Những điều cần biết về bệnh NẤM DA

Nấm da là một loại bệnh da liễu do nhiều chủng nấm khác nhau gây nên. Bệnh có thể xảy ra ở mọi vị trí, mọi lứa tuổi và giới tính. Với bệnh cảnh lâm sàng phong phú, nấm da gây ngứa ngáy, khó chịu và đặc biệt gây mất thẩm mỹ cho người mang bệnh. Việc điều trị trở nên khó khăn do nấm rất dễ lây lan sang các vùng da khác. Do đó, người bệnh cần nắm rõ triệu chứng bệnh để điều trị kịp thời.

Triệu chứng bệnh nấm da

Bệnh do vi nấm dermatophytes gây nên, những sợi nấm liên kết với nhau tạo thành búi nấm, khi những búi nấm này già hoặc chết đi sẽ hình thành bào tử. Trong quá trình sống sợi nấm sẽ tiết ra độc tố kích thích giải phóng các histamin gây ngứa. Chính vì thế, ngứa là triệu chứng đầu tiên. Càng ngãi, bệnh nhân càng ngứa và lây lan sang các vùng da khác, dẫn tới nguy cơ nhiễm trùng da, mưng mủ, lở loét.

Ở mỗi vị trí, các triệu chứng do nấm gây nên lại có đặc điểm riêng. Một số loại nấm thường gặp là:

  • Nấm lang ben: Thường gặp ở độ tuổi dậy thì, biểu hiện trên da là những vết, chấm, mảng loang lổ màu trắng nhạt giống bột phấn hoặc hơi hồng, trên mặt da có vảy cám gây ngứa ngáy khi ra nắng hoặc ra mồ hôi.
  • Nấm tóc: gồm có nấm tóc do piedra hortai gây nên biểu hiện là trên mỗi sợi tóc có nhiều hạt màu đen bám vào làm cho sợi tóc dễ đứt và nấm tóc do trichophyton gây ra biểu hiện tổn thương trên da đầu, da đầu có nhiều vết tròn nhỏ, kích thước bé từ 3-5mm có vảy mỏng và hay bị ngứa.
  • Nấm hắc lào: biểu hiện vùng da lúc đầu có những đám đỏ hình tròn như đồng xu đường kính 1-2cm sau lan to ra thành những mảng lớn như lòng bàn tay hoặc to hơn nữa. Biểu hiện nặng hơn là đám da đỏ có bờ viền ranh giới rõ, bờ gồ cao trên mặt da và có mụn nước nhỏ li ti, giữa đám tổn thương có xu hướng lành, hơi bong vảy da, gây ra cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Ngoài ra nấm hắc lào có thể phát triển thành thể lâm sàng do da nhiễm khuẩn hoặc viêm da khi đó trên vùng da bị nấm xuất hiện mụn mủ, chảy dịch, phù nề, bề mặt tổn thương thẫm màu.
  • Nấm bẹn: xuất hiện đối xứng ở vùng bẹn 2 bên, đám tổn thương có dạng đồng tiền, có viền bờ, ranh giới rõ, trên viền có mụn nước, giữa tổn thương có xu hướng lành, bề mặt bong vảy nhẹ gây ngứa nhiều.
  • Nấm móng: móng bị lỗ rỗ rồi dày lên và mụn mủ trắng hoặc vàng, móng có thẻ bị teo, biến dạng móng.
  • Nấm kẽ chân: thường xảy ra vào mùa hè mưa nhiều, lội nước nhiều. Biểu hiện là các kẽ ngón chân 3,4 bong xước da có màu hơi vàng, chảy dịch, có thể có mụn nước ở kẽ chân dễ lây sang các kẽ ngón khác, mu bàn chân. Trường hợp bội nhiễm sẽ có mụn mủ, vảy da, vảy tiết, bàn chân sưng nề, có thể sốt hoặc nổi hạch bẹn. Nấm kẽ chân gây ngứa ngáy khó chịu.
  • Nấm vảy rồng: đám da tổn thương có hình tròn đồng tâm,  xuất hiện nhiều vảy mỏng như vỏ khoai tây, một bờ bám vào da, xếp lên nhau như ngói lợp gây ngứa nhiều, dễ mất ngủ.
Một số loại nấm thường gặp

Nguyên nhân gây bệnh nấm da

Nước ta là nước nhiệt đới gió mùa, khí hậu nóng ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho vi nấm phát triển. Một số nguyên nhân trực tiếp gây nên bệnh nấm da như sau:

  • Nhiễm nấm từ người mang mầm bệnh: bằng việc sử dụng chung vật dụng cá nhân như quần áo, khăn tắm, lược, chăn, màn, gối đầu…
  • Lây từ động vật sang người: các loài động vật như chó, mèo,bò, dê, lợn…là nguồn mang mầm bệnh, khi tiếp xúc trực tiếp có nguy cơ lây nhiễm nấm.
  • Tiếp xúc với nguồn nước, đất bẩn: một số trường hợp có thể bị nhiễm nấm do tiếp xúc với đất bẩn, nguồn đất, nguồn nước nhiễm nấm. 
  • Thói quen buộc tóc hoặc đi ngủ khi tóc ướt, không lau khô cơ thể sau khi tắm hoặc không tắm giặt sạch sẽ sau khi lao động, hoạt động thể lực cũng là nguyên nhân gây nhiễm nấm. 

Điều trị

Nguyên tắc điều trị

  • Phát hiện sớm, điều trị kịp thời để tránh lây lan trong đơn vị rồi mới điều trị.
  • Điều trị phải bôi đúng phác đồ, đủ thời gian, liên tục.
  • Điều trị nấm da 3 – 4 tuần, nấm móng 3 – 6 tháng.
  • Tránh cạo da trước khi bôi thuốc, nếu không dẫn đến dị ứng và nhiễm khuẩn phụ.
  • Khi nấm lây truyền trong tập thể thì phải điều trị hàng loạt, điều trị đột kích.
  • Bôi thuốc đúng nồng dộ thích hợp.
  • Kết hợp giặt luộc quần áo phơi nắng, lộn trái khi phơi.

Tây y

  • Thuốc điều trị nấm da phổ biến nhất là nhóm azole (miconazole, ketoconazole hoặc clotrimazole) ở cả dạng uống hoặc kem bôi. Hoặc nhóm Allylamine (terbinafine hoặc naftifine).
  • Với các loại thuốc bôi, bệnh nhân cần làm sạch da trước khi bôi thuốc để thuốc tiếp xúc với mô tổn thương dễ dàng hơn. Khi bôi nên xoa đều bề mặt da để thuốc ngấm nhanh.
  • Trong trường hợp nấm móng, nấm tóc nên cắt gọn gàng vùng bị bệnh. Tránh cạo da trước khi bôi thuốc. Không nên bôi kéo dài ở cùng một vị trí, nếu dùng thuốc không thấy dấu hiệu khả quan nên dùng lại và đi khám bác sĩ chuyên khoa.
  • Trong trường hợp bệnh nặng, không đáp ứng với thuốc không kê đơn như trên có thể được bác sĩ kê đơn mạnh hơn dạng bôi tại chỗ như econazole, oxiconazole. Hoặc thuốc uống toàn thân như itraconazole, fluconazole hoặc terbinafine.
  • Với các loại thuốc uống: Đây là loại thuốc có tác dụng toàn thân, người bệnh không nên tự ý mua thuốc, đặc biệt là phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch và trẻ em.
  • Các loại thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như dị ứng, kích ứng, nổi ban đỏ hoặc buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tổn thương gan.

Đông y

Ngoài ra nấm da còn có thể điều trị bằng đông y. Các phương pháp điều trị bằng đông y có hiệu quả và an toàn mặc dù thời gian tác dụng lâu nhưng cực kỳ lành tính, không có tác dụng phụ. Không chỉ vậy, các nguyên liệu đều lấy từ thiên nhiên nên giá thành cũng thấp hơn .Một số phương pháp thường dùng là:

  • Trị nấm da tay bằng lá trầu không: Lá trầu có tính năng sát trùng, kháng khuẩn mạnh. Người bệnh chỉ cần đun nước lá trầu để ngâm rửa tay trong vòng 5 phút, sau đó lấy bã lá đắp trực tiếp lên vùng da tay bị nấm là được. 
Lá trầu không hỗ trợ điều trị nấm da
  • Trị nấm da tay bằng củ sả: Lấy 1 củ sả tươi rồi đập dập, đem đun sôi, chờ đến khi nước nguội bớt thì lấy nước này ngâm rửa tay. Các tinh chất kháng khuẩn, sát trùng có trong sả sẽ giúp trị nấm hiệu quả không thua kém bất kỳ loại thuốc kháng sinh nào, mà còn không gây ra tác dụng phụ.

Cách phòng tránh bệnh nấm da

Nguyên tắc trị nấm da cũng như đa phần các bệnh da liễu khác là điều trị đi kèm phòng tránh mới có thể đạt hiệu quả cao và tránh tái phát. Vì thế người bị nấm da nên chú ý:

  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ bằng cách tắm rửa hàng ngày đặc biệt là sau khi tập thể thao và ra mồ hôi nhiều.
  • Giữ da khô ráo, thấm khô sau khi tắm. Có thể dùng phấn rôm để chống ẩm.
  • Chọn đồ lót, trang phục thoáng mát, chất liệu dễ thấm hút mồ hôi và thay ít nhất 1 lần.
  • Thường xuyên giặt sạch quần áo, phơi khô.
  • Không cào gãi làm xây xước, tổn thương da.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh nấm da . Để điều trị nhanh chóng, triệt để, không tái phát thì khi phát hiện các triệu chứng bị bệnh, người bệnh cần sớm đi gặp bác sĩ để được thăm khám tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị bệnh thích hợp.

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *