Cây kinh giới là loại rau gia vị quen thuộc, phổ biến trong bữa cơm hàng ngày của nhiều gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài làm gia vị, kinh giới còn là vị thuốc dân gian, có tác dụng chữa được nhiều loại bệnh rất hiệu quả. Phòng Khám đông y Tuệ Y Đường xin giới thiệu những bài thuốc hay từ cây kinh giới.
Thông tin về cây kinh giới
Cây kinh giới là loại cây còn được gọi với nhiều tên khác như thử minh, táu sinh đơn, bài hương thảo, trân la kinh, tịnh giới, giả tô, kinh giới tuệ,… Trong dân gian người ta cũng có thể gọi là kinh giới trồng hoặc kinh giới rìa.
Cây kinh giới có tên khoa học là Elsholtzia ciliata, thuộc họ cây Lamiaceae (Hoa môi). Nó vừa là một loại rau thơm, vừa là một vị thuốc được sử dụng rộng rãi trong đông y.
Đặc điểm cây kinh giới
Kinh giới là cây thuộc loài thân cỏ, mọc thẳng, cao trung bình 50 đến 80 cm. Cây có thân vuông, gốc hoặc nhánh mọc ra có màu hơi tía, lông mềm mỏng phủ quanh thân. Lá cây mọc song song nhau, lá phiến thuôn nhọn, xẻ sâu từ 5 đến 7 thùy.
Hoa kinh giới có kích thước khá nhỏ, mỗi hoa chỉ từ 1 đến 2 mm. Hoa thường có màu tím nhạt, mọc tập trung thành những chùm thẳng đứng.. Khi đậu quả có màu nâu, bóng hình bầu dục có kích thước nhỏ khoảng 1mm. Cây chứa tinh dầu có mùi thơm nồng, vị cay, đắng.
Khu vực phân bố
Cây kinh giới sinh trưởng chủ yếu ở những nơi đồi núi hiểm trở, bờ sông, trong rừng hoặc nơi nhiều ánh sáng. Loại cây này phân bố rộng rãi ở nhiều nước như Ấn Độ, Mông Cổ, Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á như Lào, Myanmar. Chúng cũng được du nhập đến châu Âu, Bắc Mỹ,… từ rất sớm và trở thành loại rau gia vị ưa thích của các nền ẩm thực này.. Tại Việt Nam, loại cây này có thể tìm thấy ở nhiều địa phương, phát triển rộng rãi, sinh trưởng tốt nên rất dễ trồng.
Thu hái, bảo quản
Thường thường, khi sử dụng với mục đích là thuốc, kinh giới sẽ được thu hái vào mùa thu lúc hoa còn màu xanh hơi ngà tím. Cây có thể thu được ngọn, cành mang lá, hoa. Nếu chỉ lấy hoa thì sẽ được gọi là kinh giới tuệ. Các bộ phận của kinh giới sau khi thu hái sẽ được phơi hoặc sấy khô để dùng dần. Ngoài ra cũng có thể sử dụng uống tươi sống nhưng sẽ cay nồng hơn.
Còn nếu chỉ lấy làm gia vị dùng kèm trong các món ăn thì người ta chỉ sử dụng phần lá và thân non của cây. Do đó cây kinh giới có thể được thu hái và sử dụng quanh năm.
Thành phần hóa học
Kinh giới có thành phần hóa học chính là tinh dầu thơm. Tinh dầu này chứa dồi dào các chất menthol racemic, d-menthol và một lượng nhỏ d-limonene. Những tinh chất đó có tác dụng làm giảm đau, tiêu viêm, gây tê lạnh. Bên cạnh đó, loại cây này cũng chứa chất xơ, vitamin C, protein, carbohydrate và một số khoáng chất như sắt, kali, magie, kẽm, photpho, canxi, natri,…
Hoa kinh giới là vị thuốc Kinh giới tuệ
Vị thuốc kinh giới
Kinh giới theo đông y là vị thuốc có tính ấm, vị cay, không độc. Quy vào kinh Phế và Can.
Tác dụng dược lý của cây kinh giới
Theo nghiên cứu của dược lý hiện đại, kinh giới là vị thuốc có khả năng điều hòa nhiệt độ. Nước kinh giới làm tăng tuần hoàn biểu bì, hạ nhiệt cho cơ thể. Nó cũng rút ngắn thời gian đông máu, giúp cầm máu nhanh các vết thương hở ngoài da. Rượu kinh giới và nước sắc của kinh giới cũng có tác dụng chống dị ứng, hạ nhiệt, an thần.
