Nhận biết da nhiễm CORTICOID Thế nào ?

Da nhiễm Corticoid là tình trạng tổn thương da do sử dụng sản phẩm chứa Corticoid nồng độ cao trong thời gian dài. Tình trạng này có thể khiến da nổi sẩn đỏ, ngứa râm ran, châm chích, đỏ ửng và giãn mao mạch. Ở những trường hợp nặng, hàng rào bảo vệ da có thể bị phá vỡ hoàn toàn gây viêm đỏ nặng và nổi mụn trứng cá ồ ạt.

Da nhiễm Corticoid là gì?

Corticoid (corticosteroid) là hoạt chất tổng hợp có tác dụng chống viêm, kháng dị ứng và ức chế miễn dịch. Hoạt chất này có tác dụng tương tự hormone cortisol được tuyến thượng thận bài tiết. Hiện nay, các dẫn xuất của Corticoid được ứng dụng trong điều trị bệnh xương khớp, da liễu và các bệnh lý hô hấp. Mặc dù giúp giảm nhanh triệu chứng nhưng hoạt chất này có thể gây ra rủi ro và tác dụng phụ nghiêm trọng nếu lạm dụng quá mức.

Corticoid thường được bổ sung vào thuốc bôi dạng kem hoặc dạng mỡ để điều trị các bệnh da liễu thường gặp như viêm da tiếp xúc, chàm, viêm da cơ địa,… Với khả năng chống viêm và kháng dị ứng mạnh, thuốc có thể giảm ngứa ngáy, phù nề và làm co mao mạch ở lớp trung bì. Ngoài ra với đặc tính ức chế miễn dịch, thuốc bôi chứa corticoid còn giúp giảm viêm do mụn trứng cá và duy trì làn da mịn màng, bóng mượt.

Chính vì vậy, các sản phẩm trôi nổi trên thị trường (kem trộn) thường bổ sung Corticoid với nồng độ cao. Sử dụng các sản phẩm này giúp loại bỏ mụn, làm trắng da và giảm sạm nám chỉ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, dùng Corticoid nồng độ cao có thể gây ra một số biến chứng như da mất hoàn toàn khả năng miễn dịch, teo da, rạn da, da khô, bong tróc,… Sau một thời gian, da có thể bị giãn mao mạch và nổi mụn trứng cá ồ ạt do hàng rào bảo vệ bị phá vỡ hoàn toàn.

Da nhiễm Corticoid (viêm da Corticoid) là tình trạng tổn thương da do sử dụng sản phẩm chứa Corticoid nồng độ cao trong thời gian dài. Mức độ thương tổn phụ thuộc vào thời gian sử dụng, nồng độ Corticoid và cơ địa của từng người.

Nhận biết da bị nhiễm Corticoid 

Biểu hiện của da nhiễm Corticoid có sự khác biệt ở từng cấp độ. Ở những cấp độ nhẹ, thương tổn da thường không đáng kể và có thể thuyên giảm hoàn toàn nếu chăm sóc đúng cách. Ngược lại ở những giai đoạn nặng, tế bào và cấu trúc da có thể tổn thương nghiêm trọng, da nổi mẩn đỏ và mụn trứng cá ồ ạt.

Khô ráp, sần sùi, ửng đỏ và giãn mao mạch là biểu hiện thường gặp ở làn da bị nhiễm Corticoid

Nhận biết da nhiễm Corticoid qua từng cấp độ:

– Cấp độ 1:

  • Bề mặt da hơi đỏ, ngứa ngáy râm ran
  • Sờ vào có cảm giác hơi sần sùi và bong tróc nhẹ

– Cấp độ 2:

  • Da nổi nhiều mụn nước có kích thước nhỏ
  • Mụn nước dễ vỡ gây đau rát, ngứa ngáy và xuất hiện các nốt mụn mủ nếu bị bội nhiễm
  • Sau đó, mụn nước khô khiến bề mặt da sần sùi, ngứa ngáy

– Cấp độ 3:

  • Cấp độ 3 thường xảy ra ở các trường hợp sử dụng Corticoid nồng độ cao trong thời gian dài (từ 6 tháng trở lên)
  • Da luôn trong trạng thái đỏ ửng, nóng ran và dễ ngứa ngáy
  • Bề mặt da phù nề do hiện tượng trữ nước
  • Có hiện tượng giãn mạch (đặc biệt là ở vùng má và cằm)
  • Có thể đi kèm với hiện tượng châm chích và ngứa râm ran

– Cấp độ 4:

  • Da đổ dầu nhiều bất thường
  • Nổi các nốt mụn sưng to, đỏ và viêm
  • Mụn nổi ồ ạt và có thể lan ra toàn bộ khuôn mặt
  • Da ngứa ngáy, châm chích và đau rát

– Cấp độ 5:

  • Luôn có cảm giác đau nhức và bỏng rát
  • Da mỏng, đỏ ửng và giãn mao mạch trên diện rộng
  • Bề mặt da khô, bong tróc và ngứa ngáy
  • Nổi mụn trứng cá ồ ạt, mụn có kích thước lớn, viêm đỏ và gây đau nhức nhiều

Da nhiễm Corticoid có nguy hiểm không?

Nhiễm Corticoid là tình trạng da liễu khá phổ biến hiện nay. Ở những giai đoạn nhẹ, tình trạng này chỉ gây thương tổn ở lớp thượng bì, mức độ không đáng kể và có thể thuyên giảm sau khi thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên nếu không kịp thời khắc phục và tiếp tục sử dụng các sản phẩm này, bề mặt và cấu trúc da có thể bị tổn thương nặng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe làn da.

Bên cạnh đó, lạm dụng Corticoid trong thời gian dài còn khiến hàng rào bảo vệ da bị phá vỡ. Đây là điều kiện thuận lợi để các loại nấm men (Malassezia, Candida,…), ký sinh trùng (Demodex) và vi khuẩn (chủ yếu là tụ cầu vàng – Staphylococcus aureus) phát triển và gây nhiễm trùng da.

Nhiễm Corticoid nặng có thể khiến da mỏng, teo, giãn mao mạch và mất khả năng đề kháng

Ở một số ít trường hợp, Corticoid có thể thẩm thấu vào tuần hoàn máu và gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như làm chậm quá trình phục hồi vết thương, khiến da dễ bầm tím, tăng đường huyết, tăng huyết áp và gây loãng xương.

Chính vì vậy ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường, bạn nên ngưng sử dụng sản phẩm chứa Corticoid và can thiệp các biện pháp điều trị kịp thời. Nếu xử lý sớm, tình trạng này có thể thuyên giảm và làn da được phục hồi hoàn toàn chỉ sau một thời gian ngắn.

Các phương pháp điều trị da nhiễm Corticoid

Điều trị da nhiễm Corticoid phụ thuộc mức độ thương tổn. Ngoài ra, phương pháp và thời gian điều trị còn bị chi phối bởi yếu tố cơ địa và tuổi tác. Thực tế, người có tuổi tác cao và cơ địa nhạy cảm thường mất nhiều thời gian điều trị và tốc độ phục hồi chậm hơn so với bình thường.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị da nhiễm Corticoid:

1. Ngưng sử dụng sản phẩm chứa Corticoid

Ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường, bạn nên xem xét thành phần của các sản phẩm chăm sóc da và ngưng sử dụng sản phẩm này. Trong trường hợp sản phẩm không cung cấp bảng thành phần (thường là sản phẩm trôi nổi), nên chủ động ngưng sử dụng để tránh gây kích ứng và tổn thương da.

Tuy nhiên nếu sử dụng kem bôi chứa Corticoid trong thời gian dài, không nên ngưng sản phẩm đột ngột. Thay vào đó, cần giảm liều từ từ trước khi dừng hẳn để tránh tình trạng da bị kích ứng và nổi mụn ồ ạt.

Nếu sử dụng cùng lúc nhiều sản phẩm mới và không thể xác định được sản phẩm chứa Corticoid, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được tư vấn. Bác sĩ có thể xác định thành phần trong sản phẩm và phát hiện ra sản phẩm chứa nồng độ Corticoid cao vượt mức cho phép.

2. Phục hồi da nhiễm Corticoid với chế độ chăm sóc khoa học

Nếu tình trạng da nhiễm Corticoid không quá nghiêm trọng, bạn có thể cải thiện tại nhà với chế độ chăm sóc khoa học. Các biện pháp này giúp phục hồi tế bào da hư tổn, tái tạo màng lipid (hàng rào bảo vệ da) và cải thiện các nốt mụn viêm đỏ, ngứa ngáy.

Thiết lập chế độ chăm sóc đúng cách giúp phục hồi và tái tạo làn da bị tổn thương do nhiễm Corticoid

Chế độ chăm sóc khoa học giúp phục hồi da nhiễm Corticoid:

  • Không tiếp tục sử dụng sản phẩm chứa Corticoid và cần loại trừ các loại mỹ phẩm chứa những thành phần dễ kích ứng như perfume, parabens, mineral oil,…
  • Làm sạch da mặt với sữa rửa mặt dịu nhẹ, không chứa xà phòng và có độ pH cân bằng. Khi rửa mặt, nên thao tác nhẹ nhàng để tránh gây đỏ và kích ứng da.
  • Sau đó, cần sử dụng toner (nước cân bằng) có tác dụng làm dịu và cấp ẩm da. Để phục hồi làn da bị kích ứng do nhiễm Corticoid, nên ưu tiên sử dụng các loại toner có chiết xuất từ thiên nhiên như trà xanh, nha đam, tràm trà, rau má, xương rồng,…
  • Thoa kem dưỡng ẩm ngay sau bước toner. Nên tập trung vào các loại kem dưỡng có kết cấu mỏng nhẹ và công thức an toàn như Panthenol (vitamin B5), Glycerin, Niacinamide, Zinc, Allatoin,… Các thành phần này có tác dụng dưỡng ẩm, phục hồi và tái tạo da, đồng thời hỗ trợ giảm viêm và ngứa ngáy.
  • Tác động từ tia UV có thể khiến da bị tổn thương nặng, cháy nắng, bong tróc và ngứa ngáy dữ dội. Vì vậy, nên dùng kem chống nắng, đeo khẩu trang và che chắn da khi di chuyển ngoài trời.
  • Khi da bị nhiễm Corticoid, nên hạn chế dùng các sản phẩm đặc trị (chứa BHA, AHA, Retinoid,…). Thay vào đó, cần tối giản quy trình dưỡng da để tránh tình trạng da bị kích ứng và ửng đỏ.
  • Không sờ tay lên da mặt, tuyệt đối không tự ý nặn mụn và tránh để da tiếp xúc với các bề mặt có nhiều bụi bẩn, vi khuẩn.
  • Tuyệt đối không trang điểm trong thời gian điều trị. Chì và các thành phần trong các sản phẩm này có thể khiến da bị kích ứng, viêm đỏ và ngứa ngáy dữ dội.
  • Ngoài ra, bạn cũng có thể xông hơi và đắp mặt nạ tự nhiên (sữa chua, mật ong, nha đam, dầu dừa,…) từ 2 – 3 lần/ tuần để thanh thải độc tố, phục hồi và tái tạo mô da bị hư tổn. Các biện pháp này giúp đẩy nhanh tốc độ hồi phục và hỗ trợ rút ngắn thời gian điều trị đáng kể.

Với chế độ chăm sóc khoa học, các triệu chứng trên da có thể thuyên giảm chỉ sau vài tuần đến một tháng. Tuy nhiên nếu mức độ tổn thương da nặng, nên phối hợp với sử dụng thuốc và kem bôi theo hướng dẫn của bác sĩ.

3. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ

  • Đối với những trường hợp da nhiễm Cortiocid nặng, nên dùng thuốc bôi + thuốc uống theo hướng dẫn của bác sĩ để phục hồi làn da, giảm mụn trứng cá và cải thiện tình trạng viêm đỏ.

4. Hỗ trợ điều trị với lối sống khoa học, lành mạnh

Bên cạnh việc sử dụng thuốc và chăm sóc da đúng cách, bạn nên xây dựng lối sống khoa học để thúc đẩy tốc độ phục hồi của da và tăng cường sức đề kháng.

Nên bổ sung trái cây, sữa chua, rau xanh,… để hỗ trợ tăng cường đề kháng và phục hồi tổn thương da

Xây dựng lối sống khoa học hỗ trợ điều trị da nhiễm Corticoid ngay tại nhà:

  • Nên bổ sung từ 2 – 2.5 lít nước/ ngày. Bên cạnh nước lọc, có thể dùng sữa chua uống, nước ép từ rau củ và trái cây tươi để duy trì độ ẩm và tăng cường sức đề kháng cho da.
  • Kiêng các loại thực phẩm chứa nhiều tinh bột, gia vị, dầu mỡ, thức ăn cay nóng và chứa chất bảo quản. Đồng thời tránh dùng cà phê, thuốc lá và bia rượu.
  • Nên ngủ trước 23 giờ và đảm bảo ngủ đủ 8 giờ/ ngày. Không chỉ giúp phục hồi thể trạng, ngủ đủ giấc còn thúc đẩy tốc độ tái tạo của làn da và hỗ trợ rút ngắn thời gian điều trị.
  • Tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây, các loại cá và sữa chua vào chế độ ăn. Các loại thực phẩm này cung cấp lợi khuẩn, vitamin, khoáng chất và axit béo lành mạnh cho cơ thể, đồng thời hỗ trợ tái tạo tế bào và cấu trúc da bị tổn thương.

Phòng Khám đông y Tuệ Y Đường – Chúc bệnh nhân sớm lành bệnh !

 

 

 

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *