Dày sừng nang lông là một bệnh lý ngoài da thường gặp, có đặc điểm là dày sừng ở phễu và miệng nang lông. Bênh không gây nguy hiểm nhưng để lại cảm giác thô ráp , sần sùi, mất thẩm mỹ, khó chịu cho người bệnh. Do đó tìm hiểu một số thông tin về bệnh là cách tốt nhất để điều trị và phòng bệnh.
Dày sừng nang lông là gì?
Dày sừng nang lông là tình trạng dày sừng ở phễu và miệng nang lông, hình thành các sẩn nhô lên khỏi mặt da, tạo cảm giác thô ráp, xù xì khi sờ. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi chiếm tỷ lệ 50-80% ở thanh thiếu niên, 40% ở người lớn. Bệnh thường khởi phát trong 10 năm đầu đời và có thể nặng lên ở tuổi dậy thì rồi có xu hướng cải thiện dần theo tuổi.
Biều hiện của dày sừng nang lông
- Tổn thương cơ bản là các sẩn màu da hoặc màu đỏ, tập trung thành từng đám, kích thước sẩn từ 1-2 mm, đôi khi có tăng sắc tố Phòng Khám nang lông tạo nên hình ảnh da sần sùi, thô ráp giống như da gà. Xung quanh tổn thương có thể thấy quầng đỏ do viêm. Cậy sẩn sừng có thể thấy cuộn lông nhỏ phía dưới do sợi lông không mọc được qua sẩn sừng.
- Phân bố: thường ở mặt duỗi các chi, thân mình, mặt, trường hợp nặng có thể lan tỏa toàn thân.
- Ngoài ra có thể gặp dày sừng nang lông đỏ với các dát đỏ quanh nang lông chiếm ưu thế. Vị trí điển hình ở má, trán và cổ.
Nguyên nhân
- Dày sừng nang lông là hệ quả của việc tích tụ Keratin bên ngoài bề mặt da và tạo thành các mảng da thô ráp, gập ghềnh. Hiện tại, vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác vì sao Keratin tích tụ. Tuy nhiên, các bác sĩ tin rằng, tình trạng này có thể liên quan đến di truyền hoặc các bệnh lý ngoài da khác bao gồm viêm da dị ứng, bệnh chàm, bệnh da vảy cá thông thường, vẩy phấn hồng…
- Một số nguyên nhân và bệnh lý có thể dẫn đến dày sừng nang lông bao gồm:
- Rối loạn tăng tiết sừng ở lớp biểu bì ngoài cùng của da.
- Nhiễm vi khuẩn, nhiễm nấm (đặc biệt là nhiễm nấm Candida).
- Các vấn đề về di truyền, dày sừng nang lông không lây nhưng có thể di truyền thông qua huyết thống gia đình.
- Bệnh chàm, vết chai da.
- Rối loạn da di truyền hoặc chứng tăng sừng biểu bì sau khi sinh con.
- Mụn cóc hoặc các tổn thương khác trên da mà không được chăm sóc hợp lý.
- Vệ sinh da không sạch sẽ khiến lớp sừng, bụi bẩn tích tụ, lâu ngày có thể gây dày sừng nang lông.
Ngoài ra, làn da khô, sinh sống trong môi không khí lạnh cũng được xem là một yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng dày sừng nang lông.
Điều trị
Y học hiện đại
- Tẩy tế chết tại chỗ bằng các sản phẩm có chứa Axit Alpha – Hydroxy, Axit Lactic, Axit Salicyclic hoặc Urê. Các sản phẩm này có thể tẩy da chết một cách nhẹ nhàng, an toàn và không gây kích ứng da. Tuy nhiên, các loại axit này không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ nhỏ.
- Retinoids tại chỗ có thể ngăn ngừa việc sản sinh Keratin, hạn chế tình trạng bong tróc hoặc gây đỏ da. Các loại phổ biến bao gồm: Atralin, Avita, Renova, Retin-A, Avage hoặc Tazorac. Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú có thể nên tránh sử dụng Retinoids tại chỗ.
- Điều trị bằng laser thường được chỉ định cho các trường hợp nặng khiến da bị viêm sưng và đỏ tấy. Tuy nhiên, việc áp dụng các tia laser trực tiếp lên da có thể dẫn đến nhiều nguy cơ bao gồm tổn thương da vĩnh viễn hoặc ung thư da.
Y học cổ truyền
- Dùng các vị thuốc có tính thanh nhiệt giải độc, tiêu sừng như bồ công anh, hoàng liên,…
- Kết hợp với các loại thuốc ngâm, thuốc bôi đặc trị.
Phòng bệnh
- Không tắm nước quá nóng, tốt nhất là dùng nước ấm hoặc nước mát khi tắm. Bên cạnh đó, người bệnh dày sừng nang lông cần hạn chế thời gian tắm, trong khoảng 10 – 15 phút để tránh làm mất lớp dầu tự nhiên của da.
- Tránh các loại xà phòng có tính tẩy rửa mạnh. Chọn có loại xà phòng dành cho da nhạy cảm hoặc có nguồn gốc từ thiên nhiên. Xem kỹ thành phần sản phẩm trước khi sử dụng.
- Không nên chà xát làn da quá mạnh, điều này có thể kích ứng da và làm các triệu chứng dày sừng nang lông thêm nghiêm trọng. Sau khi tắm, hãy lau khô người một cách nhẹ nhàng bằng khăn mềm.
- Dưỡng ẩm cho da bằng các sản phẩm có chứa Lanolin như Lansinoh, Medela hoặc dầu tự nhiên như Vaseline và Glysolid. Kem dưỡng ẩm phát huy công dụng tốt nhất khi được sử dụng trong vòng 3 phút sau khi tắm. Người bệnh có thể thoa kem dưỡng ẩm nhiều lần trong ngày.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong môi trường sống hoặc phòng ngủ. Độ ẩm thấp có thể làm khô da và khiến tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng.
- Mặc quần áo thoải mái, tránh các loại quần áo quá chật. Điều này có thể gây ma sát, trầy xước, tổn thương da.
Ngoài ra, người bệnh dày sừng nang lông nên thoa kem dưỡng ẩm hoặc che chắn cẩn thận khi đi ra ngoài. Không nên để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, điều này có thể làm kích ứng da. Nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng, hãy đến bệnh viện hoặc gặp bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.