Lang ben là bệnh nhiễm nấm Pityrosporum ovale thường gặp ở da. Bệnh có xu hướng lây lan dễ dàng từ người này sang người khác trong môi trường nhiệt đới nóng ẩm thông qua tiếp xúc hoặc dùng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân (quần áo, khăn tắm…).
Biểu hiện lâm sàng đặc trưng bởi dát tăng sắc tố, giảm sắc tố hoặc dát hồng ở thân mình mà chủ yếu gặp ở nửa người trên. Bệnh lang ben có khả năng chữa được đơn giản bằng các loại thuốc kháng nấm dùng ngoài da nhưng cũng có khả năng tái nhiễm từ đồ dùng hoặc quần áo mang mầm bệnh.
1. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
– Do nhiễm nấm Pityrosporum ovale. Loại nấm này tác động vào lớp biểu bì làm sắc tố dưới da thay đổi, tạo nên các vùng da giảm hoặc mất sắc tố (trắng hơn hẳn so với các vùng da xung quanh).
– Một số yếu tố nguy cơ của bệnh:
- Tiếp xúc với thời tiết nóng và ẩm ướt
- Tăng tiết mồ hôi (hyperhidrosis)
- Da tăng tiết dầu
- Sử dụng các sản phẩm bôi ngoài da dạng dầu, mỡ.
- Suy giảm miễn dịch (HIV, trẻ em sau mắc cúm, sởi…)
- Thay đổi nội tiết đặc biệt ở tuổi dậy thì, mang thai hoặc sử dụng nội tiết thay thế.
- Vệ sinh cá nhân kém
2. Triệu chứng bệnh
Biểu hiện bệnh lang ben bao gồm:
- Tổn thương ban đầu thường nhỏ, rải rác, sau đó các dát này lan rộng dần lên và liên kết với nhau thành các mảng lớn, có hình tròn, ovan hoặc hình đa cung. Trên tổn thương có vảy da nhỏ, mịn, khi cạo vảy dễ bong và lớp thượng bì ở dưới bình thường (dấu hiệu vỏ bảo).
- Thay đổi màu sắc vùng da tổn thương (có thể sáng hoặc tối hơn), có thể màu trắng, hồng hoặc nâu
- Vị trí thường gặp ở phần trên thân mình: cổ, ngực, lưng và hai cánh tay. Tuy nhiên có thể gặp ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể.
- Da có thể gây ngứa, tăng lên khi ra nắng hoặc đổ mồ hôi.
- Nhiễm nấm men làm da không tiếp xúc được với ánh nắng mặt trời
3. Chẩn đoán xác định
Chẩn đoán dựa vào các triệu chứng và xét nghiệm:
Triệu chứng
- Dát nhạt màu hoặc màu thẫm, màu hồng, kích thước từ 4 đến 5mm, khu trú chủ yếu vùng cổ, ngực, lưng và cánh tay
- Nhìn thương tổn như không có vảy nhưng cạo sẽ có vảy
Xét nghiệm
- Tìm thấy nấm ở vảy khi soi trực tiếp dưới kính hiển vi
- Có nhiều sợi nấm và bào tử vách dày được làm rõ trong dung dịch KOH 10%.
- Nuôi cấy không có giá trị chẩn đoán do nấm Pityrosporum ovale đòi hỏi phải có môi trường đặc biệt và chúng cũng thường có mặt ở da người bình thường.
- Soi đèn Wood thấy vùng giảm sắc tố do nhiễm nấm và huỳnh quang màu xanh lá cây nhạt
4. Điều trị
Một số ít trường hợp bệnh lang ben có thể tự thuyên giảm, nhưng đa số bệnh có thể kéo dài nếu không được điều trị.
Điều trị bệnh chủ yếu là điều trị tại chỗ. Điều trị toàn thân trong trường hợp tổn thương lan rộng, tái phát hoặc thất bại với điều trị tại chỗ.
Tại chỗ
- Sử dụng thuốc bôi và các loại kem chống nấm do bác sĩ chỉ định.
- Thuốc bôi hàng ngày xung quanh tổn thương liên tục trong 1-2 tuần .
- Thường dùng Ketoconazole 2%, Terbinafine 1%, Ciclopirox 1%.
- Hiệu quả sau vài ngày đến 4 tuần.
Toàn thân
- Chỉ định khi điều trị tại chỗ thất bại, tổn thương lan rộng, bệnh hay tái phát.
– Itraconazole: 200mg/ngày trong 5 ngày liên tiếp hoặc dùng liều 400mg chia 2 lần trong 1 ngày.
– Fluconazole: 300mg/tuần trong 2 tuần hoặc 400mg trong 1 ngày.
Tuy nhiên việc sử dụng các loại thuốc chống nấm này trong thời gian dài sẽ gây ra các tác dụng phụ, ảnh hưởng tới chức năng gan, thận. Do đó người bệnh phải đặc biệt thận trọng và dùng theo đúng chỉ định của bác sỹ.
5. Phòng bệnh
Bệnh lang ben là bệnh nhiễm nấm có thể phòng ngừa bằng một số biện pháp sau đây:
- Tránh môi trường có nhiệt độ quá cao, môi trường nóng ẩm
- Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cường độ mạnh, đặc biệt vào mùa hè
- Tránh ra mồ hôi quá mức, khi lao động hay tập luyện gắng sức cần lau mồ hôi khô
- Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác, đặc biệt với người bệnh bị lang ben, hắc lào. Thường xuyên giặt giũ quần áo, chăn màn.
- Trẻ nhỏ khi tắm cần lau người thật khô rồi mới mặc quần áo
- Khi mới phát hiện các dấu hiệu của bệnh cần đến với bác sỹ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.