VIÊM DA Ở TRẺ SƠ SINH VÀ TRẺ NHỎ

Trẻ sơ sinh mọc mụn đầu trắng, mụn li ti, mụn nước hay mụn đỏ không hiếm gặp. Cha mẹ cần hết sức lưu ý khi trẻ sơ sinh mọc mụn để biết cách chăm sóc cho trẻ cũng như kịp thời đưa con đi khám khi cần thiết. Các loại mụn có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh, đôi khi có thể là dấu hiệu của bệnh lý. Cha mẹ nên hết sức cảnh giác và theo dõi tình hình để kịp thời đưa con đi khám với bác sĩ Da liễu khi cần thiết.

Một số dạng mụn ở trẻ sơ sinh là mụn lành tính, tự khỏi sau một thời gian mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cha mẹ cần hết sức cảnh giác khi trẻ mọc mụn. Hôm nay Bs Đoàn Dung – Bác sỹ khám bệnh tại Phòng khám Đông y Tuệ Y Đường sẽ cùng các bạn tìm hiểu vấn đề này nhé.

1. Mụn sữa ở trẻ sơ sinh

Hầu hết các cha mẹ đều lo lắng khi thấy bé của mình nổi các nốt mụn li ti. Câu hỏi các bà mẹ thường thắc mắc là đó có phải là tình trạng đáng báo động cho bệnh lý nhiễm trùng da hay không. Tuy nhiên, sự thật bất ngờ đó là các trẻ sơ sinh  cũng có thể bị mụn trứng cá

Mụn sữa ở trẻ sơ sinh thường ở dạng mụn đầu trắng trên trán, mũi và má là chủ yếu, các vị trí khác có thể có với tỉ lệ thấp. Trẻ cũng có thể có dạng mụn đầu đen, mụn viêm và mụn mủ tương tự như trứng cá dậy thì.

Không ít cha mẹ do áp lực từ 2 phía gia đình, ông bà nội ngoại đã thoa “thần dược” dạng kem bôi mà không biết trong kem đó có chứa corticoid là rất nguy hiểm. Thậm chí, việc sử dụng các loại lá vò nát hoặc nấu lên để tắm cho bé cũng không cần thiết. Một số trường hợp nếu sau đó vệ sinh không đúng có thể khiến da trẻ bị nhiễm trùng hoặc bé có thể bị dị ứng với một số loại lá, quả…

Những trường hợp này, trẻ chỉ cần được chăm sóc da đúng cách, sử dụng đúng loại sữa tắm cho bé mà không cần điều trị. Các thương tổn sẽ tự khỏi trong vòng bốn tháng mà không để lại sẹo. Tuy nhiên nếu trường hợp có tổn thương viêm lan rộng và kéo dài sau 4 tháng, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ da liễu để xem lại và cho dùng thêm thuốc bôi hỗ trợ.

Mụn sữa ở trẻ
Mụn sữa ở trẻ

2. Nổi mề đay ở trẻ

Trẻ có thể bị nổi mề đay từ rất sớm. Biểu hiện ban đầu của bệnh là những vết phát ban và mụn nhỏ như muỗi đốt, gây ngứa ngáy.

Trẻ bị nổi mề đay rất dễ nhận biết nhưng lại khó tìm ra nguyên nhân chính xác. Mề đay có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất vẫn là trẻ em. Vì vậy cha mẹ nên hết sức lưu ý.

Khi nghi ngờ trẻ mắc mề đay, cha mẹ cần:

  • Cho trẻ ngưng sử dụng thực phẩm, thuốc có khả năng gây dị ứng
  • Không để trẻ gãi, chà sát mạnh lên da
  • Tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp
  • Hạn chế trẻ vận động, ra mồ hôi nhiều
  • Cho bé mặc quần áo mỏng nhẹ, mát, rộng rãi, không cọ sát nhiều vào da
Nổi mề đay ở trẻ
Nổi mề đay ở trẻ

3. Viêm da thể tạng

Viêm da thể tạng có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh từ 3-6 tháng tuổi. Viêm da thể tạng (còn gọi là chàm thể tạng) là bệnh về da mãn tính thường gặp ở trẻ em.

Triệu chứng của viêm da thể tạng có thể thay đổi tùy theo cá thể và độ tuổi của bệnh nhân.

Ở trẻ sơ sinh, viêm da thể tạng có thể nhận biết thông qua một số dấu hiệu như xuất hiện các mảng sần đỏ, sau đó hình thành các nốt mụn li ti như bóng nước gây ngứa ngáy, khô da. Sau khi rỉ nước, mụn sẽ kết thành vảy.

Tuy không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe tổng thể nhưng viêm da thể tạng có thể gây ra nhiều tổn thương về da, đồng thời khiến trẻ khó chịu, quấy khóc và có thể để lại hậu quả ảnh hưởng đến thẩm mỹ sau này.

Tham khảo thêm: Viêm da quanh miệng – Triệu chứng nguyên nhân và cách điều trị

4. Rôm sảy ở trẻ sơ sinh

Thời tiết nóng bức, bụi bẩn từ môi trường bên ngoài hoặc do được mặc quần áo quá ấm khiến trẻ nhỏ tiết nhiều mồ hôi, trong khi các tuyến mồ hôi ở trẻ chưa hoàn thiện khiến mồ hôi bị ứ đọng lại gây ra những vết sẩn đỏ trên da.

Rôm sảy là hiện tượng viêm da khi tuyến mồ hôi bị bít kín, mồ hôi không thoát ra được. Các hạt rôm sảy nhỏ, màu hồng, hơi cứng, thường nổi ở vùng da đổ mồ hôi nhiều như trán, lưng, cổ, ngực.

Nguyên nhân có thể do da bị trầy xước, trời nóng mùa hè hoặc vào mùa đông khi trẻ nóng sốt, mặc quần áo chật.

Về điều trị, đối với các thể rôm nhẹ cha mẹ có thể tự xử lý theo các hướng sau:

– Giữ da thông thoáng: Không nên quấn kín quá cho bé khi thời tiết ấm áp. Nên dùng quần áo, tã lót bằng loại vải sợi, rộng thoáng, thấm mồ hôi, không dùng các loại sợi tổng hợp, bí mồ hôi. Nếu cơ thể không bị nóng, hạn chế tiết mồ hôi thì rôm sảy có thể mất đi nhanh chóng.

– Vệ sinh da thường xuyên: Tắm thường xuyên cho trẻ giúp cho da sạch sẽ, các lỗ chân lông không bị bịt kín.

Có thể dùng các loại sữa tắm chuyên dụng cho em bé hoặc dùng nước thuốc tím pha loãng. Có một số loại lá, quả dùng tắm rất tốt như mướp đắng, rau má, sài đất… Tuy nhiên nếu muốn tắm lá nên tham khảo ý kiến của người có ý kiến chuyên môn để tránh dị ứng.

– Thoa phấn rôm cũng làm cho da được khô, chống viêm và thoáng mát. Tuy nhiên, nên xoa ngay sau khi tắm, không xoa khi mồ hôi nhiều vì như vậy sẽ làm bịt lỗ chân lông lại.

Đối với trường hợp đã có viêm nhiễm, bé sẽ cần dùng các thuốc kháng viêm, kháng khuẩn đặc hiệu. Trường hợp này cha mẹ cần đưa bé đến khám và tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc chuyên khoa da liễu.

5. Eczema (chàm)

Chàm Eczema là một trong những bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ sơ sinh, được biểu hiện bằng vùng da khô và ửng đỏ, dần dần trở nên sần sùi và ngứa, bong tróc da. Những vết chàm eczema thường xuất hiện trên mặt, khuỷu tay và chân của bé sơ sinh.

Nguyên nhân gây bệnh có thể là do:

  • Da bé khô, yếu;
  • Tiếp xúc với chất gây dị ứng như: Lông thú nuôi, bụi, vải, khói thuốc lá, nước hoa, chất giặt tẩy…
  • Vi khuẩn.

Để điều trị Eczema, mẹ cần tắm rửa vệ sinh hàng ngày cho trẻ sơ sinh, nhưng không dùng các loại xà phòng gây kích ứng da.

Lau khô người sau khi tắm để đảm bảo da bé sạch và khô ráo. Hàng ngày bôi kem cấp ẩm, làm mềm da khắp cơ thể bé, kết hợp với các loại thuốc chống viêm tại vết chàm.

>>>>> Mời bạn đọc tham khảo thêm bài viết: Các vị thuốc được ví như kháng sinh trong đông y

6. Viêm da tiết bã

Viêm da tiết bã cũng nằm trong danh sách các bệnh về da thường gặp ở trẻ sơ sinh từ 0 – 3 tháng tuổi, chiếm khoảng 10% trường hợp. Bệnh không lây nhiễm, cũng không phải là do mẹ chăm sóc và vệ sinh trẻ không tốt.

Thông thường, bệnh sẽ tự khỏi sau thời gian ngắn, tuy nhiên một số trường hợp viêm da tiết bã có thể kéo dài tới khi trẻ 1 – 4 tuổi.

Bệnh thường xuất hiện ở da đầu và những vùng nhiều chất nhờn như sau tai, dưới lông mày, hoặc ở mũi, nách, háng.

Những vảy nhờn có màu vàng hoặc trắng, những mảng tróc như gàu, dạng khô hoặc nhờn, nhưng không gây ngứa và khó chịu. Dân gian thường gọi đây là “cứt trâu”

Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh có thể là do nấm Malassezia hoặc hormone làm tăng tiết chất nhờn ở nang lông. Ở trẻ bị viêm da tiết bã, cần được gội đầu thường xuyên bằng dầu gội dành cho bé sơ sinh.

Mẹ nên dùng tay xoa nhẹ lên da đầu hoặc dùng bàn chải mềm chải da đầu để vảy tróc dần dần. Không nên chà xát mạnh hoặc dùng dầu gội trị gàu người lớn để tránh tổn thương da của bé.

Viêm da tiết bã ở trẻ
Viêm da tiết bã ở trẻ

7. Chốc

Chốc da là bệnh về da rất thường gặp ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Nguyên nhân: do vi khuẩn tụ cầu hoặc liên cầu. Biểu hiện là những bóng nước, nhanh chóng hóa đục rồi vỡ ra, tạo thành loét mài màu mật ong. Chốc phải điều trị bằng kháng sinh.

Bệnh có thể có biến chứng viêm cầu thận cấp. Cách phòng bệnh đơn giản nhất là giữ da trẻ sạch sẽ, tắm rữa thường xuyên, khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên. Theo lời khuyên của BS: trẻ bị chốc, nên đi khám bác sĩ để điều trị thích hợp, không tự ý mua thuốc.

8.Mụn nhọt

 Mụn nhọt cũng là một bệnh về da có nguyên nhân từ vi khuẩn tụ cầu. Biểu hiện ban đầu là đỏ sưng rồi nóng gây đau nhức, dần dần mềm vỡ ra chảy mủ và thành sẹo. Mụn nhọt có thể mọc ở nhiều nơi trên cơ thể, đau nhức khiến trẻ quấy khóc, giảm mức độ ăn ngủ.

Để tránh nổi mụn nhọt; nên hạn chế cho trẻ dùng các thức ăn ngọt, những đồ ăn có tính nóng và sinh nhiệt. Vào những ngày nắng nóng, tránh để trẻ chạy nhảy ngoài trời và phải ăn mặc thoáng mát. Nếu bị nhọt nên khám bác sĩ để điều trị thích hợp, tránh tự ý lễ nhọt hoặc tự bôi thuốc.

Bạn đọc có băn khoăn hay thắc mắc gì thì có thể liên hệ TẠI ĐÂY để được hỗ trợ nhé!

 9.Cảnh giác khi trẻ sơ sinh bị mụn

Nếu như mụn ở trẻ sơ sinh chỉ là mụn sữa thì không đáng lo ngại. Mụn có thể tự hết sau một khoảng thời gian mà không cần điều trị, cũng không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp mụn đầu đen, mụn sưng viêm, mụn đỏ gây ngứa ngáy hoặc mụn nước li ti, cha mẹ nên hết sức cẩn thận. Trường hợp đó, mụn là biểu hiện của các bênh lý như rôm sảy, mề đay, chốc lở, viêm da,…

Cha mẹ cần chú ý theo dõi và chăm sóc đúng cách cho con. Nếu tình trạng mụn bất thường ở trẻ sơ sinh không cải thiện, cha mẹ cần sớm cho con thăm khám với các bác sĩ Da liễu để bệnh sớm được điều trị.

Đặc biệt, cha mẹ không nên tự ý mua thuốc và cho con sử dụng không qua tham khảo và chỉ định của bác sĩ.

 10. Chăm sóc trẻ bị mụn đúng cách

Khi trẻ sơ sinh bị mụn trứng cá hoặc một số loại mụn khác, cha mẹ cần lưu ý chăm sóc đúng cách để giảm bớt tình trạng mụn cũng như tránh để mụn lan sang các vùng da khác.

  • Không dùng thuốc trị mụn mà không có chỉ định của bác sĩ
  • Không gãi, cọ sát mạnh lên vùng da bị mụn
  • Không tự ý cho trẻ sử dụng các loại kem bôi, lotion dưỡng da cũng như thoa nước bọt hay nước muối sinh lý lên vùng mụn của trẻ sơ sinh
  • Rửa mặt, tắm rửa sạch sẽ cho trẻ sơ sinh bằng nước sạch hoặc xà bông dịu nhẹ, không gây kích ứng chuyên dùng cho trẻ sơ sinh. Sau đó, dùng khăn sạch lau nhẹ nhàng
  • Thăm khám với bác sĩ Da liễu nếu như tình trạng mụn không cải thiện hoặc có xu hướng tiến triển nặng hơn

 

Cảm ơn các bạn đã đón đọc. Bài viết được tổng hợp bởi bác sĩ Đoàn Dung

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *