Béo phì là một chứng bệnh mà Y học cổ truyền từ lâu đã đề cập tới. Ngay từ cuốn sách cổ xưa nhất “Nội kinh tố vấn” đã gọi chứng này là “phì quý nhân” vì thấy chứng này thường xuất hiện ở lứa tuổi trung niên trở đi do ít vận động hơn người trẻ tuổi.
Cũng trong sách “Nội kinh” đã viết “Cửu ngọa thương khí, cửu tọa thương nhục” (nằm lâu hại khí, ngồi nhiều hại cơ).Vậy béo phì theo Y học cổ truyền được mô tả như thế nào và cách điều trị ra sao. Hãy cũng Tuệ Y Đường đi tìm hiểu ngay sau đây.
Nguyên nhân béo phì
Béo phì do suy giảm thể chất ở người cao tuổi: Sau tuổi trung niên thận khí thường bị suy giảm. Hóa bất sinh thổ, tỳ mất kiện vận, làm cho tân dịch bị đình ngưng, dẫn đến thấp trọc nội sinh, dần hình thành đàm thấp mà dẫn tới chứng béo phì.
Tiên thiên bất túc: Vốn là người béo phì, nên tiên thiên thận khí đã bất túc, hậu thiên tỳ mất kiện vận, chất tinh vi thủy cốc không được chuyển hóa đầy đủ… dẫn đến hình thành đàm thấp mà xuất hiện chứng béo phì.
Ẩm thực thái quá: Thường gặp ở người ăn uống quá nhiều các chất béo ngọt dẫn đến thấp nhiệt nội sinh cũng làm ảnh hưởng đến chức năng vận hóa của tỳ vị, tỳ vị hư dẫn đến hình thành đàm thấp mà xuất hiện chứng béo phì.
Những người ít vận động, dẫn đến khí huyết trong cơ thể vận hành bất thông cũng làm ảnh hưởng đến chức năng kiện vận của tỳ vị, chức năng này bị suy giảm làm ảnh hưởng tới sự phân bố chất tinh vi của thủy cốc mà hình thành đàm thấp trong cơ thể dẫn tới chứng béo phì.
8 cách để giảm béo phì theo y học cổ truyền
Điều trị béo phì theo các thể lâm sàng
Béo phì thể đàm thấp nhiệt:
Triệu chứng lâm sàng: Người bệnh thể trạng mập, chân tay nặng nề, ngực bụng đầy khó chịu, ợ hơi nuốt chua, chống mặt nặng đầu, tiểu ít màu vàng sậm, ăn mau đói, miệng khát, thích uống nước mát, chất lưỡi đỏ, rêu vàng dày…
Pháp điều trị: Thanh lợi đàm thấp, tĩnh tỳ, hóa trọc.
Bài thuốc cổ phương: “Lâm thị khinh kiện thang”, bán hạ (chế) 10g, bạch linh 15g, trần bì 3g, sa nhân 6g, bạch truật 16g, chích cam thảo 3g, chích thảo 3g, trần bì 3g, trạch tả 10g, thần khúc 10g, sơn tra 10g, hoắc hương 10g, nhân trần 6g,
Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần
Béo phì thể thấp nhiệt nội ôn:
Triệu chứng lâm sàng: Sắc mặt vàng, miệng nhờn mà khô, khát mà không thích uống nước. Bụng có cảm giác tức chướng, đầy, đại tiện phân có thể táo hoặc táo và nát xen kẽ nhau, mùi hôi, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch nhu sác hoặc hoạt sác.
Pháp điều trị: thanh nhiệt, lợi thấp.
Bài thuốc cổ phương: Liên pháp ẩm: Hoàng liên 6g, hậu phác 10g, chi tử 8g, bán hạ chế 8g, thạch xương bồ 8g, trạch tả 12g, ý dĩ 16g.
Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
Trong bài thuốc này sử dụng hoàng liên, chi tử là hai vị thuốc có tính khổ hàn có tác dụng thanh nhiệt táo thấp. Thạch xương bồ để hành khí, táo thấp, trừ mãn. Trạch tả và ý dĩ để lợi thủy, thẩm thấp. Các vị thuốc trong bài hợp lại có tác dụng thanh nhiệt trừ thấp để phục hồi chức năng của tỳ vị.
Gia giảm: nếu có thử thấp tác động thì gia hà diệp để giải thử, hóa thấp.
Béo phì thể can đởm thấp nhiệt:
Triệu chứng lâm sàng: Sắc da vàng, miệng đắng, ăn kém, buồn nôn, nôn mửa, vùng bụng đầy, chướng, tức, có cảm giác đau và tức ở vùng mạng sườn. Lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch huyền sác. Người béo bệu
Pháp điều trị: Sơ can lợi đởm, thanh nhiệt hóa thấp.
Bài thuốc cổ phương: Long đởm tả can thang
Long đởm thảo 12g, mộc thông 12g, trạch tả 12g, sa tiền tử 12g, hoàng cầm 8g, chi tử 8g, sài hồ 8g, sinh địa 12g, đương quy 12g, cam thảo 6g.
Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.
Trong bài này, long đởm thảo với tác dụng là thanh thực hỏa ở can đởm, loại trừ thấp nhiệt ở hạ tiêu là quân dược. Hoàng cầm, chi tử thanh nhiệt, tiết hỏa; mộc thông, trạch tả, sa tiền tử thanh lợi thấp nhiệt theo đường tiểu tiện mà bài xuất ra ngoài.
Năm vị thuốc này là thần. Sài hồ sơ can lý khí, phòng thấp nhiệt làm tổn thương can huyết. sinh địa, đương quy là những vị thuốc lương huyết, dưỡng huyết dùng để bổ trợ cho huyết hư. Do trong bài có các vị thuốc có tính khổ, hàn nên có thể làm tổn thương tỳ vị nên sử dụng cam thảo là tá dược để điều hòa các vị thuốc.
Gia giảm:
Có thể gia nhân trần, thảo quyết minh, cát căn để tăng cường lợi đởm, trừ thấp.
Nếu can dương thượng cang xuất hiện huyễn vựng thì gia câu đằng, thiên ma, sung úy tử.
Béo phì thể can thận âm hư:
Triệu chứng lâm sàng: Sắc da vàng khô, bì phu có ban chẩn hay sắc trắng xám không tươi, hay hoa mắt chóng mặt, ù tai, đau răng, miệng khô đắng, lưng gối đau mỏi, đầu có cảm giác căng chướng đau, tính tình dễ cáu giận, tay chân có thể hay tê buồn, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít hay không rêu, mạch tế sác.
Pháp điều trị: Tư bổ can thận, hoạt huyết, hóa ứ, kiêm trừ thấp trọc.
Bài thuốc cổ phương: Nhất quán tiễn hợp với Nhị chi hoàn: sa sâm 12g, đương quy 12g, kỷ tử 16g, hạn liên thảo 16g, hà thủ ô 16g, mạch môn 12g, sinh địa 30g, xuyên luyện tử 6g, nữ trinh tử 16g.
Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
Trong bài này chủ yếu dùng sinh địa để dưỡng âm, sinh tân, tư thủy, hàm thổ là chủ dược. Kỷ tử, nữ trinh tử, hà thủ ô, hạn liên thảo để hỗ trợ giúp cho sinh địa tư dưỡng can thận. Sa sâm, mạch đông để tư bổ phế âm, tức là tư bổ thượng nguồn của thủy, lại có thể phù kim, ức mộc. Đương quy vừa dưỡng huyết, vừa hoạt huyết để điều can.
Tất cả những vị thuốc này là tá dược. Trong quá trình tư âm, dưỡng huyết, sơ can dùng một lượng nhỏ xuyên luyện tử để sơ can, lý khí, bổ mà không ngưng trệ. Nếu như phần âm của can thận được đầy đủ thì bệnh chứng sẽ lui.
Gia giảm:
Âm hư sinh nội nhiệt gia: đan bì, tri mẫu, trạch tả…
Nếu âm tổn cập dương, dẫn đến âm dương lưỡng hư thì gia tiên linh tỳ, thỏ ty tử.
Béo phì thể khí ngưng, huyết ứ:
Triệu chứng lâm sàng: Sắc da vàng, trắng sạm, kèm theo Hung tý, Tâm thống hoặc có khối tích phúc thống. Chất lưỡi tím đen, có ban ứ huyết, mạch huyền sáp.
Pháp điều trị: Hoạt huyết, hóa ứ, lý khí hành ngưng.
Bài thuốc cổ phương: Huyết phủ trục ứ thang: đương quy 12g, đào nhân 8g, sinh địa 12g, hồng hoa 8g, xuyên khung 8g, xích thược 12g, sài hồ 8g, chỉ xác 12g, cát cánh 10g, cam thảo 4g, ngưu tất 16g.
Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
Trong bài sử dụng: Đào nhân, hồng hoa, xuyên khung, xích thược có tác dụng hoạt huyết hóa ứ là quân; sài hồ, chỉ xác, cát cánh có tác dụng lý khí, giải uất, khiến cho khí hành tất huyết hành, đây là những vị thuốc đóng vai trò là thần.
Phối ngũ với đương quy dưỡng huyết, sinh địa dưỡng âm thanh nhiệt, khiến cho trừ ứ mà không tổn thương chính khí, lý khí mà không tiêu âm, vừa trừ tà mà không quên phục chính. Ngưu tất thông lợi huyết mạch, dẫn đến huyết không hạ hành, cam thảo điều hòa các vị thuốc là sứ dược, ngoài ra còn có tác dụng hoãn cấp chỉ thống.
Gia giảm:
Bụng đau nhiều gia: Trầm hương, một dược.
Cố khối tích ngưng gia: Tam lăng, nga truật.
Ứ ngưng nặng có thể gia các vị thuốc nhuyễn kiên tán kết, trục ứ: Tam thất…
Tuệ Y Đường kính chúc quý vị thật nhiều sức khỏe và bình an!
📮 Facebook: Tuệ Y Đường
👩⚕️ Ths.Bs Trần Thị Thu Huyền
👩⚕️ Bác sĩ Đoàn Dung
💒Địa chỉ: 166 Nguyễn Xiển – Hạ Đình – Thanh Xuân – Hà Nội
📞Hotline: 0789.502.555 – 0789.503.555