Thống kinh – Nguyên nhân và cách điều trị thế nào?

Thống kinh là cơn đau bụng rất thường gặp ở nhiều phụ nữ khi đến ngày hành kinh. Tuy nhiên, một cơn đau quá dữ dội hay có thêm các dấu hiệu lo ngại lại là vấn đề cần quan tâm. Những hiểu biết về thống kinh giúp bạn vượt qua cơn đau này một cách nhẹ nhàng cũng như phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa tiềm ẩn.

Để tìm hiểu thống kinh là gì và thống kinh có nguy hiểm không, chúng ta hãy cùng Ths.BsCKII. Trần Thu Huyền tại phòng khám Tuệ Y Đường đi tìm hiểu nguyên nhân đến các biện pháp điều trị

Thống kinh - Nguyên nhân và cách điều trị
Thống kinh – Nguyên nhân và cách điều trị

Thống kinh là hiện tượng tử cung phải co bóp để tống máu ra ngoài, do đó trong quá trình hành kinh, phần lớn người phụ nữ sẽ cảm thấy tức phần bụng dưới, thi thoảng nhói đau, mệt mỏi, tuy nhiên vẫn có thể sinh hoạt. làm việc và học tập bình thường.

Trong trường hợp, vượt quá sức chịu đựng, đau dữ dội và ảnh hưởng đến cuộc sống thì được gọi là thống kinh. Phần lớn phụ nữ khi mắc thống kinh đều cam chịu và không đi khám bác sĩ chuyên khoa.

Nguyên nhân gây thống kinh

Theo Ths.Bs.Trần Thu Huyền, hiện nay, người ta chia thống kinh gồm 2 dạng là thống kinh cơ năng và thống kinh thực thể với các nguyên nhân khác nhau:

Sự co thắt quá độ của tử cung:

Áp lực co thắt tử cung của người đau bụng hành kinh và người bình thường cơ bản là giống nhau. Nhưng do sự co thắt của tử cung duy trì trong thời gian khá dài, lại không dễ thả lỏng hoàn toàn, nên tử cung bị co thắt quá độ dẫn đến đau bụng hành kinh.

Tử cung co thắt:

Tử cung co thắt không bình thường, khiến cơ nhẵn tử cung bị thiếu máu, gây đến co thắt, thậm chí co rút cơ tử cung, từ đó xuất hiện đau bụng hành kinh. Nghiên cứu thực nghiệm gần đây cho thấy, huyết áp cao là nhân tố quan trọng tạo thành sự co thắt không bình thường của tử cung.

Tính chất máu kinh nguyệt

Hàm lượng chất prostaglandin (PG) trong máu kinh nguyệt và nội mạc tử cung tăng cao. Chất Prostaglandin E2 (PGE2) làm co thắt cơ tử cung. Nhiều thí nghiệm đã chứng minh hàm lượng PG trong máu người đau bụng kinh cao hơn người bình thường.

Trong một cơ thể, hàm lượng PGE2 và PGF2a cũng khác nhau, tỷ lệ GPF2a/PGE2 không tương đồng ở những khoảng thời gian khác nhau của chu kỳ kinh nguyệt. Những kích thích đó có thể dẫn đến sự co thắt không bình thường của cơ tử cung, gây đau đớn.

Ở người bị chứng lạc nội mạc tử cung, quan hệ giữa chứng đau bụng hành kinh và hàm lượng PG càng rõ ràng. Hàm lượng PGF2a trong huyết thanh và dịch khoang bụng của họ cao hơn người không đau bụng hành kinh.

Các nguyên nhân gây thống kinh
Các nguyên nhân gây thống kinh

.Triệu chứng bệnh thống kinh

Triệu chứng thống kinh nguyên phát

Bs. Huyền mô tả cơn đau thường xuất hiện trước khi xuất hiện kinh từ vài giờ hoặc ngay khi thấy kinh và kéo dài đến vài ngày với các triệu chứng như sau:

  • Đau theo từng cơn
  • Đau tại vị trí bụng dưới
  • Đau kiểu co rút bụng dưới
  • Hướng của cơn đau lan tới ra sau lưng và mặt bên trong của đùi
  • Ngoài ra, có thể kèm theo một số triệu chứng khác  như đau đầu, sốt, tiêu chảy, buồn nôn …
Các triệu chứng thống kinh thường gặp
Các triệu chứng thống kinh thường gặp

Triệu chứng thống kinh thứ phát  

Về triệu chứng đau bụng của thống kinh thứ phát tương tự như thống kinh nguyên phát. Tuy nhiên, thời điểm xuất hiện đau bụng kéo dài hơn, có thể có trước khi kinh xuất hiện từ một tuần cho đến khi đã hết kinh rồi mà vẫn còn đau bụng. Và triệu chứng này không xuất hiện một lần mà có thể xuất hiện nhiều lần trong một tháng.

Trong trường hợp sử dụng các thuốc giảm đau mà vẫn không đỡ kèm theo các triệu chứng bất thường về kinh nguyệt như đa kinh, rong kinh, vô kinh … thì người phụ nữ không nên chủ quan trước những triệu chứng này. Cần đi khám chuyên khoa sớm trước khi tình trạng bệnh diễn biến nặng hơn.

Đối tượng nguy cơ bệnh Thống kinh

Thống kinh nguyên phát

Phần lớn phụ nữ đều đã từng trải qua thống kinh nguyên phát. Thường thống kinh nguyên phát gặp ở phụ nữ ở độ tuổi dậy thì cho đến dưới 30 tuổi, tuy nhiên có một số trường gặp có thể gặp ở độ tuổi mãn kinh.

Thống kinh thứ phát

  • Nạo phá thai

Nạo phá thai hay tác động vào khoang tử cung nhiều lần gây viêm dính nội mạc. Chưa kể nạo nhiều còn gây nguy cơ gây vô sinh, ảnh hướng rất nhiều đến sức khoẻ sinh sản của người phụ nữ sau này.

  • Tránh thai

Đau bụng hành kinh và các phương pháp tránh thai có ảnh hưởng nhất định với nhau. Đặc biệt, phương pháp đặt vòng thường làm tăng mức độ đau bụng hành kinh. Thuốc tránh thai chứa progestagen có tác dụng làm lỏng cơ nhẵn của tử cung, giảm nhẹ triệu chứng đau bụng do co bóp. Uống thuốc tránh thai có thể giảm tỷ lệ và độ đau của đau bụng hành kinh.

  • Ảnh hưởng của chu kỳ kinh nguyệt và độ dài ngắn của từng chu kỳ

Nhìn chung, độ nghiêm trọng của đau bụng hành kinh và độ dài ngắn của chu kỳ kinh nguyệt không có ảnh hưởng gì đến nhau. Nhưng do đau bụng kinh biểu hiện trong thời kỳ kinh nguyệt nên nếu thời gian hành kinh kéo dài thì thời gian đau bụng kinh cũng bị kéo dài theo.

  • Một số nhân tố khác

Có ý kiến cho rằng người béo mập thường dễ bị đau bụng hành kinh; thói quen hút thuốc lá và đau bụng hành kinh luôn có tỷ lệ thuận. Đặc biệt những phụ nữ làm việc ở môi trường áp lực, rượu bia thuốc lá nhiều cũng tăng nguy cơ gây thống kinh

Phòng tránh đau bụng hành kinh

Theo Bs. Huyền, thống kinh vô căn là hiện tượng mà phần lớn phụ nữ đã từng gặp phải, khi đã hết kinh nguyệt, các triệu chứng sẽ thuyên giảm dần mà không cần phải can thiệp điều trị gì. Sau khi trải qua nhiều chu kỳ kinh nguyệt, người phụ nữ đã thích nghi và làm quen dần với những khó chịu mà thống kinh vô căn gây ra.

Nhưng ở một số ít phụ nữ có thể trạng nhạy cảm, dẫn tới cơn đau ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt hằng ngày. Đối với các trường hợp lần đầu tiên có kinh nguyệt, cần được người chăm sóc như bà, mẹ, cô giáo, chị gái… giải thích cặn kẽ về kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý của cơ thể và không phải là bệnh.

Khi đã được tư vấn chính xác, đầy đủ và động viên an ủi từ người thân, các bạn gái sẽ đỡ lo lắng, chấp nhận tình trạng của cơ thể và biết cách chăm sóc bản thân khi có kinh nguyệt. Đặc biệt có biện pháp phòng tránh và giảm thiểu tình trạng thống kinh.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh thống kinh.

Đối với các trường hợp thống kinh nguyên phát hay thứ phát gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người phụ nữ đều được khuyến cáo nên tới cơ sở Y tế chuyên khoa để được khám bệnh (Phụ khoa hay sản khoa) và chẩn đoán nguyên nhân bằng các xét nghiệm chuyên khoa như siêu âm ổ bụng, nội soi tử cung, … dựa vào các kết quả xét nghiệm và thăm khám.

Bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân và đưa ra được phác đồ điều trị phù hợp. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đau do cơ năng sẽ không tìm được nguyên nhân đau do đâu, và vì thế các bạn thường được dùng thuốc giảm đau để hỗ trợ tình trạng này.

Các biện pháp điều trị bệnh thống kinh.

Đau bụng kinh nên làm gì?

Trước tiên, nên đến bệnh viện kiểm tra phụ khoa một cách tỉ mỉ. Căn cứ vào lý lịch bệnh do người bệnh cung cấp, vào những triệu chứng lâm sàng và kiểm tra, bác sĩ sẽ có chẩn đoán chính xác nhất.

Bệnh nhân cần được giám định để xác định triệu chứng đau bụng là do các chứng bệnh khác (như u nang buồng trứng, chửa ngoài tử cung, viêm tiểu khung cấp tính, đẻ non…) gây nên hay do đau bụng hành kinh gây nên. Việc các chứng bệnh trên bị chẩn đoán nhầm thành đau bụng kinh sẽ dẫn đến điều trị sai, gây những hậu quả không tốt.

Phương pháp trị đau bụng hành kinh chủ yếu là uống thuốc; nhưng tác dụng của tâm lý trị liệu và sự nghỉ ngơi cũng không thể coi nhẹ, đặc biệt là với phụ nữ trẻ tuổi bị đau bụng hành kinh nguyên phát. Khi bắt đầu có kinh, họ thường có những thay đổi về tâm lý như sợ hãi, lo lắng, u uất… Những phản ứng tâm lý này cũng làm tăng thêm mức độ đau bụng hành kinh.

Chế độ chăm sóc:

Để hạn chế cơn đau, có rất nhiều cách đơn giản mà người phụ nữ có thể áp dụng ngay tại nhà:

  • Thường xuyên tập thể dục như chạy bộ/đi bộ, đạp xe, thể dục nhịp điệu…làm giảm lượng hormone estrogen → giảm triệu chứng đau bụng. Nhiều nghiên cứu trên thế giới chứng minh rằng, khi phụ nữ tập thể thao thường xuyên thì tình trạng đau thống kinh ít hơn so với người phụ nữ ít tập hoặc không tập.
  • Chườm nóng vùng bụng dưới hoặc tắm bằng nước ấm làm giảm co thắt tử cung để giảm đau.
  • Có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung thêm các chất như kẽm, magie, Omega 3, các loại vitamin nhóm B và nhóm E (B1, B6, vitamin E).
  • Không sử dụng các chất gây kích thích như cà phê, rượu, thuốc lá, tránh xa môi trường có nhiều khói thuốc lá.
  • Châm cứu bấm huyệt, mát xa… có tác dụng thư giãn → giảm đau.

Tham khảo thêm: RỐI LOẠN KINH NGUYỆT HẬU COVID – NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Điều trị thuốc

  • Nhóm thuốc giảm đau chống viêm non-steroid thường được sử dụng trước hoặc ngay sau khi xuất hiện kinh và uống trong vòng từ 2 đến 3 ngày là ibuprofen, naproxen… có tác dụng ức chế sản xuất prostaglandin → giảm co thắt tử cung → giảm đau.
  • Ngoài ra có thể sử dụng paracetamol 500 mg để giảm đau trong trường hợp đau thống kinh ở mức độ nhẹ, tuy nhiên, thuốc này không có tác dụng ức chế sản xuất chất prostaglandin.
  • Thuốc tránh thai có tác dụng làm giảm sự co thắt của tử cung, ức chế rụng trứng và giảm prostaglandin trong máu → làm giảm đau khi hành kinh. Tuy nhiên, cần lưu ý là khi sử dụng thuốc tránh thai, cần được bác sĩ chuyên khoa tư vấn khám và tư vấn sử dụng thuốc.
  • Thảo dược: có rất nhiều loại thảo dược có tác dụng điều trị tình trạng này như ích mẫu, hương phụ. Hoặc đơn giản chỉ cần 1 cốc nước gừng để làm giảm đau mỗi khi đến kì kinh.

Đau bụng kinh theo y học cổ truyền

Sự phát sinh của thống kinh liên quan mật thiết đến sự biến đổi sinh lý mang tính chất chu kì của mạch Nhâm, Đốc, Bào cung.

Cơ chế bệnh sinh chủ yếu của thống kinh là dưới ảnh hưởng của tà khí hoặc tinh huyết của cơ thể vốn suy kém cộng với trước trong và sau khi hành kinh thì khí huyết của 2 mạch xung nhâm biên hóa nhanh dẫn đến khí huyết bào cung vận hành không được thông suốt, bào cung không được nuôi dưỡng đầy đủ gây ra chứng thống kinh.

Thống kinh thường được chia thành các thể như: Thận khí hư tổn, khí huyết hư nhược, Khí trệ huyết ứ, Hàn ngưng huyết ứ, Thấp nhiệt uẩn kết.

BS.CKII Trần Thu Huyền và BS Đoàn Dung khám và tư vấn cho bệnh nhân tại Phòng khám Tuệ Y Đường
BS.CKII Trần Thu Huyền và BS Đoàn Dung khám và tư vấn cho bệnh nhân tại Phòng khám Tuệ Y Đường

Thận khí hư tổn

Triệu chứng

  • Kinh kỳ hoặc kinh hậu bụng dưới đau âm ỉ, đau thiện án. Eo lưng mỏi đau. Kinh nguyệt lượng ít, sắc nhạt, loãng. Sợ lạnh, chườm ấm thì đỡ. Chóng mặt ù tai, sắc mặt sạm tối. Tiểu tiện trong dài, chất lưỡi nhạt, rêu mỏng, mạch trầm tế.

