Trên thế giới, nhiều thập kỷ qua, nhiều phương thuốc từ thảo dược đã được sử dụng để chẩn đoán, phòng và chữa bệnh. Trong đó, phương pháp y học cổ truyền của Trung Quốc với bề dày hơn 2000 năm lịch sử được sử dụng rộng rãi.
Với những nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức phê duyệt đưa y học cổ truyền vào phiên bản mới nhất của tài liệu ICD.
Tuy nhiên, quyết định này của WHO vẫn vấp phải một số tranh cãi. Chẳng hạn một nhóm người trong cộng đồng y khoa đã nhắc đến việc bỏ qua những rủi ro do độc tính của các loại thảo dược cũng như sự thiếu hụt các nghiên cứu lâm sàng cho phương pháp này.
Thắng lợi của nền y học Trung Quốc
Đây là lần đầu tiên y học cổ truyền được đưa vào ICD.
Theo WHO, mục đích của ICD là thống kê các thông tin về tình trạng sức khỏe, cách phòng tránh và điều trị. Điều này bao gồm các phương pháp TCM đã được hàng trăm ngàn người sử dụng.
Chính phủ Trung Quốc đã tích cực vận động hành lang để đạt được kết quả này. Đối với họ, đây là một thắng lợi lớn. Kết quả này đã được thúc đẩy ngay từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình mang theo một bức tượng đồng được châm cứu trên cơ thể trong chuyến thăm trụ sở của WHO tại Geneva (Thụy Sĩ) năm 2017.
Theo Cơ quan Y học cổ truyền Trung Quốc (SATCM), từ năm 2016, Trung Quốc đã lên chiến lược quảng bá y học Trung Quốc ra nước ngoài từ năm 2020 và đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp y học cổ truyền vào năm 2030.
Chiến lược đó bao gồm hỗ trợ du lịch chữa bệnh, nhằm thu hút một lượng lớn người đến phòng khám Trung y tại nước này. Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch xây dựng 15 khu vực kiểu mẫu của TCM tương tự như khu vực ở Hải Nam vào năm 2020.
Theo thông kê, tính đến cuối năm 2017 đã có 17 Phòng Khám TCM được xây dựng ở một số quốc gia như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Hungary, Kazakhstan và Malaysia…
Đất nước này cũng có tham vọng toàn cầu, Sáng kiến thương mại Vành đai và Con đường đã kêu gọi thành lập 30 Phòng Khám vào năm 2020 để cung cấp dịch vụ y tế và giáo dục TCM, cũng như lan rộng tầm ảnh hưởng của nó.
Quyết định gây nhiều tranh cãi
Phát ngôn viên của WHO Tarik Jasarevic cho biết, các phương pháp chẩn đoán và điều trị của y học cổ truyền còn nhiều thiếu sót và chưa thực sự hoàn chỉnh. Việc đưa hệ thống này vào ICD sẽ giúp kết nối TCM với các tiêu chuẩn toàn cầu và nâng cao tiêu chuẩn y khoa.
Tuy nhiên, ông chia sẻ thêm việc đưa y học cổ truyền vào ICD không có nghĩa là WHO công nhận giá trị khoa học toàn bộ phương pháp chẩn đoán và chữa bệnh của nền y học này.
Trong một bài xã luận của mình, tạp chí Khoa học Mỹ đã gọi động thái này là “một sai lầm nghiêm trọng trong lý thuyết và thực hành dựa trên bằng chứng khoa học”.
Tiến sĩ Arthur Grollman, giáo sư dược phẩm và y khoa tại Đại học Stony Brook (New York,Mỹ) cũng đồng ý với đánh giá trên của tạp chí Khoa học Mỹ. Theo Tiến sĩ Grollman, hiệu quả của y học cổ truyền Trung Quốc trong hầu hết các trường hợp chưa được chứng minh qua thử nghiệm lâm sàng. Cho đến nay, chỉ có một vài loại thảo dược đã được thử nghiệm một cách có hệ thống về độc tính hoặc thành phần gây ung thư theo cách tương tự như thuốc Tây. “Việc sử rộng rộng rãi các loại thảo dược mà không rõ hiệu quả cũng như độc tính tiềm ẩn của chúng sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe cho người tiêu dùng trên toàn thế giới”, ông nói thêm.
Cũng theo giáo sư Colquhoun, loại thuốc đáng chú ý xuất hiện từ y học Trung Quốc là artemisinin điều trị sốt rét mà nhà khoa học Trung Quốc Tu Youyou đã giành giải thưởng Nobel năm 2015 chỉ là một ngoại lệ, không phải là quy chuẩn.David Colquhoun, giáo sư dược học tại Đại học College London, chia sẻ: ” Chúng tôi đã tìm hiểu về phương pháp châm cứu cũng như chữa bệnh bằng thảo dược. Một số nghiên cứu cho thấy, các phương thuốc Đông y này có hiệu quả khi được tinh chế và kiểm soát chính xác liều lượng.
Tại Trung Quốc, sự an toàn và hiệu quả của y học cổ truyền vẫn là đề tài được tranh luận, nơi nó có cả những người tin tưởng và hoài nghi phương pháp này.
Năm 2016, cái chết của một nữ diễn viên trẻ người Trung Quốc đã chọn điều trị ung thư bằng TCM thay vì hóa trị đã gây ra một cuộc tranh luận xung quanh hiệu quả của y học Trung Quốc.
Mark Fan (26 tuổi), làm việc trong một ngân hàng đầu tư ở Bắc Kinh, cho rằng hành vi này là một “trò lừa đảo”. “Tôi đã thử các phương pháp y học cổ truyền rất nhiều lần khi còn trẻ, nhưng nó chưa bao giờ chữa khỏi bất kỳ căn bệnh nào của tôi. Bệnh của tôi đã được chữa khỏi bằng y học hiện đại”, anh chia sẻ với CNN.
Một số người khác lại đồng ý với quan điểm của Li Huimin (30 tuổi), người đã chữa trị bệnh rối loạn nội tiết và kinh nguyệt sau khi bị sảy thai bằng phương pháp TCM. Cô cho rằng y học cổ truyền giúp cô thoát khỏi căn bệnh này. Tây y chỉ giúp giải quyết các triệu chứng chứ không giải quyết được tận gốc.
Mặt khác, việc WHO thêm y học cổ truyền vào tài liệu ICD sẽ hợp pháp hóa các phương pháp chữa bệnh bằng các bộ phận của các loài động vật quý hiếm. Điều này đã vấp phải phản đối gay gắt của các nhà bảo vệ động vật.
Nhiều nhà bảo tồn động vật hoang dã lo ngại, khi ngành công nghiệp y học cổ truyền phát triển, các loại động vật được sử dụng làm thuốc như hổ, tê tê, gấu và tê giác…sẽ bị tuyệt chủng.
John Goodrich, Giám đốc cấp cao của Tổ chức toàn cầu chuyên bảo tồn những giống mèo hoang dã (Panthera), nhấn mạnh: “Bất kỳ sự công nhận nào từ WHO về y học cổ truyền Trung Quốc sẽ được cộng đồng toàn cầu xem như phê duyệt chính thức của Liên hợp quốc về lý thuyết, bao gồm cả việc sử dụng các bộ phận cơ thể động vật hoang dã để chữa bệnh”.Cũng theo Goodrich, trong hai thập kỷ qua, hơn 5.000 con báo châu Á đã bị săn bắt để làm thuốc chữa bệnh.
Mặc dù WHO thông qua việc đưa y học cổ truyền vào tài liệu ICD, nó vẫn không phải là một sự công nhận về giá trị khoa học của toàn bộ các phương pháp chẩn đoán và điều trị. WHO vẫn đưa ra các hướng dẫn và lời khuyên cho các nước thành viên về việc sử dụng vaccine, thuốc Tây y kết hợp với chế độ ăn uống, vận động lành mạnh.