Danh Y VƯƠNG THANH NHẬM

Danh y Vương Thanh Nhậm (1768 – 1831) (có tên là Toàn Nhậm), tự Huân Thần, người Trực Lệ, Ngọc Điền (nay là Hà Bắc, Ngọc Điền), thầy thuốc trứ danh đời Thanh, chú trọng giải phẫu và có tinh thần cải cách.

Danh y Vương Thanh Nhậm và tác phẩm ” Y Lâm cải thác”

Lúc tuổi nhỏ, ông thích quyền thuật, từng thi đỗ võ Tú tài, lại quyên tiền mua chức ‘Thiên tổng’ (võ quan nhỏ). Ông nghiên cứu sâu y học và hành nghề y hồi 20 tuổi Trên 30 tuổi ông nổi tiếng là thầy thuốc giỏi ở chốn hương lý. Ông từng đi qua các nơi như Loan Châu (nay là Hà Bắc, vùng Đường Sơn), Phụng Thiên nay là Thẩm Dương) khảo sát việc giải phẫu thi thể. Về sau ông đến Bắc Kinh hành y, mở hiệu thuốc ‘Tri Nhất đường’, có tiếng ở kinh sư. Ông cùng với Phò mã Na Dẫn Thành nhà Thanh giao hảo, kết làm anh em khác họ và ngụ cư ở phủ đệ lâu đến vài năm, sau đó bị bệnh chết ở đấy.

Cách trị bệnh của ông nặng về mặt cải cách, chú trọng thực tiễn. Trong quá trình hành nghề, ông chủ trương ‘thầy thuốc chẩn bệnh’, trước phải biết rõ tạng phủ người bệnh’, nếu không ‘cội nguồn đã sai, muôn lối đều mất’. Ông phát hiện cổ nhân luận thuyết về tạng phủ có không ít chỗ mâu thuẫn với hình vẽ, đã từng cảm khái nói: ‘Viết sách mà không biết rõ tạng phủ như người mê nói mộng; trị bệnh mà không rõ tạng phủ thì không khác người mù đi đêm?’ Và ông quyết tâm trình bày rõ tình huống chân thật của tạng phủ.

Niên hiệu Gia Khánh, năm thứ 2 (1797), ông đi qua địa trấn Loan Châu, đang lúc bệnh ôn dịch lưu hành, trẻ con mười chết mất tám chín, hàng trăm thây người bỏ nằm ở nghĩa địa, phần nhiều bị chó hoang cắn xé lộ cả gan ruột. Ông không nệ ô uế, trong mười ngày liền quan sát hơn 30 thi thể trẻ con, nhưng vẫn chưa thấy rõ hình thái của tấm hoành cách mô. Sau đó, lại hai lần đến pháp trường quan sát hình phạt phân thây, cũng chưa thấy rõ.

Mãi đến niên hiệu Đạo Quang, năm thứ 9 (1829), nhiều lần thấy được thi thể ở chiến trường lần chót thấy được rõ ràng. Ông trước sau suốt 42 năm vì một việc tạng phủ, nay đã minh xác nên vẽ thành bức đồ họa, đồng thời kết hợp với kinh nghiệm lâm sàng trong nhiều năm, vào năm Đạo Quang thứ 10 (1830) soạn thành sách ‘Y Lâm Cải Thác’.

Y Lâm Cải Thác’ phản ánh thành tựu chủ yếu của ông ở mặt y học thứ nhất là đối với sự nghiên cứu về giải phẫu thi thể con người, đính chính một số sai lầm của người xưa về tạng phủ, phát hiện một số khí quan trong thân thể mà người xưa chưa đề cập, đồng thời chỉ chính xác một số hiện tượng sinh lý, bệnh lý trọng yếu. Thứ hai là đối với học thuyết khí huyết là một phát huy mới. Ông căn cứ trên nhận thức ‘khí có hư thực, huyết có suy ứ’, cả một đời trong thực tiễn lâm sàng, tổng kết ra 60 loại khí hư chứng , 50 loại huyết ứ chứng , đồng thời sáng lập ra hai nguyên tắc trị liệu: bổ khí hoạt huyết và trục ứ hoạt huyết. Vì sự hạn chế của điều kiện lịch sử, sự quan sát tạng phủ của ông vẫn có chỗ ức đoán và ghi lầm, như nói: tâm vô huyết, động mạch là khí quản, v.v… Nhưng nếu đem so sánh với thành tựu vĩ đại của ông thì là thứ yếu thôi. Tinh thần quí báu của ông là dám nghi người xưa, dám đưa sáng kiến đổi mới và sự cống hiến trác việt của ông cho y học đến ngày nay vẫn được người ta khẳng định.

Ông mất năm 1831, hưởng thọ 63 tuổi.

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *