phần chùy thường dài từ 15cm đến 20cm. Phần rễ của cây bạch thược thường mỏng, có màu nâu nhạt, sau khi cắt ram bên trong có màu trắng và mịn trên bề mặt, hương thơm nhẹ nhàng.

II. Thành phần hóa học

Cây bạch thược theo Y học hiện đại có một hàm lượng hoạt chất khổng lồ, bao gồm tinh bột, paeoniflorin, tamin, albiflorin, benzoyl-paeoniflorin, paeonolde, paeonol,… với nhiều công dụng khác nhau liên quan đến sức khỏe.

III. Đặc điểm của Bạch thược theo Y Học Cổ Truyền

Tính vị: Vị khổ toan, vi hàn

Quy kinh: Nhập túc quyết âm, thái âm kinh. Là thuốc dẫn của thủ túc thái âm kinh( sắc trắng vào phế)

Công năng: Bổ huyết, liễm âm, tả can, chỉ thống

   >>> PHỤC LINH – loại nấm rất tốt trong đông y

Đặc điểm:

  • Bẩm âm khí của trời đất, thêm vào đó được cái khí của giáp mộc, cho nên có vị khổ, toan, vi hàn, không độc. Là loại dược khí mỏng mà vị dày, đó là tính của âm, của giáng.
  • Gồm 2 loại chính là Bạch thược và Xích thược. Bạch thược bổ là chính, tính thì thu liễm; Xích thược thì tả là chính, tính năng tán. Bạch thược thì ích tỳ thổ, có thể tả mộc ở trong thổ; xích thược thì tán tà nhiệt, hành được trệ ở trong huyết phận.
Phòng khám Tuệ Y Đường, BS Thu Huyền, BS Đoàn Dung
Vị thuốc bạch thược tại Phòng khám Tuệ Y Đường

Chủ trị:

  • Tả can hỏa( Vị chua thì thu liễm, can thì lấy liễm làm tả, lấy tán làm bổ, khí vi hàn thì tán được hỏa tà trong huyết phận), an tỳ phế, cố tấu lý( Phế chủ bì mao, tỳ chủ cơ nhục. Bạch thược tả can hỏa, can mộc không khắc thổ thì tỳ an, tỳ thổ sinh phế kim thì phế kim cũng an. Tỳ hòa phế an thì tấu lý được cố mật)
  • Hòa huyết mạch, thu âm khí, liễm nghịch khí( Can tàng huyết, bạch thược bổ âm huyết thì huyết mạch hòa. Toan chủ thu, âm bình thì dương bí, âm khí thu về thì nghịch khí có chỗ để nương tựa)
  • Trị tả lỵ hậu trọng, tỳ hư phúc thống: Tả lỵ đều là bệnh của thái âm kinh, không thể khuyết vị Bạch thược được, trường hợp đau bụng do lạnh thì không được dùng. Cổ nhân trị phúc thống dùng Bạch thược 4 tiền, Cam thảo 2 tiền, tên là Thược dược cam thảo thang, chữa chứng đau bụng do doanh khí bất điều, nghịch ở bên trong. Bạch thược có khả năng hành được doanh huyết, cam thảo thì liễm được nghịch khí. Thêm vào đó bạch thược tả can mộc mà bình tỳ thổ, từ đó dẫn đến bụng được an.
  • Trị vùng tâm bĩ hiếp thống: Vùng liên sườn là nơi qua lại của 2 kinh Can đởm. Can hỏa thượng xung thì vị quả thống, hỏa đi sang ngang thì gây 2 mạng sườn chướng đau
  • Can huyết bất túc, phụ nhân thai sản, tấy cả các chứng huyết bệnh đều nên dùng đến nó.

Hợp dụng: Bạch truật bổ tỳ dương, Bạch thược thì bổ tỳ âm. Đi cùng Sâm Truật thì bổ trung ích khí, đi với Đương quy Thục địa thì bổ âm huyết. Dùng với Xuyên khung thì tả can; với Sài hồ, Đan bì, Sơn chi làm tá thì tả hỏa mà trừ nhiệt táo

Liều dùng: 6-12g/24h

Kiêng kị:

  • Sản hậu kị dụng( Sản hậu can huyết đã hư, không thể thêm tả. Chu Đan Khê thì nói rằng: Kị dụng bởi vì vị toan tính hàn có khả năng phạt cái khí sinh phát trong cơ thể, người sản hậu khí huyết lưỡng hư, như vậy ắt sẽ hại nhân, nhưng nếu sao với rượu thì giảm tính âm hàn của nó đi nên vẫn có thể dùng được)
  • Đau bụng do thực chứng thì không thể dùng được

Bào chế:

Dùng để dưỡng huyết hòa tỳ thì sao với rượu, dùng thuốc bình can thì để sống

  • Bạch thược phiến: Lấy rễ bạch thược loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ qua đêm. Sau đó đồ mềm rồi thái phiến. Sau đó phơi khô hoặc sấy khô ở 50- 60 độ C
  • Bạch thược sao: Dùng bạch thược phiến cho vào chảo nhỏ, sao nhỏ lửa( văn hỏa) đảo đều đến khi bề mặt phiến bạch thược có màu vàng nhạt, lấy ra dùng.
  • Bạch thược tẩm rượu: Dùng bạch thược phiến, tầm lượng rượu thích hợp( thông thường 3 lít rượu cho 10kg dược liệu) ủ cho thấm đều khoảng 30 phút. Sau đó cho vào chảo, sao nhỏ lửa, đảo đều đến khi dược liệu có màu trắng vàng, mùi thơm là được.
Phòng khám Tuệ Y Đường, BS Thu Huyền, BS Đoàn Dung
Vị thuốc Bạch Thược được ứng dụng rất nhiều trên lâm sàng

IV. Các bài thuốc chữa bệnh từ vị Bạch thược

1. Bài thuốc thược dược cam thảo thang

  • Chuẩn bị: 8g bạch thược cùng với 4g cam thảo .
  • Thực hiện: Cho hai vị thuốc trên vào ấm sắc cùng với 300ml thu 100ml. Chia đều làm 2 lần uống trong ngày với liều lượng 1 thang/ngày. Giúp chữa đau nhức đầu gối kèm cứng khớp không co duỗi được.

2. Bài thuốc quế chi gia linh truật

  • Chuẩn bị: 6g bạch thược, 6g quế chi, 6g Phục linh, 6g đại táo, 6g Bạch truật, 4g cam thảo cùng với 6g sinh khương.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem sắc với 600ml nước trên lửa nhỏ để thu lấy 200ml. Chia đều làm 3 lần uống trong ngày với liều lượng 1 thang/ngày. Có thể đáp ứng tốt với triệu chứng nhức đầu hoa mắt.

3. Bài thuốc hỗ trợ điều trị đái tháo đường

  • Chuẩn bị: 40g bạch thược cùng với khoảng 8g cam thảo .
  • Thực hiện: Hai dược liệu này đem chế thành dạng cao khô sau đó làm thành viên, mỗi viên chỉ khoảng 0,165g. Mỗi lần lấy uống khoảng 4 – 8 viên với tần suất 3 lần/ngày cùng với nước sôi ấm.

4. Bài thuốc chữa ho gà

  • Chuẩn bị: 15g bạch thược cùng với 3g cam thảo .
  • Thực hiện: Cho hai vị thuốc vào ấm để sắc lấy nước uống với liều dùng 1 thang/ngày. Trường hợp ho có đờm thì cho thêm ngô công, địa long và đình lịch vào sắc cùng. Còn trường hợp ho lâu ngày thì cho thêm bách hộ vào uống cùng.

5. Bài thuốc trị bệnh hen suyễn

  • Chuẩn bị: Bạch thược và cam thảo với lượng tùy ý theo tỷ lệ 2:1.
  • Thực hiện: Hai vị thuốc trên đem tán thành bột mịn rồi trộn đều lại với nhau. Mỗi lần dùng lấy 30g thuốc bột đem đun sôi với 120ml nước trong khoảng từ 3 – 5 phút. Để lắng cặn rồi lọc lấy nước uống lúc còn ấm.

 Tham khảo: Sa sinh dục là bệnh gì? Cách điều trị như thế nào?

6. Bài thuốc chữa chứng táo bón mãn tính

  • Chuẩn bị: 24 – 40g bạch thược cùng với 10 – 15g cam thảo (đều ở dạng tươi).
  • Thực hiện: Đem hai vị thuốc cho vào ấm sắc lấy nước để uống trong ngày. Dùng với liều 1 thang trên ngày và thường sau 2 – 4 thang sẽ thấy tác dụng.

