Bệnh bạch hầu: Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu cao nhất và cách sàng lọc bệnh

Chỉ trong tháng 6 năm nay, tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 12 trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Trong đó, 4 trường hợp tại xã Đắk Sor, 8 trường hợp mắc tại xã Quảng Hòa và xã Đắk R’măng. Tính đến thời điểm hiện tại (27/6), đã có 1 trường hợp tử vong vì bệnh bạch hầu, bệnh nhân là cháu bé 9 tuổi, trú tại xã Quảng Hòa.

Theo Cục y tế Dự phòng, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên.

Bệnh bạch hầu có thể dự phòng được bằng tiêm vắc xin đủ liều và đúng lịch. Các khu vực ghi nhận bệnh nhân mắc bạch hầu tại Đắk Nông có tỷ lệ tiêm chủng thấp 48-52%, các trường hợp mắc chưa được tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu.

Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu nhất và cách sàng lọc bệnh?

Cục y tế Dự phòng khuyến cáo, những nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu đó là:

– Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.

– Người sinh sống ở khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Để biết người bệnh có bị nhiễm khuẩn bạch hầu hay không thì xét nghiệm là tiêu chuẩn vàng để sàng lọc và chẩn đoán xác định bệnh. Mẫu xét nghiệm được lấy từ dịch ngoáy họng, dịch nhầy ở thành họng, ở mũi hoặc giả mạc tại vị trí viêm của người bệnh.

Tại tỉnh Đắk Nông, sau khi xuất hiện 3 ổ bệnh bạch hầu làm 1 người chết, ngành y tế tỉnh này đã tổ chức khám sàng lọc theo phương pháp trên cho hàng ngàn người.

Dấu hiệu sớm của bệnh bạch hầu là gì?

Bệnh bạch hầu thường khởi phát chỉ như một đợt cảm lạnh, cảm cúm do thời tiết thông thường với những biểu hiện như viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản… chính vì thế bệnh nhân rất dễ bỏ qua các dấu hiệu ban đầu của bệnh.

Nếu được phát hiện sớm, bệnh có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh. Ngược lại, khi để bệnh bạch hầu tiến triển xấu gây ra tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng thì người bệnh có khả năng bị liệt cơ, viêm cơ tim, viêm dây thần kinh và có thể dẫn đến tử vong.

Các dấu hiệu sớm của bệnh bạch hầu biểu hiện như thế nào còn phụ thuộc vào từng vị trí gây bệnh.

* Bệnh bạch hầu mũi trước:

– Bệnh nhân sẽ có biểu hiện sổ mũi, những chất mủ mũi nhầy, có thể lẫn cả máu.

– Khi khám sẽ thấy có những giả mạc trắng ở vách ngăn mũi.

– Người bệnh chỉ có triệu chứng này thì thường nhẹ vì độc tố của vi khuẩn ít xâm nhập vào máu.

* Bệnh bạch hầu họng và amidan:

– Bệnh nhân có biểu hiện đau rát cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ, mệt mỏi nhiều.

– 2 – 3 ngày sau, vùng amidan hoặc vùng hầu họng của bệnh nhân sẽ xuất hiện những đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc.

– Một số bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra như cổ bò… ở thể nặng, bệnh nhân sẽ đờ đẫn, hôn mê sâu, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

* Bệnh bạch hầu thanh quản:

– Bệnh nhân thường sốt, khàn giọng, ho to và nhiều.

– Khi khám sẽ thấy hình ảnh nhiều giả mạc tại thanh quản. Nếu không được phát hiện sớm, những giả mạc này có thể gây bít tắc đường thở, khiến bệnh nhân suy hô hấp, nhiễm độc và tê liệt các dây thần kinh sọ não, gây viêm cơ tim… có nguy cơ tử vong nhanh chóng.

*Bệnh bạch hầu ở các vị trí khác:

Trường hợp này rất ít gặp và nhẹ, Bệnh bạch hầu da thì có thể gây ra các vết loét, ở niêm mạc có thể có bệnh bạch hầu niêm mạc mắt, âm đạo hay ống tai.


Theo : Nhịp sống Việt

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *