Q&A: GIẢI ĐÁP VỀ BỆNH CƠ XƯƠNG KHỚP

Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh lý về cơ xương khớp ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt là các bệnh lý về cột sống. Ngoài nguyên nhân do quá trình thoái hóa tự nhiên diễn ra, thì phần lớn bệnh lý phát sinh là do những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày làm ảnh hưởng xấu đến hệ cơ xương khớp. Việc chữa trị thường kéo dài dễ tái phát, làm giảm chất lượng cuộc sống, hiệu suất công việc cũng như gây gánh nặng về kinh tế. Hãy cùng Tuệ Y Đường giải đáp những câu hỏi, thắc mắc mà bạn đọc đã gửi về để cải thiện cũng như phòng tránh các tác động tiêu cực của bệnh lý này đến chất lượng cuộc sống.

Đỗ Trung Dũng (54 tuổi, QuảngTrị): Tôi có đi khám và được chẩn đoán là Thoát vị đĩa đệm L4-L5-S1/Thoái hóa cột sống thắt lưng. Tôi rất hay tập thể thao, vậy xin hỏi với bệnh tình như vậy thì tôi nên tập những môn thể thao nào và phải chú ý những gì?

Xin cảm ơn.

Trả lời: Cảm ơn bác Dũng đã tin tưởng và đặt câu hỏi cho Phòng Khám Tuệ Y Đường.

Đĩa đệm là phần nằm giữa các đốt sống, xung quanh là lớp vỏ, ở giữa là nhân nhầy. Đĩa đệm có tác dụng chịu áp lực do cột sống đè lên, tạo sự mềm dẻo cho cột sống. Thoát vị đĩa đệm là một thuật ngữ chỉ tình trạng xảy ra khi nhân nhầy của đĩa đệm cột sống chệch ra khỏi vị trí bình thường, xuyên qua dây chằng chèn ép vào các rễ thần kinh gây tê bì, đau nhức. Tình trạng này thường là kết quả của sang chấn hoặc do đĩa đệm bị thoái hóa, nứt, rách, có thể xảy ra ở bất kì khu vực nào của cột sống. Trên thực tế, thường hay gặp biểu hiện đau lan từ thắt lưng xuống chân (đau dây thần kinh tọa) do thoát vị đĩa đệm ở cột sống thắt lưng là phổ biến nhất.

Với tình trạng như trên, Phòng Khám Tuệ Y Đường xin gợi ý cho bác một số môn thể thao có tác dụng hỗ trợ rất tốt đối với bệnh tình mà bác gặp phải:

  • Bơi lội: giúp giảm áp lực tác động lên phần đĩa đệm bị lồi ra, giảm cảm giác đau nhức, từ đó giúp thư giãn cho các gân cơ, khớp xương. Chỉ nên bơi 20-30 phút mỗi ngày, không nên bơi quá sức, bơi quá lâu mà chỉ nên kiên trì đều đặn tập luyện để đạt được kết quả tốt nhất.
  • Yoga: Các bài tập yoga có khả năng giúp ích rất nhiều đối với các vấn đề ở lưng, trong đó có thoát vị đĩa đệm. Việc tập yoga giúp tăng cường sức cơ ở lưng cũng như ở bụng một cách nhẹ nhàng. Các cơ ở phần lưng và bụng là những thành phần thiết yếu của mạng lưới cơ trên cột sống, do đó việc tăng cường các cơ này sẽ giúp cơ thể duy trì tư thế thẳng đứng và chuyển động phù hợp. Cơ khỏe mạnh sẽ hỗ trợ giảm cảm giác cơn đau lưng rất nhiều. Ngoài ra, yoga còn giúp các cơ được kéo dãn và thư giãn thoải mái, giúp thúc đẩy tính linh hoạt và đẩy lùi các vấn đề về cơ xương khớp. Hơn nữa, động tác kéo giãn cơ gân khoeo (nằm ở mặt sau của đùi) giúp mở rộng chuyển động trong khung chậu, giảm áp lực lên vùng lưng. Tập yoga cũng có tác dụng làm tăng lưu lượng máu, cho phép các chất dinh dưỡng lưu thông tốt hơn, truyền đến cơ và các mô mềm ở thắt lưng.
  • Đạp xe: Là môn thể thao tốt cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm vì nó đảm bảo cho việc sử dụng trọng lượng cơ thể để kéo giãn cột sống, giảm áp lực lên đĩa đệm. Khi đạp xe, dây chằng trở nên linh hoạt hơn, cơ xương khớp dẻo dai, hoạt động mềm mại, tăng lưu thông máu. Vì vậy, rễ thần kinh không bị chèn ép, cải thiện tình trạng đau đáng kể. Để đảm bảo lợi ích của việc đạp xe, cần lưu ý: Tư thế ngồi đúng là giữ lưng thẳng, thoải mái, tránh cúi đầu hay lệch vẹo lưng hông. Nên đi ở đường bằng phẳng và tăng dần chiều dài quãng đường (có thể bắt đầu từ 1-2km). Đạp với cường độ vừa phải, từ từ và nhẹ nhàng, thư giãn, kết hợp với việc hít thở phù hợp để không bị mất sức. Chọn xe có chiều cao yên vừa phải, độ rộng yên vừa vặn, có thể điều chỉnh tay lái dễ dàng thuận tiện.

Tuệ Y Đường chúc bác sức khỏe!

Mai Hương (27 tuổi, Hồ Chí Minh): Chào Tuệ Y Đường, công việc của tôi là làm việc tại văn phòng, thường ngồi nhiều và tiếp xúc với máy tính nhiều nên tối rất hay đau mỏi, căng cứng vùng cổ vai gáy. Tôi nên làm gì để cải thiện tình trạng này đây?

Xin cảm ơn.

Trả lời: Cảm ơn Mai Hương đã tin tưởng và đặt câu hỏi cho Phòng Khám Tuệ Y Đường.

Đa phần mọi người đều có tâm lý rằng, đau cổ vai gáy là hiện tượng bình thường của dân văn phòng, có thể tự khỏi. Chỉ khi bệnh nặng mới đi thăm khám, khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn, thời gian xử lý kéo dài gây mệt mỏi và tốn kém chi phí. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, sau 2 tiếng ngồi làm việc liên tục, nhân viên văn phòng nên dành ra từ 3 – 5 phút để thực hiện những động tác dưới đây giúp lưu thông máu:

  • Khởi động:
    Ngồi thẳng lưng trên ghế dựa, thư giãn toàn thân. Nếu đứng thì hai chân đứng rộng bằng vai, thả lỏng toàn bộ các cơ ở cổ. Hai mắt nhìn thẳng, hít thở tự nhiên. Dùng tay xoa ấm phần cơ sau gáy từ trên xuống dưới.
  • Bài tập 1:
    Nghiêng cổ sang phải hoặc trái, kéo căng kết cỡ, đồng thời hít sâu vào, khi có cảm giác căng từ bả vai, kéo dài đến gáy thì thở ra và từ từ về vị trí thẳng. Thực hiện 3 lần và đổi bên.
  • Bài tập 2:
    Ngồi thả lỏng trên mặt sàn. Hít vào thật sâu, đồng thời ngửa cổ ra phía sau. Trở về vị trí ban đầu đồng thời thở ra, lặp lại 3-5 lần. Cúi xuống và ngẩng lên sẽ được tính là 1 lần. Bạn thực hiện lặp lại động tác này 10-20 lần. Sau đó, bạn tiếp tục xoa ấm phần cơ sau gáy từ trên xuống dưới. Động tác này làm căng cổ, giãn động mạch cảnh và tác động đến toàn bộ thanh quản, khí quản.
  • Bài tập 3:
    Nghiêng đầu sang trái sao cho lỗ tai chạm vào mỏm vai trái, kết hợp thở ra. Sau đó, xoay đầu qua phải, tai chạm mỏm vai phải, kết hợp hít vào. Lặp lại động tác này từ 5 – 10 lần rồi đổi bên (nghiêng qua phải – thở ra, nghiêng qua trái – hít vào), thực hiện thêm 5 – 10 lần.
    Bạn xoay đầu qua trái sao cho cằm chạm vai trái, kết hợp thở ra. Sau đó, xoay đầu qua phải, cằm chạm vai phải, kết hợp hít vào. Lặp lại động tác này từ 5 – 10 lần rồi đổi bên (xoay đầu qua phải – thở ra, xoay đầu qua trái – hít vào), thực hiện thêm 5 – 10 lần.

