Vảy nến mang tính chất mãn tính, với những tổn thương gây mất thẩm mỹ ngoài da. Bệnh tái phát từng đợt và ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt cũng như cuộc sống của bệnh nhân. Tuy nhiên không phải bệnh nhân nào cũng hiểu căn bệnh mình đang mắc phải cũng như làm thế nào để bệnh tình được cải thiện và ổn định hơn.
Vì thế ngày hôm nay hãy cùng Tuệ Y Đường và cô Trần Thị Thu Huyền đi tìm hiểu kỹ hơn về căn bệnh này nhé.
Bệnh vảy nến là gì?
Bệnh vảy nến là một bệnh ngoài da khá phổ biến trên thế giới và Việt Nam. Theo y học cổ truyền, bệnh vảy nến gọi là tùng bì tiễn, là bệnh ngoài da mạn tính hay tái phát. Thương tổn cơ bản của bệnh vảy nến là đỏ da, có vảy nổi cộm ít hoặc nhiều. Nền đỏ này thường có vảy trắng, xám phủ lên trên, phải cạo hết lớp vảy này mới thấy rõ. Bệnh thường xuất hiện ở da đầu và mặt ngoài của tay, chân; có trường hợp thì ở cả toàn thân và có thể kèm theo những biểu hiện của sưng đau khớp tay chân.
Nguyên nhân do đâu mà gây ra bệnh vảy nến?
Mặc dù đã được nghiên cứu từ lâu, song cho đến nay nguyên nhân và sinh bệnh học của bệnh vảy nến vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ. Trong những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch và yếu tố di truyền. Ngoài ra một số yếu tố có ảnh hưởng, kích thích và làm bệnh tiến triển nặng thêm cũng được đề cập. Đó là các yếu tố: Stress, nghiện bia, rượu, thuốc lá, nhiễm trùng, rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa, khí hậu, môi trường…
Bệnh này có lây (qua va chạm, tiếp xúc thông thường) không và bệnh có nguy hiểm không? Vảy nến có khỏi được hoàn toàn không?
Vảy nến không phải là một bệnh lây lan và không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên tiến triển của bệnh thất thường, dai dẳng khiến tâm lý người bệnh hoang mang, lo lắng.
Đến hiện tại Vảy nến vẫn chưa có phương pháp nào chữa trị triệt để được hoàn toàn nhưng vẫn có cách để ổn định và chung sống hòa bình với bệnh. Vì thế người bệnh không được lơ là, tự động bỏ thuốc khi thấy thương tổn đã giảm, đồng thời tuân thủ chế độ điều trị theo từng giai đoạn bệnh, đồng thời phải hạn chế các yếu tố nguy cơ (bia, rượu, thuốc lá, stress) và điều trị triệt để các bệnh mạn tính khác nếu có.
Vậy Đông y có phương pháp nào để cải thiện bệnh Vảy nến không thưa Bs?
Nguyên nhân gây bệnh vảy nến chủ yếu là do yếu tố thuận lợi phong tà, nhiệt tà kết tụ ở bì phu mà dẫn đến tà khí uất tụ, trệ lâu ngày sinh ra nhiệt. Từ đấy mà sinh ra bệnh với biểu hiện là nốt, mảng đỏ, vẩy trắng. Phương pháp điều trị bằng Đông y là sử dụng các vị thuốc để lập lại sự cân bằng âm – dương, khí – huyết, trừ đi các phong, nhiệt, thấp tà. Khi đó khí – huyết được lưu thông, nhu nhuận, tà khí cũng bị trừ đi thì da cơ sẽ được nuôi dưỡng đầy đủ, từ đấy mà hết sẩn đỏ, hết vẩy, hết ngứa, bệnh sẽ lui dần.
Tuy nhiên, khi sử dụng bài thuốc Đông y để điều trị vảy nến, người bệnh cần kiên trì sử dụng trong thời gian (khá) dài, theo đúng kê đơn chỉ định của bác sĩ để đạt được hiệu quả như mong đợi.
Câu hỏi từ bác T. 53 tuổi: “Tôi bị vảy nến đã 3 năm nay, cũng đã có những đợt điều trị ổn định và cũng có những đợt lại bùng phát. Xin hỏi Bs tôi cần lưu ý những gì về chế độ sinh hoạt cho bệnh vảy nến?”
BS xin đưa ra một số lưu ý cho người bệnh bị vảy nến như sau:
- Tránh căng thẳng, stress.
- Tránh kỳ cọ và bóc da.
- Tránh để vùng da bị bệnh tiếp xúc với các chất có tính kiềm.
- Tránh nhiễm khuẩn, đặc biệt là nhiễm khuẩn ngoài da.
- Nên giữ tinh thần lạc quan, xác định tư tưởng sống chung với bệnh tật.
- Tránh uống rượu bia. Rượu là tác nhân làm cho tình trạng bệnh nặng lên.
- Chế độ ăn nên bổ sung nhiều cá và rau xanh, hoa quả tươi. Hạn chế đồ ăn nướng, rán, mỡ động vật, các thuốc ăn có tính cay nóng.
- Nên uống nhiều nước.
Câu hỏi từ khán giả Nguyễn Thị L “Chồng em đi khám được chẩn đoán là Vảy nến hiện đang dùng thuốc điều trị của bệnh viện. Bác sỹ cho em hỏi là bị bệnh này nên những thực phẩm nào thì tốt ạ”?
Ngoài việc tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, chế độ ăn uống và sinh hoạt là vô cùng quan trọng đối với người bệnh vảy nến. Người bệnh vảy nến cần thực hiện chế độ ăn lành mạnh, cân bằng và đầy đủ dưỡng chất.
Tôi khuyến khích bệnh nhân bị vảy nên 5 nhóm thực phẩm nên có trong chế độ ăn:
- Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Sử dụng các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa sẽ giúp loại bỏ được các độc tố trong cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các phản ứng viêm da. Như bắp cải đỏ, củ cải đỏ, cải Brussel, rau chân vịt, rau diếp, cà rốt, dưa chuột, khoai tây, bưởi, lê, dứa, dưa hấu, nho, cam, mận, lựu, nam việt quất, quả anh đào, kiwi, táo đỏ, quả mâm xôi, quả óc chó, quả hồ đào…
- Thực phẩm giàu axit béo omega-3
Axit béo omega-3 có tác dụng ngăn chặn các phản ứng viêm trong cơ thể, đặc biệt ức chế các chất gây viêm trong bệnh vảy nến. Axit béo omega-3 có nhiều trong cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá trích, cá mòi… Các loại hạt mè, hạt lanh, hạt hướng dương, quả óc chó,…
- Thực phẩm giàu kẽm
Kẽm làm tăng cường khả năng miễn dịch, chống các bệnh nhiễm khuẩn, trong đó có bệnh vảy nến. Các thực phẩm như các loại ngũ cốc thô, ngũ cốc qua sơ chế (yến mạch, gạo lức, hạt quinoa), các loại đậu, hải sản (nghêu, sò, ốc, hàu…), gan, thịt đỏ, trứng, sữa tươi, sữa chua, các loại rau, củ và trái cây (nấm, rau chân vịt, xúp lơ xanh, cải xoăn, tỏi,..)
- Thực phẩm giàu folate (axit folic)
Folate cũng giữ vai trò quan trọng trong tiến trình tổng hợp kháng thể, ngăn chặn sự hình thành leukotriene – nguyên nhân khiến bệnh vảy nến trầm trọng hơn. Folate có nhiều trong các loại thịt đỏ, gan, lòng đỏ trứng, rau có màu xanh sẫm, các loại đậu và ngũ cốc.
- Thực phẩm giàu Beta-carotene
Các bệnh nhân vảy nến nên bổ sung thực phẩm giàu beta carotene như cà rốt, cà chua, bí đỏ, bơ, xoài, đu đủ, đào, dưa hấu, gấc, ớt vàng, ớt đỏ, cần tây, rau dền,… vào khẩu phần ăn hàng ngày để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh.
Mọi vấn đề thắc mắc cần tư vấn về da liễu hãy liên hệ trực tiếp Bác sĩ Trần Thị Thu Huyền hoặc Đông y Tuệ Y Đường để được giải đáp các bạn nhé.