Khám chữa bệnh từ xa: Công nghệ sẽ giúp thẻ bảo hiểm y tế của người dân như… thẻ ngân hàng

Để thực hiện Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025, các bệnh viện trực tiếp tham gia đề án cho hay cần xây dựng nền tảng công nghệ phục vụ công tác khám chữa bệnh thống nhất, sau đó chia ra các nhánh chuyên môn, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”

Chỉ một ngày sau khi ban hành Quyết định 2628/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025, hôm 23/6, Bộ Y tế đã tổ chức ngay hội thảo về triển khai Đề án.

GS.TS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế cho biết, dịch COVID-19 cho thấy tầm quan trọng của khám chữa bệnh từ xa. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã chỉ đạo về việc giãn cách xã hội, hạn chế người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường công tác khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến dưới, không chuyển người bệnh lên tuyến trên trường hợp bệnh tuyến dưới điều trị được. Các hoạt động này cần có hoạt động khám, chữa bệnh từ xa trợ giúp.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp

Lấy ví dụ điển hình trong việc điều trị các ca bệnh nặng, đặc biệt là bệnh nhân 91 đang điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay qua dịch COVID-19 khẳng định hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa..

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, cho biết Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 – 2025 được xây dựng với quan điểm chủ đạo là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Thông điệp này có ý nghĩa giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, được nâng tầm vươn lên “chất lượng cao hơn”; đồng thời các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được “lan tỏa xa hơn” tới mọi người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long kỳ vọng, việc thực hiện Đề án chính là tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến. Các mạng lưới này được hỗ trợ chuyên môn như nhau. Bởi hai mục tiêu căn bản trong việc xây dựng Đề án, đó là tất cả các cơ sở y tế trên cả nước được hỗ trợ khi cần thiết và thường xuyên, góp phần giảm sự chênh lệch về chuyên môn giữa tuyến Trung ương và địa phương. Mọi người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên và khi cần thiết…

Hội chẩn trực tuyến quốc gia lần thứ 5 về tình hình bệnh nhân 91

Làm gì để hiện thực hoá kỳ vọng?

Để thực hiện được điều này, theo Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, các bệnh viện phải dành một thời gian nhất định trong ngày để hỗ trợ một bệnh viện về chuyên môn và các bệnh viện khác có thể đăng nhập vào ứng dụng để tham khảo nội dung đó.

Các cơ sở y tế phải nêu cao trách nhiệm, góp phần thay đổi chất lượng cho y tế cơ sở. Ngoài ra, trong trường hợp khẩn cấp như tuyến dưới gặp ca bệnh khó có thể đưa lên hệ thống thông tin tới tất cả các cơ sở y tế. Bệnh viện có chuyên môn phù hợp sẽ có các hỗ trợ để bệnh nhân được điều trị kịp thời.

Các bác sĩ tuyến trên kết bạn và thành lập nhóm với các bác sĩ tuyến dưới để thuận tiện trong trao đổi nghiệp vụ, hỗ trợ chuyên môn, theo gợi ý của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long.

Theo đại diện nhiều bệnh viện được chỉ định tham gia Đề án “Khám chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025, để thực hiện Đề án, cần xây dựng nền tảng công nghệ phục vụ công tác khám chữa bệnh thống nhất, sau đó chia ra các nhánh chuyên môn, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở” dẫn đến việc kết nối khó khăn, gây lãng phí tiền của, công sức..

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định, công nghệ cho việc thực hiện Đề án chỉ phát triển một nền tảng duy nhất và các nhà công nghệ có thể khai thác các giá trị gia tăng xung quanh nền tảng đó. Bên cạnh đó, sẽ áp phương thức chi trả phù hợp; đồng thời thống nhất với ngân hàng và bảo hiểm xã hội coi thẻ bảo hiểm y tế của người bệnh chính là thẻ ngân hàng; đưa dần chi phí vào giá dịch vụ y tế để đảm bảo bền vững.

Theo Giadinhnet

 

 

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *