Nhân sâm
Theo Y học cổ truyền, nhân sâm có tác dụng đại bổ nguyên khí, được coi là thần dược kéo dài sinh mệnh. Y học hiện đại đã có nhiều công trình nghiên cứu cho thấy nhân sâm có tác dụng chống ô xy hóa, trì hoãn sự lão hóa của tế bào não, cải thiện trí não và thể lực.
Một số món ăn bài thuốc từ nhân sâm:
Gà hầm sâm
Nguyên liệu: 1 con gà con, 100g gạo nếp, 50g hạt sen, 2 củ nhân sâm tươi, 4 quả táo tàu, 10g gừng tươi, 10g cam thảo, 20 nhánh tỏi, 20g hành lá, muối, hạt tiêu xay.
Cách làm: Gà đã làm thịt, được sơ chế sạch. Vo sạch gạo nếp đã chuẩn bị và ngâm gạo trong khoảng 1 giờ, sau đó nhồi một ít gạo vào bụng gà và cho thêm táo vào phần bên trong mình gà. Cho nước và các gia vị còn lại như gừng, hạt sen, cam thảo, tỏi,… vào nồi để đun sôi khoảng 30 phút. Sau đó đem gà thả vào nồi nước đã đun sôi rồi hầm cho đến khi gà đủ độ chin.
Nhân sâm dưỡng vinh thang
Thành phần: Nhân sâm 6g, đương quy 12g, bạch thược 12g, thục địa 12g, bạch truật 12g, phục linh 12g, quế tâm 4g, sinh hoàng kỳ 12g, trần bì 8g, viễn chí 6g, ngũ vị tử 6g, đại táo 3 quả, sinh khương 3 lát; cam thảo 4g.
Cách dùng: Thang sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng: Bổ khí huyết, dưỡng tâm an thần.
Hà thủ ô
Theo Y học cổ truyền, Hà thủ ô có tác dụng bổ gan, thận, ích tinh huyết, diên niên bất lão; có thể làm hồng nhuận da dẻ, tóc dài, đen tóc. Theo các nghiên cứu dược lý, hà thủ ô có chứa các chất với tác dụng chống oxy hóa và ngăn ngừa sự phát triển của các gốc tự do trong cơ thể.
Món ăn bài thuốc từ hà thủ ô:
Hà thủ ô, vừng đen, hồng táo thang
Thành phần: hà thủ ô 16g, thỏ ty tử 12g, vừng đen 12g, táo đỏ 5 quả, bột đậu đen 1 thìa.
Cách dùng: Thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần sáng tối. Tác dụng: Bổ khí huyết, chống rụng tóc, làm cho tóc đen và bóng..
Cháo hà thủ ô
Nguyên liệu: Gạo tẻ 100g, hà thủ ô 30g, đường đỏ 30g, đại táo 3 quả
Cách làm: Ninh hà thủ ô trong 2 giờ. Lấy nước này để nấu cháo, bỏ bã. Cho gạo, đại táo vào ninh đến nhừ. Cho đường đỏ vào sẽ dễ ăn hơn.
Tam thất
Theo Y học cổ truyền, tam thất có tác dụng cầm máu, bồi bổ khí huyết, giảm đau, tiêu ứ huyết. Nghiên cứu dược lý cho thấy tam thất có chứa saponin – là chất quan trọng giúp tiêu sưng, giảm đau, saponin giúp cơ thể chống viêm, chống lại quá trình oxy hóa tế bào, phòng ngừa ung thư.
Tam thất bắc có hai cách dùng phổ biến:
Dùng sống: Củ tam thất phơi khô, sau đó tán bột dùng chung với mật ong hoặc pha nước uống.
Dùng chín: Hầm tam thất với thịt gà để bổ sung sức đề kháng trong các trường hơp thiếu máu, suy nhược cơ thể và phụ nữ sau đẻ.
Hoàng kỳ
Theo Y học cổ truyền, hoàng kỳ có tác dụng: Ích nguyên khí, bổ tam tiêu; có tác dụng bổ khí toàn thân. Nghiên cứu dược lý cho thấy hoàng kỳ có tác dụng giãn mạch vành, tăng cung lượng tim. Hoàng kỳ có chứa chất chống oxy hóa, bảo vệ tế bào khỏi những tổn thương.
Món ăn bài thuốc từ hoàng kỳ:
Bổ trung ích khí thang
Thành phần: hoàng kỳ 16g, chích thảo 4g, thăng ma 6g, Đảng sâm 12g, đương qui 12g, sài hồ 8g, bạch truật 12g, trần bì 6g.
Cách dùng: Thang sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng: chữa cơ thể vốn hư nhược dễ bị cảm mạo, mệt mỏi ra mồ hôi.
Trà hoàng kỳ-kỷ tử
Nguyên liệu: Hoàng kỳ 10g, kỷ tử 10 g.
Cách làm: Cho tất cả những nguyên liệu trên vào nồi nước đun sôi nhỏ lửa trong khoảng 15 phút. Sau đó, bắc ra là có thể dùng được.
PGS,.TS. Dương Trọng Nghĩa (Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương)
Theo sức khỏe và đời sống