Liệt dây VII còn được gọi với tên gọi là liệt Bell (do liệt dây VII được chuẩn đoán dựa vào dấu hiệu Charles Bell). Vậy như thế nào được gọi là liệt VII, dấu Charles Belllà gì để chẩn đoán liệt VII có khó không? Và điều trị liệt VII như thế nào hôm nay hãy cùng tìm hiểu bài viết này cùng phòng khám Tuệ Y Đường nhé.
I. ĐẠI CƯƠNG
1. Khái niệm
Dây thần kinh mặt hay dây VII là dây hỗn hợp, có đầy đủ chức năng của một dây thần kinh ngoại vi (vận động, cảm giác, thực vật, dinh dưỡng và phản xạ).
Liệt dây VII chính là tổn thương dây thần kinh mặt (có thể liệt mặt trung ương và liệt mặt ngoại biên) đều gây mất hoặc giảm vận động các cơ bám da mặt và da cổ ảnh hưởng đến toàn bộ chức năng của dây than kinh ngoại biên.
Bệnh liệt dây VII nằm trong chứng trúng phong kinh lạc của Y học cổ truyền. Với bệnh danh “Khẩu nhãn oa tà” (miệng và mắt méo lệch) sẽ tương ứng với các triệu chứng của liệt dây thần kinh VII ngoại biên.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Theo Y học hiện đại, có rất nhiều nguyên nhân gây liệt dây thần kinh VII ngoại biên:
+ Do lạnh: Hay gặp nhất chiếm tới 80%, nguyên phát, thường sau người bệnh bị nhiễm lạnh và hay xảy ra vào ban đêm. Chỉ có liệt mặt đơn thuần, không có dấu hiệu thần kinh khác.
+ Do viêm nhiễm: Viêm nhiều rễ và dây thần kinh, viêm dây VII, viêm tai xương chũm, Zona, hạch gối…
+ Do các tổn thương nền sọ: Vỡ nền sọ gây vỡ xương đá, tai biến sản khoa do Forcep.
+ Do khối u: U góc cầu tiểu não, u dây thần kinh VII, u tai xương chũm, u độc nền sọ, u cánh nhỏ xương bướm.
3. Sinh lý bệnh liệt dây VII
Cơ vùng mặt được chi phối ngoại biên (chi phối sau nhân) bởi dây VII cùng bên, chi phối trung ương (chi phối trước nhân) bởi vỏ não bên đối diện.
Thần kinh trung ương thường chi phối hai bên ở mặt trên, chi phối một bên ở mặt dưới. Do đó cả tổn thương trung ương hay ngoại biên thường có xu hướng liệt mặt dưới. Tuy nhiên liệt dây VII thường ảnh hưởng đến mặt trên nhiều hơn.
4. Dấu hiệu mang tính chất chẩn đoán liệt dây VII
Đau sau tai thường xuất hiện trước liệt mặt ở liệt dây VII nguyên phát. Liệt, thường là liệt hoàn toàn, tiến triển trong vòng vài giờ và thường tối đa trong vòng 48 đến 72 giờ.
Bệnh nhân có thể báo hiệu cảm giác tê hoặc nặng mặt. Phía mặt liệt trở nên bằng phẳng và mất biểu cảm; mất hoặc giảm khả năng nhăn trán, nháy mắt, và nhăn mặt. Trong những trường hợp nặng, khe mắt mở rộng và mắt nhắm không kín, thường gây kích ứng kết mạc và làm khô giác mạc.
Khám cảm giác bình thường, nhưng ống tai ngoài và một vùng da nhỏ phía sau tai (trên xương chũm) có thể đau khi chạm vào. Nếu tổn thương thần kinh gần với hạch gối, khả năng tiết nước bọt, vị giác, và chảy nước mắt có thể bị suy giảm, và xuất hiện tăng nhạy cảm với âm thanh.
5. Chẩn đoán liệt dây VII
Chẩn đoán xác định liệt dây thần kinh VII ngoại biên thường sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng là chính còn không có kết quả cận lâm sàng đặc hiệu.