Còn theo y học cổ truyền, cây kinh giới có tác dụng trị phong hàn, cảm mạo, phong nhiệt và phong cấm khấu, dị ứng, mụn nhọt, mề đay. Bên cạnh đó, khi đem sao đen, nó được dùng để chữa băng huyết, rong huyết, thổ huyết và đại tiện, tiểu tiện ra máu.
Cách dùng và liều dùng
Các bộ phận ngọn, cành, lá, hoa kinh giới đầu có thể dùng làm thuốc khi còn tươi hoặc sau khi phơi khô. Với các trường hợp dùng làm thuốc chỉ huyết thì phải sao đen lên. Tùy theo loại bệnh, tính chất bệnh và đối tượng mà sử dụng vị thuốc này với liều lượng thích hợp.
Lưu ý sử dụng
Tuyệt đối không dùng chung rau kinh giới với thị lừa và các loại hải sản như thịt cua, cá, cá lóc,… Cũng không nên sử dụng loại lá này khi cơ thể có dấu hiệu nhiễm phong hàn thấp, ngoại cảm.
Bên cạnh đó, cần thận trọng sử dụng cây kinh giới với trường hợp người bệnh có thận yếu, đại tiện lỏng và thường ra mồ hôi nhiều. Đồng thời hoa cây kinh giới (kinh giới tuệ) có dược lý mạnh hơn các bộ phận khác nên trong các trường hợp vết thương đã chảy mủ hoặc trẻ em bị sởi thì không nên dùng.
Các bài thuốc hay từ cây kinh giới
Từ xa xưa, nhân dân ta đã biết đến kinh giới là vị thuốc có tính ấm, chứa nhiều tinh chất quý và tốt cho sức khỏe. Do vậy nên ông cha ta đã vận dụng kiến thức đông y và kinh nghiệm dân gian để tạo nên nhiều bài thuốc hay, hiệu nghiệm từ loại cây này.
Trị cảm mạo, phong hàn
Cảm mạo, phong hàn là bệnh dễ gặp phải khi thay đổi thời thời tiết, không khí trở lạnh. Nếu đau đầu, cơ thể lạnh, không đổ mồ hôi thì dùng 12g các loại kinh giới, tô điệp, phòng phong sắc uống.
Trong trường hợp cảm cúm, sốt, đau đầu và nhức mỏi thì sắc nước uống với kinh giới và thêm một số vị thuốc khác. Bao gồm 8gr mỗi vị khương hoạt, phòng phong, độc hoạt, sài hồ, chỉ xá, cát cánh, tiền hồ và phục linh. Cho thêm cam thảo, xuyên khung 4g để vị dễ uống.
Trừ kinh giật, phong tà
Cây kinh giới cũng có tác dụng trị ngoại cảm. Khi gặp phải phong ta gây co giật, cần lấy ngay kinh giới đem xao qua, tán nhỏ rồi đem hòa uống với rượu mùi hoặc nước tiểu trẻ nhỏ, mỗi lần dùng 8g.
Trị băng huyết, chân tay co rút, cấm khẩu
Vốn là vị thuốc có khả năng cầm máu rất tốt nên nếu sản phụ bị băng huyết sau sinh thì cần áp dụng bài thuốc này ngay. Lấy 12gr kinh giới, thêm câu đằng, mẫu đơn bì, thuyền thoái, thiên trúc hoàng mỗi loại đủ 12gr, kim ngân hoa và lục nhất tán đều lấy 40gr, 12gr bạc hà và 8gr toàn yết. Đem tất cả nghiền mịn, hoàn thành viên nhỏ 2g. Ngày dùng 3 lần, mỗi lần dùng từ 1 đến 2 viên. Thuốc này dùng được cả cho trường hợp co rút chân tay, cấm khẩu.
Trị chảy máu cam, thổ huyết, đại tiện, tiểu tiện ra máu
Khi bị chảy máu cam, bạn lấy 15g hoa kinh giới đem sao đen. Sau đó sắc đặc với 200ml nước sạch cho đến khi dung dịch cạn lại còn 100ml. Đem chia uống ngày 2 lần.
Nếu đi tiểu tiện ra máu, lấy hai vị thuốc kinh giới và sa nhân với tỉ lệ bằng nhau đem sao khô và tán nhỏ thành bột. Đem hòa uống với nước hồ nếp, mỗi lần dùng 9g, ngày dùng 3 lần.
Trong trường hợp đại tiện ra máu, dùng bột kinh giới hòa uống với 6g nước cháo gạo nếp. Sử dụng ngày 3 lần cho đến khi không còn xuất hiện tình trạng này nữa.
Trị sốt cao, co giật, chân tay co quắp
Ở trẻ nhỏ hoặc người già khi sốt cao có thể dẫn đến các hiện tượng như co giật, nghiến răng, chân tay co quắp. Bài thuốc để dùng cho trường hợp này là lấy một nắm kinh giới, nửa nắm lá bạc hà 100gr gạo lứt và thêm 80gr đậu hạt. Đem nấu kinh giới, bạc hà lấy nước rồi lọc bã và cho thêm gạo và đậu vào nấu thành cháo. Gần tắt bếp thì cho thêm dấm muối, dùng ngay khi nóng.
Trừ ứ, cầm máu
Đem vị thuốc kinh giới đốt thành tồn tính, nghiền nhỏ và hòa uống với nước. Mỗi lần dùng 8g, ngày dùng 2 đến 3 lần. Bài thuốc này dùng trong trường hợp bị thương ngoài da.
Chữa dị ứng
Lấy cây kinh giới tươi, tốt nhất là phần ngọn cây có mang hoa (còn gọi là kinh giới tuệ). Đem kinh giới sao đến nóng già, sau đó gói vào mảnh vải gạc hoặc lưới vó gai và chà xát lên chỗ ngứa. Tiến hành làm nhiều lần sẽ khiến chỗ ngứa giảm nhanh chóng.
Kinh giới được dùng để chữa dị ứng
Trị rôm sảy trẻ sơ sinh
Rôm sảy là tình trạng rất dễ xảy ra ở trẻ sơ sinh, gây mẩn ngứa và đau rát. Để trị và phòng loại bệnh này, các bà mẹ hãy lấy cả cây kinh giới tươi đem nấu thành nước uống và tắm mỗi ngày cho con.
Trị bệnh sởi và mụn nhọt mới phát
Cây kinh giới cũng là vị thuốc được sử dụng để điều trị sởi, mụn nhọt ở giai đoạn đầu. Dùng 8g kinh giới, 16g liên kiều, 16g kim ngân hoa, 20g bản lam căn, 20g lá thanh đại và 4g bạc hà sắc thành nước uống. Dùng đều đặn mỗi ngày cho đến khi hết bệnh..
Chữa viêm da
Để điều trị các bệnh ngoài da như viêm da thần kinh thể mạn, viêm lỗ chân lông,… bạn sắc nước uống với kinh giới và một vài vị thuốc khác. Liều lượng gồm 16gr kinh giới, kỳ tử, đỗ đen sao, cam thảo kê huyết đằng, hoa ngũ sắc, sa sâm mỗi loại 12gr; 8gr cương tằm và bỏ thêm 4gr thuyền thoái. Ngày dùng 1 thang như vậy cho đến khi khỏi bệnh.
Làm trắng da
Cây kinh giới chứa hàm lượng tinh dầu lớn có tác dụng trị các bệnh về da và kích thích ra mồ hôi giúp lỗ chân lông khô thoáng. Nhờ vậy mà mọi bụi bẩn trên da được làm sạch, khiến da dần trắng sáng và mịn màng hơn.
Phương pháp sử dụng cây kinh giới để làm trắng da là phối hợp thêm ngải cứu, tía tô mỗi loại lấy một lượng khoảng 100mg. Sau đó rửa sạch và đun sôi với 500ml nước, bỏ thêm muối biển. Khi tắt bếp thì vắt thêm 1/2 quả chanh tươi.
Làm sạch mặt rồi xông với nước lá vừa đun, xông trong vòng 20 đến 30 phút trước khi đi ngủ rồi chăm sóc da như bình thường. Tiến hành phương pháp này đều đặn mỗi ngày. Chỉ sau một tuần kiên trì, bạn sẽ thấy da sáng và hồng hào hơn, các nốt mụn trứng cá, mụn cám cũng dần xẹp xuống và chóng lành hơn.
Trên đây là một số thông tin về cây kinh giới và những bài thuốc trị bệnh công hiệu, dễ thực hiện. Hi vọng có thể giúp bạn đọc trong cuộc sống hàng ngày.
Phòng Khám đông y Tuệ Y Đường – Chúc bạn đọc luôn khỏe mạnh !