Vảy nến là bệnh da mạn tính, tồn tại suốt đời, tiến triển từng đợt, thường không làm giảm tuổi thọ bệnh nhân, nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nào chữa khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến. Nhưng nếu vận dụng và phối hợp các phương pháp điều trị một cách hợp lý cùng với một chế độ sinh hoạt điều độ thì có thể duy trì được sự ổn định của bệnh, hạn chế được các đợt bùng phát, cải thiện được chất lượng cuộc sống.
Theo Y học hiện đại điều trị vảy nến gồm hai giai đoạn là tấn công và duy trì.
– Giai đoạn tấn công có thể lựa chọn các phương pháp điều trị tại chỗ, toàn thân hoặc phối hợp cả hai nhằm xóa sạch tổn thương.
– Giai đoạn duy trì sự ổn định, giữ cho bệnh không bùng phát. Điều quan trọng là phải tư vấn cho bệnh nhân hiểu rõ về bệnh vảy nến để phối hợp với thầy thuốc khi điều trị cũng như dự phòng bệnh bùng phát.
Điều trị tại chỗ
+ Bôi mỡ Salicylic 2%, 3%, 5% có tác dụng bong vẩy, bạt sừng.
+ Mỡ có Vitamin A axit như Differin, Isotrex, Erylick…: Có tác dụng bình thường hóa quá trình sừng hóa của da.
+ Mỡ Corticoid : Eumovate, Diprosalic, … có tác dụng chống viêm rất tốt, thương tổn mất rất nhanh. Tuy nhiên không nên lạm dụng bôi nhiều và dài ngày vì sẽ gây biến chứng làm bệnh nặng thêm.
Điều trị toàn thân
Có thể dùng các thuốc sau đây:
+ Vitamin A axit: Soritane, Tigasone…Methotrexate. Cyclosporin… Các thuốc này có tác dụng rất tốt, nhưng có nhiều tác dụng phụ như có thể gây quái thai, hạ bạch cầu, rối loạn chức năng gan, thận, … Vì vậy cần được chi định đúng và theo dõi nghiêm ngặt trong quá trình điều trị.
+ Corticoid và bệnh vẩy nến: Các Corticoid dùng đường uống ( Prednisolone, Medrol…) hoặc tiêm tĩnh mạch ( Methylprednisolone) đều có tác dụng tốt, nhanh. Nhưng chỉ nên áp dụng cho một số trường hợp đặc biệt trong một thời gian ngắn và phải được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Nếu lạm dụng dùng liều cao kéo dài bệnh sẽ tái phát nặng và có thể gây nhiều biến chứng trầm trọng.
+ Trị liệu bằng ánh sáng (Phototherapy) : Có thể phối hợp các phương pháp trên với chiếu tia cực tím có bước sóng khác nhau (UVA, UVB) cũng có kết quả rất tốt và kéo dài thời gian ổn định bệnh.Đặc biệt hiện nay phương pháp PUVA (Psoralene Ultraviolet A) đang được áp dụng để điều trị bệnh vẩy nến các thể khác nhau và có kết quả rất khả quan.
Theo Y học cổ truyền, vảy nến có tên gọi Bạch sang, Tùng bì tiễn
Qua phân tích, y học cổ truyền cho rằng bệnh do 4 nguyên nhân sau:
– Do ngoại cảm phong tà: Lúc bắt đầu ở bì (da) bị phù, lâu ngày hóa nhiệt gây nên tình trạng dinh vệ bất hòa, khí huyết không thông mà sinh ra bệnh.
– Do thấp nhiệt uất trệ tại cơ bì, lâu ngày gây tổn thương khí huyết, huyết hư phong táo, cơ bì mất dinh dưỡng và bệnh ngày càng nặng hơn.
– Do can thận âm huyết bất túc, hai mạch xung nhâm thiếu dinh dưỡng gây tổn thương dinh huyết
– Do trị bệnh không đúng, lại thêm nhiễm phải độc tà hóa nhiệt hóa táo, táo nhiệt sinh độc, độc đi vào dinh huyết tạo thành chứng khí huyết hư.
Tùy theo nguyên nhân mà có những phương pháp chữa trị khác nhau sau đây:
– Huyết nhiệt: .
Phép trị: Lương huyết thanh nhiệt
Bài thuốc dùng: tê giác địa hoàng thang, gia giảm tùy từng trường hợp.
– Thấp nhiệt:
Phép trị: Thanh nhiệt lợi thấp, hoa dinh thông lạc.
Bài thuốc dùng: Tỳ giải thấm thấp thang, gia giảm tùy từng bệnh.
– Huyết hư phong táo:
Phép trị: Dưỡng huyết khư phong nhuận táo
Bài thuốc dùng: Tứ vật thang kết hợp tiêu phong tán, gia giảm tùy bệnh.
– Hỏa độc thịnh:
Phép trị: Lương huyết thanh nhiệt giải độc
Bài thuốc dùng: Thanh dinh thang, gia giảm tùy bệnh.
Bên cạnh việc dùng các bài thuốc uống trong, người bệnh nên kết hợp thuốc lau và bôi để điều trị từ bên ngoài.
Phòng bệnh
– Bệnh có liên quan đến stress, vì vậy, nên giữ cho tinh thần thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng có thể xảy ra.
– Tránh dùng các loại thuốc có tính kích thích mạnh trong thời gian bệnh phát triển
– Tránh uống rượu, nước ngọt, trà đậm, cà phê, thuốc lá, không ăn các chất cay, nóng, mỡ lợn, hạn chế các món rán, xào.
Vẩy nến là bệnh mãn tính, khó điều trị. Hiện nay các thuốc điều trị vảy nến theo y học hiện đại có tác dụng nhanh nhưng gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm nếu không được dùng đúng cách. Điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền an toàn,lành tính, ít tác dụng phụ, có tác dụng ổn định bệnh hiệu quả, giảm thời gian tái phát. Tuy nhiên thời gian điều trị lâu dài, đòi hỏi người bệnh phải kiên trì thực hiện đúng theo chỉ định của thầy thuốc. Và để đảm bảo an toàn, người bệnh nên đến bệnh viện hay các Phòng Khám có uy tín để được khám và điều trị.
Phòng Khám đông y Tuệ Y Đường – Chúc quý bệnh nhân mau lành bệnh !