Cũng giống như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam không thể ngăn cản việc xâm nhập của đợt dịch Covid-19 lần thứ 2. Tuy vậy, Australia đánh giá việc ứng phó nhanh và hiệu quả khiến cho Việt Nam sớm kiểm soát đợt dịch Covid-19 lần thứ 2 và hạn chế sự lây lan ra nhiều địa phương.
Tổ hợp truyền thông ABC của Australia hôm nay có bài viết đánh giá về việc Việt Nam ứng phó hiệu quả với đợt dịch Covid-19 lần thứ 2. Bài báo này nhận định, dịch Covid-19 lần thứ 2 xuất hiện tại Đà Nẵng từ cuối tháng 7 song nhờ việc nhanh chóng phong tỏa với sự kiểm soát chặt chẽ việc đi và đến thành phố này đã hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Bài báo dẫn lời anh Jor Aguiar, một người Australia đang làm việc tại Đà Nẵng cho biết: “trong khu phố tôi, họ rào chắn cả hai bên đường, đó là một sự bất tiện nhưng tôi hài lòng với cách mà Việt Nam ứng phó với dịch Covid-19”.
Ngoài việc sớm kiểm soát vùng ổ dịch, giáo sư Guy Thwaites, giám đốc một phòng nghiên cứu của trường Đại học Oxford có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, “Việt Nam tiếp tục áp dụng chiến thuật đơn giản đã được triển khai trước đó nhưng làm với quy mô lớn và nhanh chóng”, đó là tiến hành xét nghiệm gộp mẫu khi lấy mẫu của 5-6 người, hoặc tất cả mọi người trong một gia đình để xét nghiệm chung một lần, nếu kết quả cho dương tính thì sẽ xét nghiệm riêng từng mẫu.
Giáo sư Thwaites đánh giá “bằng cách này, Việt Nam có thể xét nghiệm cho khoảng 100.000 người chỉ với 20.000 lần xét nghiệm. Phương pháp này giúp Việt Nam tiết kiệm rất nhiều tiền và thời gian”. Bài báo cũng trích dẫn đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, bằng cách xét nghiệm này, chỉ trong khoảng 1 tuần, Việt Nam đã xét nghiệm được khoảng 1/3 dân số Đà Nẵng.
Bài báo của ABC cũng trích dẫn nhận định của giáo sư Thwaites về cách ứng phó của Việt Nam với đợt dịch đầu tiên cho thấy việc tuyên truyền sớm, trên diện rộng; đưa nhiều người có nguy cơ bị bệnh vào cách ly; và yêu cầu người dân đeo khẩu trang… “không phải là cách ứng phó sử dụng công nghệ hiện đại song lại được thực hiện nhanh và được tổ chức bài bản” khiến cho độ tuổi trung bình mắc Covid-19 tại Việt Nam là 30. Vì vậy trong 6 tháng đầu đối phó với dịch, Việt Nam không có trường hợp tử vong vì Covid-19.
ABC cũng cho biết, trong một nghiên cứu chung của trường Đại học Bath và King Colleage tại Anh về cách Việt Nam ứng phó với dịch Covid-19, tác giả nghiên cứu nhận định, “khẩu trang, giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa không bị chính trị hóa mà chỉ đơn giản là những công cụ và biện pháp để giữ an toàn cho mọi người và những người thân”, và rằng “hầu hết mọi người tự chăm sóc bản thân nên hầu như không có cảm giác bị ép buộc làm bất cứ điều gì”.
Việc ứng phó nhanh, hiệu quả và ít tốn kém đối với dịch Coivd-19 khiến cho cuộc sống tại Việt Nam sớm trở lại bình thường. Mặc dù việc ngành du lịch không được đón khách nước ngoài từ tháng 3 đang gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế song công ty tư vấn quốc tế PricewaterhouseCoopers nhận định, nếu so với các nước láng giềng, “Việt Nam vẫn được dự đoán là một trong số ít quốc gia sẽ tiếp tục tăng trưởng ttrong năm 2020, trong lúc phần còn lại của thế giới đang đi vào suy thoái”.
Bài báo cũng cho biết, Ngân hàng phát triển Châu Á nhận định, nền kinh tế Việt Nam có thể phát triển 1,8% trong năm nay và trở thành nền kinh tế duy nhất tại Đông Nam Á không bị suy thoái./.