Thủy đậu là một bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao, gây nên bởi Herpesvirus varicellae còn gọi là Varicella – zoter virus (VZV). Căn bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm nhất. Bệnh có nhiều con đường lây nhiễm, có nhiều biến chứng nguy hiểm. Do vậy cần có kiến thức cơ bản về bệnh này để có phương pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Thủy đậu là gì?
- Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm, lây truyền qua đường hô hấp, chủ yếu do hít phải các giọt bắn trong không khí từ vật chủ nhiễm bệnh hoặc do tiếp xúc trực tiếp với mụn nước của bệnh nhân thủy đậu hoặc Zona (nguy cơ lây truyền thấp hơn). Một người bị thủy đậu có thể lây truyền bệnh cho người khác từ 1 – 2 ngày trước khi phát ban cho đến khi tất cả các tổn thương đóng vảy hoặc đến kh; không xuất hiện thêm tổn thương mới trong 24 giờ (tính với những bệnh nhân đã được tiêm chúng trước đó).
- Ngoài ra, thủy đậu còn lây truyền gián tiếp qua những đồ vật bị nhiễm chất dịch của nốt phỏng. Như việc sử dụng chung đồ dùng cá nhân: bàn chải đánh răng, khăn mặt, ăn uống chung với người đang bị thủy đậu.
- Bệnh nhân đã bị thủy đậu sẽ có miễn dịch bền vững vì thế bị bệnh lân 2 là hiếm gặp. Những người bị suy giảm miễn dịch có thể bị bệnh lần thứ 2.
Yếu tố nguy cơ
- Bệnh hay gặp ở những người suy giảm miễn dịch, dùng các thuốc ức chế miễn dich, trẻ sơ sinh có mẹ bị thủy đậu từ 5 ngày trước sinh đến 2 ngày sau sinh, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai chưa được tiêm chủng.
Triệu chứng của bệnh thủy đậu
- Thời gian ủ bệnh 10 – 21 ngày (trung bình 14 – 16 ngày).
- Bệnh nhân có thể có sốt nhẹ, mệt mỏi trước khi phát ban 1 – 2 ngày, đặc biệt ở người lớn. Ở trẻ em, phát ban thường là triệu chứng đầu tiên.
- Tổn thương da là các ban đỏ, sẩn ở mặt, lưng, ngực sau đó nhanh chóng lan ra toàn thân và tiến triển thành các mụn nước. Các mụn nước rất nhỏ, nông, xung quanh là quầng đỏ, hình ảnh như những giọt sương trên cánh hoa hồng. Kích thước mụn nước khoảng 2 – 3mm.
- Một số mụn nước chuyển thành mụn mủ và đóng vảy tiết.
- Cơ năng: ngứa nhiều khiến bệnh nhân gãi, chà xát nhiều (một trong những nguyên nhân gây sẹo thủy đậu).
- Các triệu chứng thường kéo dài 4 – 7 ngày. Ở những người được tiêm vaccin thủy đậu > 42 ngày, nếu bị bệnh thì triệu chứng thường nhẹ: sốt nhẹ, ít tổn thương da, tổn thương da thường là các dát sẩn hơn là mụn nước, thời gian bị bệnh ngắn. Tuy nhiên 25 – 30% những người nhận 1 liều vaccin sẽ có triệu chứng lâm sàng tương tự những người chưa được tiêm phòng vaccin.
- Thủy đậu ít xảy ra người đã nhận 2 liều vaccin so với những người chỉ nhận được 1 liều.
- Hình ảnh lâm sàng của thủy đậu ở trẻ sơ sinh rất đa dạng, tổn thương có thể nhẹ giống thủy đậu ở trẻ lớn đến tổn thương lan tỏa giống thủy đậu ở đối tượng suy giảm miễn dịch.
Biến chứng
Bệnh không được điều trị đúng cách sẽ gây ra các biến chứng sau:
- Nhiễm trùng, gây lở loét các vết mụn nước sau khi vỡ, gây chảy máu bên trong. Đây là biến chứng thường gặp ở trẻ nhỏ do không kiêng giữ được như dùng tay để gãi ngứa.
- Gây viêm não, viêm màng não (xuất hiện sau 1 tuần mọc mụn nước): là biến chứng có thể xảy ra ở cả trẻ nhỏ và người lớn, tuy nhiên người lớn dễ gặp phải biến chứng này hơn. Các triệu chứng đi kèm gồm sốt cao, hôn mê, co giật, rối loạn tri giác, rung giật nhãn cầu. Biến chứng này có thể gây tử vong nếu không chữa trị kịp thời.
- Viêm phổi thủy đậu: biến chứng này thường xảy ra ở người trưởng thành, vào ngày thứ 3 – 5 sau khi phát bệnh. Biểu hiện như ho nhiều, ho ra máu, khó thở và tức ngực.
- Gây viêm thận, viêm cầu thận cấp: các triệu chứng của biến chứng này là tiểu ra máu và suy thận.
- Phụ nữ mang thai bị bị thủy đậu, mẹ bầu nếu bị thủy đậu 5 ngày trước khi sinh hoặc 2 ngày sau khi sinh có thể lây nhiễm thủy đậu từ mẹ sang con, bé có thể bị khuyết tật hoặc tử vong.
- Gây viêm tai giữa, viêm thanh quản: do các nốt mụn thủy đậu mọc ở khu vực này gây lở loét, nhiễm trùng gây sưng tấy.
Zona thần kinh là biến chứng của thủy đậu
- Nếu đã từng bị thủy đậu, bạn có nguy cơ gặp phải một biến chứng có tên là zona thần kinh. Virus varicella-zoster vẫn tồn tại trong các tế bào thần kinh sau khi các tổn thương trên da đã lành hết. Sau nhiều năm, chúng có thể tái kích hoạt và gây ra bệnh zona. Người bệnh sẽ thấy xuất hiện một đám mụn nước như chùm nho dọc theo đường dây thần kinh,gây đau đớn, khó chịu. Khả năng tái hoạt này cao hơn ở người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch kém.
- Cơn đau do bệnh zona có thể kéo dài rất lâu, sau khi mụn nước đã hết hoàn toàn. Tình trạng này được gọi là đau thần kinh sau zona
Điều trị thủy đậu
- Bệnh thủy đậu được điều trị chủ yếu là thuốc kháng virus, phòng ngừa nhiễm trùng và các thuốc nâng đỡ tổng trạng giúp cho bệnh sớm hồi phục và ít bị biến chứng nhất.
- Mặc đồ rộng, vải mềm và dễ thấm hút mồ hôi để tránh làm vỡ các nốt mụn nước, cần tránh ra gió nhiều.
- Không gãi vào các nốt mụn nước thủy đậu, tránh để dịch lây lan ra nhiều hơn.
- Giữ gìn vệ sinh cơ thể bằng các dung dịch sát khuẩn, sử dụng nước ấm để tắm rửa nhẹ nhàng, không dùng nước lạnh hoặc nước quá nóng.
- Cần chủ động cách ly tránh gây lây truyền bệnh sang cho người khác.
Vaccin phòng thủy đậu
- Hai liều vaccin thủy đậu được khuyến cáo: liều đầu tiên khi 12-15 tháng tuổi. Liều thứ 2 lúc 4-6 tháng tuổi. Việc tiêm 1 liều vaccin chưa đủ sinh miễn dịch chống lại thủy đậu.
- Trong trường hợp trẻ <13 tuổi chưa từng được tiêm chủng: tiêm 2 liều cách nhau > 3 tháng.
- Với thanh thiếu niên và người lờn >13 tuổi tiêm hai liều cách nhau ít nhất 4-8 tuần.
.