7. Bài thuốc chữa viêm loét dạ dày

  • Chuẩn bị: 15 – 20g bạch thược cùng với 12 – 15g cam thảo.
  • Thực hiện: Đem các vị thuốc đi sắc lấy nước uống trong ngày, dùng đúng 1 thang/ngày. Bài thuốc này phù hợp cả khi cơ thể khí trệ, có huyết ứ.

8. Bài thuốc chữa đau bụng kinh ở phụ nữ

  • Chuẩn bị: 8g bạch thược, 3g thanh bì, 8g hương phụ, 3g xuyên khung, 3g sinh địa, 3g sài hồ cùng với 2g cam thảo.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên sắc chung với 600ml nước trên lửa nhỏ để lấy phân nửa. Có thể chia thành nhiều lần uống trong ngày, dùng với liều 1 thang/ngày.

9. Bài thuốc trị chứng đau bụng lâm râm trong thai kỳ

  • Chuẩn bị: 20g bạch thược, 8g Phục linh, 8g Bạch truật, 10g trạch tả, 6g xuyên khung, 6g đương quy.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đêm sắc để thu nước uống trong ngày khi còn ấm. Hoặc đem tán thành bột mịn rồi trộn cho thật đều. Mỗi lần uống khoảng 8g với 20ml rượu, tần suất 3 lần/ngày.
Bs CKII Thu Huyền và Bs Đoàn Dung đang thăm khám cho bệnh nhân
Bs CKII Thu Huyền và Bs Đoàn Dung đang thăm khám cho bệnh nhân

10. Bài thuốc trị băng huyết, rong kinh

  • Chuẩn bị: 8g bạch thược, 8g can khương, 8g thục địa, 8g mẫu lệ, 8g long cốt, 8g quế lâm, 8g mộc giác giao cùng với 8g hoàng kỳ.
  • Thực hiện: Tất cả cac dược liệu trên đêm tán thành bột mịn rồi trộn đều vào nhau. Mỗi lần dùng lấy 8g uống với nước ấm hoặc rượu nóng vào thời điểm trước bữa ăn, tần suất 3 lần/ngày.

11. Bài thuốc chữa chứng đau bụng, tiêu chảy

  • Chuẩn bị: 8g bạch thược đã sao vàng, 8g Phòng phong, 12g bạch truật sao khử thổ, 6g trần bì.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem sắc cùng 1 thăng nước trong 10 phút. Chia thành nhiều lần uống trong ngày với liều 1 thang/ngày.

12. Bài thuốc chữa lỵ ra máu mủ

  • Chuẩn bị: 40g bạch thược, 20g Đương quy, 40g hoàng cầm, 20g hoàng liên, 8g cam thảo, 12g đại hoàng, 8g binh lang, 8g mộc hương cùng với 6g quan quế.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem tán thành bột mịn và trộn cho đều. Mỗi lần dùng lấy ra 20g sắc cùng với 2 bát nước đến khi còn 1 bát. Uống 1 lần/ngày khi thuốc còn ấm nóng.

13. Bài thuốc chữa chứng hoa mắt, ù tai, chân tay tê mỏi

  • Chuẩn bị: 20g bạch thược, 16g thục địa, 16g Đương quy, 20g toan táo nhân, 12g mạch môn, 8g mộc qua, 8g xuyên khung cùng với 4g cam thảo.
  • Thực hiện: Các vị thuốc đã chuẩn bị đem cho vào ấm để săc lấy nước uống. Sử dụng đúng theo liều lượng 1 thang/ngày.

14. Bài thuốc chữa chứng đau đầu do can dương vượng thượng

  • Chuẩn bị: 12g bạch thược, 12g câu đằng, 12g bối mẫu, 12g phục thần, 12g sinh địa, 12g cúc hoa, 12g trúc nhự, 12g tang điệp, 4g linh dương giác cùng với 4g cam thảo.
  • Thực hiện: Các vị thuốc cho vào ấm sắc cùng nửa thăng nước trong 15 phút. Chia đều làm nhiều lần uống trong ngày với liều lượng chỉ 1 thang/ngày.

15. Bài thuốc chữa đau bụng sau sinh do huyết hư

  • Chuẩn bị: 30g bạch thược, 15g Đương quy, 15g gừng tươi cùng 1kg thịt dê.
  • Thực hiện: Cho nguyên liệu vào nồi với lượng nước vừa đủ rồi hầm trên lửa nhỏ cho chín. Nêm nếm gia vị vừa ăn, ăn thịt dê đồng thời uống nước hầm khi còn ấm.

