Cầm phải sâu róm, bé 1 tuổi bị viêm thành ổ mủ vì sai lầm của cha mẹ

Nọc độc sâu róm khiến bàn tay phải của trẻ dị ứng sưng, đau, gia đình đắp thuốc nam. Hậu quả trẻ bị viêm tấy lan tỏa, phải rạch tháo mủ và trải qua ca mổ phức tạp để phục hồi vận động của bàn tay.

Đây là trường hợp của bé P.Đ.V 1 tuổi, ở Tam Dương, Vĩnh Phúc. Theo gia đình, ở nhà, bé cầm phải sâu róm, nọc độc sâu róm gây dị ứng viêm tấy, sưng, đau bàn tay phải. Tuy nhiên, thay vì đưa con đi khám, gia đình đắp thuốc nam cho bé theo những người hàng xóm mách. 

Vài ngày sau tay của trẻ không đỡ mà sưng to, đau tăng lên, trẻ quấy khóc nhiều, trẻ được đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc. 

Các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình chẩn đoán trẻ bị viêm tấy lan tỏa bàn tay phải. Vì bé được đưa đến viện muộn nên khả năng dính gân sâu bàn tay và ảnh hưởng đến xương rất lớn. 

Kết quả chụp X-quang cho thấy hình ảnh viêm xương. Trẻ không gấp được ngón tay, bác sĩ chỉ định rạch tháo mủ, dẫn lưu ổ viêm cấp cứu kết hợp với dùng kháng sinh liều cao ngay từ đầu. 

Khi sức khỏe ổn định, trẻ được cho ra viện và hẹn 1 tháng sau khám lại. 

Các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình đã hội chẩn với Bệnh viện Nhi Trung Ương (Hà Nội) và mời BSCKII. Lê Tuấn Anh, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương về để phẫu thuật phục hồi chức năng bàn tay cho bé. Phẫu thuật phục hồi chức năng vận động của bàn tay rất khó, phải kiên trì, tỉ mỉ, khéo léo. 

Trẻ phải trải qua 1-2 lần phẫu thuật nữa để nối gân, chuyển gân nhằm lấy lại chức năng vận động bàn tay phải tốt nhất có thể cho bé.

Những trường hợp điều trị bằng cách truyền miệng gây hậu quả nghiêm trọng như trên không phải hiếm gặp. Như trường hợp bé gái N.B.T 8 tuổi, ở Sơn Dương, Tuyên Quang vào viện ngày 7/10. 

Trước đó 5 ngày, trẻ sưng đau vùng góc hàm phải, gia đình đưa con đi đắp thuốc nam và châm cứu vào vùng sưng sau khi nghe gia đình gần đó mách (vì con họ cũng có biểu hiện như thế và đã khỏi). 3 ngày sau, bệnh nhi xuất hiện sốt cao, rét run kèm sưng tấy vùng góc hàm phải. 

Lúc này gia đình mới vội vàng đưa con đến Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc. Tại đây, trẻ được chẩn đoán áp xe tuyến nước bọt mang tai/theo dõi nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhi được điều trị bằng kháng sinh mạnh phối hợp, thế hệ cao mà 3 ngày không cắt sốt. 

Bệnh viện hội chẩn các khoa Chấn thương chỉnh hình, Hồi sức cấp cứu, Tai Mũi Họng và khoa Răng Hàm Mặt về hướng điều trị cho bệnh nhi. Theo đó, khi áp xe hóa mủ hoàn toàn thì sẽ chích rạch. 

Các bác sĩ cho biết, việc châm cứu vào vùng bị viêm có thể đưa vi khuẩn vào máu gây nên tình trạng nhiễm khuẩn huyết. 

Từ vấn đề rất nhỏ, đơn giản (cầm phải sâu, viêm tuyến nước bọt mang tai) nhưng do thiếu kiến thức, do chủ quan và tin theo những cách điều trị truyền miệng mà nhiều gia đình đã đặt con trẻ vào tình thế nguy kịch, nguy cơ ảnh hưởng tính mạng và nhiều trường hợp để trẻ gánh hậu quả suốt cuộc đời. 

Khi con trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì hãy đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 Theo Dân trí

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *