Trẻ em có sức đề kháng kém và cơ địa nhạy cảm nên rất dễ mắc bệnh, nhất là các bệnh ngoài da và bệnh chàm sữa là một trong số những bệnh mà trẻ hay gặp nhất. Việc tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng bệnh giúp các mẹ nhanh chóng nhận biết , điều trị sớm cho trẻ, đồng thời có những biện pháp phòng bệnh phù hợp.
Chàm sữa là gì?
Chàm sữa hay gọi là chàm nhũ nhi là bệnh viêm da cơ địa trẻ em, bắt đầu phát triển từ trẻ 3 tháng tuổi trở lên và kéo dài cho đến 2 tuổi, cũng có thể là kéo dài hơn.
Biểu hiện lâm sàng của chàm sữa hay chàm nhũ nhi
- Giai đoạn 1: Căng da, hồng ban và ửng đỏ. Vùng da của bé đỏ hơn các vùng da khác kèm thêm biểu hiện ngứa, da khô.
- Giai đoạn 2: Xuất hiện mụn nước trên vùng da bệnh. Lúc này vùng da của bé đỏ hơn nhiều, xuất hiện mụn nước và mụn ẩn nước bé ngứa nhiều hơn đặc biệt về đêm.
- Giai đoạn 3: Mụn nước vỡ, xuất hiện rỉ dịch nước trên vùng da bệnh. Lúc này vùng da mụn của bé có thể tự vỡ hoặc do bé ngứa gãi và gây vỡ mụn. Trong giai đoạn này vùng da xuất hiện vết trợt da có thể gây bội nhiễm rất cao. Cha mẹ cần lưu ý chăm sóc da bé cẩn thận.
- Giai đoạn 4: Vùng da vỡ mụn khô se. Sau khi mụn nước vỡ ra, vùng da mụn sẽ khô se lại và hình thành những vảy tiết dày. Bé chuẩn bị tái tạo một lớp da mới sau tổn thương
- Giai đoạn 5: Vùng da bệnh chàm hóa, bong tróc và nhẵn mịn. Đây chính là giai đoạn vùng da của bé khô và bong tróc những lớp vẩy màu trắng trả lại cho bé làn da nhẵn mịn.
Ngoài ra khi bị bệnh tràm sữa các bé còn có biểu hiện trằn trọc trong giấc ngủ, quấy khóc, bú kém, khó chịu, ngứa ngáy và muốn gãi thường xuyên, cọ mặt vào gối gây vỡ mụn nước và rất dễ nhiễm trùng.
Nguyên nhân gây bệnh chàm sữa là gì?
Việc nắm được nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bạn hiểu rõ cũng như có các biện pháp điều trị và phòng chống bệnh hiệu quả hơn. Thông thường, trẻ nhỏ hay mắc bệnh chàm sữa là do:
- Sức đề kháng còn yếu, da nhạy cảm nên không đủ khả năng chống lại các tác nhân từ môi trường bên ngoài.
- Thường xuyên tiếp xúc với các dị nguyên: môi trường ô nhiễm, nhiều bụi bẩn, lông thú nuôi… cũng có thể là tác nhân gây bệnh.
- Di truyền: nếu trong gia đình có thành viên có tiền sử mắc bệnh thì nguy cơ trẻ cũng bị mắc bệnh sẽ cao hơn những trẻ khác.
- Chưa biết cách chăm sóc da cho bé: việc vệ sinh cho bé, sử dụng kem dưỡng ẩm rất tốt nhưng nếu không thực hiện đúng cách sẽ làm da bé bị tổn thương. Điều này tạo điều kiện cho các tác nhân xâm nhập và gây ra bệnh chàm sữa ở trẻ em.
.
Phòng tránh bệnh như thế nào cho đúng?
Để phòng bệnh chàm sữa cho trẻ các bậc phụ huynh cần lưu ý:
- Chế độ dinh dưỡng: Nên duy trì việc bú sữa mẹ trong thời gian lâu nhất có thể, tối đa là 2 năm. Để tăng sức đề kháng cho trẻ. Chỉ đa dạng thức ăn cho trẻ từ 6 tháng trở lên.
- Vệ sinh cơ thể: Không nên cho trẻ tắm trong nước xà phòng, hoặc sữa tắm, nên tắm bằng nước ấm để giảm ngứa. Chỉ dùng sữa tắm dành riêng cho từng độ tuổi của trẻ. Cắt móng tay cho trẻ để tránh cho trẻ đưa tay lên mặt gãi gây trầy xước da cũng như nhiễm trùng.Tránh mắc quần áo bằng chất liệu len, sợi tổng hợp gây bí da trẻ. Nên mặc những loại quần áo mềm, chất liệu bông, cotton dễ thấm hút mồ hôi. Giữ da bé luôn khô ráo, tránh để cơ thể đổ mồ hôi ẩm ướt, thay tã lót cho trẻ thường xuyên.
- Môi trường xung quanh: Giữ cho nhiệt độ phòng không thay đổi quá đột ngột. Nơi ở phải thoáng mát, đủ độ ẩm cần thiết.Tránh cho trẻ tiếp xúc với chó, mèo tốt nhất là không nên nuôi các loại vật nuôi trong nhà trong giai đoạn trẻ dễ mắc bệnh
Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh chàm sữa ở trẻ em. Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh, tuyệt đối không tự ý mua và dùng thuốc tại nhà mà cần đưa trẻ đến với các bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn chăm sóc và điều trị, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện hơn.
Phòng Khám đông y Tuệ Y Đường – Chúc bệnh nhân sớm khỏi bệnh !