16. Bài thuốc chữa thiếu máu

  • Chuẩn bị: 10g bạch thược, 8g xuyên khung, 15g sinh địa cùng 1 con gà ác.
  • Thực hiện: Gà ác cho vào nồi hầm nhừ. Các vị thuốc còn lại đem thái nhỏ rồi ngâm vào nửa cốc rượu trong khoảng 10 phút. Sau đó cho vào gà và tiếp tục hầm nhừ rồi ăn khi còn nóng.

17. Bài thuốc trị suy dinh dưỡng thể khô

  • Chuẩn bị: 8g bạch thược, 8g đơn quy, 8g xuyên khung, 8g  Bạch truật, 8g thục địa, 6g Phục linh cùng với 4g cam thảo.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên cho vào ấm sắc lấy nước uống trong ngày với liều 1 thang/ngày. Trường hợp bị loét khô giác mạc thì thêm cúc hoa và kỷ tử mỗi vị 8g. Nếu có phù dinh dưỡng thì thêm 12g phục linh cùng 2g quế chi. Nếu loét miệng thì thêm 6g thăng ma, 6g ngọc trúc và 4g hoàng liên. Nếu có lắng đọng sắc tố thì thêm a giao và hoàng kỳ. Trường hợp có sốt xuất huyết thì thêm rễ cỏ tranh và sinh địa mỗi vị 12g.

18. Bài thuốc chữa tai biến và chảy máu não do huyết áp cao

  • Chuẩn bị: 16g bạch thược, 15,5g cam thảo , 15,5g lá sen, 12,5g đỗ trọng, 10g sinh địa, 10g mạch môn cùng với 10g tang ký sinh.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem cho vào ấm sắc rồi chia làm nhiều lần uống trong ngày. Dùng liên tục bài thuốc trong vòng 7 ngày.

19. Bài thuốc chữa đau dây thần kinh hông do thoái hóa cột sống

  • Chuẩn bị: 12g bạch thược, 12g độc hoạt, 12g ngưu tất, 12g Phục linh, 12g đại táo, 12g Đương quy, 12g thục địa, 12g đảng sâm, 12g tang ký sinh, 6g quế chi, 6g tế tân, 8g cam thảo, 8g Phòng phong, 8g đỗ trọng.
  • Thực hiện: Các vị thuốc cho hết vào ấm sắc chung với 1 thăng nước trong 15 phút. Chia làm nhiều lần uống, dùng 1 thang/ngày.

20. Bài thuốc chữa động thai do chấn thương, vấp ngã

  • Bài thuốc 1: Cần chuẩn bị 12g bạch thược, 16g tang ký sinh, 8g a giao, 8g Đương quy, 8g đỗ trọng, 12g tục đoạn cùng với 10g rễ cây gai. Các vị thuốc này đem cho vào ấm để sắc lấy nước uống ngày 1 thang.
  • Bài thuốc 2: Chuẩn bị 12g bạch thược, 12g Bạch truật, 12g thục địa, 12g tục đoạn, 12g hoàng kỳ, 12g mẫu lệ, 8g hoàng cầm, 8g đỗ trọng, 8g Đương quy, 8g ngải diệp, 8g địa du, 8g hương phụ, 8g ngải diệp, 16g đảng sâm, 6g xuyên khung cùng 4g cam thảo . Các vị thuốc này đem sắc để lấy nước uống hằng ngày với liều 1 thang/ngày.

21. Bài thuốc chữa động thai do khí huyết hư có kèm ra máu

  • Chuẩn bị: 12g bạch thược, 16g đảng sâm, 12g thục địa, 12g đỗ trọng, 8g Đương quy, 6g trần bì cùng với 4g cam thảo.
  • Thực hiện: Cho tất cả các vị thuốc trên vào ấm sắc với 1 thăng nước uống trong ngày. Có thể chia làm nhiều lần uống nhưng chỉ duy trì 1 thang/ngày.

 

Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc xin phép được gửi về:

? Facebook: Tuệ Y Đường

?‍Ths.Bs Trần Thị Thu Huyền⚕️

?‍ Bác sĩ Đoàn Dung⚕️

?Địa chỉ: 166 Nguyễn Xiển- Hạ Đình- Thanh Xuân- Hà Nội

?Hotline: 0789.502.555 – 0789.503.555

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *