Dày sừng nang lông là một tình trạng mãn tính. Bệnh có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên kết quả thống kê cho thấy dày sừng nang lông ở trẻ em thường gặp hơn, đặc biệt là những trẻ đang trong độ tuổi mới lớn và trẻ em dưới 2 tuổi. Mặc dù không gây đau đớn và không làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể nhưng các triệu chứng của bệnh có thể gây mất thẩm mỹ, khiến bệnh nhân khó chịu, làm ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt và giao tiếp hàng ngày.
Tuệ Y Đường hy vọng bài viết dưới đây sẽ giúp ích phần nào cho bạn đọc.
Dày sừng nang lông ở trẻ em là bệnh gì?
Dày sừng nang lông là một tình trạng mãn tính, thường xảy ra ở trẻ nhỏ (đặc biệt là những trẻ đang trong độ tuổi mới lớn và trẻ em dưới 2 tuổi), ít gặp hơn ở người lớn. Bệnh lý này thể hiện cho tình trạng dày lên kèm theo dấu hiệu sưng, chai sần và làn da khô ráp. Những triệu chứng của bệnh có thể hình thành và tiến triển nhanh ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể. Tuy nhiên chúng thường tập trung và phát triển mạnh hơn ở phần mông, cánh tay, đùi và má.
Do chỉ là một biểu hiện dày lên ở lớp ngoài da nên những vết chai do dày sừng nang lông thường không kèm theo cảm giác ngứa ngáy hay đau rát. Theo kết quả nghiên cứu, lớp dày sừng được hình thành từ một loại protein xơ có tên Keratin. Keratin có thể tiến triển từ tóc, da và móng tay.
Dày sừng nang lông ở trẻ em thường liên quan đến yếu tố di truyền. Điều này có nghĩa nguy cơ mắc bệnh ở trẻ nhỏ sẽ tăng cao khi trẻ được sinh ra trong gia đình có bố mẹ mắc bệnh. Ngoài ra so với nam giới bệnh xảy ra phổ biến hơn ở nữ. Mặc dù không gây đau và không làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể nhưng các triệu chứng của bệnh có thể gây mất thẩm mỹ, làm ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt và giao tiếp hàng ngày của trẻ.
Triệu chứng của bệnh dày sừng nang lông ở trẻ em
Tương tự như người lớn, bệnh dày sừng nang lông ở trẻ em thường xảy ra với những triệu chứng sau:
- Nhiều vết đỏ xuất hiện và rải rác trên khắp cơ thể nhưng không kèm theo cảm giác ngứa ngáy hay đau rát. Các vết đỏ thường tập trung ở vùng mông, đùi, phần trên của cánh tay và má
- Da có dấu hiệu sần sùi, tạo cảm giác khó chịu khi sờ, ngoài ra vùng da bệnh còn có biểu hiện sưng phồng và khô ráp hơn so với vùng da xung quanh
- Lỗ chân lông tắc nghẽn, tế bào chết tích tụ dẫn đến tình trạng viêm nang lông, lông rụng nhiều ở vùng da bệnh
- Khi nhiệt độ môi trường giảm, triệu chứng khô da và dày sừng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn
- Ít khi gây ngứa và không đau khi chạm vào.
Bệnh dày sừng nang lông ở trẻ em thường ít tiến triển sang thể mãn tính. Tuy nhiên trên vùng da bệnh của trẻ có thể xuất hiện một số biểu hiện sau nếu chuyển sang thể mãn tính:
- Vùng da bệnh thay đổi sắc tố, đỏ hoặc chuyển sang màu nâu sẫm
- Ngứa nhẹ, dễ dàng phân biệt vùng da bệnh với vùng da xung quanh
- Tái phát nhiều lần.
Nguyên nhân gây dày sừng nang lông ở trẻ em
Keratin được xác định là một loại protein tự nhiên của da. Thông thường loại protein này sẽ được sản xuất với lượng vừa đủ để đảm bảo quá trình bảo vệ các tế bào da bên trong. Khi gặp điều kiện bất lợi khiến da quá khô, cơ thể sẽ đẩy nhanh quá trình sản xuất Keratin với mục đích ổn định cấu trúc và bảo vệ da.
Tuy nhiên, ngược lại với tác dụng bảo vệ, khi được sản xuất quá nhiều chất sừng Keratin sẽ khiến cho lỗ chân lông bị tắc nghẽn khiến những hột sừng cứng xuất hiện tại lỗ chân lông. Từ đó làm cho da sần sùi như da gà. Ngoài ra bệnh dày sừng nang lông là bệnh có tính di truyền.
Ngoài ra nguy cơ mắc bệnh bệnh dày sừng nang lông ở trẻ em sẽ tăng cao khi có sự tác động của những yếu tố sau:
- Nhiễm vi khuẩn.
- Rối loạn quá trình sản sinh sừng ở lớp biểu bì ngoài cùng của da.
- Nhiễm nấm, thường gặp nhất là nấm Candida.
- Mắc bệnh chàm hoặc có vết chai ngoài da.
- Rối loạn da di truyền.
- Da bị tổn thương hoặc xuất hiện mụn cóc nhưng không được chăm sóc đúng cách.
- Vệ sinh da không sạch sẽ khiến vi khuẩn, bụi bẩn, lớp sừng cùng các tác nhân gây hại khác bám lại trên da.
- Sinh hoạt trong môi trường có không khí lạnh dẫn đến khô da nhưng không được chăm sóc và khắc phục tình trạng.
- Trẻ nhỏ bị viêm da cơ địa, bệnh mề đay mãn tính, bệnh hen phế quản hoặc những bệnh lý thuộc miễn dịch dị ứng khác.
- Mắc bệnh da vảy cá thông thường.
- Thừa cân béo phì.
Biện pháp chẩn đoán bệnh dày sừng nang lông ở trẻ em
Để chẩn đoán bệnh dày sừng nang lông ở trẻ em, bác sĩ chuyên khoa sẽ quan sát những tổn thương thực thể và khai thác tiền sử mắc bệnh của bệnh nhân.
Bệnh dày sừng nang lông ở trẻ em khi nào cần đi khám bác sĩ?
Theo Bác sĩ CKII Trần Thị Thu Huyền – Trưởng khoa khám bệnh tại Phòng Khám Đông y Tuệ Y Đường, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện nếu có nghi ngờ trẻ mắc bệnh dày sừng nang lông. Đặc biệt bạn cần liên hệ với bác sĩ chuyên khoa khi các triệu chứng của bệnh xảy ra trên nhiều bộ phận của cơ thể kèm theo cảm giác ngứa ngáy, da mưng mủ, tấy đỏ nghiêm trọng và có biểu hiện viêm nhiễm, sốt.
Phương pháp điều trị dày sừng nang lông ở trẻ em
Hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để dày sừng nang lông, kể cả khi bệnh xảy ra ở người lớn hay trẻ em. Thông thường bệnh nhân sẽ được áp dụng các phương pháp điều trị với mục đích kiểm soát sự tiến triển của bệnh lý, giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh lý và phòng ngừa bệnh tái phát.
Để điều trị bệnh dày sừng nang lông, bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng của trẻ để đề ra phương pháp điều trị thích hợp. Cụ thể:
1. Biện pháp tại nhà giúp khắc phục dày sừng nang lông cho trẻ
Thông thường bệnh nhi sẽ được hướng dẫn điều trị bệnh dày sừng nang lông bằng các biện pháp khắc phục tại nhà. Những biện pháp này có thể bao gồm thay đổi thói quen sinh hoạt và áp dụng các biện pháp chăm sóc da.
- Tắm bằng nước mát hoặc nước ấm
Phụ huynh cần lưu ý không sử dụng nước quá nóng để giúp trẻ vệ sinh da hoặc tắm rửa khi trẻ bị dày sừng nang lông. Bởi nhiệt độ quá cao có thể khiến da thêm khô ráp, tổn thương da lan rộng và làm nặng hơn mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Chính vì thế, phụ huynh nên sử dụng nước mát hoặc nước có độ ấm phù hợp để vệ sinh da cho trẻ. Bên cạnh đó bạn cần hạn chế thời gian tắm để phòng ngừa lớp dầu tự nhiên của da bị loại bỏ. Tốt nhất chỉ nên tắm cho trẻ từ 10 – 15 phút.
- Không chà xát mạnh
Nên cắt gọn móng tay cho trẻ, tránh chà xát mạnh lên vùng da bệnh. Bởi việc gãi hoặc chà xát mạnh có thể khiến da bị kích ứng, làm tăng cảm giác ngứa ngáy, tổn thương da lan và khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra sau khi vệ sinh da và tắm cho trẻ, bạn nên dùng khăn bông mềm, sạch sẽ thấm khô nước trên da, tránh chà xát mạnh.
- Không vệ sinh da cho trẻ bằng những loại xà phòng có tính tẩy rửa mạnh
Làn da của trẻ khá nhạy cảm nên dễ bị kích ứng và mắc các bệnh ngoài da, trong đó có bệnh dày sừng nang lông. Chính vì thế, phụ huynh nên lựa chọn cho trẻ những sản phẩm vệ sinh da phù hợp, dịu nhẹ, chứa những thành phần không gây kích ứng da.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát
Để tránh tổn thương da lan rộng, phụ huynh nên cho trẻ mặc những bộ phần áo thoáng mát, rộng rãi, khô, sạch sẽ và có khả năng thấm hút tốt mồ hôi. Phụ huynh cần tránh cho trẻ mặc những bộ quần áo ôm sát vào cơ thể khiến da bị cọ xát, tích tụ mồ hôi, dễ kích ứng và tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn cùng các tác nhân gây hại khác phát triển.
- Đặt máy tạo độ ẩm trong không gian ngủ
Da khô ráp do thời tiết lạnh, độ ẩm thấp là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh dày sừng nang lông ở trẻ em. Do đó để làm giảm nguy cơ mắc bệnh, giúp bệnh được kiểm soát và hạn chết tái phát, phụ huynh nên đặt trong phòng ngủ của trẻ một máy tạo độ ẩm và sử dụng khi cần thiết.
- Dưỡng ẩm da
Khi bị dày sừng nang lông, trẻ cần được dưỡng ẩm da mỗi ngày với sản phẩm phù hợp. Việc dưỡng ẩm mỗi ngày có thể giúp phòng ngừa và cải thiện tình trạng khô da, nứt nẻ, da bong tróc. Đồng thời cải thiện tốt triệu chứng đỏ da, ngứa da và giảm kích ứng.
Tương tự như người lớn, trẻ nhỏ có thể được bác sĩ hướng dẫn dưỡng ẩm da bằng những sản phẩm có chứa Lanolin như Lansinoh, Medela… hoặc những sản phẩm có thành phần là tinh dầu thiên nhiên như Glysolid… Thông thường để cải thiện tình trạng khô da và dày sừng nang lông cho trẻ nhỏ, phụ huynh nên thoa kem dưỡng ẩm cho trẻ từ 2 – 3 lần/ ngày.
2. Điều trị dày sừng nang lông cho trẻ bằng biện pháp y tế
Thông thường bệnh dày sừng nang lông ở trẻ em không được chữa trị bằng thuốc hay các biện pháp điều trị y tế khác. Tuy nhiên, nếu bệnh tiến triển nhanh và chuyển sang giai đoạn nặng, tổn thương da lan rộng trên nhiều bộ phận của cơ thể, trẻ có độ tuổi lớn, bác sĩ chuyên khoa có thể xem xét và cho trẻ sử dụng những phương pháp điều trị sau:
- Retinoids tại chỗ
Retinoids tại chỗ là phương pháp điều trị phổ biến cho những bệnh nhân mắc bệnh dày sừng nang lông. Việc áp dụng phương pháp này sẽ giúp người bệnh ức chế quá trình sản sinh quá mức Keratin, giúp cải thiện triệu chứng bong tróc da và đỏ da.
Thông thường khi điều trị bằng phương pháp Retinoids tại chỗ, bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng một số loại phổ biến như Renova, Avage, Atralin, Avita, Tazorac, Retin-A.
- Điều trị bằng laser
Đối với những trường hợp nặng, tổn thương do bệnh dày sừng nang lông lan rộng khiến da đỏ tấy, sưng hoặc kèm theo triệu chứng viêm, bệnh nhi sẽ được điều trị bệnh bằng tia laser. Việc sử dụng tia laser tác động lên vùng da bệnh sẽ giúp bệnh nhân cải thiện những tổn thương ngoài da và nhanh chóng loại bỏ lớp dày sừng.
Tuy nhiên việc điều trị bệnh dày sừng nang lông ở trẻ em bằng tia laser cần được cân nhắc. Bởi phương pháp điều trị này sẽ tác động trực tiếp lên da và làm tăng nguy cơ phát sinh nhiều rủi ro không mong muốn. Cụ thể như tổn thương da vĩnh viễn, tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư da khi trẻ lớn lên.
Chính vì thế, phụ huynh chỉ nên cho trẻ điều trị dày sừng nang lông bằng laser khi thực sự cần thiết và có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Tẩy tế bào chết tại chỗ
Để cải thiện các triệu chứng của bệnh dày sừng nang lông, bệnh nhi sẽ được bác sĩ chuyên khoa yêu cầu tẩy tế bào chết tại chỗ bằng cách lựa chọn và sử dụng một số sản phẩm phù hợp với làn da nhạy cảm của bé.
Thông thường những sản phẩm chứa Axit Salicyclic hoặc Urê sẽ được ưu tiên lựa chọn. Những sản phẩm này sẽ giúp người bệnh đánh bay tế bào chết trên da một cách nhẹ nhàng, có độ an toàn cao và thường không gây kích ứng da.
Đa số những trường hợp mắc bệnh dày sừng nang lông ở trẻ em đều có thể dễ dàng kiểm soát, bệnh không làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và không gây nguy hiểm. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn và phòng ngừa bệnh lan rộng, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra khi thấy các biểu hiện bất thường xuất hiện trên da. Sau đó giúp trẻ khắc phục bệnh lý và phòng ngừa tái phát theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Mọi thắc mắc hay câu hỏi về da liễu bạn đọc có thể liên hệ với BS.CKII Trần Thị Thu Huyền hoặc Phòng Khám Đông y Tuệ Y Đường để được giải đáp kịp thời.