Cảnh giác với virus gây tê liệt ở trẻ em

Trong khi đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu giảm, các chuyên gia y tế lại lo ngại về căn bệnh viêm tủy mềm cấp tính (AFM) do virus có thể tấn công trẻ em trong mùa thu này.

Virus gây tê liệt ở trẻ

AFM là một tình trạng ảnh hưởng đến hệ thần kinh và gây ra yếu cơ, đặc biệt là ở tay và chân. AFM có thể tiến triển nhanh chóng và dẫn đến liệt vĩnh viễn. AFM có liên quan đến một họ virus gọi là Enterovirus, đặc biệt là Enterovirus D68 và A71. Enterovirus D68 – một người anh em họ của virus gây bệnh bại liệt – được cho là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp ở Mỹ.

Virus tấn công và làm tổn thương các dây thần kinh ở phía trước tủy sống kiểm soát chuyển động ở tay và chân. Một nghiên cứu của Phòng Khám Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) về các trường hợp từ năm 2018 cho thấy, hơn 90% bệnh nhân mắc AFM lần đầu tiên có các triệu chứng sốt và cảm lạnh khoảng 6 ngày trước khi bắt đầu bị đau đầu, yếu cơ và có thể đau ở cánh tay hoặc chân.

TS. Kevin Messacar, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi tại Bệnh viện Nhi Colorado ở Aurora, cho biết: Thông thường bệnh xảy ra rất nhanh. Nếu trẻ thức dậy vào buổi sáng có thể không cử động một cánh tay hoặc không thể đi lại do chân yếu, chảy nước dãi, giọng nói nhỏ, hoặc khó nuốt… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Trẻ trước và sau khi nhiễm virus gây tê liệt.Trẻ trước và sau khi nhiễm virus gây tê liệt.

Tại sao AFM thường quay lại 2 năm 1 lần?

Kể từ năm 2014, AFM xuất hiện 2 năm 1 lần trên khắp Hoa Kỳ. Đợt bùng phát gần đây nhất vào năm 2018 khiến ít nhất 238 trẻ bị bệnh. Trong số các trường hợp bệnh năm 2018, 86% bắt đầu xuất hiện các triệu chứng từ tháng 8 đến tháng 11 và 92% bị sốt hoặc bệnh hô hấp hoặc cả hai khoảng 1 tuần trước khi có triệu chứng yếu tay chân. Các triệu chứng phổ biến khác ở bệnh nhân bao gồm đi lại khó khăn, đau cổ hoặc đau lưng, đau chân tay và đau đầu. Các chuyên gia lo ngại rằng, có thể gia tăng các trường hợp AFM từ tháng 8 tới tháng 11 năm nay.

TS. Robert Redfield, Giám đốc Phòng Khám Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết: “Điều này có nghĩa là căn bệnh này sẽ lưu hành cùng lúc với bệnh cúm và các bệnh truyền nhiễm khác, bao gồm COVID-19”.

Theo các chuyên gia, một số loại virus có xu hướng quay vòng trong quần thể, gây ra sự bùng phát khi có đủ vật chủ mới nhạy cảm tấn công. Trẻ nhỏ có xu hướng dễ bị nhiễm Enterovirus và AFM nhất. Vì vậy, tình trạng này có xu hướng xuất hiện trở lại khi có trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa được bảo vệ miễn dịch chống lại những loại virus này. Trong nghiên cứu của CDC, bệnh nhân trung bình chỉ mới 5 tuổi. Tuy nhiên, trẻ em không phải là những người duy nhất gặp rủi ro. Bệnh nhân lớn tuổi nhất trong nghiên cứu là 81.

Phòng ngừa AFM

Theo các chuyên gia, mặc dù các trường hợp AFM đã tăng lên trong những năm gần đây, căn bệnh này vẫn rất hiếm. Hầu hết trẻ em chỉ bị cảm lạnh sau khi nhiễm Enterovirus. Hiện tại không có phương pháp điều trị cụ thể cho AFM. Với từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ có các phương pháp điều trị riêng. Vật lý trị liệu có thể giúp trẻ lấy lại một số chức năng đã mất.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng, đại dịch COVID-19 có thể khiến AFM khó phát hiện hơn trong năm nay và phụ huynh có thể trì hoãn việc đưa con đến các cơ sở y tế. TS. Redfield cho biết, bệnh nhân AFM có thể bị liệt trong vài giờ hoặc vài ngày và phải dùng máy thở. Vì vậy, với những bệnh nhân nghi ngờ mắc AFM nên nhập viện ngay lập tức. Bên cạnh đó, theo TS. Kevin Messacar: “Có thể ngăn ngừa AFM giống như cách chúng ta đang làm với COVID-19: Đeo khẩu trang và giãn cách xã hội”.

Không ai có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra, nhưng điều quan trọng hiện nay vẫn là cần đề phòng AFM có thể quay trở lại trong năm nay.

(Theo webmd.com)

 

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *