MỐI QUAN HỆ TẠNG CAN – TẠNG TỲ – TẠNG THẬN

Tạng can, tạng tỳ, tạng thận có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Mỗi tạng đều có chức năng riêng, những chức năng ấy giúp sức hay chế ước tạng khác để đảm bảo mối cân bằng âm dương trong cơ thể. Dưới đây là nội dung về mối quan hệ giữa tạng can – tỳ, tạng can – thận, tạng tỳ – thận. Kính mời bạn đọc cùng Phòng khám Tuệ Y Đường tìm hiểu về vấn đề này nhé!

Mối quan hệ tạng can - tỳ - thận
Mối quan hệ tạng can – tỳ – thận

1. Tạng Can – Tỳ

Tạng Can chủ tàng huyết, chủ sơ tiết; tỳ chủ sinh huyết, thống huyết, chủ vận hóa và là nguồn sinh khí huyết. Mối quan hệ chủ yếu của can tỳ biểu hiện ở cùng sơ tiết và vận hóa, cùng hiệp điều về tàng huyết và thống huyết.

1.1. Chức năng tiêu hóa

  • Tạng Can chủ sơ tiết, điều thông khí cơ, sơ thông dịch mật để chuyển xuống đường tiêu hóa nhằm thúc đẩy chức năng tỳ vị thu nạp và vận chuyển thức ăn, đồng thời giúp cho khí cơ tỳ vị ở trung tiêu thăng giáng hiệp điều.
  • Nếu tạng can bị mất sơ tiết, khí cơ uất trệ làm tỳ mất kiện vận gây nên chứng “mộc bất sơ thổ” (hay gọi là tỳ vị bất hòa): Tinh thần uất ức, căng tức ngực sườn, bụng trướng đau, ăn không tiêu, sôi bụng, đại tiện phân lỏng…
  • Nếu tỳ mất kiện vận cũng ảnh hưởng đến sơ tiết của tạng can gây chứng thủy “thổ ủng mộc uất”; hoặc do tỳ hư sinh thấp và hóa nhiệt làm thấp nhiệt uất chưng can đởm gây chứng hoàng đản.
Tỳ là tạng chủ về vận hóa trong cơ thể
Tỳ là tạng chủ về vận hóa trong cơ thể

1.2. Vận hành huyết dịch

  • Tâm chủ trì vận hành huyết dịch nhưng can và tỳ cũng có quan hệ mất thiết. Tạng Can chủ tàng huyết, điều tiết lượng huyết; tỳ chủ sinh huyết, thống nhiếp huyết dịch. Tỳ khí kiện vượng, nguồn sinh huyết đầy đủ, đảm bảo thống nhiếp được huyết thì can mới tàng huyết.
  • Can huyết sung túc, tàng sơ vừa độ, lượng huyết điều tiết bình thường thì khí huyết mới vận hành không bị ứ trệ. Tạng Can tỳ phối hợp hiệp đồng để cùng nhau duy trì huyết dịch vận hành bình thường.
  • Nếu tỳ khí hư nhược không sinh được huyết làm cho huyết hư, không thống được huyết gây chứng xuất huyết thì đều gây chứng can huyết bất túc. Khi chức năng thống huyết và tàng huyết cùng bị rối loạn sẽ gây các chứng xuất huyết.

2. Tạng Can – Thận

Quan hệ giữa tạng can – thận là “can thận đồng nguyên”, “ất quý đồng nguyên” (thiên can phối thuộc trong ngũ hành thì can thuộc ất mộc, thận thuộc quý thủy). Vì can chủ tàng huyết mà thận chủ tàng tinh; can chủ sơ tiết mà thận chủ bế tàng; can là con của thủy, thận là mẹ của mộc. Mối quan hệ chủ yếu của tạng can thận biểu hiện là tinh huyết đồng nguyên, tàng tiết cùng tương hỗ, âm dịch cùng dưỡng.

2.1. Tinh huyết đồng nguyên

  • Tạng Can tàng huyết, thận tàng tinh, tinh huyết cùng tương hỗ tư sinh. Có thuyết nói: khí không hao thì quy tinh ở thận để thành tinh; tinh không tiết thì quy tinh ở can để hóa huyết – tức là thận tinh hóa can huyết. Thận thu tinh của lục phủ ngũ tạng để bế tàng.
  • Tinh khí trữ tàng ở thận lại nhờ tư dưỡng của can huyết để duy trì sung túc. Thận tinh và can huyết cùng tương hỗ tư sinh, tương hỗ chuyển hóa, tinh có thể sinh huyết, huyết có thể sinh tinh. Tinh và huyết đều cùng nguồn hóa sinh từ chất tinh vi của thủy cốc do tỳ vị vận hóa nên. Vì thế khi nói tạng can thận đồng nguyên thì tức là tinh huyết đồng nguyên.
  • Nếu tạng can huyết bất túc và thận tinh hao tổn ảnh hưởng lẫn nhau gây chứng can thận tinh huyết lưỡng hư: Đau đầu, chóng mặt, ù tai, đau lưng, mỏi gối…
Hình ảnh tạng can đối chiếu qua tây y
Hình ảnh tạng can đối chiếu qua tây y

2.2. Tàng tiết cùng tương hỗ

  • Tạng Can chủ sơ tiết và thận chủ bế tàng là mối quan hệ cùng tồn tại để tương hỗ tác dụng, tương hỗ chế ước.
  • Can khí sơ tiết sẽ làm cho thận khí chủ đóng mở nhịp nhàng; thận khí bế tàng để khống chế can khí sơ tiết thái quá. Sơ tiết và bế tàng cùng tồn tại để điều tiết chu kỳ kinh ở nữ đúng kỳ và chức năng bài tiết tinh ở nam.
  • Nếu rối loạn chức năng tàng tiết của can thận thì nữ giới sẽ thấy kinh nguyệt thất thường, kinh quá nhiều hoặc bế kinh; nam giới sẽ thấy di tinh, hoạt tiết hoặc cường dương, bất tiết…

>>>> Cùng tìm hiểu thêm về chức năng sinh lý của tạng thận

2.3. Âm dịch cùng dưỡng

  • Trong ngũ hành tạng can thuộc mộc, thận thuộc thủy, thủy hàm mộc nên khi can âm bất túc thì thận thủy sẽ tư dưỡng. Thận âm sung thịnh sẽ tư dưỡng can âm và can âm sung thịnh cũng sẽ tư dưỡng thận âm. Tức là can âm và thận âm tương hỗ tư dưỡng, âm có thể khống chế dương.
  • Khi can thận âm sung thịnh thì không những tương hỗ tư sinh mà còn để khống chế can dương không thiên cang, ức chế tướng hỏa không thượng viêm, từ đó duy trì can thận âm dương hiệp điều bình hằng.
  • Nếu can âm bất túc làm ảnh hưởng thận âm; thận âm bất túc thì thủy không hàm mộc. Can thận âm hư rất dễ gây can dương thượng cang hoặc tướng hỏa thiên cang gây chứng can thận âm hư hỏa vượng.
  • Ngoài ra, can thận đều chứa tướng hỏa. Tâm hỏa là quân hỏa, hỏa ở can thận là tướng hỏa. Trong điều kiện sinh lý thì quân hỏa và tướng hỏa đều là thiếu hỏa, tức là dương khí của toàn thân.
  • Thiếu hỏa có tác dụng chưng đốt toàn thân, ôn chiếu tạng phủ và là nguồn động lực của hoạt động sống. Can có tướng hỏa thì huyết không ngưng trệ và chủ quản sự thăng phát khí cơ toàn thân cũng như đảm bảo được chức năng sơ tiết. Thận có tướng hỏa thì thủy không hàn, chủ quản khí hóa toàn thân và là gốc của sự phát triển cơ thể.
  • Tướng hỏa chứa ở can thận thì nên tiềm tàng. Tinh huyết của can thận sung túc, âm dịch sung thịnh thì tướng hỏa được khống chế và yên tĩnh mà giữ nguyên vị trí.

3. Tạng Tỳ – Thận

Tỳ là gốc của hậu thiên, thận là gốc của tiên thiên. Mối quan hệ đầu tiên của tỳ thận là quan hệ tiên thiên với hậu thiên. Tỳ chủ vận hóa thủy dịch, thận chủ thủy. Do đó mối quan hệ tiếp theo của tỳ thận là mối quan hệ trao đổi thủy dịch.

3.1. Tiên thiên và hậu thiên tương hỗ tư sinh

  • Tỳ chủ vận hóa thủy cốc tinh vi, hóa sinh khí huyết và là gốc của hậu thiên. Thận tàng tinh, chứa mệnh môn hỏa và là gốc của tiên thiên. Vận hóa của tỳ nhờ tác dụng ôn chiếu chưng hóa của thận dương thì mới kiện vượng.
  • Tinh khí của thận lại phải dựa vào sự bồi dục, bổ dưỡng của chất tinh vi trong thủy cốc mới không ngừng được sung mãn và thành thục. Tiên thiên và hậu thiên tương hỗ tư sinh, tương hỗ thúc đẩy và không thể thiếu phần nào được. Tỳ không có khí của tiên thiên thì không thể hóa, thận không có khí của hậu thiên thì không thể sinh. Mối quan hệ của tỳ thận là tiên thiên ôn dưỡng và kích phát hậu thiên, hậu thiên bổ sung và bồi phụ cho tiên thiên.
  • Trong bệnh lý thì tỳ khí hư nhược với thận tinh hao hư gây chứng tinh khí bất túc: Bụng đầy trướng, đại tiện lỏng, đau lưng, ù tai, trẻ em chậm sinh trưởng và phát dục…; hay trung dương hư tổn với mệnh môn hỏa suy gây chứng tỳ thận dương hư: Sợ lạnh, chân tay lạnh, đau lưng do lạnh, ngũ canh tiết tả, đại tiện phân lẫn thức ăn…
Chức năng sinh lý tạng thận
Chức năng sinh lý tạng thận

3.2. Trao đổi thủy dịch

  • Tỳ phát huy chức năng chủ vận hóa phải dựa vào ôn chiếu, chưng hóa của thận dương. Thận chủ thủy và quản việc đóng mở, dưới tác dụng khí hóa của thận khí, thận dương để chủ trì trao đổi thủy dịch bình hằng và cũng phải nhờ tác dụng của tỳ khí nên mới nói thổ có thể chế thủy.
  • Tỳ thận phối hợp để cùng nhau hoàn thành trao đổi thay cũ đổi mới thủy dịch.
  • Nếu tỳ hư bất vận sẽ làm thủy thấp nội sinh, lâu ngày không khỏi sẽ gây chứng thận hư thủy phiếm. Nếu thận hư thì không khí hóa được thủy thấp làm cho thủy thấp nội uẩn gây ảnh hưởng đến chức năng vận hóa của tỳ, tạo thành chứng tỳ thận lưỡng hư và chứng thủy thấp nội đình với biểu hiện lâm sàng: nước tiểu ít, phù thũng, bụng trướng, đại tiện lỏng, sợ lạnh, chân tay lạnh, đau lưng, mỏi gối…
Hình ảnh BS CK II Trần Thị Thu Huyền và BS Đoàn Dung đang thăm khám cho bệnh nhân tại phòng khám Tuệ Y Đường
Hình ảnh BS CK II Trần Thị Thu Huyền và BS Đoàn Dung đang thăm khám cho bệnh nhân tại phòng khám Tuệ Y Đường

>>>> Cùng tìm hiểu về mối quan hệ giữa tạng tâm và các tạng khác

? FacebookTuệ Y Đường

?️ Ths.Bs Trần Thị Thu Huyền

?️  Bác sĩ Đoàn Dung

?Địa chỉ: 166 Nguyễn Xiển – Hạ Đình – Thanh Xuân – Hà Nội

?Hotline: 0789.501.555 – 0789.502.555 – 0789.503.555

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *