UNICEF dẫn đầu trong việc thu mua và cung ứng vắcxin COVID-19

Dự kiến, các đợt phân bổ vắcxin đầu tiên sẽ được mở rộng để các quốc gia thực hiện tiêm chủng cho nhân viên y tế và nhân viên công tác xã hội, sau đó sẽ là các đợt vắcxin dành cho các đối tượng khác.

UNICEF sẽ hợp tác với các nhà sản xuất và đối tác nhằm thu mua vắcxin cũng như tổ chức hoạt động vận chuyển, hậu cần và lưu trữ vắcxin COVID-19.

Theo thông tin từ UNICEF Việt Nam, UNICEF hiện dẫn đầu các nỗ lực nhằm thu mua và cung ứng vắcxin COVID-19. Đây có thể là hoạt động thu mua và cung ứng vắcxin có quy mô lớn nhất và diễn ra nhanh nhất thế giới từ trước tới nay.

Hoạt động này nằm trong kế hoạch vắcxin toàn cầu của Cơ chế Tiếp cận Toàn cầu Vắc-xin COVID-19 (Cơ chế COVAX) do Gavi – Liên minh Toàn cầu về Vắc-xin và Tiêm chủng nắm vai trò lãnh đạo.

Trong bối cảnh nhiều thử nghiệm vắcxin có triển vọng, thay mặt Cơ chế COVAX, UNICEF phối hợp cùng Quỹ quay vòng thuộc Tổ chức Y tế Liên Châu Mỹ (PAHO) sẽ chỉ đạo công tác thu mua và cung ứng các liều vắcxin COVID-19 cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp.

Những quốc gia này sẽ nhận được các cơ chế hỗ trợ trong việc mua vắcxin thông qua Cam kết Gavi COVAX AMC cũng như kho dự trữ vắcxin dự phòng cho các trường hợp nhân đạo khẩn cấp.

Ngoài ra, UNICEF còn đóng vai trò điều phối hoạt động thu mua nhằm hỗ trợ 80 quốc gia có thu nhập cao hơn. Các quốc gia này đã bày tỏ ý định tham gia vào Cơ chế COVAX và sẽ tự chi trả cho vắcxin bằng nguồn ngân sách tài chính công của mình.

UNICEF sẽ triển khai những hoạt động này với sự hợp tác chặt chẽ cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Gavi, Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), PAHO, Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Bill & Melinda Gates và nhiều đối tác khác. Cơ chế COVAX được mở rộng với mọi quốc gia nhằm đảm bảo tất cả các nước đều được tiếp cận với vắcxin COVID-19 trong tương lai khi vắcxin được phát triển thành công.

Bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF cho biết: “Đây là hoạt động hợp tác chung tay giữa các chính phủ, các nhà sản xuất, và các đối tác đa phương nhằm tiếp tục cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 vốn còn nhiều rủi ro. Trong nỗ lực chung nhằm phát triển vắcxin, UNICEF đang tận dụng những lợi thế riêng biệt trong cung ứng vắcxin để đảm bảo mọi quốc gia đều được tiếp cận với những liều vắc-xin đầu tiên một cách an toàn, nhanh chóng, và công bằng sau khi vắcxin được sản xuất.”

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện của UNICEF tại Việt Nam cho biết Việt Nam đã bày tỏ mong muốn tham gia Cơ chế COVAX và đã được chấp thuận là quốc gia có thể tham gia Cam kết COVAX AMC. UNICEF cùng với WHO và các đối tác phát triển khác sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác chuẩn bị quan trọng này, từ việc kiểm kê dây chuyền lạnh cho đến kế hoạch vận chuyển để chuẩn bị sẵn sàng vắc-xin cho người dân.

UNICEF là đơn vị thu mua vắcxin đơn lẻ lớn nhất trên thế giới, với hơn 2 tỷ liều vắcxin mỗi năm phục vụ cho hoạt động tiêm chủng thường xuyên và ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh thay mặt cho gần 100 quốc gia. UNICEF cũng là đối tác thu mua cung ứng vắcxin chính cho Gavi – Liên minh Toàn cầu về Vắc-xin và Tiêm chủng.

Trong vòng 20 năm qua, Gavi đã giúp hơn 760 triệu trẻ em được tiếp cận với vắcxin và ngăn chặn được hơn 13 triệu trường hợp tử vong. UNICEF sẽ tận dụng chuyên môn về thu mua và định hình thị trường để điều phối hoạt động thu mua và cung ứng vắcxin COVID-19 cho Cơ chế COVAX.

Để đáp lại thư bày tỏ nguyện vọng mà UNICEF thay mặt Cơ chế COVAX công bố vào hồi tháng 6, có 28 nhà sản xuất với cơ sở sản xuất tại 10 quốc gia đã chia sẻ kế hoạch sản xuất vắcxin COVID-19 thường niên từ nay cho đến hết năm 2023.

Theo các mốc thời gian mà nhà sản xuất đưa ra, khoảng thời gian từ lúc phát triển cho tới khi sản xuất vắcxin thành công có thể sẽ trở thành bước nhảy vọt lớn nhất trong lịch sử ngành khoa học và sản xuất.

Một đánh giá thị trường của UNICEF được xây dựng dựa trên việc tổng hợp thông tin do các nhà sản xuất vắcxin cung cấp cũng như dữ liệu công khai có sẵn cho thấy các nhà sản xuất sẵn sàng chung sức để sản xuất ra một số lượng vắcxin lớn chưa từng có trong vòng một đến hai năm tới đây. Tuy nhiên, các nhà sản xuất cũng chỉ ra rằng việc đầu tư để hỗ trợ sản xuất các liều vắcxin với quy mô lớn như vậy sẽ phụ thuộc vào việc thử nghiệm lâm sàng thành công, đạt được các thỏa thuận mua trước, xác nhận được nguồn tài trợ, đơn giản hóa quy trình đăng ký và thủ tục pháp lý, cùng nhiều yếu tố khác.

Dự kiến, các đợt phân bổ vắcxin đầu tiên sẽ được mở rộng để các quốc gia thực hiện tiêm chủng cho nhân viên y tế và nhân viên công tác xã hội, sau đó sẽ là các đợt vắcxin dành cho những nhóm dân số có nguy cơ cao mắc COVID-19./.

PV (Vietnam+)

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *