Danh Y LÝ ĐÔNG VIÊN

Danh Y LÝ ĐÔNG VIÊN

Lý Đông Viên (1180-1251) tên thật là Lý Cảo, tự Minh Chi, về già hiệu Đông Viên lão nhân, người đời Kim ở Chân Định (nay là Chính Định, Hà Bắc). Lý Cảo là một trong bốn thầy thuốc lớn của đời Kim, Nguyên, cũng là người đặt cơ sở cho học thuyết ‘Tỳ vị’ của Trung y.


Lý Đông Viên với tác phẩm ” Tỳ vị luận”

Ông xuất thân ở một dòng họ hào phú, yêu thích y học từ bé thơ. Thuở ấy, người Dịch Châu (nay là Dịch Huyện ở Hà Bắc) Trung Nguyên Tố, y thuật cao minh, có tiếng tăm rất lớn ở một dải Yên, Triệu. Lý bèn gom góp ngàn vàng để học y với thầy Trương. Sau mấy năm đã học được y thuật của thầy, tên tuổi còn hơn cả thầy. Y thuật của ông chủ trường đặc biệt về trị liệu thương hàn (bệnh nóng nội khoa), ung thư , bệnh nhọt lở ngoại khoa và đau mắt. Khi trị bệnh ‘thủy cổ’ (bụng trướng nước) của một người tên là Vương Thiện Phổ ở Bắc Kinh, trong lúc đa số các thầy thuốc dùng phương ‘cam đạm thấm thấp lợi thủy’ không có hiệu quả ông dùng phương ‘tư âm’ cho uống vào thì người bệnh tiểu tiện được thông và lành bệnh. Tiêu Quân Thụy, phó quan ở Tây Đài, bệnh thương hàn phát nóng, thầy thuốc khác sau khi cho uống ‘Bạch Hổ Thang’, bệnh trạng tuy hết nhung mặt người bệnh lại đen như mực, mạch Trầm Tế, không làm chủ được tiểu tiện. Thầy Lý thì dùng thuốc ấm ‘thăng dương hành kinh’ trị được khỏi. Vợ của Ngụy Bang Ngạn đau màng mắt nặng, sưng nhức không chịu nổi, tuy được điều trị, nhưng tái phát đôi ba lần, ông xét là vì kinh mạch không điều hòa, cho nên trị theo hướng suy luận đó, và bệnh không tái phát nữa.Ông còn dùng châm cứu trị lành bệnh bại nửa người của Quách Cự Tế, tướng súy đất Thiểm. Do vì ông chuyên trị liệu những chúng bệnh nguy, khó lạ, nên người đương thời đều xem ông là một thần y.

Sự cống hiến chủ yếu của ông cho y học là dựa trên cơ sở lý luận của quyển sách y cổ điển ‘Nội kinh’ kết hợp với kinh nghiệm lâm sàng của bản thân, sáng lập ra tân thuyết. Ông ở vào niên đại đúng ngay thời kỳ chiến loạn giữa Kim và Nguyên, binh lửa liên miên, tinh thần người dân bị kích thích, ăn uống thất thường, sinh hoạt không giờ giấc, ấm lạnh không thích hợp, bao nhiêu nhân tố ấy làm phát sinh nhiều bệnh tật, mà số tật bệnh này điều trị bằng phương trị thương hàn thường không có hiệu quả. Với kinh nghiệm thực tiễn, ông nhận thấy rằng các nhân tố này đều có thể làm cho nguyên khí của con người bị tổn thương, sinh ra bệnh nội thương, cho nên ông đề xuất ‘Học Thuyết nội Thương’. Đồng thời, ông viết một quyển ‘Nội Thương Biện Hoặc Luận’ ghi rõ ràng sự phân biệt giữa ‘Nội Thương Nhiệt Bệnh’ và ‘Ngoại Cảm Nhiệt Bệnh’ (Bệnh nóng vì nội thương, bệnh nóng vì ngoại cảm), cho thấy đối với bệnh nóng vì nội thương phải dùng nguyên tắc trị liệu ‘cam ôn trừ đại nhiệt, phù chính dĩ khử tà’. Theo sự giãi bày Trương Nguyên Tố trong học thuyết ‘tạng phủ bệnh cơ’, kết hợp với thuyết ‘nhân ‘ dĩ thủy vị bản’, ‘hữu vị khí tắc sinh, vô vị khí tắc tử’ của ‘Nội kinh’, ông nhận xét rằng trong ngũ tạng lục phủ, tỳ vị là tối quan trọng đối với hoạt động sinh lý của thân thể người ta, nhân đó ông đề xuất chủ trương ‘nội thương tỳ vị, bách bệnh do sinh’ (trăm bệnh đều do tỳ vị bị tổn thương), đồng thời ông viết một quyển ‘Tỳ Vị Luận’ để giới thiệu học thuyết của mình.

Đối với việc phát huy lý luận Trung y, ông tập trung chủ yếu ở điểm nhấn mạnh tác dụng của Tỳ Vị. Tư tưởng chủ đạo của ông là: thổ vi vạn vật chi mẫu, tỳ vị vi sinh hóa chi nguyên (đất là mẹ của vạn vật, tỳ vị là gốc của sinh hóa). Vì đó mà khi trị liệu bệnh nội thương, ông dùng một lối ‘ôn bổ tỳ vị, thăng cử trung khí’ làm phương chủ yếu, đồng thời sáng chế phương thuốc trứ danh ‘Bổ Trung Ích Khí Thang’, được y gia đời sau luôn noi theo áp dụng. Vì ông giỏi ứng dụng phép ôn bổ tỳ vị, đời sau tôn xưng ông là ‘bổ thổ phái’ hoặc ‘ôn bổ phái’. Học thuyết nội thương tỳ vị do ông sáng lập có ảnh hưởng sâu xa trong sự phát triển Trung y học.

Ông mất năm 1251, hưởng thọ bảy mươi mốt tuổi.

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *