Trên thực tế, nhiều người vẫn ngại ngùng và lúng túng khi nhắc đến “âm hộ, âm đạo”, thậm chí là xấu hổ nếu như tìm hiểu về bộ phận này. Điều này vô tình khiến cho cấu tạo âm hộ, âm đạo chưa được hiểu biết đầy đủ, đôi khi một số sự thật khác vẫn bị hiểu nhầm. Bài viết dưới đây Tuệ Y Đường sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Cấu tạo âm đạo
Âm đạo là một phần mô cơ và ống của bộ phận sinh dục nữ, là một đường kênh hẹp, được cấu tạo bởi các cơ và bắt đầu dẫn từ cổ tử cung ra đến bên ngoài cơ thể.
Bên ngoài cửa âm đạo được bao phủ một phần bởi một lớp màng mỏng, được gọi là màng trinh. Tận cùng bên trong là khu vực cổ tử cung nối liền với âm đạo.
Nhiều người nhầm lẫn rằng âm đạo bao gồm cả một số bộ phận khác như môi âm hộ và âm vật. Trên thực tế, các bộ phận này thuộc một phần của âm hộ và nằm ngoài cấu tạo âm đạo, cụ thể:
– Môi âm hộ: Bao gồm hai môi lớn và môi bé bao quanh lỗ âm đạo.
– Âm vật: Là khu vực rất nhạy cảm nằm gần đỉnh âm hộ, còn có tên gọi dân gian là hột le hay mồng đốc.
Âm đạo là cơ quan quan trọng, giúp người phụ nữ có thể quan hệ tình dục với bạn tình và thực hiện chức năng sinh sản. Ngoài ra, đây cũng là nơi kinh nguyệt chảy ra định kỳ hàng tháng theo chu kỳ kinh nguyệt.
Hình dạng và kích thước âm đạo
Theo BS.CKII.Trần Thu Huyền không có kích thước hoặc hình dạng tiêu chuẩn nào cho cấu tạo âm đạo của một người phụ nữ.
Điều này đồng nghĩa âm đạo của cả hai người nữ bất kỳ và đều trong độ tuổi sinh sản sẽ có nhiều sự khác biệt. Các yếu tố như tuổi tác và chiều cao có ảnh hướng đến kích thước âm đạo của nữ giới trưởng thành.
Điểm G có nằm trong âm đạo?
Không có bằng chứng chứng minh được điểm G thực sự có tồn tại về mặt vật lý. Năm 1950, bác sĩ người Đức Ernst Grafenberg cho rằng một khu vực cụ thể trên thành phía trước của âm đạo rất nhạy cảm khi được chạm vào, nếu kích thích vị trí này có thể mang lại cực khoái ở nữ giới.
Tuy nhiên cho đến nay các chuyên gia vẫn tiếp tục tranh luận về sự tồn tại của điểm G trên thành âm đạo và vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Cấu tạo âm hộ
Âm hộ (hay cửa mình) là bộ phận bên ngoài của cơ quan sinh dục nữ. Âm hộ có cấu trúc bao gồm:
– Xương mu
– Môi lớn (các nếp gấp phía ngoài)
– Môi bé (các nếp gấp phía trong)
– Phần ngoài của âm vật, gồm quy đầu âm vật và mui âm vật
– Lỗ niệu đạo
– Cửa vào âm đạo
– Màng trinh.
Sự thay đổi của âm hộ khi đến tuổi dậy thì
Trong giai đoạn dậy thì, các cơ quan sinh sản, bao gồm cả âm hộ, sẽ biến đổi để đáp ứng với sự gia tăng estrogen và các kích thích tố khác.
Môi nhỏ phát triển và mở rộng hơn. Lông mu bắt đầu mọc nhiều. Lượng lông mu tăng dần theo thời gian, trở nên dày hơn và xoăn hơn.
Màu sắc âm hộ cũng có thể thay đổi ít nhiều. Ở người trưởng thành, màu âm hộ thường thay đổi từ hồng nhạt đến nâu đỏ hoặc nâu sẫm.
Âm hộ thế nào là bình thường?
Có rất nhiều âm hộ hoàn toàn bình thường nhưng hình dáng và kích thước có đôi phần khác nhau tùy người.
Âm hộ nhỏ có chiều rộng môi lớn khoảng một phần tư inch, trong khi đối với âm hộ lớn thì con số này có thể lên đến 2 inch. Một số chị em lại có môi bé bên to bên nhỏ. Tất cả những điều này là bình thường.
Nên làm gì nếu thấy âm hộ đổi màu?
Nếu nhận thấy những thay đổi về màu da ở âm hộ (đỏ, có đốm đen hoặc trở nên sáng màu), bao gồm cả nốt ruồi hoặc xuất hiện bất kỳ vết sưng nào, cảm thấy đau, ngứa, rát, hãy thẳng thắn trao đổi điều đó với bác sĩ phụ khoa trong lần thăm khám tiếp theo của bạn.
Dấu hiệu âm đạo tiết dịch
Cũng theo BS. Trần Thu Huyền ở tuổi dậy thì, âm đạo bắt đầu tiết dịch. Dịch tiết âm đạo chủ yếu là nước và vi sinh vật.
Đây là dấu hiệu bình thường của cơ thể, giúp giữ cho bộ phận sinh dục sạch sẽ và khỏe mạnh, bằng cách loại bỏ các tế bào chết khỏi niêm mạc âm đạo. Thể tích và trạng thái của dịch tiết thường thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt.
Dịch tiết âm đạo bình thường ở dạng trong suốt hoặc có màu trắng hơi đục và không có mùi khó chịu. Dấu hiệu bất thường xảy ra khi bạn quan sát thấy có sự thay đổi về màu sắc, mùi, thể tích hoặc tính chất của dịch tiết so với mọi ngày.
Âm đạo tiết dịch có mùi là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu nhận thấy dịch tiết ở “cô bé” có mùi khác thường và khó chịu, thì rất có thể âm đạo của bạn đã bị nhiễm trùng
Khi phát hiện dịch tiết âm đạo có mùi bất thường, chị em cần thăm khám với bác sĩ phụ khoa, tránh tự xử lý tại nhà. Các loại thuốc xịt, chất khử mùi và chất thụt rửa có thể khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Cơ chế bảo vệ âm đạo của cơ thể
Estrogen giúp cho niêm mạc âm đạo trở nên dày và đàn hồi, tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn lactobacilli. Nhóm vi khuẩn này tạo ra một chất giúp cho âm đạo có tính axit nhẹ, nhằm bảo vệ âm đạo khỏi các vi sinh vật gây bệnh.
Bên cạnh đó, nấm men cũng có vai trò giúp bảo vệ âm đạo. Mặt khác, chính nhờ pH axit tự nhiên của âm đạo mà các chủng men và hệ vi sinh vật không thể phát triển ngoài tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, cân bằng này có thể bị phá vỡ khi bị nhiễm trùng nấm men và viêm âm đạo.
Nhiễm trùng nấm men trong âm đạo
Nhiễm trùng nấm men bắt nguồn từ sự phát triển quá mức của hệ nấm men trong âm đạo. Nguyên nhân có thể là do tác dụng của chất bôi trơn, chất diệt tinh trùng, thuốc kháng sinh (tiêu diệt cả các lợi khuẩn trong âm đạo) hoặc do mang thai.
Các triệu chứng phổ biến nhất là ngứa và rát âm hộ.
Nhiễm trùng nấm men có thể được điều trị bằng cách đặt thuốc kháng nấm vào âm đạo (tác dụng tại chỗ) hoặc sử dụng thuốc theo đường uống (tác dụng toàn thân).
Viêm âm đạo do vi khuẩn
Viêm âm đạo do vi khuẩn xảy ra khi các vi khuẩn sống trong âm đạo phát triển quá mức. Triệu chứng chính của viêm âm đạo là tăng tiết dịch với mùi nồng nặc khó chịu thường được mô tả giống như “mùi cá ươn”.
Viêm âm đạo được điều trị bằng kháng sinh đường uống hoặc đặt trực tiếp vào âm đạo.
Sự thay đổi ở âm hộ trong từng giai đoạn khác nhau của cuộc đời
Trong thai kỳ, nồng độ hormon estrogen và progesterone tăng lên. Estrogen gia tăng và lưu lượng máu đến vùng âm đạo nhiều hơn, khiến cho âm hộ của bạn bị sưng.
Màu da tại âm hộ và lỗ âm đạo có khả năng bị sẫm đi. Lượng dịch tiết âm đạo cũng nhiều hơn bình thường. Thay đổi nội tiết tố cũng gây ra sự mất cân bằng của nấm men và hệ vi khuẩn trong âm đạo.
Do đó, tỷ lệ nhiễm trùng âm đạo thường cao hơn đối với phụ nữ mang thai.Một vài mẹ bầu có thể bị giãn tĩnh mạch ở khu vực âm đạo, âm hộ và hậu môn (thường gọi là bệnh trĩ).
Tuy nhiên, tình trạng này thường biến mất sau khi sinh con.
2. Sau khi mang thai
Trong quá trình sinh nở, vùng đáy chậu giãn ra để phù hợp với kích thước đầu em bé.
Đôi khi, da và các mô ở đáy chậu bị rách. Vết rách nhỏ có thể tự lành sau sinh mà không cần phải khâu lại, nhưng đối với vết rách lớn thì cần đến sự trợ giúp của phẫu thuật.
Một vấn đề khác có thể xảy ra sau khi sinh con là khô âm đạo, đặc biệt là trong thời gian cho con bú. Khô âm đạo gây ra bởi sự thay đổi nồng độ hormon. Để giải quyết tình trạng này, có thể dùng chất bôi trơn và liệu pháp bổ sung estrogen.
3. Giai đoạn mãn kinh
Phụ nữ đến giai đoạn mãn kinh thường bị suy giảm nồng độ estrogen, ảnh hưởng đến âm đạo và đường tiết niệu.
Theo thời gian, niêm mạc âm đạo trở nên mỏng hơn, khô hơn và dần mất đi sự đàn hồi. Estrogen giảm đi cũng khiến cho niêm mạc đường tiết niệu bị mỏng hơn.
Trên thực tế, có rất nhiều bệnh phụ khoa và dấu hiệu bất thường xảy ra tại âm hộ mà không phải lúc nào phái đẹp cũng có điều kiện để trao đổi trực tiếp với bác sĩ.
Chính vì vậy, việc tìm hiểu kiến thức liên quan đến âm hộ là gì và các vấn đề liên quan là những bước đi đầu tiên giúp chị em phụ nữ có thể định hình được tình trạng hiện tại của âm hộ trước khi đến với những quyết định xa hơn.
Mọi vấn đề thắc mắc các bạn hãy liên hệ trực tiếp Phòng Khám Đông y Tuệ Y Đường hoặc BS Trần Thu Huyền để được giải đáp kịp thời.