ĐÔNG Y NÊN HỌC NHƯ THẾ NÀO?

 Nếu như bạn là một người yêu thích đông y, hoặc là người đang học đông y sẽ thấy có rất nhiều sách cần đọc, lại thấy mỗi y gia đều có quan điểm riêng, còn có rất nhiều ý kiến chưa thống nhất, thậm chí còn mâu thuẫn với nhau. Vậy với người đang học đông y nên làm như nào?

Học đông y là cả một quá trình rèn luyện

Để trả lời câu hỏi học đông y như nào, hãy đọc câu chuyện ngụ ngôn ngắn dưới đây:

Trong chuồng có hai mẹ con nhà ngựa.

Một ngày nọ, ngựa mẹ nói với ngựa con: “Con đã lớn rồi, có thể giúp mẹ làm việc được không?

Ngựa con nhảy lên nói: “Sao lại không chứ? Con rất vui khi được giúp mẹ”

Ngựa mẹ vui mừng: “Thế thì tốt quá, con đem túi lúa mạch này đi xay nhé!”

Ngựa con chở chiếc túi chứa đầy lúa mạch, phóng nhanh như bay. Đang chạy thì có một con sông chắn giữa đường, nước sông chảy róc rách. Ngựa con buồn bã, nghĩ rằng: ”Mình có thể qua sông được không nhỉ? Nếu như mẹ ở đây, mình sẽ hỏi mẹ nên làm như nào, thế thì tốt biết bao! Nhưng nơi này cách nhà xa quá rồi”. Ngựa con nhìn tứ phía, thấy một bác trâu đang ở bờ sông gặm cỏ, Ngựa con lại gần đó, hỏi ”Bác trâu ơi, xin bác nói cháu biết, cháu có thể qua con sông này được không ạ?”

Bác trâu nói: “Nước nông lắm, chưa đến đùi đâu, có thể qua được”

Ngựa con nghe lời của bác trâu, lập tức đến ngay bờ sông, chuẩn bị qua. Đột nhiên, một chú sóc từ trên cây nhảy xuống, hét to cản ngựa con lại: “Ngựa con! Đừng qua sông, đừng qua sông, bạn sẽ chết đuối mất”

Ngựa con giật mình: ”Nước sâu lắm sao?”

Sóc nói thành thật: ”Nước sâu lắm! Hôm qua một người bạn của mình rơi xuống sông chết đuối đấy”

Ngựa con vội vàng thu chân lại, không biết nên làm thế nào. Nó thở dài: ”Ôi da, hay là quay về hỏi mẹ vậy”

Ngựa con vẫy vẫy đuôi chạy về nhà. Ngựa mẹ hỏi nó: “Sao lại quay về rồi?”

Ngựa con thẹn thùng: ”Có con sông chặn đường, con…con… không qua sông được”

Ngựa mẹ nói: “Con sông đấy không phải rất nông hay sao?”

Ngựa con trả lời: “Đúng ạ, bác trâu cũng nói như vậy. Nhưng bạn sóc nói rằng nước sông sâu lắm, còn làm một người bạn của bạn ấy chết đuối nữa.”

“Vậy rốt cuộc nước sông là nông hay sâu? Con đã suy nghĩ kĩ về lời nói của bọn họ chưa?”

Ngựa con cúi đầu: “Con chưa….chưa nghĩ đến”

Ngựa mẹ ân cần nói với ngựa con: “Con à, chỉ nghe lời người khác mà bản thân không động não, không thử qua thì không được rồi, nước sông nông hay sâu, con hãy thử xem, sẽ biết thôi mà”

Ngựa con chạy đến bờ sông, vừa mới đưa móng trước, sóc lại lớn tiếng:” Cái gì? bạn không cần mạng nữa à”

Ngựa con trả lời: ”Để mình thử xem sao” rồi nó xuống sông, cẩn thận qua bờ bên kia.

Thì ra nước sông không nông như lời bác trâu, cũng không sâu như lời của sóc”

Câu chuyện này khi còn nhỏ đã đọc qua, hôm nay lại đọc thêm lần nữa, cảm thấy rất sâu sắc. 

Dùng dược trong đông y, luôn được coi là điều bí ẩn, bởi vì liều lượng không đủ, hiệu quả sẽ giảm đi rất nhiều, liều lượng quá lớn thường xuất hiện tác dụng phụ. Làm thế nào để vượt qua con sông “liều lượng” này, đối với người mới học hoặc kinh nghiệm dùng dược chưa phong phú mà nói, đây là một vấn đề rất đau đầu. Giống như ngựa con vừa mới lớn không dám vượt qua sông vậy!

Trên lâm sàng, có một số bác sĩ đông y sợ dùng Phụ tử, sợ dùng Ma hoàng, sợ nhiều loại thuốc có tác dụng phụ, mỗi lần dùng thuốc luôn dùng liều thấp nhất có thể. Mà khi dùng chỉ vài gam đã xuất hiện trúng độc hay tác dụng phụ, “Một lần bị rắn cắn, 10 năm sợ dây thừng”, có thể cả đời không dám dùng thuốc nữa. Chính là càng xảy ra sự cố, càng cẩn trọng, càng cẩn trọng lại càng không dám tiến lên, lâu ngày thậm chí còn không dám kê thuốc nữa. Giống như chú sóc trong câu chuyện, nhìn thấy bạn chết đuối nên không dám qua sông, thậm chí còn đối với người qua sông cũng thấy sợ hãi.

   Còn với nhà y có kinh nghiệm, lấy quy luật của bệnh tật kết hợp với thể chất người bệnh với môi trường địa phương, dùng lượng rất lớn, hiệu quả cũng rất tốt, không những tránh được tác dụng phụ, mà còn có thể đạt được hiệu quả trị liệu cao. Giống như bác trâu trong câu chuyện, nước sông đối với nó rất nông.

Trong quá trình học đông y, mỗi người đều giống như ngựa con. Vừa bước chân ra đời, nên kinh nghiệm đều là số 0, kiến thức thường từ sách giáo khoa, ít hướng dẫn lâm sàng. Hoàn toàn không có giải thích về “liều lượng” trong con sông đông dược, càng không biết được độ nông sâu của nước sông. Lúc này cần kinh nghiệm của sóc, luôn cẩn thận, đồng thời cũng cần sự từng trải của bác trâu, không nên sợ hãi. Bên cạnh cũng cần có một “Ngựa mẹ” luôn khuyến khích giúp ta tự tin đối mặt thử thách, trở nên mạnh dạn điều trị trong lâm sàng. Dần dần kinh nghiệm nhiều hơn, phong phú hơn, có thể bắt đầu hiểu rõ độ nông sâu của mực nước sông rồi.

Nhưng trong phạm vi của sinh viên, vẫn cứ có nhiều điều chưa biết, giống như vẽ một hình tròn trên mặt đất, nếu như trong hình tròn là những gì đã biết, bên ngoài là thế giới ta chưa biết. Chúng ta càng biết nhiều, cần phải tìm tòi nhiều hơn. Chúng ta không thể cứ ở mãi trong vòng tròn nhỏ của bản thân mà ngỡ trở thành người sành sỏi như ngựa mẹ lại từ bỏ cơ hội khám phá của ngựa con. Đối diện với nhiều bệnh khó chữa, khi ta chỉ là ngựa con, ta cần thận trọng, tìm tòi độc lập, suy nghĩ, thực hành, …Chỉ có như vậy, mới có thể tiến bộ, đông y mới có thể phát triển

Lời nhắc: Nếu như bạn bị bệnh, nếu như bạn đang học đông y hoặc là bác sĩ đông y, tốt nhất thử dùng thuốc bắc trước, thử biện chứng luận trị theo đông y, thử xem hiệu quả đông y có chậm như lời đồn, tự mình lội qua “con sông” đông dược, trải nghiệm độ nông sâu của nước mới có được sự hiểu biết sâu sắc: Thì ra nước sông không nông như lời bác trâu, cũng không sâu như lời của sóc”

Bạn đọc có thể tham khảo: HERPES MÔI – LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHANH KHỎI?

Học đông y, cần tìm tòi và không ngừng thử nghiệm, càng cần có một sự kiên trì. Lúc còn đi học nhớ đến một trò chơi như sau: Dùng sợi dây buộc vào tờ giấy, treo lên, người chơi đứng cách đó vài mét, dùng miệng thổi xem ai có thể làm cho tờ giấy chuyển động. Có rất nhiều người tham gia trò chơi này, trong đó có sinh viên giỏi chạy bền, cũng có sinh viên giỏi ca hát,..Ai ai cũng gắng sức phồng má thổi, kết quả tờ giấy vẫn không lay động. Vì vậy mọi người đều kết luận rằng chỉ thổi không thể làm tờ giấy chuyển động bởi vì luồng khí người thổi ra quá ít, không đến được chỗ xa như vậy được.

Lúc này, thầy gọi một bạn nhỏ nhất trong lớp, để anh ta thổi. Khi thổi không cần dùng quá nhiều lực nhưng phải nhắm thật chuẩn vào tờ giấy, thổi liên tục không ngừng. Tất cả chúng tôi đều cho rằng anh bạn nhỏ này không thể làm được, nhưng thực tế lại trái ngược, sau khi anh bạn này thổi được mười hơi, như có một cơn gió, tờ giấy đã động đậy. Mọi người đều cảm thấy không thể tin được, dùng nhiều sức thổi thì không động đậy, vậy tại sao anh bạn nhỏ này thổi nhẹ nhàng thế lại có thể?

Thầy nói: “ Mặc dù anh bạn nhỏ mỗi lần thổi lượng khí không được nhiều, nhưng hướng thổi luôn nhất quán, chỉ hơn mười hơi có thể tiến thẳng tới mục tiêu, không tin các em thử xem”. Mọi người đều kiểm nghiệm lại lời thầy nói, quả nhiên có thể thổi bay tờ giấy được rồi

Không ngừng nỗ lực tiến lên phía trước

Có câu ngạn ngữ: “ Chưa học bò đừng lo học chạy”

Trong cuộc sống có rất nhiều thứ không phải chỉ cần một hơi là trở nên tài giỏi, điều quan trọng và cần thiết ở đây là hướng đi không đổi, nỗ lực không ngừng. Chỉ có như vậy, mỗi khi đánh đổi đều sẽ là thành công của bạn sau này. Đừng lo lắng nếu sức lực không đủ, cũng đừng lo về con đường vẫn còn xa, chỉ cần mục tiêu kiên định thì mọi vấn đề đều có thể giải quyết. Học đông y chính là như vậy!

Lời nhắc: Có câu danh ngôn: “Nguời thành công, mục tiêu không đổi, phương pháp luôn thay đổi, kẻ thất bại, phương pháp cố định, mục tiêu luôn thay đổi”

Học đông y, chỉ cần có mục tiêu kiên định, nỗ lực kiên trì bền bỉ, bất luận đường đi có khó khăn, gập ghềnh, rồi sẽ có ngày thành công. Ngoài ra, có điều cần ghi nhớ, không phải cứ người thông minh học đông y thì sẽ trở thành một bác sĩ đông y tốt. Chỉ có những người cẩn thận, tỉ mỉ, có y đức, không ngừng cố gắng mới có thể thành người bác sĩ giỏi. 

Trích: ”医间道: 十站旅行带你进入中医殿堂”

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *