Hiện nay trên nhiều tỉnh thành đã bắt đầu xuất hiện dịch sốt xuất huyết. Vì thế mọi người cần thực hiện nghiêm minh khuyến cáo của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch bệnh, tránh nguy cơ lây lan sang cộng đồng.
Hà Nội xuất hiện 2 ổ dịch sốt xuất huyết lớn
Trong khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, những cơn mưa đầu mùa đang tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika phát triển, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Vì thế, Bộ Y tế vừa có công văn gửi các tỉnh, thành phố đề nghị nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống nhằm ngăn chặn sự gia tăng, bùng phát của dịch bệnh. Theo nguồn tin tức Y tế cập nhật, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 137 trường hợp mắc SXH tại nhiều quận huyện, trong đó có 2 ổ dịch có nguy cơ lớn và chưa có trường hợp tử vong.
Theo BS Khổng Minh Tuấn- Phó Giám đốc Phòng Khám Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, hiện là mùa dịch sốt xuất huyết. Các ca mắc bệnh rải đều trên tất cả các quận, huyện, các xã, phường, trong đó trọng tâm là khu nội thành, khu đông dân cư, nơi có hạ tầng cơ sở chưa phát triển.
Số ca mắc được phân bổ tại 23/30 quận huyện và 96/579 xã phường. Sở Y tế Hà Nội đánh giá 2 ổ dịch SXH có nguy cơ gia tăng nhanh là xã Khánh Hà, huyện Thường Tín và xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai (Hà Nội). So với cùng kỳ, số ca mắc giảm 44,6%. Mặc dù năm 2020 không nằm trong chu kỳ dịch, ông Tuấn cảnh báo số ca SXH có thể tăng trong thời gian tới do thời tiết ấm hơn, mưa nhiều.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, tới đây, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đợt cao điểm hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (15/6). Ngành y tế sẽ tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh, diệt bọ gậy tại các xã, phường, thị trấn và phun hóa chất ở các khu vực nguy cơ cao. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát tại các khu vực có nhiều bệnh nhân, các ổ dịch kéo dài… Qua đó, phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch.
Ban xuất huyết trong bệnh sốt xuất huyết
Một số lưu ý về bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vì có thể gây tử vong và tạo thành dịch lớn. Cụ thể, virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại. Do vậy, mỗi người có thể sẽ mắc bệnh sốt xuất huyết đến 4 lần trong đời.
Triệu chứng của bệnh là các nốt ban đỏ trên da, kèm thân nhiệt tăng cao. Biến chứng bệnh có thể làm chết người vì gây cô đặc máu, giảm tiểu cầu, dẫn đến sốc hoặc gây xuất huyết ở các mức độ khác nhau. Các bác sĩ nhận định, khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên của bệnh sốt xuất huyết như đau người, đau cơ, khớp, đau đầu, sốt thì hầu hết mọi người thường nghĩ đến cúm hay sốt do virus và tự ý mua thuốc giảm đau về dùng, trong đó có 2 loại là aspirin và ibuprofen.
Tuy nhiên, hai loại thuốc này sẽ khiến tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng. Thực tế là do bệnh sốt xuất huyết Dengue gây ra tình trạng rối loạn đông máu, khiến cơ thể dễ bị chảy máu. Ở thể nhẹ sẽ bị xuất huyết dưới da với các chấm đỏ trên da hoặc vết bầm. Ở thể nặng sẽ gây chảy máu răng, chảy máu cam, nôn (ói) ra máu… Trong khi đó, thuốc aspirin và ibuprofen cùng có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu. Aspirin còn có tác dụng phụ là loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày, ói ra máu. Do vậy, người bệnh không được uống hai loại thuốc kể trên khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết. Người dân khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Theo đó, nếu người dân thấy các triệu chứng như: Sốt cao, 39-40 độ C liên tục trong 3-4 ngày; người mệt mỏi, phát ban, buồn nôn; xuất huyết dưới da, nổi chấm màu đỏ, chảy máu cam, chảy máu chân răng; đau bụng, nôn ói… thì cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Nguồn: Tin tức Y tế Việt Nam – Tổng hợp