Theo Đông y, cốc nha vị ngọt tính ôn; vào kinh tỳ và vị. Mạch nha và cốc nha có tác dụng kiện vị, giúp tiêu hóa như nhau; nhưng tác dụng giúp tiêu hóa của mầm mạch mạnh hơn, tác dụng dưỡng vị của mầm lúa mạnh hơn; do đó, người ta thường kết hợp 2 vị này để điều trị bệnh đường tiêu hóa. Liều dùng: 12-20g. Dùng sống hoặc sao qua.
Một số đơn thuốc có cốc nha:
Tiêu thực hóa tích: Dùng khi thức ăn tích trệ không tiêu, bụng trướng đau.
Bài 1: mầm lúa sao 12g, mầm mạch sao 12g, sơn tra sao xém 12g, thần khúc sao xém 12g, lai phục tử 8g. Sắc uống. Trị thức ăn tích trệ không tiêu, bụng trướng, miệng hôi.
Bài 2: mầm lúa 12g, thương truật 8g, kê nội kim 8g, cam thảo 8g. Sắc uống. Trị tiêu hóa không tốt, ăn không ngon miệng.
Bài 3: cốc nha 20g, hoàng liên 20g, bạch truật 20g, đảng sâm 16g, quả giun 16g, thần khúc 16g, sơn tra 12g, phục linh 12g, lô hội 6g, cam thảo chích 6g. Sấy khô, tán bột làm viên. Ngày uống 10-12g. Chữa tích trệ tiêu hóa do giun.
Cốc nha là hạt chín già đã mọc mầm, phơi khô của cây lúa tẻ, họ lúa.
Khai vị ăn ngon: Dùng khi tỳ vị hư nhược, kém ăn.
Hoàn cốc thần: mầm lúa 20g, cam thảo 8g, sa nhân 4g, bạch truật 12g. Sắc uống. Trị tỳ vị hư nhược, tiêu hóa không tốt, nôn, tiêu chảy, kém ăn.
Lợi sữa: mạch nha 60g, tán mịn, uống với nước sôi. Dùng cho các sản phụ sau đẻ ứ tắc sữa, ít sữa.
Món ăn thuốc có mầm mạch chữa bệnh:
Bánh khảo mạch nha sơn tra: cốc nha 50g, mạch nha 50g, sơn tra 50g, bột gạo rang 150g, đường trắng 75g. Sao giòn hoặc sấy khô, tán mịn; trộn đều hòa với mật ong, ép thành bánh cho ăn thường ngày. Dùng cho trẻ em ăn kém, chậm tiêu, chậm lớn.
Cháo mạch nha: mạch nha 60g, gạo 60g. Mạch nha sao qua, sắc lấy nước; đem nước mạch nha nấu với gạo thành cháo. Ngày ăn 1 lần. Đợt dùng liền 3 ngày. Dùng cho sản phụ sau đẻ bị viêm vú (áp-xe vú) ứ tắc sữa, vỡ mủ, sốt.
Sức khỏe đời sống