Ba động tác này có tác dụng thư giãn cơ cổ và vai, giúp các đốt sống cổ linh hoạt và hoạt động tốt hơn. Đồng thời, các bài tập này cũng giúp ngăn ngừa tình trạng co cứng cơ cổ, tê mỏi hai cánh tay và bàn tay ở những người bị thoái hóa cột sống cổ.

Ngoài 3 bài tập chữa đau mỏi vai gáy giúp giảm đau tạm thời đã kể trên, vẫn cần kết hợp những bài tập chuyên sâu khác, phù hợp với thể trạng của bản thân. Nếu tình trạng không cải thiện hoặc nặng đi thì hãy đến các cơ sở y tế có chuyên môn để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời nhé!

Tuệ Y Đường chúc bạn sức khỏe!

Trâm Anh (20 tuổi, Quảng Ninh): Mẹ em năm nay 58 tuổi, đang làm nội trợ. Mấy tháng nay mẹ em đau nhức nhiều khớp xương, kèm cứng các khớp đốt bàn tay vào mỗi buổi sáng, kéo dài khoảng sau 1-2 giờ mới đỡ. Đi lại, vận động, sinh hoạt rất khó khăn và hạn chế. Mẹ em đã được khám và điều trị tại Phòng Khám y tế nhưng chưa đỡ.

Mẹ em đã mắc chứng bệnh gì thưa bác sĩ? Em phải đưa mẹ đi khám ở đâu ạ?

Trả lời: Cảm ơn Trâm Anh đã tin tưởng và đặt câu hỏi cho Phòng Khám Tuệ Y Đường.

Mẹ của bạn năm nay 58 tuổi, giới tính nữ, có tổn thương dạng đa khớp. Đặc biệt các khớp đốt bàn, đốt gần của ngón tay, kèm cứng khớp trên 1 giờ vào buổi sáng ngủ dậy. Việc này gây hạn chế cầm nắm, sinh hoạt. Mẹ bạn đã điều trị nhưng chưa đỡ. Qua những lời kể của bạn, kèm theo những dấu chứng lâm sàng thì mẹ của bạn có khả năng mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.

Tuy nhiên, cần phải phân biệt trong một số trường hợp bị thoái hóa đa khớp. Do vậy để chẩn đoán chính xác, bạn cần đưa mẹ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nội cơ xương khớp khám. Bác sĩ cần làm thêm nhiều xét nghiệm sinh hóa như RF, CRP… huyết học và miễn dịch (Anti-CCP), chụp X-quang khớp. Từ đó, bác sĩ có cơ sở chẩn đoán chính xác và điều trị đúng, có lời khuyên hữu ích cho người bệnh.

Tuệ Y Đường chúc hai mẹ con sức khỏe!

Mời bạn đọc tiếp tục gửi những câu hỏi, thắc mắc về website hoặc fanpage Phòng Khám đông y Tuệ Y Đường để được giải thích, tư vấn và thu nhận được những kiến thức đúng đắn và bổ ích hơn về các bệnh lý cơ – xương – khớp.

Tuệ Y Đường chúc bạn đọc sức khỏe!

Hotline: 078 950 2555

 

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *