Bộ Y tế Nga cho biết theo dữ liệu từ kết quả tiêm chủng đại trà cho người dân, Sputnik V, vaccine phòng Covid-19, có hiệu quả hơn 90%.
Theo Reuters, tuyên bố này được đưa ra sau khi 2 nhà phát triển vaccine Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) thông báo vaccine Covid-19 thử nghiệm của họ có hiệu quả hơn 90%.
Đại diện Bộ Y tế Nga cũng khẳng định kết quả này được trích ra từ dữ liệu tiêm chủng đại trà cho người dân, không thuộc thử nghiệm giai đoạn III đang diễn ra.
“Chúng tôi chịu trách nhiệm giám sát hiệu quả của vaccine Sputnik V trong những công dân đã được tiêm vaccine này khi thực hiện chương trình tiêm chủng đại trà”, Oksana Drapkina, Giám đốc viện nghiên cứu thuộc Bộ Y tế, cho biết trong tuyên bố.
Theo bà Drapkine, dựa trên quan sát của đội ngũ y tế, hiệu quả của vaccine cũng hơn 90%. “Sự xuất hiện của loại vaccine hiệu quả khác là tin tốt cho mọi người”, bà Drapkine phát biểu.
Nga tung ra loại vaccine này để sử dụng trong nước dù thực tế, các thử nghiệm giai đoạn cuối vẫn chưa kết thúc.
Nga chuẩn bị công bố kết quả sơ bộ của cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 trên người quy mô lớn đang diễn ra trong tháng này. 40.000 người ở Moscow tham gia thử nghiệm vaccine này
Đại diện của 2 công ty Pfizer và BioNTech thông báo kết quả bước đầu trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III vaccine Covid-19 của họ có tên là BNT162b2. Thử nghiệm này có 43.538 người tham gia, bắt đầu từ ngày 27/7.
BNT162b2 là vaccine có bản chất khá giống với loại hãng Moderna phát triển và đang thử nghiệm trên người là mRNA-1273. Đây là vaccine sử dụng đoạn mã di truyền RNA mã hóa cho protein S trên màng của virus SARS-CoV-2.
Kết quả ban đầu cho thấy vaccine này có thể phòng ngừa hiệu quả trên 90%. Điều này đồng nghĩa khi bạn được tiêm vaccine, 90% sẽ không mắc bệnh Covid-19.
Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu Ung thư, City of Hope, California, Mỹ, tỷ lệ “90% bảo vệ” này là khá cao vì chúng ta nên biết rằng vaccine ngừa cúm mùa hàng năm có tỷ lệ cũng chỉ dao động khoảng 50%. Có những năm rất thấp như mùa đông năm 2014-2015 chỉ đạt được 19% bảo vệ. Vậy chúng ta nên hiểu thế nào về con số 90% này?
Vaccine BNT162b2 được thiết kế với quy trình chích ngừa gồm 2 đợt, mỗi đợt cách nhau 21 ngày. Hiệu quả của vaccine đạt cao nhất khi được tiêm đủ 2 lần như trên.
Tỷ lệ “90% bảo vệ” là kết quả dựa trên số trường hợp mắc Covid-19 sau 7 ngày được tiêm liều vaccine thứ 2 trong những người tình nguyện, so sánh giữa nhóm tiêm vaccine thật và nhóm sử dụng giả dược.
Điều này có nghĩa là họ quan sát thấy tỷ lệ “90% bảo vệ” ở ngày thứ 28, tính từ lần tiêm vaccine đầu tiên. Trong báo cáo, họ cũng nói rằng tỷ lệ này có thể thay đổi trong những lần đánh giá tiếp theo của quá trình thử nghiệm lâm sàng.
Do vậy, chúng ta không nên nghĩ rằng 90% này là “khả năng bảo vệ thực tế của vaccine”. Vì nó còn phụ thuộc vào thời gian hệ miễn dịch có thể giữ được trạng thái bảo vệ trước sự xâm nhập của virus và sự nhớ của các tế bào miễn dịch.
Tuy nhiên, với sự cấp bách và cần thiết của vaccine đẩy lùi lây lan của Covid-19, kết quả đánh giá hiệu quả trong giai đoạn III thử nghiệm lâm sàng của vaccine BNT162b2 có thể giúp việc đệ trình Giấy phép Sử dụng Khẩn cấp (EUA) lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ được thông qua.Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ cho rằng những kết quả rõ ràng hơn của vaccine này cần có thêm thời gian để nghiên cứu. Hai công ty Pfizer và BioNTech dự tính tiếp tục bổ sung số liệu cho nghiên cứu này trong suốt 2 năm tiếp theo để đánh giá hiệu quả và độ an toàn.
Hai công ty đã lên kế hoạch thực hiện việc đệ trình này ngay sau khi thu thập tiếp các thông tin trong cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III để chứng minh tính “an toàn cần thiết” của vaccine. Thời gian dự kiến cho việc đệ trình này vào khoảng tuần thứ ba của tháng 11 này.