Lục phủ bao gồm đởm, vị, đại trường, tiểu trường, bàng quang và tam tiêu. Lục phủ phần lớn là tạng rỗng. Chức năng của lục phủ là thu nạp, chuyển hóa thức ăn và thủy dịch. Bài trước chúng ta đã tìm hiểu nội dung của phủ đởm, phủ vị, phủ tiểu trường. Kính mời bạn đọc cùng Phòng khám Tuệ Y Đường tìm hiểu về các phủ còn lại nhé!
I. ĐẠI TRƯỜNG
Đại trường gồm kết tràng và trực tràng, là nơi chứa đựng vật chất, bài xuất chất cặn bã và hấp thu phần nước còn lại. Đại trường có quan hệ biểu lý với phế.
Đại trường thuộc ổ bụng, cửa trên liên tiếp với tiểu trường ở lan môn (lỗ hồi manh tràng), cửa dưới là hậu môn. Đoạn trên của đại trường theo y học hiện đại là manh tràng, kết tràng, đoạn dưới là trực tràng sigma và trực tràng.
1. Chức năng sinh lý
– Chủ về chuyển hóa chất cặn bã: đại trường tiếp thụ chất cặn bã và thủy dịch từ tiểu trường đưa xuống, tiếp tục hấp thu thủy dịch trong chất cặn bã rồi hình thành phân đưa xuống đoạn cuối của đại tràng, qua hậu môn bài xuất ra ngoài; cho nên, đại trường được gọi là “truyền đạo chi quan”; nếu chức năng này rối loạn sẽ gây đại tiện lỏng nát hoặc đại tiện táo bón… Nếu thấp nhiệt uẩn kết đại trường thì sẽ xuất hiện chứng đau bụng, mót rặn, đại tiện ra phân lẫn nhầy máu.
– Chủ tân: Đại trường sau khi tiếp thu các chất cặn bã từ tiểu trường đưa xuống, lại tái hấp thu một phần thủy dịch trong đó để hình thành phân mà bài tiết ra ngoài.
– Do hấp thu thủy dịch và tham gia quá trình trao đổi thủy dịch, nên đại trường được gọi là “đại trường chủ tân”; nếu chức năng này rối loạn, phần thủy dịch dư thừa không được hấp thu sẽ xuất hiện chứng sôi bụng, đau bụng, đại tiện phân lỏng; nếu đại trường thực nhiệt, hun đốt tân dịch sẽ sinh ra chứng đại tiện táo bón.
2. Đặc tính sinh lý
Đại trường là cơ quan rỗng, tiếp nhận chất cặn bã từ tiểu trường, tạo thành phân rồi bài xuất ra ngoài; do đó, đại trường phải duy trì được đặc tính sinh lý là thông giáng hạ hành. Lục phủ lấy thông là trọng, lấy giáng làm thuận; nếu đại trường thông giáng thất thường thì chất cặn bã sẽ bị ứ kết, đường tiêu hóa không thông gây nên chứng trướng bụng, đau bụng, táo bón, miệng hôi…
Bạn đọc có băn khoăn hay thắc mắc gì thì có thể liên hệ trực tiếp qua Hotline – 0789.502.555 để được hỗ trợ nhé!
II. BÀNG QUANG
Bàng quang chủ về tàng trữ và bài tiết nước tiểu, liên hệ biểu lý với thận.
Bàng quang nằm ở phía dưới, trong ổ bụng, dưới thận, trước đại trường, là cơ quan rỗng. Phía trên bàng quang liên thông với niệu quản và thận, phía dưới thông với niệu đạo, cửa thông ra ngoài là tiền âm.
1. Chức năng sinh lý
– Trữ tồn nước tiểu
- Tân dịch trong cơ thể thông qua tác dụng của phế, thận, tỳ mà phân bố toàn thân để tư nhuận và nuôi dưỡng cơ thể. Một phần tân dịch sau khi đã trao đổi được đưa về thận, thông qua tác dụng khí hóa của thận để thăng thanh và giáng trọc.
- Chất thanh lại được tái hấp thu, chất trọc được chuyển xuống bàng quang thành nước tiểu và bàng quang tăng cường trữ tồn.
– Chức năng bài tiết nước tiểu
- Nước tiểu được lưu trữ ở bàng quang, khi đạt được số lượng nhất định, nhờ tác dụng thận khí hóa làm cho bàng quang đóng mở đúng lúc để bài xuất ra ngoài.
2. Đặc tính sinh lý
- Bàng quang có đặc tính đóng mở kịp thời. Việc trữ tồn và bài tiết nước tiểu tuy là chức năng của bàng quang nhưng có quan hệ mật thiết đến chức năng của thận.
- Chức năng trữ tàng của bàng quang dựa vào chức năng cố nhiếp của thận. Nếu thận khí bất cố sẽ sinh ra di niệu, tiểu tiện không cầm được.
- Chức năng bài niệu của bàng quang dựa vào tác dụng khí hóa của thận và bàng quang. Nếu khí hóa rối loạn sinh ra chứng tiểu đau, đái khó, đái són, bí đái.
III. TAM TIÊU
– Tam tiêu gồm thượng tiêu, trung tiêu và hạ tiêu, hàm nghĩa gồm:
+ Tam tiêu là một trong lục phủ, có chức năng sinh lý nhất định, là hệ thống kết trong nội bộ các tạng phủ để vận hành nguyên khí và sơ thông thủy dịch. Vì thế nói sự thăng, giáng, xuất, nhập của khí và sự phân bố, bài tiết của tân dịch đều dựa vào sự thông thoát của tam tiêu.
+ Tam tiêu là đại phủ nằm trong ngực – bụng, phân bố theo vị trí (gồm thượng tiêu, trung tiêu và hạ tiêu, bao gồm cả các tạng phủ khác). Do đó, tam tiêu sẽ khái quát chức năng sinh lý và đặc tính sinh lý của lục phủ ngũ tạng.
- Nhận thức về hình thái giải phẫu của tam tiêu theo lịch sử y văn tranh luận về khái niệm “hữu danh vô hình” và “hữu danh hữu hình”; tức là có tranh luận về thực chất của tam tiêu là hữu hình, nhưng cho đến nay vẫn chưa thống nhất.
- Nói chung, các y gia cho rằng, tam tiêu là một đại phủ nằm trong ngực – bụng, trong lục phủ ngũ tạng thì tam tiêu là to nhất không gì sánh được nên còn có tên gọi là “cô phủ”.
- Căn cứ vào vị trí để phân chia thì thượng tiêu là từ cơ hoành trở lên (bao gồm tâm, phế), trung tiêu là tử cơ hoành đến rốn (bao gồm tỳ, vị) và hạ tiêu là từ rốn đến nhị âm (bao gồm thận, bàng quang, đại trường, tiểu trường, tử cung…); trong đó, theo vị trí thì tạng can thuộc trung tiêu, nhưng căn cứ vào chức năng sinh lý và quan hệ mật thiết đến thận nên xếp can và thận cùng ở hạ tiêu.
- Căn cứ vào khái niệm vị trí để phân chia thượng tiêu, trung tiêu và hạ tiêu đã vượt qua khái niệm tam tiêu là một trong lục phủ, thực tế cho rằng tam tiểu là khái quát về chức năng sinh lý của lục phủ ngũ tạng.
1. Chức năng sinh lý
– Chủ về thông hành nguyên khí
- Nguyên khí là khí cơ bản nhất của cơ thể con người. Nguyên khí có nguồn gốc ở thận, do tinh tiên thiên hóa sinh nên nguyên khí lại dựa vào tinh hậu thiên để nuôi dưỡng, là gốc âm – dương của tạng phủ trong cơ thể, là nguồn động lực của hoạt động sống. Nguyên khí thông qua tam tiêu để vận hành toàn thân.
- Vì thế, tam tiêu là đường thông hành của nguyên khí. Chức năng thông hành nguyên khí của tam tiêu có quan hệ đến vận động xuất, nhập, thăng, giáng và quá trình khí hóa của khí trong cơ thể… Cho nên có lý luận cho rằng tam tiêu chủ trì khí, tổng quản khí cơ và khí hóa toàn thân.
- Sơ thông thủy đạo
- Đường phân bố và bài tiết thủy dịch trong cơ thể gọi là thủy đạo. “Tam tiêu giả, quyết độc chi quan”, quyết độc tức là sơ thông thủy đạo. Chức năng của tam tiêu là sơ thông thủy đạo và vận hành thủy dịch.
- Quá trình trao đổi thủy dịch của cơ thể là do sự phối hợp hiệp đồng giữa các tạng phế, tỳ và thận; nhưng tân dịch phải vận hành qua đường tam tiêu thì mới có thể thăng, giáng, xuất, nhập được.
- Nếu thủy đạo không thông thì chức năng phân bố thủy dịch của phế, tỳ và thận cũng không tiến hành được. Vì vậy, y học cổ truyền coi tác dụng cân bằng trao đổi thủy dịch của tam tiêu là “tam tiêu khí hóa”.
– Chức năng vận hành nguyên khí và sơ thông thủy đạo của tam tiêu có quan hệ tương hỗ với nhau
- Do tân dịch vận hành phải dựa vào sự vận động thăng, giáng, xuất, nhập của khí mà khí lại dựa vào sự vận hành của tân dịch. Vì vậy, đường thăng, giáng, xuất, nhập của khí tất yếu là đường vận hành của tân dịch.
Bạn đọc có băn khoăn hay thắc mắc gì thì có thể liên hệ trực tiếp qua Hotline – 0789.502.555 để được hỗ trợ nhé!
2. Đặc tính sinh lý
– Thượng tiêu như vụ
Vụ nghĩa là sương mù. Thượng tiêu như nghĩa là thượng tiêu có tác dụng tuyên phát vệ khí và phân bố chất tinh vi.
Thượng tiêu tiếp thụ chất tinh vi của thủy cốc từ trung tiêu và thông qua tác dụng tuyên phát phân bố của tâm phế đưa đi toàn thân, phát huy tác dụng nhu nhuận và dinh dưỡng, giống như đường tưới rót.
Hơn nữa, chức năng sinh lý chủ yếu của tam tiêu là tiếp nạp chất tinh vi của thủy cốc nên còn gọi là “thượng tiêu chủ nạp”.
– Trung tiêu như âu
Âu nghĩa là ngâm, ủ. Trung tiêu như âu nghĩa là nói về chức năng của tỳ vị tiếp nạp thức ăn, làm cho chúng nhừ nhuyễn và hóa sinh thành nguồn tạo khí huyết.
Do tỳ vị có tác dụng làm nhừ thức ăn và vận hóa chất tinh vi mà gọi là “trung tiêu như âu”.Hơn nữa, chức năng thu nạp làm nhừ thức ăn và vận hóa của tỳ vị ở trung tiêu để hóa sinh thủy cốc tinh vi và khí huyết nên còn gọi là “trung tiêu chủ hóa”.
– Hạ tiêu như độc
Độc nghĩa là lạch, rãnh. Hạ tiêu như độc nghĩa là nói về chức năng của thận, bàng quang, đại trường và tiểu trường… trong việc phân biệt thanh trọc và bài xuất chất cặn bã. Hạ tiêu đưa chất cặn bã xuống đại trường rồi hình thành nên phân để bài xuất ra ngoài qua đường đại tiện; đưa chất thủy dịch sau khi được khí hoá của thận và bàng quang hình thành nên nước tiểu để bài xuất ngoài qua đường tiểu tiện.
>>>>> Cùng tìm hiểu thêm về chức năng của Thận
Chức năng sinh lý này của hạ tiêu có đặc điểm là đưa xuống dưới (hướng hạ) để sơ thông, đưa ra ngoài (hướng ngoại) để bài tiết cho nên gọi là “hạ tiêu như độc”. Do hạ tiêu chủ quản việc bài tiết của đại tiểu tiện nên còn gọi là “hạ tiêu chủ xuất”.
Tóm lại, đặc điểm sinh lý của thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu không những bao hàm đặc điểm sinh lý của tam tiêu là một trong lục phủ mà còn khái quát đặc điểm sinh lý của tạng phủ phân bố trong tam tiêu.
Bạn đọc có băn khoăn hay thắc mắc gì thì có thể liên hệ trực tiếp qua Hotline – 0789.502.555 để được hỗ trợ nhé!
?Địa chỉ: 166 Nguyễn Xiển – Hạ Đình – Thanh Xuân – Hà Nội
?Hotline: 0789.502.555 – 0789.503.555 – 0789501555