Ngải Cứu là một thực phẩm rất quen thuộc với mọi nhà, không những vậy nó còn là một dược liệu với những công dụng chữa bệnh tuyệt vời trong Đông Y. Hãy cùng Tuệ Y Đường tìm hiểu thêm về loài cây này nhé!
Tên khoa học:
Folium Artemisiae Argyi Họ khoa học: Họ Cúc (Asteraceae).
Tên tiếng trung: 艾叶
Ngải cứu còn gọi là Ngải diệp, Thuốc cứu, Điềm ngải (Bản thảo cầu nguyên), Nhã ngãi, Băng đài, Y thảo, Chích thảo, Kỳ Ngải cứu, Ngải nhung, Trần ngải nhung, Hỏa ngải, Ngũ nguyệt ngải, Kỳ ngải thán, Ngải y thảo, Hoàng thảo (Cương mục), Ngải cảo (Nhĩ nhã, Quách phác chú), Bán nhung, Bệnh thảo, Thổ lý bỉnh phong (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Thu hái và chế biến:
Hái cành và lá vào tháng 6 (tương ứng với ngày 5 – 5 âm lịch). Phơi trong râm cho khô.
Bộ phận dùng:
(Lá Ngải cứu, còn gọi Lá thuốc cứu). Dùng tươi thì rửa sạch giã vắt lấy nước uống
Liều dùng:
Ngày dùng 3-10g.
Khí vị:
Vị đắng cay, tính hơi ấm, không độc, khí thơm nồng, là thuốc thuần dương, chạy vào các kinh Túc thái âm, Quyết âm, Thiếu âm, dùng Dấm, Hương phụ làm sứ.
Chủ dụng:
Ôn Vị, hành khí, khai uất, điều kinh, điều hòa khí huyết, chữa chứng băng huyết, rong huyết, chứng khí hư, bạch đới, làm ấm tử cung, sớm thụ thai, an thai, lại chữa chứng thai chết, cầm chứng huyết lỵ, chữa chứng Trường phong hạ huyết, khu hàn, chữa chứng mắt đỏ, giải tán chứng ngoại cảm phong hàn, chặn chứng hoắc loạn, chuyển gân, chữa chứng đau bụng, ngứa gãi, sát trùng.
Hợp dùng:
Chế chung với Hương phụ gọi là Ngải phụ hoàn có tác dụng khai uất, điều kinh, ấm tử cung, bảo vệ thai nghén; chế chung với can Khương, dùng Mật hoàn gọi là Khương ngải hoàn có tác dụng khu trừ lãnh khí, ác khí.
Kỵ dụng:
Bệnh âm hư, huyết hư thì không nên dùng.
Nhận xét:
Ngải cứu vị cay có thể lợi khiếu, đắng có thể khơi thông, cho nên hay dùng chữa bệnh thai tiền, sản hậu, nhưng dùng sống thì hàn, kiêm cay tán, dùng chín thì nóng dữ, đốt để cứu thì tự tìm đến huyệt, khí rót vào trong gân xương, nấu uống thì thăng lên, thật là thuốc thiết yếu của phụ khoa.
GIỚI THIỆU THAM KHẢO
“Ngân trai trực chỉ phương”
Bài Ngải phụ noãn cung hoàn
Ngải diệp 120g, Hoàng kỳ 80g, Hương phụ 240g, Ngô thù 80g, Đương quy 120g, Xuyên khung 80g, Bạch thược 80g, Thục địa 40-80, Quan quế 10-20g, Tục đoạn 60g.
Cùng tán nhỏ, thêm Mật làm hoàn, mỗi lần uống 16-20g, ngày 2 lần
Chữa đàn bà Tử cung hư lạnh, sắc mặt vàng, mệt mỏi, ăn ít, kinh nguyệt không đều, bụng đau, lâu năm không thụ thai, mạch trì vô lưc.
“Kim quỹ yếu lược”
Bài Giao ngải thang
Sắc nước uống (vị A giao sao châu để riêng, chờ các vị kia sắc xong bỏ bã, cho vào nước thuốc khuấy tan đều, thêm chén Rượu, chia uống 3 lần trong ngày.
Có tác dụng bổ huyết, điều kinh, an thai.
Trị phụ nữ 2 mạch Xung, Nhâm hư tổn, băng huyết, rong huyết, hoặc sau khi sảy thai huyết ra không ngừng, hoặc có thai ra huyết, bụng đau.
“Bảo thai thần hiệu toàn thư” – Hải Thượng Lãn Ông
Bài Giao ngải tứ vật thang
Là bài Giao ngãi thang thêm Điều cầm 1,5đ, Bạch truật 2đ, Hương phụ (sao) 1đ.
Chữa chứng lậu thai, ra máu như hành kinh, dễ sảy thai.
Bài Hỏa long thang
Xuyên luyện tử 2đ
Hồi hương 2đ
Ngải diệp 1đ.
Sắc uống ít một.
Chữa có thai đau vùng thượng vị (Thế nhiệt cấm dùng).
“Lâm sàng báo”
Trị nốt ruồi dùng Ngải diệp xát vào, ngày vài lần, đến khi nốt ruồi tự rụng hết thì thôi.
“Lục thị trích đức đường phương”
Trị bệnh lở ngứa ở bàn tay
Dùng Ngải diệp sắc trong ấm nhỏ miệng, khi thuốc bốc mùi thơm, mang ra, lấy vải bịt miêng bình, đặt bàn tay lên hơ nóng, làm nóng lại nước thuốc, hơ vài lần liền. Rất kiến hiệu.
“Tuệ Tĩnh toàn tập”
Chữa mửa ra nước trong dùng Ngải diệp khô sắc uống.
- Chữa thổ ra huyết dùng Ngải diệp, Tinh tre đều 3đ, A giao, can Khương sao đen đều 1,5đ.
Sắc, chia uống 2 lần trong ngày.
Chữa Tỳ, Vị lạnh đau dùng Ngải diệp tán nhỏ, mỗi lần dùng 2đ, sắc nước uống, ngày 2 lần.
“Phụ nhân lương phương”
Bài Tứ sinh hoàn
Lá Sen tươi 32g lá Ngải cứu tươi 12g Lá trắc bá tươi 40g Địa hoàng tươi 40g.
Tất cả giã nát, làm hoàn to bằng quả trứng Gà, mỗi lần dùng 1 hoàn sắc uống. Hiện nay thường giã lấy nước uổng, hoặc sắc uống.
Có tác dụng lương huyết, chỉ huyết.
Trị nôn ra máu, chảy máu cam, ho ra máu do nhiệt (màu máu đỏ tươi), miêng ráo, cổ khô, mạch huyền sác hữu lưc.
Trên lâm sàng thường dùng chữa: xuất huyết tiêu hóa trên, ho ra máu, xuất huyết dưới da, sau khi sinh sản dịch ra không dứt.
Kiêng kỵ: Nếu hư hàn xuất huyết thì không dùng bài này.
Tuệ Y Đường chúc bạn đọc sức khỏe!