Đới hạ theo ngôn ngữ Y học cổ truyền chính là khí hư để mô tả về biểu hiện viêm nhiễm xảy ra tại cơ quan sinh sản của người phụ nữ. Vậy y học cổ truyền có gì khác với Tây y, hãy cùng tìm hiểu với Tuệ Y Đường qua bài viết dưới đây nhé.
ĐẠI CƯƠNG
Theo BS CKII Trần Thị THu Huyền – Trưởng khoa khám bệnh Phòng Khám Tuệ Y Đường Đới hạ có phân biệt nghĩa rộng và nghĩa hẹp, theo nghĩa rộng nói tất cả bệnh tật về phụ khoa, vì bộ vị của loại bệnh này đều từ chỗ eo lưng trở xuống, như thiên “Cốt không luận” sách Tố vấn nói: “Nũ tử đới hạ hà tụ” (đàn bà bị bệnh khí hư và kết khối); sách Kim quỹ yếu lược cũng chép: “đới hạ, 36 bệnh”… cũng là ý nghĩa như vậy
Đới hạ theo nghĩa hẹp, là chỉ nói về một thứ chất dịch nhờn dính hoặc lỏng loãng ở trong âm đạo chảy ra liên miên, cũng là nội dung trình bày ở trong chương này.
Chứng hạ thông thường cũng gọi là Bạch đới, nhưng vì chất dịch chảy ra thường có các màu khác nhau, không phải hoàn toàn là sắc trắng cho nên gọi là Đới hạ thì mới đúng.
Các y gia từ trước đến nay đều căn cứ màu sắc mà phân loại, vì rằng nội dung chủ yếu của chứng Đới hạ bao gồm 5 loại là: Bạch đới – Hoàng đới – Xích đới – Thanh đới – Hắc đới. Ngoài ra còn có những chứng Bạch đới có đủ 5 sắc lẫn lộn gọi là Bạch băng, Bạch dâm, Bạch trọc cũng đều xếp vào trong môn Đới hạ, nhưng những chứng bệnh này không những là ít thấy, mà phương pháp biện chứng luận trị cũng giống như chứng Bạch đới, cho nên cũng nói luôn ở đây.
Chứng Đới hạ là chứng thường thấy ở trong bệnh phụ khoa, cho nên tục ngữ có câu: “10 người thì có 9 người bị Đới hạ” bệnh này đe doạ sức khoẻ của phụ nữ một cách nghiêm trọng, nhất là về lứa tuổi sắp hết kinh nguyệt mà bị bệnh Đới hạ trong thời gian dài thì cần xét xem có chứng nguy hiểm gì khác. Cho nên Đới hạ ra quá nhiều hoặc thấy có tạp sắc lẫn lộn, hoặc kèm thêm mùi hôi thôi, thì cần phải chú ý đề phòng và chạy chữa cho sớm.
CƠ CHẾ SINH LÝ VÀ BỆNH LÝ ĐỚI HẠ
Cơ chế sinh lý: Phụ nữ trưởng thành, thận khí sung mãn, tỳ khí vượng, Nhâm Đốc thông lợi , Đới mạch kiện cố, âm đạo xuất hiện chất nhờn màu trắng như lòng trắng trứng, có tác dụng tư nhuận âm đạo, phòng vệ ngoại tà, tăng nhiều trước và sau kinh nguyệt, giữa chu kỳ kinh nguyệt và khi mang thai.
Cơ chế bệnh lý: Chất trắng ấy xuất hiện bất thường về lượng, sắc, chất, mùi, đều gọi là bệnh lý và gọi chung là chứng Đới hạ.
Trong âm hộ của phụ nữ chảy ra một thứ nước trắng mà dính liên miên không dứt, hoặc ra nhiều dầm dề như nước mũi nước bọt, lâu năm không khỏi, chứng trạng đó gọi là Bạch đới, nếu trong Bạch đới có lẫn chất huyết mà đỏ trắng rõ ràng, gọi là Xích bạch đới; nếu đỏ mà dính đặc, giống huyết không phải là huyết, gọi là Xích đới; nếu màu vàng nhợt dính đặc mà hôi hám, gọi là Hoàng đới (khí hư ra như nước chè đặc màu vàng thì trên lâm sàng rất ít thấy).
Chứng Bạch đới, trên lâm sàng so với các chứng khác thì nhiều hơn, cho nên nội dung trình bày ở bài này lấy các chứng Bạch đái làm chủ yếu và kết hợp trình bày Hoàng đới và Xích đới. Còn như các chứng Đới hạ khác ít thấy thì lược bớt.
Bệnh này lúc mới phát thường không hay chú ý lắm, nếu để lâu không chữa, thì không những ảnh hưởng đến kinh nguyệt và thai nghén, đồng thời lại làm cho thân thể dần dần suy yếu mà gây nên chứng bệnh trầm trọng. Nếu Đói hạ ra như nước vàng hoặc lẫn lộn cả 5 sắc giống như máu mủ, thường ra không ngớt mà lại nhiều và có mùi hôi thối vê sau phần nhiều thành chứng nguy hiểm, do đó cần phải kịp thời chạy chữa và chú ý đề phòng.
NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH ĐỚI HẠ
Sự phát sinh chứng Đới hạ có quan hệ chặt chẽ với mạch Nhâm, mạch Đới. Mạch Đới giữ việc ước thúc, mạch Nhâm chủ yếu về bào thai; nếu mạch Đới không ước thúc, mạch Nhâm không củng cố, thuỷ thấp vấn đục chảy xuống mới thành chứng Đới hạ. Còn như nguyên nhân làm cho 2 mạch Nhâm, Đới bị bệnh thì có 5 loại dưới đây:
- Tỳ hư
Ăn uống, nhọc mệt tổn thương tỳ vị, tỳ dương suy yếu, công năng vận hoá mất bình thường, đến nỗi chất tinh vi của tỳ không đưa lên để làm huyết tốt, ngược lại hoá ra thấp khí mà hãm xuống.
- Thấp nhiệt
Thấp tà xâm vào, đọng lại mà sinh nhiệt, hoặc uất kết ở mạch Đới, hoặc lấn tỳ khí mà hãm xuống thành ra chứng Hoàng đới.
- Đàm thấp
Tỳ hư thấp tụ lại thành đờm, đờm và thấp chảy dồn xuống hạ tiêu mà thành bệnh.
- Can uất
Tình chí không thư thái, can khí uất ở trong, uất lâu hoá ra nhiệt; xuống khắc tỳ thổ, tỳ không hoá được thấp, hãm xuống mà thành Đới hạ.
- Thận hư
Phòng lao hại thận, dương khí hao tổn, mạch Đới không ước thúc được, mạch Xung, mạch Nhâm không thu nhiếp được, nên tinh dịch trong bào cung chảy ra, nếu phần âm của thận kém thì tướng hoả thịnh bên trong, dẫn đến chỗ âm hư hoả vượng, bức huyết chạy lung tung, mới thành chứng Xích đới.
BIỆN CHỨNG
Phép biện chứng về chứng Đới hạ, thì chú trọng về 3 phương diện, màu sắc, mùi hôi, trong đục, cách phân biệt này đã trình bày trong bài Tang luận, bài này chỉ phân biệt những loại bệnh thường thấy như sau:
- Chứng tỳ hư
Đới hạ sắc trắng, như nước mũi, nước bọt không có mùi hôi hám, lưng bụng không thấy trướng đau; kinh nguyệt vẫn bình thường, màu da trắng bệch, tinh thần mỏi mệt, tay chân lạnh, đại tiện lỏng, tiểu tiện trong dài hoặc hai chân sưng phù, chất lưỡi bình thường, rêu Iưỡi trắng, mạch hoãn mà nhược.
- Chứng thấp nhiệt
Đới hạ ra nhiều, kèm có huyết, chất đặc dính mà mùi hôi tanh, đầu xây xẩm mà nặng, hay nhọc mệt, miệng khát không uống nước nhiều, tâm phiền ít ngủ, đại tiện táo bón hoặc lỏng mà không khoan khoái, tiểu tiện đỏ sẻn, hoặc đi luôn mà đau, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch nhu sác.
- Chứng đờm thấp
Thân thể béo mập, Đới hạ chảy ra nhiều, giống như đờm, đầu nặng choáng váng, miệng nhạt và có đờm, trong lồng ngực bứt rứt, bụng trướng, ăn uống sút kém, đờm nhiều hay lợm giọng, thở to, suyễn gấp, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mà nhớt, mạch huyền hoạt.
- Chứng can uất
Ra Đới hạ màu hồng nhợt, giống huyết nhưng không phải là huyết, hoặc ra chất trắng đặc dính dầm dề không ngớt, kỳ sinh sớm muộn không chừng, tinh thần uất ức, dưới sườn trướng đầy, miệng đắng họng khô, sắc mặt vàng nhuận, đại tiện bình thường, tiểu tiện vàng, rêu lưỡi vàng trắng lốm đốm, mạch huyền.
- Chứng thận hư
Ra chất trắng mà lạnh, giống như lòng trắng trứng gà, lâu ngày không dứt, sắc mặt xạm xịt, sức lực mỏi mệt, đại tiện lỏng, tiểu tiện trong dài, lưng đau mỏi như gãy, bụng dưới không đau, rêu lưỡi trắng, chất lưỡi nhợt, mạch trầm tế.
- Nếu mệnh môn hoả suy thì lưng bụng cảm thấy lạnh, tay chân không ấm, mạch trầm tế mà trì.
- Thận âm hư mà hoả vượng thì khí hư ra nhiều chất màu đỏ, thân hình gầy yếu, đầu chóng, mắt hoa, tim hồi hộp, ít ngủ, miệng khô trong nóng, lưng mỏi chân yếu, sắc mặt đỏ bừng, lưỡi đỏ, ít rêu, mạch tế sác.
NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ ĐỚI HẠ
Chữa chứng Đới hạ chủ yếu là kiện tỳ, thăng dương, trừ thấp;
Hoàng đới thi nên thanh nhiệt, thẩm thấp;
Xích đới nên gia thêm thuốc chỉ huyết.
Bệnh uất lâu hoá nhiệt hoặc thấp đờm ứ đọng thì chữa theo chứng thực, không nên dùng thứ thuốc béo bổ;
Nếu tỳ thận hư hao, nên theo hư mà chửa, lúc đầu bổ tỳ thăng dương, tiếp đó ôn thận hư hao, nên theo hư mà chữa, lúc đầu bổ tỳ thăng dương, tiếp đó ôn thận để cố sáp, sau cùng dùng thứ thuốc bằng huyết nhục động vật để bổ mạnh vào kỳ kinh.
Còn như người tuổi nhiều sức yếu mà Đới hạ ra như băng sắp thành chứng thoát,lại nên trọng dụng về Sâm, Kỳ, Long cốt, Mẫu lệ để bổ mà cố sáp lại.
Tóm lại cần phải nắm vững tình trạng bệnh để biện chứng mà chữa.
Tỳ hư nên kiện tỳ ích khí dùng bài Hoàn đới thang (1) hoặc Phục thổ hoàn (2); thấp nhiệt nên thanh nhiệt trừ thấp, kiêm bố tỳ, dùng bài Dịch hoàng thang (3) gia giảm; đàm thấp thì kiện tỳ, hoá đờm, táo thấp dùng bài Lục quân tử thang (4) gia giảm; can uất thì nên điều can, giải uất kèm thêm thanh nhiệt dùng bài Đơn chi tiêu giao tán (5); nhiệt lắm thì nên thanh can tả nhiệt, dùng bài Long đởm tả can thang (6); thận dương hư thì nên củng cố thận tạng bồi hoả, dùng bài Tri bá bát vị hoàn (8) gia giảm mà chữa.
PHỤ PHƯƠNG
- Hoàn đới thang (Phó thanh Chủ nữ khoa)
Bạch truật (sao thổ) | 20g | Thương truật | 12g |
Hoài sơn dược | 20g | Cam thảo | 4g |
Đảng sâm | 12g | Trần bì | 5g |
Bạch thược (sao rượu) | 8g | Hắc giới tuệ | 5g |
Xa tiền tử (sao rượu) | 12g | Sài hồ | 5g |
Sắc uống ấm vào lúc xa bữa ăn.
- Phục thổ hoàn (Chứng trị chuẩn thằng)
Phục linh 108g
Thỏ ty tử 180g
Thạch liên tử 72g
Tán bột, dùng rượu nấu hồ làm hoàn bằng hột ngô đồng, mỗi lần uống 3-5 chục viên với nước muối vào lúc đói.
- Dịch hoàng thang (Phó thanh Chủ nữ khoa)
Sơn dược 36g
Xa tiền tử 4g (sao)
Khiếm thực 36g (sao đập dập)
Bạch quả 10 quả(đập nát)
Hoàng bá 8g (sao nước muối)
Sắc uống.
- Lục quân tử thang (Xem mục Kinh nguyệt không đều)
- Đơn chi tiêu giao tán (Xem mục Kinh nguyệt không đều)
- Long đởm tả can thang (Cục phương)
Long đởm thảo | 4g (sao rượu) | Mộc thông | 5g |
Sài hồ | 4g | Đương quy vĩ | 5g (rửa rượu) |
Trạch tả | 4 g | Chi tử | 5g (sao) |
Xa tiền tử | 5g (sao) | Hoàng cầm | 5g (sao rượu) |
Sinh địa hoàng | 5g (sao rượu) | Cam thảo | 5g |
Sắc uống vào lúc xa bữa ăn.
- Nội bổ hoàn (Nữ khoa thiết yếu)
Lộc nhung (có thể thay bằng cao lộc giác)
Thỏ ty tử Nhục quế
Sa tật lê Tang phiêu diêu
Tử uyển nhung Nhục thung dung
Hoàng kỳ Chế phụ tử
Bạch tật lê
Các vị thuốc liều lượng đều bằng nhau, tán thành bột luyện với mật làm hoàn bằng hột ngô đồng,mỗi lần uống 30 viên với rượu ấm vào trước bữa ăn.
Thục địa 8 lạng.
Đan bì 3 lạng.
Sơn thù 4 lạng.
Trạch tả 3 lạng.
Sơn dược 4 lạng.
Phục linh 3 lạng.
Tri mẫu 2 lạng
Hoàng bá 2 lạng
Liều lượng nói trên dùng làm thuốc hoàn, luyện với mật làm hoàn, hiệu thuốc có bán thuốc chế sẵn, ngày dùng 8-16 gam, chia 2 lần uống với nước muối nhạt. Trong lâm sàng cũng dùng làm thuốc thang, đun sắc chia 2 lần uống.
Bài viết trên đây đã sơ lược chung về chứng Đới hạ theo Y học cổ truyền. Hi vọng sẽ đem lại cho các bạn kiến thức bổ ích về góc nhìn của Đông y với các bệnh viêm nhiễm phụ khoa.
Mọi thắc mắc hay câu hỏi bạn đọc có thể liên hệ với BS.CKII Trần Thị Thu Huyền hoặc Phòng Khám Đông y Tuệ Y Đường để được giải đáp kịp thời !