Tạng phế gồm phế, đại trường, bì mao, mũi… Trong ngũ hành, phế thuộc kim, trong âm dương của ngũ tạng thì phế là âm trong dương. Phế chủ khí, quản hô hấp, giúp tâm hành huyết, thông điều thủy đạo, chủ trị tiết. Phế tương ứng với mùa Thu.
Tạng phế nằm trong khoang ngực, phía trên cơ hoành, phía trên liên thông với đường thở và hầu họng. Trong ngũ tạng lục phủ thì phế có vị trí cao nhất, che phủ ở phía trên. Phế tương thông với bách mạch. Phế phân thành hai lá phế phải và trái. Tạng phế có sắc trắng, bên trong chứa cơ quan của khí.
Dưới đây là những nội dung của tạng phế. Kính mời bạn đọc cùng Phòng khám Tuệ Y Đường tìm hiểu về vấn đề này nhé!
I. CHỨC NĂNG SINH LÝ CỦA TẠNG PHẾ
Vận động của phế khí chủ yếu là tuyên và giáng. Tuyên là tuyên phát, là vận động phế khí hướng lên trên, ra ngoài, cũng chính là thăng tán; giáng là túc giáng, là phế khí vận động hướng xuống dưới, vào trong. Bất kỳ chức năng nào của phế cũng đều phải thông qua hai tác dụng tuyên phát và túc giáng mới hoàn thành được.
1. PHẾ CHỦ KHÍ
Tạng phế chủ khí là chức năng phế chủ khí hô hấp và phế chủ khí của toàn thân. Khí là vật chất cơ bản nhất mà cơ thể dựa vào để duy trì hoạt động sống.
– Tạng phế chủ khí hô hấp
- Quá trình thay đổi khí giữa cơ thể với bên ngoài tự nhiên gọi là hô hấp. Phế chủ khí hô hấp, còn gọi là phế quản hô hấp tức là thông qua vận động hô hấp để hít vào thanh khí trong tự nhiên, thở ra trọc khí để thực hiện chức năng thay đổi khí trong và ngoài cơ thể.
- Phế là cơ quan chủ quản vận động hô hấp của cơ thể, có chức năng hô hấp. Phế trực tiếp tương thông với khí tự nhiên qua khí đạo, họng, mũi. Phế không ngừng hít vào thanh khí, thở ra trọc khí sau khi đã trao đổi để thúc đẩy sinh thành khí của cơ thể, điều tiết vận động thăng giáng xuất nhập của khí trong cơ thể để đảm bảo việc thay cũ đổi mới khí được bình thường.
- Ngoài ra, vận hành huyết dịch, phân bố bài tiết tân dịch trong cơ thể đều phải dựa vào vận động hô hấp điều hòa mới có thể duy trì trạng thái sinh lý bình thường. Vì vậy, chức năng phế chủ khí hô hấp bình thường sẽ duy trì các hoạt động sống trọng yếu của cơ thể.
- Chức năng quản hô hấp bình thường thì khí đạo thông suốt, hô hấp đều đặn. Nếu bệnh tà phạm phế hoặc bệnh tạng khác ảnh hưởng đến phế sẽ gây rối loạn chức năng hô hấp gây tức ngực, ho, khó thở…
- Lục phủ ngũ tạng đều tham gia điều tiết hô hấp nhưng mối quan hệ phế thận là quan trọng nhất. Vận động hô hấp không những chỉ dựa vào phế mà còn nhờ vào thận. Phế là chủ khí, thận là gốc khí. Phế chủ thở khí ra, thận chủ nạp khí vào, một xuất một nhập mới hoàn thành vận động hô hấp.
– Tạng phế chủ khí toàn thân
Tức là phế có tác dụng chủ trì và điều tiết khí của tạng phủ, kinh lạc, thông qua hô hấp để tham gia vào sinh thành và điều tiết khí cơ trong cơ thể.
- Tham gia hình thành nên tông khí: Phế tham gia quá trình tạo nên khí toàn thân, đặc biệt góp phần hình thành nên tông khí. Phế thông qua vận động hô hấp mà hấp thu thanh khí là nguồn gốc và bộ phận chủ yếu của khí trong cơ thể và cũng là vật chất cơ bản duy trì hoạt động sống.
- Con người thông qua vận động hô hấp của phế để đưa thanh khí vào phế; vị trường thông qua chức năng tiêu hóa hấp thu làm cho thức ăn chuyển thành tinh khí; tỳ thông qua chức năng thăng thanh mà đưa chất tinh vi lên phế. Từ đó, thanh khí và tinh khí kết hợp lại và tập trung ở khí hải (đản trung) tạo nên tông khí.
- Tông khí là khí hậu thiên của cơ thể, có tác dụng làm phế vận động hô hấp, thông ở tâm mạch, hành khí huyết mà phân tán đi toàn thân để ôn dưỡng tạng phủ, kinh lạc; nhờ đó mà cơ thể mới duy trì được hoạt động bình thường. Vì vậy, chức năng hô hấp của phế ảnh hưởng đến hình thành tông khí, từ đó ảnh hưởng đến hình thành khí toàn thân. Do đó, phế tham gia hình thành tông khí có tác dụng khởi nguồn để chủ khí toàn thân.
- Điều tiết khí cơ toàn thân: gọi là khí cơ tức là chỉ hình thức cơ bản về vận động biến hóa, thăng, giáng, xuất, nhập của khí. Vận động hô hấp của phế chính là thể hiện cụ thể về thăng, giáng, xuất, nhập của khí trong cơ thể.
- Phế vận động hít vào, thở ra có quy luật đã thúc đẩy vận động thăng giáng xuất nhập khí toàn thân, khởi nguồn tác dụng điều tiết trọng yếu của khí cơ toàn thân.
- Phế chủ được khí là nhờ chức năng quản hô hấp. Phế hô hấp đều đặn, thông thoát là điều kiện căn bản để sinh thành khí và khí cơ thông thoát. Chức năng phế quản hô hấp bình thường thì chức năng phế chủ khí toàn thân bình thường, khí của tạng phủ kinh lạc vượng thịnh, vận động thăng giáng xuất nhập khí hiệp điều, hoạt động sống bình thường.
- Khi rối loạn chức năng phế chủ khí làm ảnh hưởng đến sinh thành tông khí và khí của tạng phủ kinh lạc, rối loạn thăng giáng xuất nhập khí toàn thân gây chứng khí hư: ngột ngạt, hụt hơi, tiếng nói nhỏ, mệt mỏi rã rời…
>>>>> Cùng tìm hiểu về bài thuốc BỔ TRUNG ÍCH KHÍ để hiểu rõ hơn về chức năng này!!!
2. TẠNG PHẾ TRIỀU BÁCH MẠCH
- Triều có nghĩa là hướng đến, tụ hội; bách mạch là chỉ toàn bộ hệ thống mạch trong cơ thể. Phế triều bạch mạch nghĩa là phế với bách mạch tương thông, huyết dịch toàn thân tuần hoàn thông qua hệ thống mạch mà hội tụ ở phế (hướng nội). Thông qua hô hấp của phế tiến hành trao đổi khí thanh trọc, đưa huyết dịch chứa thanh khí không ngừng đi khắp toàn thân (hướng ngoại).
- Tác dụng sinh lý của tạng phế triều bách mạch là giúp cho tâm hành huyết. Huyết dịch toàn thân tuần hoàn thông qua huyết mạch để vận hành và hội tụ ở phế.
- Phế chủ khí hô hấp, quản về vận hóa thanh trọc làm cho huyết dịch luôn duy trì việc hàm chứa thanh khí. Tâm chủ huyết mạch, tâm co bóp là động lực cơ bản để vận hành huyết dịch. Huyết dịch muốn vận động trong lòng mạch lại dựa vào khua động của khí, cùng với sự thăng giáng của khí mà vận động đi toàn thân.
- Phế chủ khí toàn thân, xuyên suốt bách mạch và điều tiết khí cơ toàn thân nên giúp cho tạng tâm chủ trì được tuần hoàn huyết dịch, vì thế, vận hành huyết dịch cũng dựa vào điều tiết của phế khí.
- Như vậy, phế và tâm có mối quan hệ mật thiết trong quan hệ sinh lý và bệnh lý. Phế khí ủng trệ làm vận hành huyết dịch của tâm không thông làm cho huyết mạch ứ trệ gây chứng: hồi hộp, tức ngực, lưỡi tím… Do đó, khi điều trị chứng phế khí ủng trệ thì ngoài việc dùng pháp hành khí, bổ khí ra còn phải dùng pháp hoạt huyết và hành huyết.
- Bạn đọc có băn khoăn hay thắc mắc gì thì có thể liên hệ trực tiếp qua Hotline – 0789.502.555 để được hỗ trợ nhé!
3. TẠNG PHẾ CHỦ TUYÊN PHÁT, TÚC GIÁNG
Phế chủ tuyên phát tức là tuyên thông và phát tán; túc giáng là thanh túc và hạ giáng. Phế nằm ở phía trên, khí của nó nên tuyên và nên giáng, nhưng thanh tác hạ giáng là chính. Tuyên phát và túc giáng là hình thức biểu hiện cụ thể của vận động thăng, giáng, xuất, nhập của phế khí.
– Phế chủ tuyên phát: Tức là chỉ chức năng phế khí hướng lên trên và phân tán ra ngoài. Hình thức biểu hiện vận động khí cơ của nó là thăng và xuất. Tác dụng sinh lý chủ yếu thể hiện ở chỗ:
+ Bài xuất trọc khí: Thông qua vận động phế khí hướng lên trên và hướng ra
ngoài mà trọc khí (sản sinh trong quá trình hoạt động sống) thông qua vận động thở ra để bài xuất qua miệng mũi ra ngoài.
+ Phân bố chất tinh vi và tân dịch: Tạng phế đưa chất tinh vi và tân dịch mà tỳ vận hóa đi khắp toàn thân để tư nhuận và nhu dưỡng các tạng phủ cơ quan của cơ thể.
+ Tuyên phát vệ khí:
- Nguồn gốc của vệ khí là từ thủy cốc tinh vi do tỳ hóa sinh tạo nên và dựa vào chức năng tuyên phát của phế khí tuyển tán đến toàn thân. Vệ khí có tác dụng bảo vệ cơ biểu, ôn dưỡng cơ tấu bì mao, điều tiết khống chế tấu lý đóng mở. Thông qua phế khí vận động phân tán ở phía ngoài mà về khí phân tán ở phần biểu của cơ thể.
- Tân dịch của cơ thể sau khi trao đổi chuyển thành mồ hôi, thông qua lỗ chân lông để bài tiết ra ngoài. Quá trình bài tiết mồ hôi liên quan đến vệ khí khống chế việc điều tiết đóng mở tấu lý. Tấu lý mở thì lỗ chân lông mở, tức là có thể làm ra mồ hôi; tấu lý đóng thì lỗ chân lông đóng, tức là không ra được mồ hôi.
- Ngoài ra, việc đóng mở của tấu lý còn có tác dụng tán khí và bế khí. Lỗ chân lông mở tức là tán khí và đây là đường bài xuất trọc khí của cơ thể, nên lỗ chân lông còn gọi là cửa khí (khí môn).
- Nếu phế mất tuyên phát làm vệ khí không đưa đến toàn thân sẽ sinh ra chứng sợ lạnh, không có mồ hôi, khi điều trị phải dùng pháp tuyên phát phế khí; nếu phế khí hư, vệ khí bất túc mà gây nên chứng sợ lạnh, ra mồ hôi, khi điều trị phải dùng pháp bổ ích phế khí.
– Phế chủ túc giáng: Là chức năng thanh túc và thông giáng xuống dưới của phế khí. Hình thức vận động khí cơ của nó là giáng và nhập. Tác dụng sinh lý chủ yếu biểu hiện ở chỗ:
+ Hít thanh khí: Thông qua vận động hướng hạ, hướng nội của phế khí để đưa thanh khí trong khí tự nhiên vào, đồng thời hướng hạ mà phân tán do thận tăng cường nhiếp nạp.
+ Vận chuyển phân bố chất tinh vi và tân dịch
- Phế là tạng nằm trên cao nhất, giống như cái lọng che phủ. Thông qua tác dụng thông giáng hướng hạ của phế khí mà chất tinh vi và tân dịch sau khi tỳ vận hóa được chuyển lên phế, phân tán đến tổ chức tạng phủ cơ quan.
- Chất dinh dưỡng này sẽ tư nhuận cho tổ chức tạng phủ và giúp cho việc duy trì hoạt động chức năng sinh lý bình thường của cơ thể. Ngoài ra, phế là thượng nguồn của thủy.
- Phế khí túc giáng thì mới có thể thông điều thủy đạo và làm cho thủy dịch vận chuyển xuống dưới, thông qua tác dụng khí hóa của thận để trọc dịch thành nước tiểu, đưa xuống bàng quang và bài xuất ra ngoài.
+ Thanh túc dị vật: Phế khí túc giáng kịp thời giúp cho việc đưa dị vật ra khỏi đường hô hấp, nhờ đó mà đường thở luôn giữ được sạch sẽ và giúp cho phế khí vận động thông thoát không bị cản trở. Nếu phế khí mất túc giáng sẽ xuất hiện chứng phế khí thượng nghịch như khó thở, tiếng thở rít, ho và khạc đờm.
Phế khí tuyên phát và túc giáng là một cặp vận động mâu thuẫn, cùng tồn tại và chế ước nhau. Nếu không tuyên phát bình thường thì không túc giáng được và ngược lại không túc giáng bình thường thì không tuyên phát được.
Ví dụ:
- Tuyên phát bài trừ trọc khí là điều kiện để túc giáng hít thanh khí mà thanh khí được hít vào, sau khi được trao đổi lại là nguồn tạo ra trọc khí. Bài trọc, hít thanh cùng tồn tại, chế ước lẫn nhau để duy trì thay cũ đổi mới khí của cơ thể.
- Vì vậy, chỉ phối hợp điều hòa tuyên phát và túc giáng mới làm cho khí đạo thông thoát, nhịp hô hấp đều, đảm bảo trao đổi khí trong ngoài cơ thể, làm cho khí huyết tân dịch nhu dưỡng tổ chức tạng phủ; đồng thời tránh được các bệnh liên quan đến khí trệ, huyết ứ, thủy thấp, đàm trọc, làm cho phế khí không hao tán thái quá để duy trì trạng thái thanh túc bình thường.
- Nếu ngoại tà xâm nhập phế (gây ho là chủ yếu) hoặc phế khí hao thoát (gây khó thở là chủ yếu) đều gây rối loạn phế khí tuyên phát và túc giáng, gọi là phế khí thất tuyên hoặc phế mất túc giáng. Hai chứng bệnh này ảnh hưởng lẫn nhau hoặc cùng phát sinh thì gọi là phế mất tuyên túc.
Bạn đọc có băn khoăn hay thắc mắc gì thì có thể liên hệ trực tiếp qua Hotline – 0789.502.555 để được hỗ trợ nhé!
4. TẠNG PHẾ CHỦ HÀNH THỦY
- Tạng phế chủ hành thủy còn được gọi là phế chủ thông điều thủy đạo, tức là có tác dụng sơ thông và điều tiết đường vận hành thủy dịch để thúc đẩy phân bố và bài tiết thủy dịch. Do phế như cái lọng che, vị trí là cao nhất, tham ra điều tiết trao đổi thủy dịch trong cơ thể nên gọi phế là nguồn trên của nước.
- Trao đổi thủy dịch trong cơ thể liên quan đến phế, tỳ, thận, tiểu trường, đại trường, bàng quang… Tạng phế thực hiện chức năng chủ hành thủy thông qua tác dụng tuyến phát và túc giáng.
- Tác dụng tuyên phát của tạng phế khí làm cho thủy dịch hướng lên trên, ra ngoài, rồi phân tán khắp toàn thân để tư dưỡng và bảo vệ các tổ chức cơ quan; mặt khác thủy dịch dư thừa sau khi đã trao đổi ở cơ thể, thông qua đường thở mà hình thành nên hơi nước hoặc thông qua hình thức bài tiết mồ hôi qua lỗ chân lông mà bài xuất ra ngoài.
- Tác dụng túc giáng của phế khí ngoài việc làm cho thủy dịch hướng xuống dưới và vào trong để tư dưỡng tạng phủ cơ quan… Phần lớn các phần thủy dịch dư thừa sau trao đổi không ngừng được chuyển xuống thận, nhờ tác dụng khí hóa của thận và bàng quang thành nước tiểu để bài xuất ra ngoài.
- Tạng phế chủ hành thủy là dựa vào chức năng tuyên phát và túc giáng của phế khí. Nếu ngoại tà xâm nhập phế làm phế bị rối loạn chức năng tuyên túc thì sẽ rối loạn chức năng hành thủy, thủy dịch không được phân bố và bài tiết gây chứng đàm ẩm thủy thũng. Vì vậy, khi điều trị đàm ẩm và thủy thũng thường dùng pháp hóa đàm, tuyên phế lợi thủy.
5. TẠNG PHẾ CHỦ TRỊ TIẾT
– Trị tiết tức là trị lý và điều tiết. Phế chủ trị tiết tức là phế có tác dụng giúp tạng tâm trị lý, điều tiết khí huyết, tân dịch toàn thân và hoạt động chức năng sinh lý của tổ chức cơ quan tạng phủ. Tâm là quân chủ, phế có tác dụng bổ trợ. Các tổ chức tạng phủ căn cứ theo quy luật nhất định để thực hiện hoạt động sống bình thường một cách thống nhất, nhịp nhàng.
– Phế chủ trị tiết thể hiện ở chỗ:
+ Phế chủ khí, quản việc hô hấp: Phế điều tiết hít thanh khí và thở ra trọc khí có quy luật, có tác dụng trọng yếu trong việc thay cũ đổi mới khí của cơ thể.
+ Điều tiết khí cơ: Vận động hít thở (hô hấp) là biểu hiện cụ thể về thăng, giáng, xuất, nhập của khí. Cùng với sự vận động hít thở có quy luật làm cho thăng, giáng, xuất, nhập khí được điều tiết nên khí cơ được thông thoát.
+ Giúp tâm hành huyết: Phế triều bách mạch làm cho huyết dịch toàn thân thông qua huyết mạch để rót về phế, tiến hành trao đổi khí để lại phân bố đi toàn thân. Phế chủ khí, điều tiết khí cơ, hành khí thì huyết hành; do đó, phế giúp tạng tâm thúc đẩy và điều tiết vận hành huyết dịch toàn thân
+ Điều tiết trao đổi thủy dịch: Thông qua tác dụng tuyên phát và túc giáng của phế khí để thúc đẩy và điều tiết phân bố, vận hành và bài tiết thủy dịch.
Tóm lại, các chức năng của phế như phế chủ khí, quản hô hấp, thông điều thủy đạo… đều dựa vào tác dụng thăng, giáng, xuất, nhập của khí; cho nên các y gia luận về phế khí thì nhiều mà luận về phế huyết thì ít.
Thực ra, khí và huyết tuy tên gọi khác nhau nhưng cùng nguồn gốc, không có chứng huyết hư mà khí lại đủ hoặc khí hư mà huyết lại sung mãn; nhưng thầy thuốc cần phân biệt cho rõ chức năng của phế âm và phế dương.
Phế dương có tác dụng thúc đẩy ôn chiếu, vận động, thăng tán; còn phế âm có tác dụng chế ước dương nhiệt, đồng thời thúc đẩy tư nhuận, ninh tĩnh, bảo vệ bên trong cho phế; chính vì thế mà duy trì được cân bằng giữa mát – nóng, động – tĩnh, tán – thu, nhuận – táo.
Nếu phế âm hư thì dương sẽ thiên cang, sinh ra chứng nhiệt gọi là chứng âm hư sinh nội nhiệt với biểu hiện lâm sàng: mặt đỏ, ngũ tâm phiền nhiệt, mũi khô, họng khô, đờm ít, ho khan, thậm chí khạc đờm lẫn máu. Nếu phế âm hư lâu ngày gây chứng âm khí bất túc với biểu hiện lâm sàng: ra mồ hôi trộm, bứt rứt, khó thở. Khi phế dương bất túc thì sẽ xuất hiện chứng người lạnh, sợ lạnh, tân dịch không được thăng tán mà lưu ở phế thành đàm ẩm, phế không trợ giúp được tâm sinh ra huyết ứ, vệ khí bất cố sinh ra tự hãn.
Bạn đọc có băn khoăn hay thắc mắc gì thì có thể liên hệ trực tiếp qua Hotline – 0789.502.555 để được hỗ trợ nhé!
II. ĐẶC TÍNH SINH LÝ CỦA PHẾ
Tạng phế là một tạng nằm cao nhất ở lồng ngực giống như cái lọng che phủ và bảo vệ các tạng phủ. Tạng phế chủ biểu của cơ thể, bên ngoài liên hệ với da lông (bì mao), tuyên phát vệ khí, ngăn chặn xâm nhập ngoại tà, bảo vệ cơ biểu. Phế còn chủ khí của cơ thể, điều tiết khí cơ; phế khí thuận thì khí của lục phủ, ngũ tạng cũng thuận. Tạng phế thông qua khí quản, hầu họng, miệng, mũi để trực tiếp thông với bên ngoài. Trong ngũ tạng thì tạng phế là một tạng dễ bị ảnh hưởng bởi các nhân tố ngoại cảnh nhất.
Ví dụ: Lục dâm (phong tà, hàn tà, thử tà, thấp tà, táo tà, hỏa tà) trong tự nhiên hay gặp tà khí là phong hàn xâm nhập cơ thể thì thường ảnh hưởng đến phế đầu tiên, làm cho vệ khí không tuyên, phế khiếu không thông lợi mà gây nên bệnh. Phế liên hệ với da lông nên diễn biến bệnh giai đoạn đầu thường gặp chứng bệnh ở biểu như phát sốt, sợ lạnh, ho, tắc mũi…
- Tạng Phế là tạng mềm mại: Tạng phế chủ bì mao, khai khiếu ở mũi, liên hệ trực tiếp với khí trời. Khi lục dâm ngoại tà xâm nhập cơ thể, bất luận là từ miệng mũi xâm nhập hay là từ bì mao mà xâm nhập đều rất dễ phạm phế mà gây bệnh.
- Ngoài ra, phế nằm ở vị trí cao nhất, như cái lọng che phủ các tạng, có chức năng triều bách mạch, cho nên diễn biến về hàn nhiệt của bệnh ở các tạng phủ khác đều rất dễ đưa lên phạm phế.
- Hơn nữa, lá phế mềm mại, không chịu được hàn, nhiệt thái quá nên rất dễ bị ngoại tà xâm nhập. Vì thế, bất kể là ngoại cảm hay là nội thương hoặc là bệnh biến của tạng phủ khác đều rất dễ xâm nhập và ảnh hưởng gây nên bệnh ở phế. Cho nên, phế gọi là “kiều tạng”.
- Tạng Phế khí liên quan với khí mùa Thu: Tạng phế là tạng có tính thanh túc, khí chủ giáng. Trong tự nhiên thì khí hậu mùa Thu cũng thanh túc, trời quang đãng và không khí trong lành. Phế khí với thu khí tương thông nghĩa là phế khí trong tiết thời mùa Thu là thịnh vượng nhất.
- Ngoài ra phế còn liên hệ với phương Tây, táo, sắc trắng và vị cay. Cho nên, tiết mùa Thu, táo khí rất dễ gây tổn thương tân dịch của phế làm phế mất tuyên túc gây chứng ho khan, miệng mũi khô táo. Khi phong hàn phạm phế gây chứng bệnh ở biểu thì khi điều trị thường dùng thuốc tân ôn giải biểu như ma hoàng, quế chi… để đưa tà khí theo mồ hôi ra ngoài.
III. QUAN HỆ TẠNG PHẾ VỚI HÌNH, KHIẾU, CHÍ, DỊCH
– Tạng Phế biểu hiện ra lông: Lông gắn liền với bì phu. Bì mao là thuộc phần biểu của cơ thể, dựa vào vệ khí tuyên phát và sự ôn dưỡng nhu nhuận của tân dịch nên gọi là phế chủ bì mao. Nếu phế khí hư nhược, bì mao không được nuôi dưỡng, tấu lý không chặt chẽ làm cho lông khô, không mượt.
– Tạng Phế khai khiếu ra mũi.
– Tạng Phế với tình chí là buồn rầu (bi): Bi ảnh hưởng đến tuyên giáng của phế. Nếu bi thương quá độ sinh ra phế khí bất túc.
– Nước mũi là dịch của tạng phế. Nếu phế hàn sẽ tăng tiết nhiều nước mũi trong khi phế nhiệt sẽ gây nên nước mũi vàng đặc, mũi khô.
Bạn đọc có băn khoăn hay thắc mắc gì thì có thể liên hệ trực tiếp qua Hotline – 0789.502.555 để được hỗ trợ nhé!
? Facebook: Tuệ Y Đường
?Ths.Bs: Trần Thị Thu Huyền
?⚕️ Bác sĩ: Đoàn Dung
?Địa chỉ: 166 Nguyễn Xiển – Hạ Đình – Thanh Xuân – Hà Nội
?Hotline: 0789.502.555 – 0789.503.555 – 0789.501.555