+ Miệng méo về bên lành, lệch nhân trung về bên lành, mất hoặc mờ nếp nhăn trán, mất hoặc mờ rãnh mũi má bên liệt.
+ Dấu hiệu Souques dương tính (Biểu hiện khi bệnh nhân nhắm mắt, mắt bên liệt nhắm không kín, lông mi bên liệt đưa ra dài hơn bình thường).
+ Dấu hiệu Charles Bell dương tính (Biểu hiện khi bệnh nhân nhắm mắt chủ động, mắt bên liệt nhắm không kín, nhãn cầu bị đưa lên trên và ra ngoài, giác mạc lẩn dưới mi trên, củng mạc trắng lộ rõ giữa khe mi)
+ Ngoài ra người bệnh có thể có một số triệu chứng khác: Khô mắt hoặc chảy nước mắt, giảm vị giác 2/3 trước lưỡi, giảm tiết nước bọt, cảm giác đau vùng sau tai.
Mọi vấn đề thắc mắc xin gửi về số hotline: 0789501555 xin cảm ơn
II. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN
Theo Y học Cổ truyền liệt dây VII được quy vào chứng trứng phong ở kinh lạc khiến mắt nhắm không kín, mặt lệch, miệng méo, bệnh danh được đề cập ở đây là “Khẩu nhãn oa tà”
Bệnh nguyên của khẩu nhãn oa tà:
– Ngoại nhân: Do phong hàn, phong nhiệt tà.
– Bất nội ngoại nhân: Do các sang chấn ở đầu mặt gây ứ huyết ở kinh lạc. Phong hàn hay phong nhiệt tà thừa lúc chính khí hư tổn, vệ ngoại bất cố xâm phạm vào các kinh dương ở mặt, các sang chấn gây ra huyết ứ ở kinh lạc dẫn đến sự lưu thông kinh khí mất bình thường, khí huyết không được điều hòa, kinh cân thiếu dinh dưỡng, không co lại được mà gây nên bệnh.
III. CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ ĐIỀU TRỊ BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN
Với mỗi thể lâm sàng của liệt dây VII, tùy từng tình trạng bệnh lý của người bệnh, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, bài thuốc đối pháp lập phương, bài thuốc nghiệm phương để gia giảm thành phần, khối lượng các vị thuốc cổ truyền hoặc kê đơn các thành phẩm thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cho phù hợp với chẩn đoán.
Tham khảo: Liệt thần kinh số VII: 3 thể và cách châm cứu?
1. Thể phong hàn ở kinh lạc
Thường gặp trong liệt dây thần kinh VII do lạnh.
1.1. Triệu chứng
Sau khi bệnh nhân cảm phải hàn lạnh (chiều gió lạnh độc, mưa lạnh, tắm đêm nhiều,…) bệnh nhân liệt dây VII xuất hiện miệng méo, mắt nhắm không kín, khó thổi lửa, huýt sáo, ăn uống nước trào ra bên liệt, nhân trung lệch về bên lành, nếp nhăn trán và rãnh mũi má mờ hoặc mất bên liệt.
Toàn thân có biểu hiện sợ gió, sợ lạnh, gai rét, rêu lưỡi trắng mỏng.
Mạch phù khẩn.
1.2. Chẩn đoán
– Chẩn đoán bát cương: Biểu thực hàn.
– Chẩn đoán kinh lạc: Bệnh tại các kinh dương trên mặt.
– Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (phong hàn).
1.3. Pháp điều trị: Khu phong tán hàn, ôn kinh hoạt lạc.
1.4. Phương dược điều trị
Cổ phương: Đại tần giao thang:
Khương hoạt | 08g | Bạch linh | 08g |
Bạch thược | 08g | Cam thảo | 06g |
Độc hoạt | 08g | Ngưu tất | 12g |
Xuyên khung | 08g | Bạch truật | 12g |
Tần giao | 08g | Thục địa | 12g |
Đảng sâm | 12g | Đương qui | 08g |
Bạch chỉ | 08g | Hoàng cầm | 08g |
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.
1.5. Điều trị không dùng thuốc
– Châm cứu : Châm tả các huyệt
+ Tại chỗ: Ế phong, Nghinh hương, Đồng tử liêu, Địa thương, Dương bạch, Giáp xa, Ngư yêu, Nhân trung, Quyền liêu, Thừa tương.
+ Toàn thân: Bách hội, Phong trì, Hợp cốc, bên đối diện
Liệu trình: Lưu kim 20 – 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.
– Các kỹ thuật châm: Điện châm, điện mãng châm, ôn điện châm, ôn châm. Liệu trình: Lưu kim 20 – 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.
– Cấy chỉ vào các huyệt: Nghinh hương, Quyền liêu, Đồng tử liêu, Địa thương, Dương bạch, Giáp xa, Phong trì, Hợp cốc bên đối diện. Tùy tình trạng liệt dâ VII của người bệnh, thầy thuốc chọn công thức huyệt cấy chỉ phù hợp. Mỗi lần cấy chỉ có tác dụng khoảng từ 7 đến 15 ngày tùy loại chỉ, sau thời gian tự tiêu của chỉ có thể thực hiện liệu trình tiếp theo.
– Xoa bóp bấm huyệt: Các thủ thuật xoa, day, miết, véo, bóp các cơ vùng đầu mặt cổ, ấn, bấm các huyệt giống như châm. Xoa bóp 30 phút/lần/ngày. Một liệu trình điều trị từ 15 đến 20 ngày.
– Thủy châm: Sử dụng các thuốc theo y lệnh có chỉ định tiêm bắp vào các huyệt như điện châm, ngày 1 lần, mỗi lần 2 – 3 huyệt. Một liệu trình điều trị từ 15 đến 20 ngày. Tùy từng trường hợp cụ thể người thầy thuốc lựa chọn thuốc phù hợp với chẩn đoán.
Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.
2. Thể phong nhiệt
Thường gặp trong liệt dây thần kinh VII do viêm nhiễm.
2.1. Triệu chứng
Liệt dây VII ở thể phong nhiệt gây miệng méo, mắt nhắm không kín, khó thổi lửa, huýt sáo, ăn uống nước trào ra bên liệt, nhân trung lệch về bên lành, nếp nhăn trán và rãnh mũi má mờ hoặc mất bên liệt. Toàn thân có biểu hiện sốt, sợ gió, tiểu tiện vàng, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng. Mạch phù sác.
2.2. Chẩn đoán
– Chẩn đoán bát cương: Biểu thực nhiệt
– Chẩn đoán kinh lạc: Bệnh tại các kinh dương trên mặt.
– Chẩn đoán nguyên nhân: Ngoại nhân (phong nhiệt).
2.3. Pháp điều trị: Khu phong, thanh nhiệt, hoạt huyết.
2.4. Phương điều trị
-Nghiệm phương:
Kim ngân hoa | 16g | Thổ phục linh | 12g |
Xuyên khung | 12g | Ngưu tất | 12g |
Bồ công anh | 16g | Ké đầu ngựa | 12g |
Đan sâm | 12g | Trần bì | 08g |
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần..
2.5. Điều trị không dùng thuốc
– Châm: Châm tả các huyệt
+ Tại chỗ: giống thể phong hàn vào kinh lạc
+ Toàn thân: Bách hội, Phong trì, Hợp cốc bên đối diện; Khúc trì 2 bên Nội đình
Liệu trình: Lưu kim 20 – 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình. Không châm khi có tổn thương trên da.
– Các phương pháp điều trị khác như điện châm, điện mãng châm, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt, thủy châm: giống thể phong hàn vào kinh lạc.
Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.
3. Thể huyết ứ
Thường gặp trong liệt dây VII do chấn thương như sau ngã, sau phẫu thuật vùng tai, vùng xương chẩm, nhổ răng hoặc khối u.
3.1. Triệu chứng
Sau bất kì sang chấn làm tổn thương dây VII thường bệnh nhân có những biểu hiện như xuất hiện miệng méo, mắt nhắm không kín, khó thổi lửa, huýt sáo, ăn uống nước trào ra bên liệt, nhân trung lệch về bên lành, nếp nhăn trán và rãnh mũi má mờ hoặc mất bên liệt. Lưỡi có điểm ứ huyết. Mạch sáp.
3.2. Chẩn đoán
– Chẩn đoán bát cương: Biểu thực.
– Chẩn đoán kinh lạc: Bệnh tại các kinh dương trên mặt.
– Chẩn đoán nguyên nhân: Bất nội ngoại nhân.
3.3. Pháp điều trị: Hoạt huyết, tiêu ứ, hành khí.
3.4. Phương điều trị
– Cổ phương: Tứ vật đào hồng:
Xuyên khung | 12g | Hồng hoa | 08g |
Bạch thược | 12g | Đào nhân | 10g |
Thục địa | 12g | ||
Đương qui | 12g |
Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.
3.5. Điều trị không dùng thuốc:
– Châm: Châm tả các huyệt tại chỗ, toàn thân giống thể phong hàn và châm thêm Huyết hải, Túc tam lý hai bên.
Liệu trình: Lưu kim 20 – 30 phút/lần/ngày, từ 15 đến 20 ngày/liệu trình.
Chú ý: Tổng số liệu trình điều trị có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý của mỗi người bệnh.
IV. KẾT HỢP ĐIỀU TRỊ Y HỌC HIỆN ĐẠI
1. Nguyên tắc điều trị
– Điều trị tùy nguyên nhân
– Điều trị triệu chứng theo những thể bệnh
2. Điều trị cụ thể liệt dây vii
2.1. Điều trị bằng thuốc
Phối hợp các nhóm thuốc sau:
– Tăng dẫn truyền thần kinh.
– Tái tạo bao myelin.
– Vitamin nhóm B liều cao (B1, B6, B12). 63
– Corticoid.
– Kháng sinh khi có nhiễm khuẩn hoặc kháng vi rút khi bị zona.
2.2. Điều trị không dùng thuốc:
– Nên phối hợp với dùng thuốc.
– Đeo kính, băng mắt, nhỏ thuốc bảo vệ mắt.
– Vật lý trị liệu: Điện di nivalin, sóng ngắn, điện xung dòng xung kích thích, hồng ngoại.
– Xoa bóp cơ mặt vùng liệt.
– Hướng dẫn người bệnh tập nhăn trán, nhíu mày, huýt sáo, phát âm các âm b, p, u, i.
– Trường hợp bị liệt mặt co cứng dai dẳng điều trị không kết quả có thể tiêm cồn hủy dây thần kinh.
2.3. Điều trị ngoại khoa: Chỉ định phẫu thuật cho liệt dây VII ngoại biên trong các trường hợp sau:
– Liệt dây VII ngoại biên do lạnh tiến triển ngày càng nặng, sau điều trị nội khoa và vật lý trị liệu đến ngày thứ 21, lâm sàng vẫn không thấy dấu hiệu hồi phục, ghi điện thần kinh cơ có mức thoái hóa tới 90% kèm mất phản xạ nháy mắt hoặc đến tháng thứ 2 vẫn liệt mặt nặng và điện cơ mất hoạt động điện.
– Liệt dây VII do viêm tai cấp hoặc mạn tính điều trị bảo tồn trong 4 – 5 tuần mà không có dấu hiệu phục hồi.
– Liệt dây VII sau mổ tai: cần kiểm tra ống Fallop, nếu có thay đổi hình thái cần phải mổ lại, nếu không thấy thay đổi thì điều trị nội khoa, sau 4 tuần không hồi phục thì có chỉ định mổ.
– Liệt dây thần kinh VII ngoại biên do các khối u.
V. PHÒNG BỆNH LIỆT DÂY VII
– Tránh nhiễm lạnh, tránh những nơi gió lùa, giữ ấm vùng cổ về mùa đông.
– Điều trị tích cực bệnh lý viêm tai giữa, viêm tai xương chũm.