Rong kinh là hiện tượng chảy máu kinh nguyệt nhiều và kéo dài. Tình trạng này nếu kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm, ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chị em. Bài viết dưới đây của Phòng Khám Đông y Tuệ Y Đường sẽ cung cấp các thông tin hữu ích về triệu chứng, nguyên nhân cũng như cách điều trị rong kinh theo y học cổ truyền.
Rong kinh là hiện tượng chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ kéo dài trên một tuần và lượng máu mất đi vượt quá 80ml/ chu kỳ kinh nguyệt ( bình thường trong khoảng 50- 80ml / chu kỳ)
Rong kinh gặp rất nhiều ở phụ nữ, đặc biệt đối với phụ nữ đã có gia đình. Hiện tượng này rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của phụ nữ, gây ra các bệnh lý như thiếu máu, viêm nhiễm đường sinh dục, gây vô sinh,u xơ tử cung, gây cảm giác khó chịu cho người phụ nữ khi đến kỳ kinh nguyệt.
Theo quan niệm Đông y, rong kinh (chứng băng lậu) là tình trạng máu kinh chảy lúc nhiều lúc ít do mạch nhâm và mạch xung bị tổn thương. Tương tự Tây y, Đông y chia bệnh lý này ra hai loại: Bệnh thuộc thực (do nguyên nhân thực thể) và bệnh thuộc hư (do rối loạn cơ năng). Cơ chế trực tiếp của băng lậu là do công năng của các tạng phủ trong cơ thể và khí huyết mất điều hòa.
Ngoài ra, băng lậu cũng có thể liên quan đến những yếu tố thất tình như lo lắng quá mức, buồn rầu, kinh hãi, khiếp sợ, ăn uống kém, lao động nặng nhọc và sinh hoạt tình dục không điều độ. Đông y chia chứng băng lậu thành nhiều thể tùy theo triệu chứng lâm sàng.
Mỗi thể bệnh sẽ có sự khác biệt về biểu hiện, đặc điểm và pháp trị. Chính vì vậy khi điều trị băng lậu theo Đông y, cần xác định thể bệnh và áp dụng bài thuốc phù hợp. Không giống với Tây y, bài thuốc Đông y trị rong kinh không chỉ có tác dụng điều kinh, cầm máu và bình thường hóa quá trình phóng noãn mà còn giúp phục hồi thể trạng, bổ máu và chống mệt mỏi.
Các bài thuốc Đông y điều trị rong kinh (băng lậu)
Như đã đề cập, Đông y trị chứng băng lậu theo từng thể riêng biệt. Chính vì vậy trước khi áp dụng, bệnh nhân cần cân nhắc các biểu hiện lâm sàng và xác định đúng thể bệnh.
1. Bài thuốc Đông y chữa rong kinh do huyết nhiệt
Băng lậu thể huyết nhiệt xảy ra do cơ thể dương thịnh âm suy, ăn thức ăn cay nóng, nhiễm phải tà nhiệt hoặc tâm trạng bị kích thích quá mức dẫn đến bực dọc, nóng nảy làm tổn thương đến can (gan). Can hỏa nội thịnh khiến mạch xung – nhâm bị nhiệt quấy nhiễu mà gây nên bệnh.
Thể bệnh này điển hình bởi triệu chứng âm đạo chảy nhiều máu đột ngột, máu có màu đỏ sẫm và chảy trong nhiều ngày liên tục. Ngoài ra, nữ giới bị băng lậu do huyết nhiệt còn gặp phải tình trạng mặt đỏ gay, đầu choáng váng, người nôn nao, cồn cào, cổ họng khô, táo bón, khó ngủ, chất lưỡi đỏ, mạch hồng sác và người hay sốt nhẹ về chiều tối. Để chữa băng lậu do huyết nhiệt, cần áp dụng bài thuốc có tác dụng cầm băng huyết, làm chắc lậu, lương huyết và thanh nhiệt.
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị quy bản (mai rùa), ích mẫu thảo, mẫu lệ, sinh địa và ngó sen mỗi thứ 15g, địa du (đốt thành than), quả dành dành (rang cháy), hoàng cầm, kinh giới (đốt thành than), tông thán (đốt thành than), mạch đông và a giao mỗi thứ 9g. Đem các vị sắc lấy nước, ngày dùng 2 lần và uống đều đặn đến khi ngưng ra huyết là được.
- Bài thuốc 2: Dùng a giao, than bẹ móc, địa cốt bì, chi tử (sao) và câu kỷ tử mỗi thứ 8g, cỏ nhọ nồi và sinh địa mỗi thứ 16g, huyền sâm 12g. Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang. Nên dùng bài thuốc này khi nguội, chia thành 2 lần uống vào chiều tối.
- Bài thuốc 3: Chuẩn bị bồ hoàng (sao đen) 20g, hắc giới tử, sinh địa, than bẹ móc, đan bì, bạch thược, a giao, địa du mỗi thứ 12g, tóc rối (đốt thành than). Đem các vị tán thành bột, mỗi ngày dùng 12g.
- Bài thuốc 4: Dùng cam thảo 4g, tri mẫu, địa cốt bì, hoàng bá, hương phụ, a giao, ngải diệp, hoàng cầm và xuyên khung mỗi thứ 8g, đương quy, củ gai và bạch thược mỗi thứ 12g, sinh địa 20g. Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.
Mẹo chữa rong kinh tại nhà bằng cỏ nhọ nồi
2. Thuốc Đông y trị chứng băng lậu do huyết ứ
Rong kinh do huyết ứ xảy ra do trước khi hành kinh hoặc sau khi sinh huyết dư chưa ra hết, bị ứ lại trong tử cung kết hợp với cảm nhiễm phong hàn, phong nhiệt dẫn đến tình trạng ứ. Ứ trở ở mạch nhâm – xung khiến máu không quy kinh dẫn đến tình trạng băng lậu.
Biểu hiện của thể bệnh này là kinh nguyệt đình bế lâu ngày nhưng bỗng chốc ra huyết nhiều không dứt. Máu kinh thường có màu tím, vóc cục, lưỡi thâm tím, mạch sáp và đau vùng bụng dưới. Để chữa thể huyết ứ, cần dùng bài thuốc có tác dụng lý khí thuận kinh và hóa ứ chỉ huyết.
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị quy vĩ, hồng hoa, thanh bì, xuyên khung, đào nhân mỗi thứ 6g, diên hồ, hương phụ mỗi thứ 9g, đan sâm, bạch thược và thục địa mỗi thứ 15g. Trong trường hợp máu chảy quá nhiều, nên bỏ quy vĩ, xuyên khung cho thêm ích mẫu, khiếm căn, địa du và bột tam thất mỗi thứ 9g. Sắc các dược liệu lấy nước uống, ngày dùng 1 thang, chia đều thành 2 lần uống. Dùng đều đặn cho đến khi máu cầm là được.
- Bài thuốc 2: Dùng tóc rối (đốt thành than) 6g, uất kim 8g, đào nhân 10g, ích mẫu 20g, nga truật 8g, bách thảo sương 14g và cỏ nhọ nồi 16g. Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc 3: Chuẩn bị ngũ linh chi và bồ hoàng sống bằng lượng nhau. Đem các vị tán nhỏ, sau đó dùng 8g uống với rượu.
- Bài thuốc 4: Dùng 20ml cao ích mẫu uống hằng ngày.
- Bài thuốc 5: Dùng xuyên khung, đan bì, đan sâm và đương quy mỗi thứ 8g, tam thất, ngũ linh chi và một dược mỗi thứ 4g, mẫu lệ, ô tặc cốt và ngải diệp mỗi thứ 12g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
3. Các bài thuốc Đông y trị rong kinh thể thấp nhiệt
Rong kinh thể thấp nhiệt xảy ra do nhiễm khuẩn với biểu hiện điển hình là máu kinh ra nhiều, dính nhớt và có màu đỏ tím. Nếu nặng về nhiệt thì đi kèm với hiện tượng đổ mồ hôi, người sót, đại tiện táo, tâm phiền, chất lưỡi đỏ, tiểu tiện vàng, rêu lưỡi khô nhớt và mạch trầm sắc. Nếu nặng về thấp thì có biểu hiện tiêu chảy, tiểu tiện ít, miệng nhớt dính và sắc mặt vàng cáu.
Với thể thấp nhiệt, Đông y dùng bài thuốc có tác dụng táo thấp và thanh nhiệt để trị.
- Bài thuốc 1: Nếu thiên về nhiệt thì dùng hoàng bá, hoàng cầm và hoàng liên mỗi thứ 12g, chi tử sao 10g. Đem sắc ngày 1 thang, dùng khi nguội.
- Bài thuốc 2: Nếu thiên về thấp thì dùng thăng ma, sài hồ, khương hoạt, thương truật, phòng phong, hoàng kỳ mỗi thứ 8g, cảo bản 6g, cam thảo 4g, đương quy, độc hoạt và mạn kinh tử mỗi thứ 6g. Sắc uống ngày dùng 1 thang.
4. Bài thuốc trị rong kinh thể khí uất theo Đông y
Rong kinh thể khí uất điển hình biểu hiện với tình trạng ra máu đột ngột hoặc ra máu âm ỉ nhưng kéo dài không dứt. Máu kinh đi kèm với huyết cục, hay thở dài, cáu giận, vùng dưới đau lan ra mạn sườn và rêu lưỡi dày. Để chữa thể bệnh này, cần giải uất và điều khí.
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị xuyên khung, bạch thược, bạch truật, đẳng sâm và đương quy mỗi thứ 12g, địa du, bồ hoàng, hương phụ, hoàng kỳ và thục địa mỗi thứ 8g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc 2: Dùng bạch truật, xuyên khung và hương phụ mỗi thứ 8g, bạch truật và chỉ xác mỗi thứ 6g, đảng sâm, bồ hoàng và thục địa mỗi thứ 12g. Sắc uống ngày dùng 1 thang. Dùng đều đặn cho đến khi máu dứt hoàn toàn.
5. Một số bài thuốc Đông y chữa rong kinh do khí hư
Băng lậu do khí hư thuộc hư chứng (rối loạn cơ năng). Thể bệnh này xảy ra do chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng, lao động nặng nhọc khiến chức năng nội tạng suy giảm. Hoặc do tâm lý căng thẳng, suy nghĩ quá độ ảnh hưởng đến chức năng của tâm, tỳ.
Rong kinh do khí hư biểu hiện bởi triệu chứng máu ra nhiều đột ngột hoặc ra ít nhưng dai dẳng, màu đỏ nhạt, đoản hơi, ăn uống kém, người mệt mỏi, sợ lạnh và đại tiện lỏng. Ngoài ra, thể bệnh này còn đi kèm với một số triệu chứng khác như rêu lưỡi mỏng và sắc lưỡi nhạt. Với thể khí hư, Đông y dùng bài thuốc có tác dụng liễm huyết và bổ khí để trị.
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị nhân sâm và bạch truật mỗi thứ 8g, cam thảo 6g, đương quy, trần bì và sài hồ mỗi thứ 4g, mẫu lệ, ô tặc cốt và hoàng kỳ mỗi thứ 12g, huyết dư (tóc rối đốt cháy) 6g. Đem sắc uống, ngày dùng đều đặn 1 thang.
- Bài thuốc 2: Dùng hoàng kỳ, bạch truật, đương quy, chích cam thảo, nhân sâm, phục thần và toan táo nhân mỗi thứ 4g, mộc hương và viễn chí mỗi thứ 2g, đại táo 4 quả, long nhãn nhục 5 quả, sinh khương 3 lát, huyết dư 6g, mẫu lệ và ô tặc cốt mỗi thứ 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
- Bài thuốc 3: Dùng thăng ma 8g, hoàng kỳ, ô tặc cốt và bạch truật mỗi thứ 12g, huyết dư 6g, đẳng sâm 16g, cam thảo 4g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc 4: Nếu áp dụng các bài thuốc trên nhưng máu chưa dứt, có thể dùng hoàng kỳ, bạch truật, đẳng sâm và thục địa mỗi thứ 12g, gừng khô (nướng cháy) 8g. Đem các vị sắc uống, ngày dùng 1 thang.
Trong trường hợp máu chảy ồ ạt, máu có màu đỏ tươi hoặc kèm theo máu bị vón cục gọi là chứng bạo băng. Nữ giới bị bạo băng có sắc mặt trắng nhạt, chân tay lạnh hoặc thậm chí bị hư thoát hoặc hôn quyết. Theo Đông y, những triệu chứng này đều là biểu hiện nguy kịch của chứng băng huyết và cần cấp cứu trong thời gian sớm nhất.
6. Bài thuốc Đông y chữa rong kinh do dương hư
Băng lậu do thận hư được chia thành 2 thể nhỏ, dương hư và âm hư. Thận dương hư thường xảy ra trong thời kỳ tiền mãn kinh, cơ thể lão hóa khiến cho thận khí suy giảm dần. Dần dần khiến chức năng nhâm – xung không vững chắc, dẫn đến hiện tượng không cầm được huyết và gây băng lậu.
Băng lậu do thận dương hư đặc trưng bởi triệu chứng kinh nguyệt không đều, thường xảy ra không theo xu kỳ, máu kinh chảy nhiều hoặc ít, màu thẫm. Nữ giới bị thể bệnh này thường có sắc mặt ảm đạm, người thể hàn, sợ lạnh, vùng hông và thắt lưng đau thường xuyên, nước tiểu trong, mạch tế nhược và lưỡi trắng nhạt.
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị đỗ trọng, thục địa, xích thạch chi, hoài sơn và hoàng kỳ mỗi thứ 12g, phụ tử, cao sừng hươu, sơn thù du, thỏ ty tử và bổ cốt chỉ mỗi thứ 9g. Đem các vị sắc lấy nước uống, ngày dùng 1 thang. Chia nước sắc thành 2 lần và uống hết trong ngày. Dùng đều đặn cho đến khi máu cầm được thì ngưng.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị bạch thược và cao sừng hươu mỗi thứ 12g, phụ tử chế, a giao, xuyên khung và xuyên quy mỗi thứ 8g, thục địa 16g, gừng khô nướng cháy 6g. Sắc uống ngày dùng 1 thang.
7. Thuốc Đông trị chứng băng lậu do âm hư
Thận âm hư thường xảy ra ở tuổi dậy thì khi thận khí còn non yếu không thể điều tiết kỳ kinh, dẫn đến kinh nguyệt không đều và gây ra chứng băng huyết. Hoặc cũng có thể xảy ra do sinh nở sớm, hoạt động tình dục không điều độ khiến thận âm bất túc, tinh huyết hư hao và gây rong kinh.
Chứng băng lậu do âm hư biểu hiện với tình trạng rối loạn kinh nguyệt, lượng kinh nhiều bất thường, vòng kinh không đều. Máu kinh đặc sệt, có màu đỏ, thắt lưng mỏi nhừ, đầu váng và ù tai.
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị hạn liên thảo, quả dâu, hoài sơn và xương cá mực mỗi thứ 15g, sinh thục địa, thỏ ty tử, đan bì, khởi tử, thù du nhục, tục đoạn, nữ trinh tử và cao mai rùa mỗi thứ 9g. Đem các vị sắc uống và chia nước sắc thành 2 lần, dùng hết trong ngày. Sử dụng bài thuốc đến khi cầm máu thì ngưng.
- Bài thuốc 2: Dùng ô tặc cốt, mẫu lệ, long cốt, hoài sơn và thục địa mỗi thứ 12g, phục linh, trạch tả và đơn bì mỗi thứ 8g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
8. Bài thuốc trị rong kinh do âm hư lâu ngày gây huyết hư
Nếu rong kinh do âm hư lâu ngày không được trị có thể dẫn đến chứng huyết hư. Với thể bệnh này, nên dùng bài thuốc sau:
- Chuẩn bị: Xuyên quy, xuyên khung, thạch hộc, nữ trinh tử, quy bản, a giao và ngải cứu mỗi thứ 8g, bạch thược 10g và thục địa 12g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
9. Bài thuốc chữa rong kinh thể đàm thấp
Băng lậu do thể đàm thấp đặc trưng bởi triệu chứng người thừa cân, miệng nhạt, mạch hoạt, rêu lưỡi trắng nhờn, chất dày và sắc lưỡi đỏ nhạt. Với thể bệnh này, Đông y dùng pháp trị tiêu đàm, kiện tỳ.
- Chuẩn bị: Bán hạ và hương phụ mỗi thứ 8g, nhọ nồi, ngưu tất, bạch linh và bạch truật mỗi thứ 12g, cam thảo 6g, đẳng sâm 16g và trần bì 10g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
Mọi thắc mắc cần tư vấn các bạn hãy liên hệ trực tiếp Đông y Tâm Mộc Viên hoặc hotline 0789503555 để được giải đáp kịp thời !