Pháp điều trị: Bổ thận điền tinh, dưỡng huyết chỉ thống.

Phương: Điều can thang

Đương quy 12g Sơn dược 12g
Bạch thược 12g A giao 12g
Sơn thù 8g Cam thảo 5g
Ba kích 12g
Bốc thuốc tại Tuệ Y Đường
Bốc thuốc tại Tuệ Y Đường

Khí huyết hư nhược

Triệu chứng:

Kinh kì hoặc kinh hậu tiểu phúc đau âm ỉ, thiện án. Kinh lượng ít, nhạt màu, loãng. Người mệt mỏi, chóng mặt, tâm quý. Mất ngủ mơ nhiều. Sắc mặt trắng bệch, lưỡi nhạt, rêu mỏng, mạch tế nhược.

Pháp điều trị: Bổ khí dưỡng huyết, hòa trung chỉ thống.

Phương:

Hoàng kì kiến trung thang gia giảm.

Hoàng kì 12g Sinh khương 8g Di đường 12g
Bạch truật 12g Bạch thược 8g Cam thảo 5g
Quế chi 08g Đại táo 12g Đương quy 12g

Khí trệ huyết ứ

Triệu chứng:

Kinh kỳ trước khi hành kinh tiểu phúc chướng đau cự án. Kinh lượng ít, ra ít một không thông. Sắc kinh tím đen, có máu cục, khi cục máu ra được nhiều thì đau giảm. Mạng sườn, vú chướng đau. Chất lưỡi tím hoặc có điểm ứ huyết.

Pháp điều trị: Hành khí hoạt huyết, hóa ứ chỉ thống.

Phương:

Cách hạ trục ứ thang.

Đương quy 12g Ô dược 8g cam thảo 5g
Xích thược 12g Chỉ xác 12g Diên hồ sách 8g
Đào nhân 8g Hồng hoa 12g Đan bì 12g
xuyên khung 8g Ngũ linh chi 8g Hương phụ 12g

Hàn ngưng huyết ứ.

Triệu chứng:

Trước hoặc trong khi hành kinh bụng dưới đau lạnh, cự án, thích chườm nóng. Kinh kì đến muộn, lương ít, màu xám đen, có máu cục, sợ lạnh, chân tay lạnh. Sắc mặt xanh, lưỡi nhạt, rêu trắng, mạch trầm khẩn.

Pháp điều trị: Ôn kinh tán hàn, khứ ứ chỉ thống

>>>Kết quả điều trị của bệnh nhân Rối loạn kinh nguyệt

Thấp nhiệt uẩn kết

Triệu chứng: Trước khi hành kinh hoặc khi hành kinh bụng dưới đau nóng rát cự án, đau lan xuống phía dưới.

Tiểu phúc thường đau âm ỉ, đến khi đến kì thì đau nhiều hơn. Kinh lượng nhiều hoặc ngày kinh kéo dài, màu kinh tím hồng, đặc có thể có máu cục. Ngày thường khí hư ra nhiều màu vàng có mùi hôi, có thể có sốt nhẹ, tiểu tiện vàng đỏ, lưỡi đỏ, rêu vàng nhớt, mạch hoạt sác.

Pháp điều trị; Thanh nhiệt trừ thấp, hóa ngưng chỉ thống.

Phương: Thanh nhiệt điều huyết thang gia Hoàng đằng, Bại tương thảo, Ý dĩ.

Đan bì 12g Hương phụ 12g Hồng hoa 12g
Hoàng liên 12g Bại tương thảo 12g Đào nhân 10g
Bạch thược 1g sinh địa 12g Diên hồ sách 8g
Xuyên khung 8g Nga truật 12g Ý dĩ 12g
Đương quy 05g Cam thảo 5g

Hiện nay, tại phòng khám Tuệ Y Đường đang điều trị rất hiệu quả đau bụng kinh bằng y học cổ truyền, bài thuốc được bác sĩ Huyền nghiên cứu và điều chỉnh đối với từng nguyên nhân bệnh ở trên từng bệnh nhân để đạt được hiệu quả cao nhất.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất qua:

📮 Facebook: Tuệ Y Đường

👩⚕️ Ths.Bs Trần Thị Thu Huyền

👩⚕️  Bác sĩ Đoàn Dung

💒Địa chỉ: 166 Nguyễn Xiển – Hạ Đình – Thanh Xuân – Hà Nội

📞Hotline: 0789.502.555 – 0789.503.555

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *