ĐAU BỤNG KINH (THỐNG KINH): NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Đau bụng kinh bao gồm các triệu chứng của phụ nữ trước, sau hoặc trong kỳ kinh nguyệt. Với một số người, đau bụng kinh chỉ ở mức độ nhẹ nhưng với một số người khác, tình trạng này có thể nghiêm trọng hơn. Để hiểu rõ hơn về thông tin của bệnh, hãy cũng phòng khám Tuệ Y Đường tìm hiểu bài viết dưới đây nhé!

1. Biểu hiện của đau bụng kinh

Hình ảnh đau bụng kinh

Đau bụng kinh bao gồm đau bụng dưới (có khi đau quằn quại và kéo dài), đau thắt lưng, bụng có cảm giác đầy hơi, hậu môn có những biểu hiện khó chịu như buồn đi ngoài… Người bị đau bụng kinh ở mức nhẹ thường không quan tâm lắm đến chứng này. Nhưng ở mức độ nghiêm trọng, chứng đau bụng kinh sẽ ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt.

Ngoài đau bụng, một số người còn có các hiện tượng đau ngực, buồn nôn, ỉa chảy. Nếu hiện tượng này kéo dài, bệnh nhân phải uống thuốc điều trị. Khi đó, có thể coi nó là một triệu chứng bệnh.

2. Phân loại đau bụng kinh

Đau bụng kinh nhìn chung được phân làm hai loại: loại nguyên phát và loại thứ phát.

Loại nguyên phát (còn gọi là đau bụng kinh mang tính cơ năng)

Người bệnh không phát hiện ra ở cơ quan sinh dục bất cứ biển đổi bệnh lý gì, nhưng vẫn bị đau bụng kinh. Hiện tượng này thường gặp ở những phụ nữ dưới 25 tuổi, chưa kết hôn và chưa sinh con. Đau bụng kinh xuất hiện sau chu kỳ rụng trứng.

Đau bụng kinh nguyên phát thường thấy ở những phụ nữ dưới 25 tuổi, chưa kết hôn, chưa sinh con. Bệnh thường phát vào khoảng 1-2 năm sau khi có kinh lần đầu.

Hiện tượng đau bụng xuất hiện một thời gian ngắn trước ngày hành kinh hoặc trong ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt, kéo dài trong nhiều giờ, thậm chí 1-2 ngày. Cơn đau thường xảy ra ở bụng dưới và thắt lưng; hậu môn có cảm giác khó chịu. 50% người bệnh có một hoặc nhiều triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, đau đầu, tiêu chảy, đi tiểu nhiều lần…

Nếu đau nhiều, bệnh nhân sẽ toát mồ hôi, mặt mũi tái nhợt, tay chân lạnh ngắt, hạ đường huyết.

Sau khi người phụ nữ kết hôn, sinh nở hoặc khi tuổi đời nhiều lên, chứng đau bụng hành kinh có thể tự nhiên giảm đi hoặc mất hẳn.

Ở loại đau bụng kinh thứ phát (còn gọi là đau bụng kinh mang tính khí chất)

Cơ quan sinh dục của người bệnh có nhiều thay đổi. Bệnh thường gặp ở những người bị bệnh phụ khoa như: lạc nội mạc tử cung, u dưới niêm mạc tử cung, tuyến cơ tử cung, cổ tử cung hẹp, dính khoang tử cung…

Chúng ta rất khó phân biệt rõ ràng hai loại đau bụng kể trên. Ví dụ như người bị đau bụng kinh nguyên phát sau nhiều năm sẽ có những thay đổi của cơ quan sinh dục, khiến cho hiện tượng đau bụng kinh ngày càng nặng; khi đó rất khó để phán đoán.

Có trường hợp người bệnh được chẩn đoán là đau bụng kinh nguyên phát, nhưng thực tế họ bị mắc chứng lạc nội mạc tử cung ở mức nhẹ, khi kiểm tra soi ổ bụng mới phát hiện được là bị đau bụng kinh thứ phát.

Nói tóm lại, đau bụng kinh nguyên phát và thứ phát chỉ là hai dạng của thống kinh, giữa hai loại này nhiều lúc rất khó xác định chính xác bằng các biểu hiện lâm sàng.

3. Đau bụng kinh là hiện tượng phổ biến?

Đau bụng kinh đúng là một loại bệnh phụ khoa tương đối phổ biến. Từ trước đến nay, do cảm giác đau của mỗi người khác nhau, mức độ chịu đựng của mỗi người cũng khác nhau, hơn nữa lại thiếu phương pháp định lượng khách quan, chuẩn xác về mức độ của bệnh, nên tỷ lệ đau bụng hành kinh được thống kê của phụ nữ ở các nước có sự chênh lệch khá lớn.

Theo một số điều tra, năm 1980 ở Trung Quốc có 33% người bị đau bụng hành kinh trong số 72.000 phụ nữ được điều tra. Trong đó:

  • 36% đau bụng kinh nguyên phát;
  • 32% bị đau thứ phát;
  • 32% không rõ nguyên nhân;
  • 13,6% người bị ảnh hưởng đến công tác và sinh hoạt;

Năm 1982, Andersch và Milsom đưa ra báo cáo: Có đến 72% nữ thanh niên lứa tuổi 19 ở Thụy Điển bị đau bụng hành kinh, trong đó 15% dùng thuốc giảm đau.

Năm 1985, ở Mỹ 50% phụ nữ sau tuổi dậy thì bị đau bụng kinh ở mức độ khác nhau, 10% vì đau bụng kinh mà mỗi tháng phải nghỉ một đến ba ngày.

Từ đó có thể thấy, đau bụng kinh là chứng bệnh rất phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ trẻ dưới 19 tuổi.

4. Yếu tố tăng nguy cơ gây đau bụng kinh

Đau bụng hành kinh nguyên phát

  • Thấy kinh lần đầu sớm hoặc muộn

Có điều tra cho thấy mức độ đau và tuổi thấy kinh lần đầu có liên quan đến nhau. Ở người thấy kinh lần đầu sớm, tỷ lệ đau bụng kinh cao, đồng thời mức độ đau cũng nghiêm trọng hơn.

  • Hôn nhân và sinh đẻ

Giữa đau bụng kinh và việc kết hôn có liên quan với nhau hay không, hiện còn tồn tại hai quan điểm. Đại đa số cho rằng đau bụng hành kinh không liên quan gì đến hôn nhân. Nhưng không ít người cho rằng sau khi kết hôn, mức độ đau bụng hành kinh ở nhiều phụ nữ giảm hẳn.

Điều này đang cần được nghiên cứu lâm sàng để đưa ra kết luận chính xác.

  • Yếu tố khác

Đau bụng hành kinh còn liên quan đến những nhân tố mệt mỏi kéo dài, căng thẳng, thời tiết lạnh hoặc cơ thể quá mẫn cảm.

Những nhân tố liên quan đến hiện tượng đau bụng hành kinh thứ phát:- Giữ vệ sinh không tốt trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai và sau khi sinh, sinh hoạt tình dục quá sớm, quá nhiều dẫn đến chứng viêm tử cung.

Đau bụng kinh thứ phát

  • Nạo phá thai

Nạo phá thai hay tác động vào khoang tử cung nhiều lần gây viêm dính nội mạc.

  • Tránh thai

Đau bụng hành kinh và các phương pháp tránh thai có ảnh hưởng nhất định với nhau. Đặc biệt, phương pháp đặt vòng thường làm tăng mức độ đau bụng hành kinh. Thuốc tránh thai chứa progestagen có tác dụng làm lỏng cơ nhẵn của tử cung, giảm nhẹ triệu chứng đau bụng do co bóp. Uống thuốc tránh thai có thể giảm tỷ lệ và độ đau của đau bụng hành kinh.

  • Ảnh hưởng của chu kỳ kinh nguyệt và độ dài ngắn của từng chu kỳ

Nhìn chung, độ nghiêm trọng của đau bụng hành kinh và độ dài ngắn của chu kỳ kinh nguyệt không có ảnh hưởng gì đến nhau. Nhưng do đau bụng kinh biểu hiện trong thời kỳ kinh nguyệt nên nếu thời gian hành kinh kéo dài thì thời gian đau bụng kinh cũng bị kéo dài theo.

  • Một số nhân tố khác

Có ý kiến cho rằng người béo mập thường dễ bị đau bụng hành kinh; thói quen hút thuốc lá và đau bụng hành kinh luôn có tỷ lệ thuận.

5. Nguyên nhân và cơ chế gây đau bụng kinh

Đây là một bệnh phụ khoa mà biểu hiện lâm sàng là đau bụng. Thực ra, nó là một chứng bệnh độc lập, nhưng do sự đau đớn có những biểu hiện đặc biệt nên người ta liệt nó vào hàng các bệnh phụ khoa.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra đau bụng hành kinh, biểu hiện của chúng rất khác nhau. Người bị u cơ dưới niêm mạc tử cung, người có cơ quan sinh dục cấu tạo không bình thường như cổ tử cung hẹp… đều có thể bị đau bụng hành kinh. Sự tồn tại của những vật lạ trong tử cung (như vòng tránh thai) cũng có thể kích thích tử cung, phát sinh sự đau đớn.

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến đau bụng hành kinh có thể quy về mấy phương diện sau:

Sự co thắt quá độ của tử cung

Áp lực co thắt tử cung của người đau bụng hành kinh và người bình thường cơ bản là giống nhau. Nhưng do sự co thắt của tử cung duy trì trong thời gian khá dài, lại không dễ thả lỏng hoàn toàn, nên tử cung bị co thắt quá độ dẫn đến đau bụng hành kinh.

Tử cung co thắt

Tử cung co thắt không bình thường, khiến cơ nhẵn tử cung bị thiếu máu, gây đến co thắt, thậm chí co rút cơ tử cung, từ đó xuất hiện đau bụng hành kinh. Nghiên cứu thực nghiệm gần đây cho thấy, huyết áp cao là nhân tố quan trọng tạo thành sự co thắt không bình thường của tử cung.

Tính chất máu kinh nguyệt

Hàm lượng chất prostaglandin (PG) trong máu kinh nguyệt và nội mạc tử cung tăng cao. Chất Prostaglandin E2 (PGE2) làm co thắt cơ tử cung. Nhiều thí nghiệm đã chứng minh hàm lượng PG trong máu người đau bụng kinh cao hơn người bình thường.

Trong một cơ thể, hàm lượng PGE2 và PGF2a cũng khác nhau, tỷ lệ GPF2a/PGE2 không tương đồng ở những khoảng thời gian khác nhau của chu kỳ kinh nguyệt. Những kích thích đó có thể dẫn đến sự co thắt không bình thường của cơ tử cung, gây đau đớn.

Ở người bị chứng lạc nội mạc tử cung, quan hệ giữa chứng đau bụng hành kinh và hàm lượng PG càng rõ ràng. Hàm lượng PGF2a trong huyết thanh và dịch khoang bụng của họ cao hơn người không đau bụng hành kinh.

6. Chẩn đoán và điều trị đau bụng kinh?

Đau bụng kinh nên làm gì?

Trước tiên, nên đến bệnh viện kiểm tra phụ khoa một cách tỉ mỉ. Căn cứ vào lý lịch bệnh do người bệnh cung cấp, vào những triệu chứng lâm sàng và kiểm tra, bác sĩ sẽ có chẩn đoán chính xác nhất.

Bệnh nhân cần được giám định để xác định triệu chứng đau bụng là do các chứng bệnh khác (như u nang buồng trứng, chửa ngoài tử cung, viêm tiểu khung cấp tính, đẻ non…) gây nên hay do đau bụng hành kinh gây nên. Việc các chứng bệnh trên bị chẩn đoán nhầm thành đau bụng kinh sẽ dẫn đến điều trị sai, gây những hậu quả không tốt.

Phương pháp trị đau bụng hành kinh chủ yếu là uống thuốc; nhưng tác dụng của tâm lý trị liệu và sự nghỉ ngơi cũng không thể coi nhẹ, đặc biệt là với phụ nữ trẻ tuổi bị đau bụng hành kinh nguyên phát. Khi bắt đầu có kinh, họ thường có những thay đổi về tâm lý như sợ hãi, lo lắng, u uất… Những phản ứng tâm lý này cũng làm tăng thêm mức độ đau bụng hành kinh.

7. Phòng tránh đau bụng hành kinh

Do cơ chế phát bệnh của đau bụng kinh nguyên phát còn chưa rõ ràng nên ta chỉ có thể dự phòng bằng cách tránh lạnh, không làm việc quá sức, quá căng thẳng.

Đau bụng kinh kéo dài do các chứng bệnh ở cơ quan sinh dục gây nên, vì vậy nên sớm kiểm tra phát hiện bệnh phụ khoa, kịp thời điều trị. Ngoài ra, bạn cần lưu ý:

  • Giữ vệ sinh trong thời kỳ kinh nguyệt, tránh lao động thể lực hoặc vận động quá sức. Tuyệt đối không sinh hoạt vợ chồng trong thời kỳ kinh nguyệt và tránh những kiểm tra phụ khoa không cần thiết.
  • Làm tốt công tác tránh thai. Tránh nạo thai và phẫu thuật buồng tử cung (có thể dẫn đến dính niêm mạc tử cung và phát sinh chứng bệnh khác.
  • Giữ vệ sinh cá nhân, nhất là trong thời kỳ mang thai và sinh con. Tuyệt đối không sinh hoạt tình dục bừa bãi, tránh phát sinh chứng viêm tiểu khung và các chứng phụ khoa khác.
Hình ảnh nghỉ ngơi và chườm ấm

8. Đau bụng kinh theo y học cổ truyền

Đau bụng kinh còn được gọi là thống kinh, là sự ngăn trở vận hành khí và huyết. Vì kinh nguyệt là do huyết hóa ra, huyết lại tùy vào khí để vận hành, do đó khi khí huyết hòa thuận, sung túc thì không gây đau bụng khi hành kinh, nhưng khi khí huyết suy kém hoặc ứ trệ sẽ làm kinh xuống không thông gây hiện tượng đau bụng kinh (thống tắc bất thông).

Thể lâm sàng: Thống kinh phân 2 loại:

Thực chứng

  • Do Phong hàn tà:

Do trong giai đoạn hành kinh mà nhiễm phải hàn tà như ăn thức ăn quá sống, lạnh hoặc cơ thể nhiễm lạnh từ phần dưới cơ thể, cho nên khí huyết ngưng trệ lại gây đau.

Triệu chứng:

Đau bụng trong khi hành kinh kèm đau lưng, đau cứng cổ gáy, sợ lạnh.

Sắc kinh tím đen, kinh xuống ít hoặc tắc bất chợt. Sắc mặt xanh bạc, tiêu lỏng, rêu lưỡi trắng mỏng.

Mạch phù khẩn hoặc trầm khẩn.

  • Do Khí trệ:

Kỳ kinh thường không đều, lượng kinh ít.

Đau bụng dưới, trướng tức nhiều hoặc lan lên ngực sườn, đau lưng, trước khi hành kinh và bắt đầu kỳ kinh.

Trước khi ra kinh thường có hiện tượng vú căng đau, đau đầu hoặc ½ bên đầu.

Sắc mặt xanh bạc, tinh thần bực dọc, nôn, ợ hơi.

Lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng. Mạch huyền sác.

  • Do Huyết ứ:

Ứ huyết tích lâu ngày sinh đau.

Triệu chứng:

Bụng dưới căng đau dữ dội trước và đầu kỳ hành kinh, đau nổi cục cứng, đè vào đau thêm, đau như phát sốt. Kinh xuống không thông, màu đen sẫm, có cục huyết ra thì giảm đau.

Sau khi hành kinh, lượng kinh vẫn còn rỉ rả, có khi tắt ngưng.

Sắc mặt xanh tím, da khô, táo bón, mặt lưỡi tím sẫm. Mạch trầm sác.

Hư chứng

Thường đau bụng giữa và cuối kỳ hành kinh.

  • Thể Hư hàn:

Đau bụng suốt kỳ hành kinh, đau lâm râm, chườm nóng dễ chịu. Đau lưng, mỏi mệt.

Kinh cuối kỳ màu nhạt, lượng ít. Sắc da xanh ánh vàng, môi nhợt, da khô, gầy.

Rêu lưỡi trắng nhuận. Mạch trì, tế.

  • Thể Hư nhiệt:

Bụng dưới đau âm ỉ sau kỳ. Kinh đến sớm, lượng kinh ít.

Sắc mặt trắng đới vàng, gò má hồng, lòng bàn tay nóng hoặc sau ½ ngày có sốt, hồi hộp, bứt rứt, khó ngủ, táo bón.

Lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng. Mạch tế sác hoặc đới huyền.

  • Thể Khí Huyết hư nhược:

Bụng đau lâm râm trong khi hành kinh và sau khi hành kinh. Đè vào dễ chịu.

Sắc kinh nhạt, trong, lượng kinh ít.

Sắc mặt trắng xanh, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng.

Tinh thần uể oải, đoản khí, tiếng nói yêu. Mạch hư tế.

Nếu huyết hư khí trệ gây đau thì sau khi hành kinh, huyết dư xuống chưa sạch thì đau không ngưng.

  • Thể Can Thận khuy tổn:

Đau bụng dưới sau khi hành kinh, đau lan vùng thắt lưng.

Sắc kinh nhạt, lượng ít.

Lưỡi nhạt, rêu lưỡi mỏng. Mạch trầm tế.

Pháp điều trị: Thông điều khí huyết, chỉ thống.

Theo BS.CKII Trần Thị Thu Huyền, điều trị thống kinh cần căn cứ vào thể bệnh lâm sàng từ đó đưa ra bài thuốc điều trị phù hợp, có thể kết hợp với các phương pháp điều trị không dùng thuốc như châm cứu, bấm huyệt và cứu ngài. Trong đông y các vị thuốc thường được sử dụng trong điều trị thống kinh: xuyên khung, ích mẫu, huyền hồ, đương quy, hương phụ…

Thuốc đông y điều trị thống kinh

Đau bụng kinh (thống kinh) là một trong những căn bệnh phụ khoa phổ biến ở nữ giới. Vì vậy, tốt nhất chị em phụ nữ nên thăm khám khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng đau bất thường cũng như chủ động tiếp nhận điều trị càng sớm càng tốt.

Mọi thắc mắc hay câu hỏi bạn đọc có thể liên hệ với BS.CKII Trần Thị Thu Huyền hoặc Phòng Khám Đông y Tuệ Y Đường để được giải đáp kịp thời !

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *