Vảy nến là bệnh mạn tính, tiến triển từng đợt, dai dẳng suốt đời. Bệnh thường gặp ở Việt Nam và các nước trên thế giới. Tỷ lệ bệnh vảy nến chiếm khoảng 2 – 3% dân số tùy theo từng khu vực. Căn nguyên của bệnh vảy nến liên quan đến sự rối loạn miễn dịch và có yếu tố di truyền. Hình thái lâm sang của bệnh vảy nến đa dạng, ngoài thương tổn da còn có thương tổn niêm mạc, móng và khớp xương.
Nguyên nhân
- Yếu tố di truyền : Khoảng 30% bệnh nhân có yếu tố gia đình, người cùng một gia đình, 70% các cặp song sinh cùng mắc bệnh.
- Cơ chế miễn dịch: Theo nghiên cứu thì có sự thay đổi miễn dịch ở bệnh vảy nến. Các tế bào miễn dịch được hoạt hóa tiết các hoạt chất sinh học có tác dụng thúc đẩy tăng sinh, làm rối loạn quá trình biệt hóa tế bào sừng.
- Ngoài ra còn một số yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ mắc bệnh vảy nến như sau:
- Tuổi khởi phát bệnh gặp nhiều vào khoảng 20 – 40 tuổi.
- Giới nam và nữ có tỷ lệ ngang nhau.
- Tiền sử mắc các bệnh mạn tính, chấn thương, nhiễm khuẩn.
- Những stress gây suy sụp về thể chất và tinh thần.
- Sử dụng thuốc: đặc biệt là corticoid, các đông, nam dược không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần và chưa được đánh giá hiệu quả trong điều trị bệnh vảy nến.
- Rối loạn nội tiết, chuyển hóa, nghiện rượu…
Phân loại bệnh vảy nến
Triệu chứng và biểu hiện của bệnh đa dạng bao gồm:
– Vảy nến thể thông thường gồm vảy nến thể giọt, thể đồng tiền, thể mảng.
– Vảy nến thể đặc biệt: thể đảo ngược, thể ở lòng bàn chân-bàn tay, thể đỏ da toàn thân vảy nến, thể mủ, vảy nến móng-khớp, viêm đầu chi liên tục, vảy nến niêm mạc
Trong đó một số thể vảy nến thường gặp là:
- Vẩy nến thông thường: Gần 90% những người có bệnh vẩy nến ở dạng thể này. Bệnh có các triệu chứng như khô da, tổn thương đỏ, vùng tổn thương tăng lên dạng vẩy bạc có thể bong tróc.
- Vẩy nến mủ: Một hình thức nghiêm trọng của bệnh vẩy nến dẫn đến sự xuất hiện của mụn mủ trên da có thể làm chảy mủ và để lại các tổn thương màu đỏ..
- Vẩy nến móng: Triệu chứng bệnh vẩy nến móng là các đốm màu vàng bắt đầu xuất hiện rải rác trên móng tay và chân, trên nền móng màu trắng. Sau đó thường có sự tách biệt lớp sừng móng ra khỏi đầu ngón và các móng thường là giòn và phá vỡ dễ dàng.
- Vẩy nến khớp: Trong nhiều trường hợp, viêm khớp vẩy nến có thể xuất hiện nhiều năm trước khi có các triệu chứng trên da của bệnh vẩy nến khác. Các triệu chứng bệnh vẩy nến khớp bao gồm mệt mỏi, cứng khớp vào buổi sáng, đau khớp và sưng.
Điều trị bệnh vảy nến
Điều trị bệnh cần phải cân nhắc về tuổi, thể bệnh, vị trí thương tổn, diện tích da bị bệnh, các phương pháp và các thuốc đã sử dụng. Người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để chẩn đoán xác định bệnh, cho chỉ định điều trị ban đầu. Trường hợp thương tổn da chỉ chiếm <5% diện tích da cơ thể thì người bệnh có thể điều trị tại y tế cơ sở theo chỉ định ban đầu của bác sĩ chuyên khoa (diện tích da ở người trưởng thành khoảng 1,5-2m2). Các trường hợp khác cần được các bác sĩ chuyên khoa điều trị và theo dõi lâu dài.
Các thuốc bôi tại chỗ có thể dùng điều trị bệnh như: corticosteroid, anthralin, calcipotriol 0,005%(Daivonex và Daivobet), Tazaroten 0,05-0,1% hoặc Tacrolimus, Pimecrolimus. Thầy thuốc sẽ chỉ định cụ thể thuốc bôi và cách bôi cho từng trường hợp bệnh, tuỳ theo vị trí thương tổn và sự đáp ứng với các thuốc bôi. Có thể phối hợp các thuốc bôi khi điều trị hoặc thuốc bôi với các thuốc toàn thân. Các thuốc bong vảy da và làm mềm da rất quan trọng và cần phải bôi liên tục, duy trì lâu dài. Trường hợp người bệnh bị bệnh thể nặng, thương tổn nhiều thì phải phối hợp thuốc bôi tại chỗ với thuốc toàn thân.
Bệnh vảy nến do là bệnh ngoài da nên ảnh hưởng xấu đến tâm lý của người bệnh, khiến người bệnh tự ti trong giao tiếp và sinh hoạt. Đồng thời bệnh vảy nến nếu không được điều trị kịp thời có thể xảy ra biến chứng nguy hiểm. Do đó người bệnh cần đến các Phòng Khám khám chữa bệnh uy tín để phát hiện và điều trị kịp thời.
Phòng Khám đông y Tuệ Y Đường – Chúc bệnh nhân mau lành bệnh !