Zona và Viêm da tiếp xúc là hai bệnh lí dẫn dễ nhầm lẫn do có các triệu chứng tương đối giống nhau. Dẫn đến viêc chẩn đoán bệnh sai , từ đó dùng thuốc không đúng làm bệnh lí không thuyên giảm. Trong bài viết này Phòng Khám đông y Tâm Mộc Viên mời bạn đọc cùng phân biệt và tìm hiểu .
Nguyên nhân gây bệnh
Đối với bệnh zona – đây là tình trạng phát ban gây đau do Varicella Zoster virus gây ra. Sau khi hết bệnh thủy đậu, virus gây bệnh vẫn có thể tồn tại trong các mô thần kinh nhiều năm sau đó và có nguy cơ tái hoạt động gây bệnh zona.
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định thêm yếu tố nào ảnh hưởng đến việc tái phát này; tuy nhiên có ý kiến cho rằng có liên quan đến suy yếu miễn dịch – đặc biệt ở người lớn tuổi. Do đó vaccine phòng ngừa zona thường được khuyến khích sử dụng cho người từ 60 tuổi trở lên.
Còn đối với viêm da tiếp xúc, đây là bệnh lý có nguyên nhân do tiếp xúc trực tiếp hoặc phản ứng dị ứng với một số yếu tố như mỹ phẩm, chất tẩy rửa, côn trùng, tác nhân môi trường…
Triệu chứng bệnh
Cả zona và viêm da tiếp xúc dị ứng đều gây ra tình trạng viêm đỏ, đau rát và xuất hiện mụn nước ở vùng da bị tổn thương. Ngoài ra vấn đề đau rát khi bị viêm da tiếp xúc cũng dễ bị nhầm lẫn với việc đau nhức khi bị zona. Tuy nhiên chúng ta có thể phân biệt zona và viêm da tiếp xúc qua một số điểm đặc trưng như sau:
- Bệnh zona có thể bắt đầu bằng triệu chứng đau nhức, mệt mỏi, không ngứa. Trong vài ngày, mụn nước zona – tương tự như phát ban thủy đậu – sẽ xuất hiện ở một bên trên cơ thể (thường gặp ở vị trí liên sườn, thường có viêm hạch liên quan) theo từng mảng và có thể thấy lõm giữa trên bề mặt của mụn nước. Tiếp đó mụn nước vỡ ra và để lại vết loét.
- Trong khi đó vấn đề của viêm da tiếp xúc thường xuất hiện sớm ngay khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Ngoài mụn nước, viêm da tiếp xúc dị ứng còn khiến da có thể trông giống như bị bỏng với những mảng đỏ sậm, da trở nên khô ráp, bong tróc, nhạy cảm với ánh sáng,…
Bệnh zona thường xảy ra ở người lớn tuổi như trên 50, người có hệ miễn dịch suy yếu như phụ nữ mang thai hay người mắc bệnh làm suy giảm sức đề kháng. Còn viêm da tiếp xúc dị ứng không giới hạn đối tượng gặp phải, chỉ cần gặp phải chất “không phù hợp” sẽ xảy ra phản ứng dị ứng.
Điều trị có gì khác biệt giữa zona và viêm da tiếp xúc?
Chỉ cần dựa vào lâm sàng, bác sĩ da liễu sẽ có khả năng phân biệt zona và viêm da tiếp xúc. Do 2 bệnh lý này có triệu chứng ngoài da khá tương tự nhau nên người bệnh không nên tự điều trị nếu chưa rõ chẩn đoán.
Nếu mắc phải zona, thuốc kháng virus có khả năng giúp người bệnh chữa lành bệnh nhanh hơn và giảm nguy cơ các biến chứng (đau kéo dài, viêm não, liệt cơ mặt, vấn đề về thị giác,..).
Để đạt kết quả cao nhất, bạn cần dùng thuốc trong 3 ngày đầu tiên khi phát hiện triệu chứng; do đó cần đến gặp bác sĩ da liễu khi thấy cơ thể nổi mụn nước là điều vô cùng cần thiết kể cả khi bạn chưa phân biệt zona và viêm da tiếp xúc hoặc các bệnh lý khác.
Bác sĩ có thể cho một trong các loại thuốc chống virus như Acyclovir (Zovirax), Famciclovir (Famvir) hay Valacyclovir (Valtrex); có thể kèm theo một số thuốc giảm đau theo toa, thuốc chống trầm cảm, chống co giật.
Đối với viêm da tiếp xúc, cách điều trị cũng như phòng ngừa quan trọng nhất là không hoặc hạn chế tiếp xúc với tác nhân phản ứng. Nếu điều trị đúng và kịp thời, chúng ta có thể nhận biết rõ việc phân biệt zona và viêm da tiếp xúc qua thời gian chữa trị. Thông thường các tình trạng viêm da tiếp xúc sẽ khỏi trong khoảng 7 – 10 ngày, còn với zona có thể kéo dài từ 2 – 3 tuần.
Một điểm chung trong điều trị không phân biệt zona và viêm da tiếp xúc là áp dụng các phương pháp giúp làm giảm nhẹ triệu chứng như chườm mát 15 – 30 phút/lần và làm vài lần trong ngày, tắm với yến mạch hoặc bột baking soda, thoa kem dưỡng ẩm hay dùng các thuốc chống ngứa bằng kháng histamin.
Theo dalieudhyd