CHẨN ĐOÁN ĐIỀU TRỊ VIÊM NANG LÔNG

Viêm nang lông là bệnh ngoài da phổ biến, do một nhiễm trùng của các nang lông do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra. Viêm nang lông có thể xảy ra ở mọi vùng da có lông trên cơ thể, đặc biệt là nách, chân, mông, lưng, mặt, vị trí mọc râu, vùng kín, da đầu,…

Viêm nang lông có thể xảy ra ở mọi vùng da có lông trên cơ thể

Chẩn đoán bệnh viêm nang lông

Hiện nay, chẩn đoán viêm nang lông chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng. Bệnh được xác định khi tổn thương điển hình là các sẩn nhỏ khu trú ở nang lông, không gây đau, có vảy tiết,… xuất hiện ở cẳng chân, vùng sinh dục, đùi, mặt, da đầu, cổ.

Sau khi thăm khám lâm sàng, có thể chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh bằng phương pháp

  • Lấy bệnh phẩm và nhuộm gram để phát hiện vi khuẩn gram dương
  • Có thể nuôi cấy để xác định loại vi khuẩn gây bệnh và xây dựng kháng sinh đồ
  • Soi nấm trực tiếp

Các phương pháp điều trị viêm nang lông

Điều trị viêm nang lông phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ và phạm vi tổn thương. Ở một số trường hợp, tổn thương da có tự thuyên giảm sau khoảng vài ngày hoặc vài tháng mà không cần can thiệp y tế.

Tuy nhiên đối với viêm nang lông do nấm, virus và vi khuẩn, bác sĩ thường đề nghị điều trị để cải thiện triệu chứng, hạn chế tổn thương da, ngừa thâm sẹo và phòng ngừa biến chứng.

Thuốc được sử dụng trong điều trị viêm nang lông thường có tác dụng giảm viêm đỏ, sát trùng, ức chế vi khuẩn, nấm và virus. Dựa vào mức độ thương tổn và nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc bôi hoặc thuốc uống sau:

Thuốc kháng sinh tại chỗ tiêu diệt vi khuẩn khu trí ở nang lông
  • Dung dịch sát khuẩn: Các dung dịch sát khuẩn như Chlorhexidine 4%, Hexamidine 0.1% và Povidon-Iod 10% được sử dụng 2 – 4 lần/ ngày nhằm làm sạch tổn thương da và ngăn ngừa viêm nhiễm tiến triển nặng.
  • Thuốc kháng sinh tại chỗ: Sau khi sử dụng dung dịch sát khuẩn, có thể dùng một số loại kháng sinh tại chỗ như thuốc mỡ Neomycin, thuốc mỡ Mupirocin, thuốc mỡ Axit fucidic, dung dịch Clindamycin, dung dịch Erythromycin trong vòng 7 – 10 ngày nhằm tiêu diệt vi khuẩn khu trú ở nang lông. Khi dùng loại thuốc này, cần sử dụng liên tục trong thời gian được chỉ định để điều trị bệnh dứt điểm và hạn chế nguy cơ tái nhiễm.
  • Kháng sinh đường uống: Trong trường hợp viêm nang lông do tụ cầu có mức nặng, cần sử dụng kháng sinh đường uống theo hướng dẫn của bác sĩ. Các loại kháng sinh đường uống được sử dụng trong điều trị viêm nang lông bao gồm Ciprofloxacin, Metronidazol, b-lactamin, Cephalosporin, Amoxicillin,…
  • Thuốc bôi chứa Benzoyl peroxide: Benzoyl peroxide được chỉ định trong trường hợp viêm nang lông ở mặt do sử dụng kháng sinh đường uống kéo dài. Trong trường hợp này, cần ngưng thuốc kháng sinh và dùng Benzoyl peroxide để sát khuẩn, bong lớp sừng và tróc vảy da. Ngoài ra, có thể dùng phối hợp với Isotretinoin để kiểm soát mụn trứng cá nặng.
  • Thuốc kháng nấm: Nếu viêm nang lông xảy ra do nấm, có thể sử dụng các loại thuốc chống nấm dạng bôi như Canesten, Mycoster và Nizoral. Tuy nhiên đối với các trường hợp viêm nang lông do nấm xảy ra trên diện rộng hoặc xuất hiện ở da đầu, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng nấm đường uống (Itraconazol, Terbinafin, Fluconazol,…) trong 14 ngày để tiêu diệt hoàn toàn vi nấm và hạn chế nguy cơ tái nhiễm.
  • Thuốc kháng virus: Thuốc kháng virus (Acyclovir) được dùng trong trường hợp viêm nang lông do virus herpes. Đối với dạng thuốc bôi, nên thoa 6 lần/ ngày và sử dụng thuốc uống 500mg với tần suất 2 lần/ ngày.
  • Thuốc trị ký sinh trùng: Trong trường hợp viêm nang lông do ký sinh trùng Demodex, bác sĩ có thể chỉ định kem bôi Permethrin hoặc thuốc bôi Metronidazole kết hợp với Metronidazole đường uống.

Khi dùng thuốc điều trị viêm nang lông, cần sử dụng đều đặn trong thời gian được chỉ định. Ngưng thuốc sớm hoặc dùng không đều có thể gây tình trạng kháng thuốc và giảm hiệu quả điều trị.

Phòng ngừa viêm nang lông bằng cách nào?

Hạn chế cạo râu, tẩy lông và tránh gây xây xước da

.

  • Hạn chế cạo râu, tẩy lông và tránh gây xây xước da.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc corticoid dạng bôi và kháng sinh trị mụn trong thời gian dài. Đồng thời phải tuân thủ liều lượng và tần suất dùng thuốc được bác sĩ chỉ định.
  • Không mặc quần áo chật, chất liệu bí và chưa phơi khô hoàn toàn. Nên ưu tiên các trang phục có kiểu dáng đơn giản, rộng rãi, chất liệu mềm và thấm hút.
  • Thận trọng khi chọn mua mỹ phẩm, tránh sử dụng các sản phẩm chứa thành phần kích ứng và thành phần không rõ ràng.
  • Giữ vệ sinh cơ thể thường xuyên nhằm làm sạch mồ hôi, bụi bẩn và hạn chế sự phát triển quá mức của các vi khuẩn có hại.
  • Tránh tiếp xúc với hóa chất (dầu khoáng, dầu nhớt,…).
  • Nếu có tổn thương da, nên sát trùng với dung dịch khử khuẩn nhằm hạn chế nguy cơ viêm nhiễm.
  • Đối với những trường hợp tái phát nhiều lần, nên sử dụng xà phòng diệt khuẩn để làm sạch cơ thể và loại bỏ các ổ vi khuẩn cư trú trên da.
  • Ăn uống điều độ, sinh hoạt và luyện tập khoa học nhằm nâng cao khả năng miễn dịch và giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm.

Viêm nang lông là bệnh da liễu tương đối phổ biến, thường gặp ở thanh thiếu niên và người trẻ tuổi. Nếu không điều trị đúng cách sẽ có khả năng tái phát nhiều lần, ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình và tâm lý. Vì vậy người bệnh cần đến với các Phòng Khám uy tin để can thiệp và điều trị kịp thời.

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *