Phụ tử là loại dược liệu thuộc nhóm thuốc ôn nhiệt. Người xưa có kinh nghiệm điều trị “Hàn thì làm cho ấm” tức là nói lên thuốc ôn nhiệt chữa được hàn chứng. Hàn tà ở biểu thì dùng thuốc tân ôn giải biểu đã giới thiệu qua ở mục “thuốc phát tán”.
Hàn tà ở lý thì nên điều trị bằng “thuốc ôn nhiệt”. Bởi vì thuốc trừ hàn cũng có khả năng hỗ trợ dương khí của cơ thể cho nên nhìn từ góc độ “phù chính” thuốc ôn nhiệt lại còn có tính chất thuốc bổ (như là bổ dương) và thường dùng chung với các vị thuốc bổ, có thể tham khảo ở loại “thuốc bổ ích”.
Bài viết dưới đây giúp bạn đọc hiểu thêm về vị thuốc này, tuy là dược liệu quý hiếm ,nhưng khi dùng phải vô cùng thận trọng. Bài viết tham vấn bởi bác sĩ Trần Thị Thu Huyền – trưởng khoa khám bệnh phòng khám Tuệ Y Đường.
I. MÔ TẢ CHUNG VỀ PHỤ TỬ
1.Đặc điểm sinh học
Phụ tử là vị thuốc được bào chế từ phần rễ con của cây Ô đầu. Dược liệu này có những tên gọi khác như Cách tử, Hắc phụ, Rễ con của cây Ô đầu,…Tên khoa học của phụ tử là Aconitum fortunei Hemsl, thuộc họ Hoàng Liên. Cây Ô đầu thường sinh sống và phát triển ơ vùng núi Tây Bắc, đặc biệt dẫy núi Hoàng Liên
Cây Ô đầu là loài cây thân thảo, chiều cao trung bình khoảng từ 60 – 100 cm, thân mọc thẳng đứng, thân có lông ngắn xung quanh. Củ rễ mập hình con quay, rễ cái thì to mang theo nhiều rễ nhỏ, mặt ngoài nhẵn, màu đen.
Lá cây hình trứng mọc so le, mép lá có răng cưa đường kính khoảng 4 – 7 mm, phiến lá rộng 5 – 12 cm, xẻ thành 3 thùy. 2 thùy 2 bên xẻ làm 2, thùy giữa lại xẻ thành 3 thùy con nữa, lá xẻ không đều, mép có răng nhọn. 2 mặt có lông ngắn, mặt dưới nhạt hơn.
Hoa màu xanh tím, mọc sít nhau thành từng chùm, thành từng cụm hoa dài 6 – 15 cm. Lá bắc nhỏ. Bao hoa gồm 5 bộ phận trong đó có 1 cái hình mũ, 2 – 5 tuyến mật. Nhị nhiều, bầu có 3 ô, chứa nhiều lá noãn.
Quả mỏng như giấy, dài 2 – 3mm, hạt có vảy ở trên mặt.
2. Thú hái và bào chế
Phụ tử được trồng và sản xuất tại vùng Tứ xuyên chất lượng tốt cho nên còn mang tên “Xuyên phụ tử”, có tác dụng hồi dương cứu nghịch trừ hàn, táo thấp, ôn trợ Thận dương.
Phụ tử có tính tẩu nhi bất thủ có thể đạt tới bên trong, xuyên suốt tới bên ngoài vừa thăng vừa giáng. Những trường hợp ngưng hàn cố lãnh (“cố lãnh” là chỉ hàn khí ẩn náu lâu ngày ở một kinh lạc nào đó trong cơ thể hoặc ở tạng phủ hình thành
Phụ tử là rễ củ con đã phơi hay sấy khô của cây Ô đầu. Thường sẽ thu hoạch vào độ trước khi hoa nở khoảng nửa đầu tháng 8. Dược liệu có tính độc cao nên trước khi sử dụng cần được bào chế thật kĩ lưỡng.
Cách bào chế Phụ tử:
- Hắc phụ phiến: Phụ tử chọn loại củ cỡ vừa, sau đó đem ngâm với nước muối mặn trong 3 – 5 ngày. Đem nấu sôi lên, bỏ nước, đem vớt rễ ra, rửa sạch và thái thành từng phiến dày.
Tiếp tục ngâm Phụ tử với nước muối hạt cùng với thuốc nhuộm màu trà đặc. Sau đó đem rửa thật sạch đến khi dùng lưỡi nếm không thấy bị cay tê. Cuối cùng đem dược liệu đồ chín, sấy khô vừa phải rồi đem phơi khô hoàn toàn.
- Diêm phụ tử: Phụ tử chọn thứ rễ củ hơi to, rửa sạch hết đất và ngâm với nước muối pha loãng. Mỗi ngày vớt rễ ra phơi cho đến khi thấy tinh thể muối hóa cứng bên ngoài phụ tử. Sau đó giần sơ qua để loại bỏ bớt muối trên dược liệu là dùng được.
- Đạm phụ phiến: Diêm Phụ tử sau khi hoàn thành mang ngâm với nước, ngày thay nước từ 2 – 3 lần cho hết muối. Sau đó cho dược liệu vào nồi thêm đậu đen và Cam thảo, đổ thêm khoảng 1 – 3 lít nước vào, nấu cho thấm đều đến khi cắt ra và nếm lưỡi không thấy vị tê, cay là được.
Cuối cùng bỏ hết đậu đen và Cam thảo cạo bỏ vỏ, chẻ làm đôi, thêm nước sam sắp và nấu trong 2 giờ. Khi dược liệu chín, đem để ráo và ủ cho mềm, sau đó cắt thành miếng và phơi khô là dùng được.
- Bạch phụ phiến: Phụ tử chọn loại củ rễ nhỏ, đem ngâm với muối mặn trong vài ngày. Sau đó đem đun sôi cho đến khi dược liệu chín nhừ, vớt ra, bóc bỏ vỏ ngoài và cắt thành từng phiến. Dược liệu rửa nhiều lần với nước cho đến khi không còn vị cay tê, sau đó lấy ra đem đồ chín, phơi khô nửa chừng và xông với lưu huỳnh cho khô hoàn toàn là dùng được.
Hoặc dùng Diêm phụ tử rửa sạch, ngâm trong nước qua 1 đêm, bỏ cuống và vỏ, sau đó cắt miếng và ngâm với nước cho đến khi không còn vị cay, tê. Vớt dược liệu ra đem tẩm với nước gừng trong 1 – 3 ngày, sau đó vớt ra, đồ chín và sấy khô 7 phần. Cuối cùng cho vào nồi rang với lửa to để nước gừng bay hoàn toàn, đem dược liệu ra và để nguội dùng dần.
Phụ tử bảo quản nơi khô ráo thoáng mát
3. Thành phần hóa học
Trong phụ tử chứa các thành phần hóa học rất đa dạng như Salsolinol, Beiwutine, Mesaconitine, Higenamine, Coryneinechloride, Hypaconitine, Karakoline, Fuziline, 10-Hydroxymesaconitine, Aconitine, Neoline,…
4. Tác dụng dược lý
- Cho súc vật thực nghiệm uống nước sắc hoặc chích màng bụng đều nhận thấy tác dụng kháng viêm rõ rệt.
- Tác dụng tăng cường miễn dịch.
- Nước sắc từ dược liệu có tác dụng tăng co bóp cơ tim, tăng lưu lượng máu, cường tim và tăng huyết áp.
- Một số thí nghiệm cho thấy, nước sắc phụ tử có tác dụng tăng chuyển hóa protein, mỡ, đường và tăng tiết hormone ở vỏ tuyến thượng thận.
- Tiêm Aconite trong dược liệu với liều 0.1 – 0.2mg/ kg có tác dụng giảm phản xạ không điều kiện, có điều kiện và làm giảm nồng độ Ammoniac ở não.
- Dược liệu có độc tính cao, dấu hiệu nhiễm độc: Buồn nôn, chảy nước miếng, hoa mắt, tê chân tay, khô miệng, nôn mửa, hoa mắt, thân nhiệt giảm, mạch chậm, tim hồi hộp, khó thở, tụt huyết áp,… Dùng bài thuốc cam thảo 20g, sinh khương 20g, kim ngân hoa 80g, đậu xanh 80g, đem sắc uống và thêm đường để giải độc
II. THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN
Phụ tử có vị cay (tân), đắng (khổ) có độc, đại nhiệt thuần dương, tính phù mà không trầm vì vậy khi dùng Phụ tử, nó tẩu tán, thông hành 12 kinh mạch, không đến cố định nơi nào (vô sở bất chí).
Phụ tử có chức năng dẫn các vị thuốc bổ khí để dẫn dương quy nguyên, dẫn thuốc bổ huyết để tư nguyên âm bất túc, dẫn các vị thuốc phát tán để khai tấu lý, để trừ phong hàn ở biểu (cùng Sinh khương, Quế chi ôn kinh, tán hàn phát hãn), dẫn thuốc ôn noãn xuống hạ tiêu, trừ hàn thấp tại lý.
1.Tính vị, quy kinh
- Phụ tử có vị cay ngọt, đắng nhẹ, tính nhiệt ( Phụ tửu đại nhiệt), có độc
- Quy vào kinh Tỳ, Thận, Tâm, Thái âm Phế, túc Thiếu âm Thận, Thiếu dương Tam tiêu và túc Quyết âm Can.
2. Công năng, chủ trị
- Công năng: Thông hành 12 kinh lạc, tính tẩu mà bất thủ, chỉ thống, hành thủy, hồi dương cứu nghịch và ôn thận.
- Chủ trị: Chứng âm thư, dương hư, phong thấp, thủy thũng, vong dương.
3. Một số bài thuốc chữa bệnh từ phụ tử
- Điều trị tay chân lạnh, co rút, đổ nhiều mồ hôi, tiêu chảy và buồn nôn
Can khương | 60g |
Chích Cam thảo | 80g |
Phụ tử | Dùng sống, đem bỏ vỏ và cắt thành 8 miếng |
Cách dùng: Sắc cùng với 3 lít nước, đun đến khi còn độ 1,2 lít thì đem vớt bỏ bã, chắt lấy nước, chia thành nhiều lần uống và dùng ấm.
- Điều trị ra mồ hôi không ngừng và lậu phong
Thục tiêu | 15g bỏ mắt, sao cho bay hết hơi nước |
Bạch truật | 60g |
Phụ tử | 45g chế, bỏ vỏ và cuống |
Hạnh nhân | 15g bỏ đầu nhọn, vỏ và sao cho bay hết nước |
Cách dùng: Đem các vị trên băm nát và đem sắc với 5 lít nước đến khi còn lại 2 lít nước. Vớt bỏ bã, dùng nước chia thành 4 lần uống khi còn ấm.
- Điều trị ngực có hòn khối, giữa ngực có hàn khí uất kết không tan và ngực đau
Nga truật (nướng) | 30g |
Phụ tử (bào, bỏ vỏ và cuống) | 30g |
Chỉ thực (sao trấu) | 15g |
Hồ tiêu | 15g |
Cách dùng: Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 9g uống với rượu nóng.
- Điều trị mạch Vi muốn tuyệt, hàn tàn nhập lý, bụng đau, chân tay lạnh run, thổ tả, thân nhiệt, tụt huyết áp
Nhục quế | 4g | Phụ tử | 12g |
Đẳng sâm | 12g | Can khương | 6g |
Bạch truật | 12g | Sinh khương | 12g |
Trần bì | 12g | Bán hạ | 12g |
Phục Linh | 12g | Cam thảo | 4g |
Ngũ vị tử | 6g |
Cách dùng: Mang các dược liệu trên sắc chung với nước, sau đó thêm vào 0.1g Xạ hương và dùng uống.
- Điều trị hàn thấp thấm vào bên trong gây đau nhức xương khớp, chân tay lạnh, không khát và lưng lạnh
Đẳng sâm | 12g |
Phụ tử | 12g |
Thược dược | 12g |
Phục linh | 12g |
Bạch truật | 12g |
Cách dùng: Sắc thuốc và ngày dùng 1 thang chia 2 lần sáng chiều.
- Điều trị âm độc thương hàn, tay chân lạnh, bụng đau, mặt xanh, các chứng lãnh khí
Phụ tử 3 trái (bào chế, bỏ vỏ và cuống).
Cách dùng: Đem tán Phụ tử thành bột mịn, mỗi lần dùng 9g uống với nử chén rượu lanh, nửa chén nước gừng.
- Điều trị quan cách, chân lạnh và mạch trầm
Nhân sâm | 4g |
Phụ tử | 4g |
Xạ hương | 1 ít |
Cách dùng: Đem Phụ tử tán nhuyễn, sau đó trộn với mật làm viên hoàn (viêm to bằng hạt ngô đồng). Dùng xạ hương bọc bên ngoài. Mỗi lần dùng 7 viên uống cùng với nước sắc đăng tâm.
- Điều trị răng đau do âm hư
Chuẩn bị Phụ tử (sống) một lượng vừa đủ.
Cách dùng: Nghiền nát Phụ tử, lấy lượng vừa đủ thêm nước miếng trộn đều và đắp vào giữa lòng bàn chân.
- Điều trị dương khí không đủ, viêm thận mãn tính, phù thũng, chân lạnh và lưng mỏi
Nhục quế | 4g | Trạch tả | 12g |
Sơn dược | 16g | Đơn bì | 12g |
Thục địa | 16g | Phục linh | 12g |
Phụ tử | 12g | Sơn thù du | 12g |
Cách dùng: Các dược liệu trên tán thành bột mịn, sau đó trộn với mật làm thành viên hoàn. Mỗi lần dùng 12g, ngày dùng 2 lần.
III. MỘT SỐ LƯU Ý KHI DÙNG PHỤ TỬ
Phụ tử có tác dụng hồi dương, thoái phong hàn và thông hành kinh mạch. Tuy nhiên dược liệu này chứa độc tính rất mạnh, mặc dù su khi bào chế đã được loại bỏ bớt độc tố nhưng kihi sử dụng vẫn cần lưu ý những thông tin sau, đặc biệt cần hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng:
- Không dùng dược liệu cho phụ nữ mang thai (loại thuốc hàng đầu gây trụy thai), chân nhiệt giả hàn và âm hư dương thịnh.
- Nếu không dùng bài thuốc từ đậu xanh, gừng khô và Cam thảo để giải độc tính của phụ tử, có thể dùng Lidocaine để giảm nguy cơ tử vong.
- Khi dùng phụ tử, nên phối hợp với các dược liệu có tác dụng làm ấm như Can khương, Bạch truật, Quế nhục, Cam thảo, Nhân sâm, Hoàng kì nhằm nâng cao tác dụng điều trị hàn.
- Cần phân biệt rễ con của cây ô đầu (phụ tử) với củ của cây Ô đầu (dược liệu ô đầu) vì tác dụng điều trị của Ô đầu tương tự nhưng lại yếu hơn Phụ tư.
- Dược liệu có độc tính cao nên cần phải bào chế đúng cách trước khi dùng để loại bỏ bớt độc tố. Đồng thời nên dùng liều thấp trước khi tăng liều lượng (Dò liều trước khi sử dụng).
- Phụ tử có độc tính rất mạnh và tính kiềm, cần sắc Phụ tử trước trên lửa to sắc khoảng 4 giờ rồi mới cho các dược liệu khác vào.
- Tương phản với Phòng phong
- Chống chỉ định tuyệt đối với bệnh nhân Thận dương bất túc
- Hạn chế sử dụng với những bệnh nhân mắc chứng hỏa, chứng nhiệt, chứng dương, Huyết dịch suy yếu, âm hư nội nhiệt không nên dùng.