Viêm kẽ do Candida là bệnh nhiễm nấm nông vùng nếp kẽ của da có nguyên nhân là nấm Candida mà chủ yếu là Candida albicans. Bệnh gây ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh.
Đối tượng nguy cơ
Những đối tượng có nguy cơ mắc cao là những bệnh nhân bị vảy nến ở vùng nếp kẽ, hội chứng Cushing, đái tháo đường, bệnh nhân sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, thuốc kháng sinh phổ rộng, hiv…
Biểu hiện lâm sàng
Tổn thương có 2 dạng chính:
- Các mảng đỏ ranh giới rõ kèm theo tổn thương sẩn, mụn nước vệ tinh phía ngoài
- Tổn thương màu trắng ẩm ướt.
Ngoài ra có thể gặp sẩn, mụn mủ, mụn nước, vảy tiết, nứt kẽ, viêm nang lông…
Triệu chứng bệnh nhân: ngứa hoặc đau. Phân bố chủ yếu ở các nếp gấp bụng, nách, bẹn, nếp kẽ cổ, kẽ mông, vùng tã lót ở trẻ em, kẽ ngón tay chân, nếp mi mắt, nếp kẽ sau tại, vùng sinh dục, nếp lằn vú, nếp vùng rốn, góc môi.
Viêm da tã lót do Candida do sự tăng sinh của chủng Candida từ đường tiêu hóa kèm theo băng bịt tã lót kéo dài, xuất hiện ban đỏ đầu tiên vùng hậu môn sau đó lan đến vùng đáy chậu và quanh các nếp gấp. Nhiễm Candida vùng kẽ ngón tay, chân thường ảnh hưởng vùng kẽ ngón 3 – 4 bởi tính chất băng bịt (triệu chứng khá giống với nấm bàn chân thể kẽ ngón).
Phân chia theo đặc điểm tổn thương chia thành nhiễm nấm kẽ cấp tính (tổn thương xuất hiện nhanh, phù nề, đỏ nhiều), bán cấp, mạn tính (thời gian lâu, nhất là trong thể màu trắng ẩm ướt kẽ bàn chân).
Chẩn đoán phân biệt
Bệnh rất dễ nhầm lẫn nên cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh sau đây:
- Viêm da tiếp xúc kích ứng
- Dermatophytosis
- Vảy nến thể đảo ngược
- Erythrasma
- Viêm da dầu
- Viêm da thiếu kẽm
Điều trị bệnh
- Lựa chọn đầu tay là thuốc chống nấm bôi: nystatin, nhóm azol (miconazol, ketoconazol, hoặc clotrimazol), bối ngày 2 lần x 2 – 4 tuần.
- Đối với tổn thương lan tỏa, nặng và kháng với điều trị, sử dụng thuốc chống nấm toàn thân: fluconazol 50 – 100 mg/ngày hoặc itraconazol 200 mg/ngày x 2 – 6 tuần cho đến khi hết hoàn toàn triệu chứng .
- Với trẻ em, liều khuyến cáo fluconazol 6mg/kg/ngày hoặc itraconazol 5 – 10 mg/kg/ngày.
- Lưu ý, nhóm thuốc azol làm tăng tác dụng của các chất gây hạ đường máu đàn đến glucose máu thấp, bệnh nhân mắc đái tháo đường nên được hướng dẫn theo dõi đường máu khi sử dụng thuốc này.
Điều trị khác:
- Luôn giữ nếp gấp khô thoáng, giảm ma sát ở vùng kẽ, nên mặc đồ lót bằng cotton, làm thoáng chân thường xuyên khi đi giầy.
- Với tổn thương cấp tính có thể sử dụng Castellani ngày 2 lần, khi tổn thương khô bôi hỗn hợp kẽm oxid, talc, glycerin ngày 2 lần.
- Với tổn thương bán cấp, sau khi làm sạch với benzoyl peroxide (perobar) có thể bôi Castellani hoặc thuốc chống nấm.
- Với tổn thương mạn tính, bôi lotion chứa kẽm-talc có thể có tác dụng.
- Những tổn thương có ngứa và đau, các thuốc chống nấm có thể kết hợp với corticosteroids (thường là hydrocortison).
- Những vùng da có tăng tiết mồ hôi tại chỗ, các chất chống ra mồ hôi như AlCl3 20% có thể được sử dụng kéo dài. Nếu tổn thương trợt hoặc ấm, sử dụng các chất làm se hoặc chống ra mồ hôi bôi sau khi bôi thuốc chống nấm.
Ngăn ngừa tái phát: giảm cân nếu béo phì, sử dụng các chất có tác dụng bảo vệ hàng rào da như kẽm oxyd, petrolatum, chất dưỡng ẩm, chất làm sạch, tránh để phân hoặc nước tiêu tiếp xúc với vùng nếp bẹn.
Theo Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị trong chuyên ngành da liễu.